Tổng hợp mới nhất từ Bộ Tài nguyên Môi trường cho biết, nhìn chung việc cấp Giấy chứng nhận (GCN) đang được các địa phương triển khai mạnh, nhất là trong năm 2010. Theo đó, diện tích cấp GCN tăng nhanh như đất chuyên dùng tăng 107%, đất tôn giáo tăng 97%.
Trình tự thủ tục có nhiều đổi mới khi người có nhu cầu cấp GCN hoặc đăng ký biến động về quyền sử dụng đất và quyền sở hữu công trình xây dựng chỉ phải nộp 1 bộ hồ sơ tại 1 cơ quan. Thời gian cấp giấy lần đầu giảm từ 55 xuống còn 50 ngày; cấp đổi giảm từ 28 xuống không quá 20 ngày.
Đất sản xuất nông nghiệp đã cấp được hơn 16.1 triệu GCN với diện tích trên 8.2 triệu ha, đạt 84% diện tích cần cấp giấy. Đất lâm nghiệp cấp được 2.5 triệu giấy với 10.1 triệu ha, đạt 84.5%, đất nuôi trồng thủy sản cấp 1.06 triệu giấy với hơn 576,000 ha, đạt 83.4% diện tích cần cấp.
Đất ở đô thị cấp được 3.57 triệu giấy với diện tích hơn 82,000 ha, đạt 62.9%, đất ở nông thôn cấp được 11.4 triệu giấy với diện tích 422,000 ha, đạt 77% . Đất chuyên dùng cấp được 137,000 giấy với diện tích 443,000 ha, đạt 53% diện tích cần cấp.
Thực hiện Nghị định số 88/2009/NĐ-CP, các địa phương đã triển khai cấp Giấy chứng nhận theo mẫu mới với tổng số 1,277 triệu GCN, tổng diện tích 890,000 ha, trong đó 33,863 GCN bao gồm cả đất và tài sản.
Khắc phục tình trạng tồn đọng GCN
Tại cuộc họp, các đại biểu tập trung phân tích những hạn chế, tồn tại trong công tác cấp GCN quyền sử dụng đất, quyền sở hữu nhà ở và tài sản gắn liền với đất để đưa ra các giải pháp khắc phục trong thời gian tới.
Cụ thể là kết quả cấp GCN so với yêu cầu chưa cao, khối lượng cần thực hiện ở một số loại đất còn nhiều như đất chuyên dùng còn 47%, đất ở đô thị còn 37.1%, đất ở nông thôn còn 23.3%. Đặc biệt là tại các dự án xây dựng nhà ở để bán, tiến độ cấp GCN có nhiều vấn đề gây bức xúc, khiếu kiện.
Tình trạng tồn đọng GCN đã ký nhưng người sử dụng đất chưa đến nhận vẫn còn nhiều ở một số địa phương, điển hình như Kiên Giang còn 77,200 giấy, Cao Bằng còn 40,100 giấy, Hưng Yên còn 35,000 giấy.
Bên cạnh đó, viêc ban hành, hướng dẫn thuộc thẩm quyền địa phương theo quy định của Nghị định số 88/2009/NĐ-CP còn chậm, nhiều địa phương ban hành quy định thời gian giải quyết thủ tục cấp GCN chưa cụ thể tới từng cơ quan, tổng thời gian thực hiện thường ở mức tối đa quy định. Việc xây dựng, cập nhật, chỉnh lý biến động hệ thống hồ sơ, cơ sở dữ liệu địa chính chưa được thực hiện đầy đủ, nghiêm túc.
Theo các phân tích, nguyên nhân chính của những hạn chế này là quy định hiện hành về nghĩa vụ tài chính của người đăng ký cấp GCN còn cao đối với với nhiều hộ gia đình, cá nhân, nhất là khu vực nông thôn.
Việc chấp hành các quy định về cấp GCN và đăng ký biến động đất đai ở nhiều địa phương chưa thực hiện nghiêm, thủ tục thực hiện còn phức tạp. Tình trạng vi phạm pháp luật đất đai trong sử dụng đất như lấn chiếm, chuyển mục đích trái phép, tranh chấp, không sử dụng,… cũng dẫn đến khó khăn, phức tạp trong việc cấp GCN.
Trước tình hình này, cuộc họp đã thống nhất các giải pháp đẩy mạnh hơn nữa việc thực hiện chủ trương đăng ký, cấp GCN quyền sử dụng đất, quyền sở hữu nhà ở và tài sản gắn liền với đất. Cụ thể như tiếp tục rà soát để bãi bỏ các văn bản quy định của địa phương không còn phù hợp với pháp luật hiện hành, tổ chức kiểm tra, giải quyết dứt điểm những tồn tại, vướng mắc liên quan đến việc cấp GCN, nhất là tại các dự án xây dựng nhà ở để bán và các loại đất chuyên dùng, đất ở.
Một giải pháp khác là tiến hành rà soát, sửa đổi các quy định về lệ phí trước bạ theo hướng linh hoạt và phù hợp với các điều kiện từng vùng, từng loại đối tượng, thực hiện cân đối, bố trí kinh phí hỗ trợ để thực hiện các dự án đo đạc, lập bản đồ địa chính, cấp GCN và lập hồ sơ địa chính, cơ sở dữ liệu đất đai.
Theo Website Chính phủ