Tối 26/2, đoàn 106 người gồm kỹ sư, công nhân bậc cao củaCty CP Lilama 10 (TCty Lắp máy Việt Nam LILAMA) đã rời Libya về tới sânbay Nội Bài an toàn.
Lao động bậc cao của Lilama luôn hấp dẫn thị trường lao động nước ngoài. Ảnh: Hà Duy Tình
Đây là 106 lao động của Lilama làm việc tại dự án Nhà máy nhiệt điện Lisco, nằm ở TP Misurata, cách thủ đô Tripoli khoảng 250km về phía tây. Kỹ sư điện Phạm Khắc Tuyên - Chỉ huy trưởng công trường Nhà máy nhiệt điện Lisco, Trưởng đại diện Cty CP Lilama 10 tại Libya kể lại: “Ngay từ ngày 16/2, khi biểu tình tại Libya mới manh nha, tôi đã báo cáo về Cty, đề xuất phải rút người về nước và đưa ra kế hoạch cụ thể với phương châm: Bằng mọi cách phải về Tripoli, bởi ở đó mới có sân bay quốc tế”. 6 ngày sau đó, để thực hiện kế hoạch, anh thuê 12 xe taxi loại 12 chỗ, nhờ quen biết thuê luôn cả cảnh sát địa phương hỗ trợ, dẫn đường. “Để đề phòng bất trắc có thể xảy ra trên quãng đường 250km từ TP Misurata về Tripoli, chúng tôi phải chia làm 2 đoàn, mỗi đoàn 6 xe. Đoàn đầu rời Misurata chiều tối 22/2. Khi thấy tình hình yên ổn, đoàn sau mới tiếp tục khởi hành vào sáng 23/2. Trên đường đi, cả 2 đoàn đều bị ách lại bởi nhiều trạm gác tự lập của cả quân chính phủ và người dân địa phương. Tuy nhiên, khi biết là đoàn của người Việt Nam, tất cả đều vui vẻ mở chốt cho đoàn đi qua”, kỹ sư Tuyên nhớ lại. Sau đó là 3 ngày nằm chờ phía ngoài sân bay để chờ máy bay cùng với cả vạn người tị nạn đủ các nước, trong đó có cả đồng bào Việt Nam. Lương thực, thực phẩm chỉ có mì tôm sống, bánh bích quy và sữa hộp. Điện thoại phải rất dè xẻn, chỉ ưu tiên những liên lạc quan trọng vì không có chỗ sạc điện thoại. Được hôm thứ hai thì gặp phải mưa đá. Cái lạnh cùng sự hỗn loạn, bất ổn về an ninh khiến nhiều người trong đoàn lo lắng, có người suy sụp tinh thần rõ rệt. Anh Tuyên cùng một số trưởng nhóm phải động viên, khích lệ anh em rất nhiều. Rồi tin vui cũng đến. 10 giờ sáng 25/2, máy bay sẽ tới. Nhưng chờ mỏi mắt đến tận trưa, vẫn không thấy máy bay đâu, mọi người lại càng lo lắng. Rồi cuối cùng, chiếc máy bay của Air Memphis cũng hạ cánh xuống sân bay Tripoli, vào lúc 16h chiều. Hóa ra do vấn đề bảo mật giờ bay nên thông tin ban đầu đưa ra không chính xác.
Nhờ sự phối hợp kịp thời hiệu quả phía Cty và sự nhanh nhẹn của kỹ sư Tuyên, cuối cùng mọi người đã về tới sân bay an toàn trong sự mừng vui của gia đình, người thân. Ai cũng cảm thấy mình là người may mắn. “Chỉ mong sao, những bà con Việt Nam còn lại trên đất Libya sẽ sớm được về nước đoàn tụ với gia đình như bọn mình. Để không ai còn phải thấp thỏm, lo âu về sự hiểm nguy rình rập nữa”, kỹ sư Tuyên bùi ngùi nói.
Theo : Báo Xây dựng điện tử