Thợ xây dựng Việt Nam trên đất nước hoa hồng

Thứ sáu, 25/03/2011 00:00
Từ viết tắt Xem với cỡ chữ
Trong cái rét âm 17 độ và tuyết rơi trắng xoá ở xứ sở hoa hồng, chúng tôi đã tới thăm và gặp gỡ những người thợ xây dựng Việt Nam vẫn đang cần mẫn làm việc trên băng tuyết. Thật không ngờ tại đất nước Châu Âu với những công trình kiến trúc lâu đời lại có hàng loạt công trình gắn với bàn tay tài hoa của người thợ xây dựng Việt Nam...

Nói về những người “khai thiên lập địa”, tiên phong sang đất nước hoa hồng làm nghề xây dựng, có lẽ phải kể tới anh Nguyễn Hữu Tài, một thương gia gắn bó với Bulgaria lâu năm nhất. Anh cũng là một trong những thành viên của Hội Người Việt tại Bulgaria. Đa số những người Việt sống tại đây đều đến và làm việc ở Sofia theo chương trình Hợp tác lao động từ những năm 80 của thế kỷ trước. Có lẽ một sự tình cờ thú vị đã khiến họ gắn bó với nghề xây dựng bởi như anh Tài nói thì trên 50% số người sinh sống tại Bulgaria đều được đào tạo cơ bản về xây dựng. Hầu hết những công trình lớn nhỏ như: Tolxtoi, Mlados, Naderg… trong và ngoại thành của thủ đô Sofia đều có đóng góp không nhỏ của những người thợ xây dựng Việt Nam trong khâu hoàn thiện về nội thất. Với đôi bàn tay khéo léo và đức tính cần cù, họ đã góp phần hoàn thành những công trình đô thị. Người Bulgaria đã ngạc nhiên và dần bị chinh phục bởi bàn tay tài hoa của họ. Nhìn những người thợ Việt Nam làm việc ông Vladimos chủ thầu xây dựng khu chung cư Maldot nói: Bàn tay những người thợ Việt Nam thật khéo léo và kỳ diệu, đó là việc họ đã làm lên những đường nét hoa văn của những khung cửa, những mái vòm cổ kính mà không một loại máy móc nào có thể làm thay được…

Từ những năm 90 trở lại đây, những hợp đồng hợp tác xuất khẩu lao động về xây dựng chủ yếu là sang các nước châu Á và châu Phi. Còn ở các nước Đông Âu không nhiều, nhất là nước Bulgaria một đất nước nhỏ, mật độ dân số thưa thớt. Theo thống kê của hội người Việt tại Bulgaria, trên toàn đất nước này có khoảng hơn 1.000 người Việt sống và làm việc thì chiếm đến 50% người làm nghề xây dựng. Một ngày đầu xuân lạnh giá, băng tuyết phủ kín phố phường, tôi theo chân những người thợ xây đến các công trình ở phía Đông và Nam thủ đô Sofia. Hé chiếc mũ bảo hộ kín mít còn bám đầy bụi tuyết, anh Bùi Văn Toản, quê ở Vũ Thư - Thái Bình tâm sự: Công việc những người thợ xây ở Bulgaria thì rất đa dạng và phong phú. Có người thì làm thợ chính ngạch như xây dựng trong các công trường lớn đầu tư nước ngoài. Số lượng những người thợ được đào tạo bài bản và làm việc ở những công trường lớn đều đã lớn tuổi (vì họ đều đã sống và làm việc ở Bulgaria trên 20 năm). Song phần lớn là những người làm thợ tự do như anh Toản. Công việc của họ hầu hết là làm nội thất cho các công trình đã hoàn thiện phần thô, rồi ốp đá, sơn bả matit (được gọi là thợ gifl).

Các công trình ở Bulgaria hầu hết là lắp ghép bê tông đúc sẵn, sau đó hoàn thiện bằng thiết bị máy móc. Vì vậy, khi các công trình hoàn thiện đòi hỏi thợ nội thất phải có tay nghề cao, sự chăm chỉ và khéo léo. Tổng số dân Bulgaria chỉ có 7,7 triệu người, số người lao động phổ thông lại rất thấp nên thợ xây dựng, thợ nề cũng như thợ làm nội thất và hoàn thiện không nhiều. Sự thiếu hụt này đã tạo cơ hội cho thợ xây dựng Việt Nam. Thợ nề ở Bulgaria được trả thù lao rất cao. Trung bình, mỗi ngày làm việc của các anh được tính bằng 100 leva (tiền Bulgaria) tương đương với 1,4 triệu đồng tiền Việt Nam. So với mức thu nhập của người dân Bulgaria thì tiền công mỗi ngày của những người thợ Việt Nam khá cao. Trừ chi phí sinh hoạt của cả gia đình, mỗi ngày những người thợ Việt ở Sofia cũng tiết kiệm được 60 leva ( tương đương với 1 triệu đồng tiền Việt).

Tuy nhiên, khi gặp gỡ những người thợ ở Mladot (phía Đông Nam Sofia), nơi mà các khu đô thị đang mọc lên khá nhiều, vẫn còn một điều khiến chúng tôi không khỏi băn khoăn, trăn trở. Đó là câu chuyện về những người thợ Việt Nam đã gắn bó với đất nước này từ thời kỳ năm 80 của thế kỷ trước đến nay. Họ đã từng đóng góp công sức góp phần làm nên nhiều công trình xây dựng Bulgaria song đến nay vẫn chỉ là những người lao động tự do. Tuy rằng thu nhập khá cao nhưng sự ổn định và đời sống còn phụ thuộc vào nhu cầu và thời vụ. Giá mà chính quyền đất nước sở tại có được các chế độ ưu đãi đối với những người đã có quá trình cống hiến về xây dựng lâu dài cho đất nước Bulgaria thì tốt biết bao nhiêu? Dẫu vậy, dù xa quê hương và lao động vất vả, họ vẫn cần mẫn và trách nhiệm cao, cho những công trình xuyên băng tuyết mọc lên…


Theo Báo Xây dựng điện tử

Tìm theo ngày :

Đánh giá

(Di chuột vào ngôi sao để chọn điểm)