Dự án KHCN xi măng 2.500 tấn Clinker/ngày của Lilama: Thay thế nhập ngoại, thực hiện nội địa hoá

Thứ sáu, 25/03/2011 00:00
Từ viết tắt Xem với cỡ chữ
Theo Phó Tổng giám đốc LILAMA Phạm Quang Nhân cho biết: Đây là lần đầu tiên một Dự án KHCN quy mô lớn kết hợp với cơ chế giao Tổng thầu EPC cho doanh nghiệp Việt Nam đã cho phép tập hợp hầu hết đội ngũ chuyên gia từ các Viện nghiên cứu, các Cty tư vấn, Hiệp hội cơ khí, các trường đại học, các đơn vị thiết kế, chế tạo, các Cty xây dựng, lắp máy có nhiều kinh nghiệm trong thi công các Nhà máy xi măng để cùng hợp tác triển khai và đưa vào vận hành một nhà máy xi măng thực tế. Các công đoạn trong dây chuyền sản xuất được nghiên cứu, thiết kế, chế tạo, xây dựng, lắp đặt, vận hành đảm bảo các yêu cầu kỹ thuật.

Nhà máy xi măng Sông Thao địa chỉ ứng dụng đầu tiên của Dự án KHCN, tổng trọng lượng thiết bị, kết cấu thép do Việt Nam chế tạo đạt 5.942/8.353,2 tấn, chiếm 71,13% tổng khối lượng thiết bị nhà máy và 40% giá trị. Nếu không tính phần khối lượng kết cấu thép Tháp trao đổi nhiệt thì khối lượng thiết bị chế tạo đạt tỷ lệ nội địa hóa 65,44% khối lượng.

Và đây cũng là lần đầu tiên Việt Nam đã chế tạo một số thiết bị chính trong dây chuyền sản xuất xi măng lò quay 2.500 tấn clinker/ngày như: Lò nung, thiết bị làm nguội clinker, máy nghiền liệu, nghiền than, nghiền xi măng, máy rải liệu, rút liệu kho tròn bằng bản vẽ thiết kế của mình theo bản quyền, bảo hành của Viện nghiên cứu thiết kế Thiên Tân (Trung Quốc) và Hãng Loesche (CHLB Đức) với tỷ lệ nội địa hóa Hệ thống lò quay đạt 55,5% khối lượng (Tháp trao đổi nhiệt 95,76%, Lò quay 37,92%, Tháp điều hòa 95,76%), Cụm nghiền liệu đạt 69,6% (máy nghiền liệu 49,2%), Cụm nghiền than đạt 74,1% (máy nghiền than 69,84%), Máy nghiền clinker 60%, đặc biệt NARIME đã làm chủ trọn vẹn một gói thầu công đoạn đóng bao từ khâu thiết kế công nghệ, chế tạo, mua sắm (chỉ nhập khẩu 02 máy đóng bao), lắp đặt và vận hành chạy thử thành công.

Như vậy, theo ông Phạm Quang Nhân đối chiếu với mục tiêu đặt ra ban đầu về tỷ lệ nội địa hóa với dây chuyền thứ nhất là 63% khối lượng và 36% giá trị, thì tỷ lệ đạt được 71,13% khối lượng và 40% giá trị tại Nhà máy xi măng Sông Thao là một thành công rất lớn so với những gì ngành cơ khí Việt Nam đã chế tạo thiết bị cho ngành xi măng từ trước tới nay, chủ yếu là chế tạo kết cấu thép và thiết bị phi tiêu chuẩn, hầu như không có thiết bị công nghệ nào hoàn chỉnh như: Dây chuyền 2 xi măng Hoàng Thạch tỷ lệ nội địa hóa đạt 20,2%, các Nhà máy xi măng Bút Sơn, Hoàng Mai, Sông Gianh, Hải Phòng đạt khoảng 30%, xi măng Tam Điệp đạt 35,2%, Nghi Sơn đạt 46,4% về khối lượng và từ 10-15% về giá trị, cá biệt tại những công trình do Trung Quốc trúng thầu EPC khối lượng chế tạo thiết bị từ 0-10%...

Thành công bước đầu của Dự án KHCN đã nâng cao năng lực tư vấn thiết kế công nghệ, thiết kế chế tạo thiết bị chính cho nhà máy xi măng lò quay cho các công ty tư vấn thiết kế, viện nghiên cứu, các nhà máy cơ khí. Ngoài những sản phẩm đã được ứng dụng vào nhà máy xi măng Sông Thao còn được ứng dụng vào một số công trình xi măng trong nước khác như Nhà máy xi măng Lam Thạch, xi măng Bình Phước, xi măng Thái Nguyên, xi măng Phúc Sơn, xi măng Bút Sơn, xi măng Thăng Long.... Đến nay, các thiết bị đang vận hành tốt, ổn định được Chủ đầu tư đánh giá cao.

Đây là thành công của một mô hình Tổng thầu EPC do Việt Nam thực hiện, trong đó vai trò của LILAMA, một đơn vị dám nghĩ, dám làm, dám chị trách nhiệm là rất quan trọng và TCty HUD cũng như Cty CP xi măng SôngThao, những người đi đầu, có niềm tin vào các nhà khoa học để đưa các sản phẩm KHCN vào cuộc sống.

Mặc dù đã được sự hỗ trợ của Chính phủ, các bộ, ban ngành liên quan, nhưng trong quá trình triển khai thực hiện Dự án KHCN vẫn còn gặp rất nhiều khó khăn trong việc áp dụng sản phẩm của đề tài vào các Dự án cụ thể. Đề tài “Nghiên cứu, thiết kế kỹ thuật phần công nghệ”, “Nghiên cứu, thiết kế, chế tạo máy nghiền đứng”, “Nghiên cứu, thiết kế, chế tạo hệ thống lò quay”, “Nghiên cứu, thiết kế, chế tạo hệ thống đóng bao xi măng tự động” bị ảnh hưởng do chậm tiến độ chung của Dự án xi măng Sông Thao; Đề tài “Nghiên cứu, thiết kế, chế tạo thiết bị lọc bụi công suất lớn” và một số nội dung của Đề tài “Nghiên cứu, thiết kế kỹ thuật phần công nghệ” áp dụng cho Nhà máy xi măng Đô Lương chưa thực hiện được do Dự án chưa triển khai.

Khó khăn nhất của Dự án KHCN là việc tìm địa chỉ ứng dụng cho sản phẩm nghiên cứu, chế tạo. Một số sản phẩm của Dự án KHCN đến nay chưa có địa chỉ ứng dụng như: Quạt gió công suất lớn, máy đập búa, hệ thống tự động hóa. Một số sản phẩm đã tìm được địa chỉ ứng dụng là các Nhà máy xi măng có công suất bé hơn hoặc chế tạo thiết bị có công suất nhỏ hơn so với đăng ký như: Lọc bụi túi, máy rải liệu rút liệu, dây chuyền công nghệ. Một số khác chỉ mới ứng dụng từng phần theo hình thức phụ tùng thay thế cho các Nhà máy xi măng tương tự... nên Chủ đầu tư chưa thật sự tin tưởng hoặc chưa sẵn sàng khi sản phẩm Dự án KHCN chưa được kiểm chứng qua các Dự án thực tế.

Qua 4 năm thực hiện Dự án KHCN với sự nỗ lực của các tổ chức chủ trì thực hiện Dự án, Đề tài và toàn thể các thành viên tham gia thực hiện cũng như sự chỉ đạo, hỗ trợ tạo điều kiện của Bộ Xây dựng, Bộ KH&CN, Bộ Tài chính, Hiệp hội doanh nghiệp cơ khí Việt Nam, những kết quả đạt được đối chiếu với các sản phẩm theo Thuyết minh đăng ký cho thấy Dự án KHCN đã hoàn thành các nội dung đề ra.

Dự án KHCN đã được TCty LILAMA tổ chức triển khai nghiêm túc, bài bản, tuy có chậm hơn so với tiến độ đặt ra, nhưng về cơ bản Dự án đã đạt được đầy đủ các kết quả nghiên cứu và sản phẩm so với đề cương đã được phê duyên ban đầu. Các kết quả của Dự án hầu hết đã được đưa vào thực tiễn sản xuất, ngoại trừ kết quả Đề tài quạt gió công suất lớn, tuy nhiên, đã được đưa ra chạy thử và nghiệm thu đúng với các thông số kỹ thuật đã được phê duyệt. Hội đồng Khoa học đánh giá cao kết quả và sản phẩm của dự án.

Trên cơ sở kết quả đạt được, TCty LILAMA đề nghị Chính phủ tiếp tục hỗ trợ, tạo điều kiện cho những sản phẩm của Dự án KHCN được ứng dụng vào Dự án xi măng Đô Lương - Nghệ An công suất 2.500 tấn clinker/ngày và xi măng Long Thọ - Huế công suất 4.000 tấn Clinker/ngày. Chính phủ nên có các cơ chế đặc thù để chỉ định TCty LILAMA cùng với các đơn vị chế tạo cơ khí có năng lực trong nước được tiếp tục thực hiện làm Tổng thầu EPC các Dự án trọng điểm quốc gia trong lĩnh vực xi măng, nhiệt điện... để có điều kiện áp dụng các sản phẩm của Dự án KHCN vào thực tiễn.


Theo Báo Xây dựng điện tử

Tìm theo ngày :

Đánh giá

(Di chuột vào ngôi sao để chọn điểm)