Xuất khẩu xi măng sang Myanmar: Thời cơ & thách thức

Thứ sáu, 01/07/2011 00:00
Từ viết tắt Xem với cỡ chữ
Vừa qua, TCty Công nghiệp Xi măng Việt Nam (VICEM) đãcùng đoàn công tác của Bộ Xây dựng do Bộ trưởng Nguyễn Hồng Quân dẫn đầuđến thăm và làm việc tại Myanmar (từ ngày 9 - 14/6).
Ngoài việc tham gia theo chương trình chung, đoàn công tác VICEM còn làm việc với Hiệp hội các nhà đầu tư Việt Nam tại Myanmar, một số DN có chương trình xúc tiến đầu tư đã và đang hoạt động tại Myanmar, tìm hiểu và tiếp xúc với một số DN của đất nước này. Đoàn cũng làm việc với cơ quan chính phủ Myanmar như: Bộ Thương mại, Ngân hàng YOMA bank, Bộ Công nghiệp… tìm hiểu và nghiên cứu một số tài liệu pháp lý cũng như khảo sát, tìm hiểu về đất nước Myanmar như tổng quan kinh tế, mức độ phát triển, nguồn nguyên nhiên liệu cho sản xuất xi măng (XM), cơ hội và thách thức… Trao đổi với phóng viên Báo Xây dựng, ông Nguyễn Thanh Tùng - Chánh văn phòng VICEM cho biết: VICEM đang tìm hiểu thị trường Myanmar còn vấn đề có xuất khẩu sản phẩm XM sang thị trường này hay không còn phải tìm hiểu và nghiên cứu nhiều vấn đề, đặc biệt là khung pháp lý của Myanmar.

Những năm gần đây kinh tế Myanmar bắt đầu mở cửa và chính phủ cởi mở hơn trong những chính sách thu hút đầu tư. Tuy nhiên, điều mà các nhà đầu tư lo ngại là theo Luật Đầu tư thì nhà đầu tư nước ngoài được chuyển lợi nhuận về nước nhưng hiện tại chưa có ngân hàng nước ngoài nào được phép hoạt động tại Myanmar. BIDV mở được chi nhánh nhưng do bị cấm vận nên chưa có DN nào thực hiện được hình thức chuyển tiền trực tiếp mà đều phải qua ngân hàng trung gian hoặc theo hình thức hàng đổi hàng. Mức phí qua ngân hàng trung gian là một con số không nhỏ, hơn nữa nếu chạm khung cấm vận dẫn đến tài khoản bị phong tỏa là điều các DN lo ngại.

Giá bán XM tại Myanmar tương đối hấp dẫn là một điều không thể phủ nhận. Bộ Công nghiệp cho biết giá bán XM nhập khẩu là 90 ngàn Kyat (khoảng 112,5 USD/tấn) và giá bán XM của nhà nước là 60 ngàn Kyat (khoảng 75 USD/tấn). Bộ Xây dựng cho biết giá XM nhập khẩu CIF tại cảng Yagoon khoảng 85 - 89 USD/tấn, giá bán thực tế khoảng 100 - 110 USD/tấn, còn Báo Thương mại Myanmar ra ngày 13/6/2011 cho biết XM bán lẻ tại Yagoon là 5.200 Kyat/bao; 130 USD/tấn, XM bán buôn 100 - 110 USD/tấn.

Vấn đề về thị trường và năng lực sản xuất XM chưa có con số thống kê chính thức nhưng cán cân cung - cầu XM hiện tại là khả năng sản xuất chỉ khai thác được 40 - 50% công suất các nhà máy, mỗi năm cung cấp ra thị trường khoảng 2,5 - 3,5 triệu tấn. Trong khi nhu cầu thị trường từ 5 - 6 triệu tấn/năm. Số XM thiếu hụt được nhập khẩu từ Thái Lan chiếm 70 - 80% với 2 nhãn hiệu chính là Elephant và Diamond, số còn lại nhập khẩu từ Malaysia và Trung Quốc.

Myanmar cho biết nguồn nguyên liệu đáp ứng cho sản xuất XM khá phong phú, có trữ lượng lớn tập trung phần lớn ở Madalay Division, Hpaan Mawlamyine, Ayeyarwady Division, Kayah State. Tuy vậy, mạng lưới giao thông không thuận tiện như nơi thì không gần hệ thống đường thủy, nơi có sông gần biển lại xảy ra ngập lụt, địa chất địa tầng một số nơi không ổn định, nơi lại xa nguồn nguyên liệu than... Giao thông gần như chỉ thừa hưởng lại cơ sở hạ tầng khi là thuộc địa của Anh. Điều này được giải thích là do thu nhập bình quân đầu người còn thấp (khoảng 470 USD/người/năm) và do cấm vận kinh tế nên hệ thống giao thông kém phát triển. Thêm vào đó nguồn cung cấp than lại khá xa so với nguồn đá vôi, nguồn cung cấp điện rất hạn chế. Nguồn điện chủ yếu để phục vụ cho nhu cầu sinh hoạt ở các đô thị, vùng nông thôn còn thiếu điện trầm trọng, các ngành công nghiệp đều không đủ điều kiện để sản xất.

Chính phủ Myanmar khống chế không cho các Cty tư nhân đầu tư các dự án XM có công suất trên 2 nghìn tấn/ngày, hoặc nếu tư nhân đầu tư với công suất 500 tấn/ngày thì phải tự đầu tư hệ thống phát điện. Hơn nữa, dù có hơn 31 triệu lao động nhưng thực tế Myanmar rất thiếu lao động có tay nghề. Thông tin từ VIGLACERA và các DN Việt Nam tại Myanmar thì lao động Myanmar rất chậm, trình độ hạn chế, hầu như phải đào tạo lại mới sử dụng được. Như vậy, tính toán đầu tư một nhà máy XM ở Myanmar cho các nhà đầu tư nước ngoài vẫn còn đó một bài toán chưa tìm ra đáp số.

Đối với ngành XM, có thể thấy bức tranh thị trường Myanmar có những thuận lợi nhất định như: Đã có khung pháp lý cho đầu tư nước ngoài. Chính phủ Myanmar đang có chính sách ưu tiên cho ngành sản xuất VLXD. Nguyên liệu đá vôi có trữ lượng mỏ lớn, chất lượng tốt, thị trường gần như mới, khả năng phát triển tốt vì cơ sở hạ tầng thấp, nhu cầu xây dựng trong tương lai lớn. Các nhà máy XM hiện có đều có công suất nhỏ, công nghệ lạc hậu, giá XM hiện tại khá cao. Tuy nhiên, khó khăn cũng không hề nhỏ như: Thủ tục đầu tư còn qua nhiều cửa, phức tạp… nên chưa thuận lợi cho các DN. Chưa có ngân hàng nước ngoài nào được phép hoạt động tại Myanmar nên khả năng chuyển lợi nhuận về nước khó khăn. Trình độ nguồn nhân lực thấp, đất nước bị cấm vận, điều kiện về tự nhiên, vị trí địa lý rất thuận lợi để DN các nước ở gần như Trung Quốc, Thái Lan đầu tư vào Myanmar. Như vậy, tìm kiếm thị trường xuất khẩu sang Myanmar của VICEM nói riêng và các DN sản xuất XM Việt Nam nói chung vẫn là “cuộc chơi đầy thách thức”.

Trong 6 tháng đầu năm VICEM đã tiêu thụ 9,8 triệu tấn sản phẩm. Trong đó, tiêu thụ trong nước gần 9,2 triệu tấn và xuất khẩu 610 ngàn tấn sản phẩm. Thị trường VICEM xuất khẩu bao gồm Singapore, Philippines, Bangladesh, Hongkong, Lào… trong đó xuất sang Campuchia 30 ngàn tấn clinker. VICEM dự kiến trong năm 2011 sẽ xuất khoảng gần 1 triệu tấn sản phẩm
 
Theo : Báo Xây dựng điện tử
Tìm theo ngày :

Đánh giá

(Di chuột vào ngôi sao để chọn điểm)