Trong văn bản số 318/TB-VPCP, Phó Thủ tướng Nguyễn ThiệnNhân yêu cầu dự thảo quy hoạch xây dựng hệ thống các trường đại học(ĐH), cao đẳng (CĐ) vùng Thủ đô Hà Nội và TP Hồ Chí Minh đến năm 2025 vàtầm nhìn đến năm 2050 phải hoàn thành và trình Thủ tướng Chính phủtrước ngày 20/1/2011.
Từ tháng 2 đến tháng 8/2011, các trường ĐH, CĐ thuộc 2 vùng phải phối hợp với các địa phương để đăng ký kế hoạch di dời đến địa điểm mới theo quy hoạch.
Phó Thủ tướng cũng yêu cầu thành lập Tổ công tác liên Bộ gồm đại diện các Bộ: Xây dựng, Giáo dục và Đào tạo, Tài chính, Kế hoạch và Đầu tư, Tài nguyên và Môi trường, Giao thông vận tải. Tổ công tác do Bộ Xây dựng chủ trì có nhiệm vụ hoàn thiện dự thảo quy hoạch trên.
Phó Thủ tướng lưu ý trong quy hoạch Bộ Xây dựng cần phải làm rõ các mô hình xây dựng các trường ĐH độc lập, các khu ĐH tập trung và quy hoạch xây dựng phù hợp các khu ký túc xá sinh viên. Bộ Giáo dục và Đào tạo phải làm rõ nguyên tắc, tiêu chí, danh mục và lộ trình thực hiện việc di dời các trường; nghiên cứu đề xuất mô hình tổ chức Ban quản lý và những vấn đề liên quan đến việc quản lý, khai thác khu ĐH tập trung...
Bộ Giao thông vận tải có nhiệm vụ đề xuất quy hoạch hệ thống giao thông, các điều kiện về giao thông đáp ứng việc hình thành các khu đại học tập trung tại các tỉnh trong 2 vùng.
Theo chỉ đạo của Phó Thủ tướng, trong năm 2011, tập trung xây dựng kế hoạch triển khai quy hoạch này và triển khai thí điểm việc xây dựng một số khu ĐH tập trung theo quy hoạch để rút kinh nghiệm như: Khu ĐH Phố Hiến tại Hưng Yên và các khu ĐH đã dự kiến hình thành ở các tỉnh khác.
Được biết, Hà Nội và TP Hồ Chí Minh là nơi có mật độ tập trung trường ĐH, CĐ cao nhất trong mạng lưới trường học của cả nước. Trên địa bàn Hà Nội có tới 1/3 tổng số trường ĐH và CĐ toàn quốc, chiếm 40% tổng số sinh viên toàn quốc (khoảng 66 vạn sinh viên), tập trung chủ yếu trong khu vực nội đô. Điều này đã gây áp lực quá tải tới hệ thống kết cấu hạ tầng đô thị. Vì vậy, việc di dời trường học không những giảm áp lực cho khu vực nội đô mà còn tạo điều kiện cho ngành giáo dục phát triển với mục tiêu chất lượng cao, tạo động lực cho phát triển đô thị.