Đảm bảo đồng bộ trong di dời các trường đại học

Thứ bẩy, 12/03/2011 00:00
Từ viết tắt Xem với cỡ chữ
Ngày 11/3, Phó Thủ tướng Nguyễn Thiện Nhân đã nghe cácbộ, ngành liên quan báo cáo các phương án về Đề án quy hoạch, xây dựngvà di dời các trường đại học, cao đẳng vùng Hà Nội và TP Hồ Chí Minh.

Phó Thủ tướng Nguyễn Thiện Nhân đặc biệt lưu ý phải chuẩn bị chu đáo, thận trọng phương án di dời các trường đại học, cao đẳng. Ảnh: Chinhphu.vn

Công khai các tiêu chí di dời

Thứ trưởng Bộ GDĐT Bùi Văn Ga khẳng định sẽ công bố công khai, minh bạch các nguyên tắc di dời. Các trường di dời toàn bộ thì không được thuê lại hoặc không được giữ lại cơ sở vật chất của trường; phần đất cũ phải bàn giao cho cơ quan quản lý theo quy định của pháp luật.

Bộ GDĐT đã trình bày dự thảo quy định về các tiêu chí di dời, theo đó đã nêu lên 2 tiêu chí để xem xét như sau:

Tiêu chí 1: Diện tích đất/1 sinh viên quy đổi: đất học tập từ 20-30m2/sinh viên quy đổi; đất KTX: 10-15m2/sinh viên quy đổi; đất phục vụ thể dục thể thao tối thiểu 10m2/sinh viên quy đổi; đất công cộng 5-10m2/sinh viên quy đổi.

Tiêu chí 2: Diện tích xây dựng sử dụng/1 sinh viên quy đổi: bình quân cho 1 sinh viên quy đổi từ 9 - 11m2 ; trong đó diện tích giảng đường và lớp học/ 1 sinh viên phải đảm bảo 1,4m2 - 1,5m2; cơ sở nghiên cứu 1,2m2; thư viện 0,5m2; hành chính quản lý 0,5m2; khu ở và sinh hoạt 3m2-5m2

Cả 2 tiêu chí trên đều quy định diện tích này được xác định trên cơ sở “thuộc quyền quản lý và sử dụng của nhà trường được pháp luật công nhận, không thuộc phần đất thuê, đất mượn”.

Áp dụng theo tiêu chí trên, các trường đào tạo ngành công nghệ, kỹ thuật công nghiệp, xây dựng, giao thông vận tải đạt được từ 90% trở lên của tiêu chí 1 thì không thuộc diện di dời.

Các trường tại Hà Nội thành lập từ năm 1975 trở về trước và ở TP phố Hồ Chí Minh từ năm 1980 trở về trước, trường đào tạo các ngành khoa học tự nhiên, khoa học xã hội nhân văn, kinh tế, giáo dục, âm nhạc, luật, mỹ thuật, sân khấu, điện ảnh, ngành đặc thù, trường đào tạo năng khiếu và trường y khoa bên cạnh các bệnh viện…cam kết giữ ổn định quy mô hiện đang đào tạo và đáp ứng từ 50% trở lên của tiêu chí 1 và 100% tiêu chí 2 cũng sẽ không thuộc diện di dời.

Các trường tại Hà Nội thành lập từ 1975 trở về trước và tại TP Hồ Chí Minh từ năm 1980 trở về trước, trường đào tạo ngành công nghệ, kỹ thuật công nghiệp, xây dựng, giao thông vận tải đạt từ 50% đến dưới 90% của tiêu chí 1 và không đạt tiêu chí 2 thuộc diện di dời một phần.

Các trường đào tạo ngành nghề đáp ứng nhu cầu phát triển kinh tế xã hội, trường mới thành lập và trường có nhu cầu tiếp tục tăng quy mô không hội đủ trên cả 2 tiêu chí trên sẽ nằm trong diện di dời toàn bộ.

Đối chiếu với 2 tiêu chí trên, tại Hà Nội dự kiến có khoảng 19 trường thuộc diện di dời toàn bộ và 16 trường di dời 1 phần trên tổng số 62 trường đại học, cao đẳng trong khu vực nội thành hiện nay.Số sinh viên cần di dời khoảng 283.000 sinh viên/478.000 sinh viên.

TP. Hồ Chí Minh dự kiến có khoảng 17 trường di dời toàn bộ và 13 trường di dời một phần trên tổng số 69 trường đại học, cao đẳng trong khu vực nội thành hiện nay. Số sinh viên cần di dời là 170.000/516.000 sinh viên.
 
 
Toàn cảnh phiên họp. Ảnh: Chinhphu.vn
 
Phải chuẩn bị chu đáo, thận trọng trên cơ sở pháp luật

Khẳng định chủ trương di dời các trường đại học, cao đẳng ra ngoại thành là cần thiết, phù hợp với xu thế phát triển của đô thị hiện đại nhưng Phó Thủ tướng Nguyễn Thiện Nhân đặc biệt nhấn mạnh, đây là công việc rất lớn, nhạy cảm đòi hỏi tất cả các bộ, ngành, TP Hà Nội và TP Hồ Chí Minh xử lý thận trọng trên cơ sở pháp luật do tác động trực tiếp tới nhiều nhóm dân cư đô thị và ngoại thành, nhất là học sinh, sinh viên. Do đó, Phó Thủ tướng đề nghị quá trình di dời phải đảm bảo đồng bộ về quy hoạch, chính sách và sự phối hợp giữa các cơ quan quản lý với nhà trường.

Phó Thủ tướng chốt lại mấy điểm sau: Trước 20/3, Bộ GDĐT trao đổi kỹ với Bộ Xây dựng và lấy ý kiến của TP Hà Nội, TP. Hồ Chí Minh về việc xây dựng và ban hành tiêu chí di dời các trường đại học.

Trước 30/3, Bộ GDĐT và Bộ Xây dựng tham khảo ý kiến của các trường đại học, cao đẳng đang đứng chân ở Hà Nội và TP Hồ Chí Minh.

Hà Nội và TP Hồ Chí Minh chủ động cung cấp thông tin về quy hoạch mạng lưới đô thị và giao thông trong tương lai, gửi các nhà trường để có cơ sở lựa chọn ví trí cho mình.

Trước 15/4, Bộ GDĐT, Bộ Xây dựng trình Thủ tướng Chính phủ về tiêu chí di dời các trường đại học. Sau khi báo cáo Thủ tướng Chính phủ, 2 Bộ sẽ làm việc với từng trường để phân loại và khẩn trương lên các phương án di dời với từng đối tượng cụ thể.

Ngày 20/4, Phó Thủ tướng Nguyễn Thiện Nhân sẽ chủ trì cuộc họp để tiếp tục nghe báo cáo các phương án triển khai thực hiện Đề án này.

Cuối tháng 5/2011, Phó Thủ tướng Nguyễn Thiện Nhân sẽ chủ trì cuộc họp lần cuối cùng về nội dung nêu trên, sau đó lên danh sách các trường đủ tiêu chí di dời, từ đó sẽ trình Thủ tướng Chính phủ xem xét, quyết định.

Tiêu chí lựa chọn địa điểm hình thành khu đại học mới của Bộ Xây dựng:

-Vị trí địa lý là nơi có điều kiện tự nhiên an toàn, thuận lợi; thời gian đi tới trung tâm thành phố (trong điều kiện bình thường) không quá 60 phút.

- Quỹ đất mới có khả năng cung cấp và hình thành khu đại học, đáp ứng các tiện nghi phục vụ đào tạo, nghiên cứu khoa học và đáp ứng nhu cầu rèn luyện thể lực của sinh viên. Chỉ tiêu đất đai tối thiểu trung bình 65m2/sinh viên.

- Có khả năng cung cấp về hạ tầng kỹ thuật và hạ tầng xã hội như: giao thông, cấp điện, cấp nước, dịch vụ đô thị và các yếu tố môi trường khác.
 
Theo : www.chinhphu.vn
Tìm theo ngày :

Đánh giá

(Di chuột vào ngôi sao để chọn điểm)