Riêng trong năm 2010 đã có hơn 20 đối tác liên hệ với Hội Bất động sản Du lịch Việt Nam để thảo luận về các cơ hội hợp tác nêu trên.
Cũng theo Hội Bất động sản Du lịch Việt Nam, hiện Việt Nam đã nằm trong top 5 địa điểm du lịch được ưa thích của khách Nhật Bản với khoảng 450,000 lượt khách Nhật đến Việt Nam vào năm 2010.
Việt Nam có những vùng thắng cảnh tươi đẹp, khí hậu nhiệt đới quanh năm có ánh nắng mặt trời ấm áp tương phản hoàn toàn với mùa đông ảm đạm và nguy hiểm cho sức khỏe người lớn tuổi ở các nước có khí hậu ôn đới. Đặc biệt nền văn hóa Việt Nam được nhìn nhận là nền văn hóa bản địa gần gũi nhất với Nhật Bản.
Hơn nữa, chi phí sinh hoạt tại Việt Nam còn thấp, đồng nghĩa với mức hưởng thụ tương đối cao, ngay cả khi so sánh với các nước trong khu vực. Các dịch vụ cao cấp như spa, người giúp việc, chăm sóc y tế, du lịch, nhà ở, thể thao, với một chi phí không đáng kể so với tại Nhật.
Được biết, vào tháng 4 tới, Hội Bất động sản Du lịch Việt Nam sẽ tổ chức đoàn đi Nhật xúc tiến Chương trình “Làng nghỉ dưỡng cho người hưu trí Nhật Bản” nhằm phát triển thị trường bất động sản nghĩ dưỡng dành cho người cao tuổi (retirement properties) tại Việt Nam và cũng là để giải quyết vấn đề đầu ra cho các dự án bất động sản du lịch tại Việt Nam hiện nay.
Trước đó, ngày 1-3, đại diện Bộ Kinh tế - Thương mại và Công nghiệp Nhật Bản cùng một số tập đoàn lớn đã đến thăm, tìm hiểu môi trường đầu tư tại tỉnh Bình Dương.
Thành phố mới Bình Dương được thiết kế hiện đại bậc nhất Việt Nam cũng như Đông Nam Á - Ảnh minh họa |
Ông Hiroshi Tsuchiya, Phó Giám đốc Phòng Kế hoạch Công nghiệp - Dịch vụ thuộc Bộ Kinh tế - Thương mại và Công nghiệp Nhật Bản đánh giá cao môi trường đầu tư của Bình Dương, trong đó chiến lược quy hoạch và đầu tư cơ sở hạ tầng, cho thấy tiềm năng rất lớn về phát triển của tỉnh.
Ông Hiroshi Tsuchiya cho rằng, tuy các dự án đầu tư của Nhật Bản vào Bình Dương có chậm hơn một số nước khác nhưng tới đây, Bộ Kinh tế - Thương mại và Công nghiệp Nhật Bản sẽ thúc đẩy mạnh mẽ các dự án đầu tư vào Bình Dương. Hiện quan tâm lớn nhất của các tập đoàn của Nhật Bản là xây dựng đô thị và phát triển công nghiệp phụ trợ.
Ông Lê Thanh Cung, Chủ tịch UBND tỉnh Bình Dương, đánh giá rất cao các dự án đầu tư của Nhật Bản tại Bình Dương, mang lại hiệu quả kinh tế cao, giải quyết việc làm, tạo thêm thu nhập ổn định cho người lao động.
Theo lãnh đạo tỉnh Bình Dương, trong 6-7 năm tới, tỉnh sẽ đẩy nhanh đô thị hóa nhằm đưa Bình Dương trở thành thành phố trực thuộc Trung ương, do đó rất cần các nhà đầu tư có chiến lược và nguồn vốn lớn vào hợp tác làm ăn, xây dựng. Bình Dương rất ủng hộ các nhà đầu tư Nhật Bản và tạo mọi điều kiện tốt nhất cho các dự án kinh doanh, làm ăn có hiệu quả.
Cùng ngày, đoàn doanh nghiệp Nhật Bản đã đi khảo sát tại thành phố mới Bình Dương và làm việc với Tổng công ty Becamex nhằm xúc tiến các dự án cụ thể, trong đó các tập đoàn của Nhật quan tâm và muốn tham gia xây dựng thành phố mới Bình Dương.
Thành phố mới Bình Dương được quy hoạch xây dựng trên diện tích 1,000 ha, có sức chứa hơn 300 ngàn dân sinh sống. Hiện Bình Dương đã xây dựng khu trung tâm chính trị - hành chính tập trung, dự kiến hoàn thành vào năm 2013 và di dời toàn bộ cơ quan, ban, ngành vào thành phố mới hoạt động.
Theo Tuổi trẻ