Phạm vi lập quy hoạch bao gồm toàn bộ địa giới hành chính của thành phố với tổng diện tích 3.344,47 km2 và dân số gần 6,23 triệu người (thống kê năm 2008).
Trong nhiệm vụ quy hoạch nghĩa trang có nội dung khuyến khích các tổ chức và cá nhân tham gia đầu tư xây dựng và quản lý nghĩa trang.
Đồng thời, nội dung nghiên cứu quy hoạch phải xác định được phạm vi phục vụ của các nghĩa trang, nhà tang lễ, các chỉ tiêu kinh tế-kỹ thuật; xác định các nghĩa trang cần đóng cửa, di chuyển hoặc cải tạo mở rộng để tiếp tục sử dụng; xác định vị trí, ranh giới các nghĩa trang, nhà tang lễ xây dựng mới;...
UBND thành phố Hà Nội là cơ quan tổ chức lập quy hoạch, trình Bộ Xây dựng thẩm định, Thủ tướng Chính phủ phê duyệt.
Quy hoạch sẽ được lập trong thời gian 9 tháng, từ nay đến đầu tháng 8/2011.
Được biết, hiện tại, thành phố Hà Nội có 7 nghĩa trang quy mô cấp thành phố (Mai Dịch, Văn Điển, Thanh Tước, Yên Kỳ cũ, Sài Đồng, Ngọc Hồi, Nhổn) với tổng diện tích khoảng 70 ha. Ngoài ra còn có rất nhiều nghĩa trang có quy mô nhỏ nằm lẫn lộn trong các khu dân cư, gây ô nhiễm môi trường.
Đại đa số các nghĩa trang của Hà Nội hiện đều đã quá tải, trong đó nghĩa trang Văn Điển đã phải dừng chôn cất địa táng từ tháng 7/2010 vì không còn diện tích đất trống và vì mục đích bảo vệ môi trường.
Sau khi đóng cửa nghĩa trang Văn Điển, hiện thành phố chỉ có 2 nghĩa trang nhân dân có thể chôn cất là Yên Kỳ (cũ) và Thanh Tước. Nhưng nghĩa trang Thanh Tước đã gần hết chỗ địa táng, nghĩa trang Yên Kỳ (cũ) cũng chỉ còn tiếp nhận thêm được khoảng 2 năm.
Hiện nay, khi thành phố Hà Nội được mở rộng có diện tích tăng gấp 3 và dân số dự kiến tăng gấp đôi (năm 2030) thì việc quy hoạch, xây dựng nghĩa trang mới, đặc biệt là nghĩa trang hung táng và nghĩa trang tái định cư (cát táng phục vụ giải phóng mặt bằng các ngôi mộ khi triển khai các dự án hạ tầng) đang là nhu cầu cấp bách của thành phố.