Chính phủ cùng TP Hồ Chí Minh chống úng ngập và ách tắc giao thông

Thứ ba, 16/03/2010 00:00
Từ viết tắt Xem với cỡ chữ
Ách tắc giao thông và tình trạng ngập nước đang được coilà 2 thách thức lớn, gây nhiều cản trở đối với sự phát triển của TP HồChí Minh, trung tâm kinh tế năng động nhất cả nước.

Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng xem bản đồ hệ thống đường sắt đô thị TP.HCM - Ảnh Chinhphu.vn

Dưới sự chủ trì của Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng, ngày 15/3, Thường trực Chính phủ đã họp với lãnh đạo TP.HCM để xem xét và xử lý nhiều vấn đề cấp bách liên quan đến sự phát triển kinh tế - xã hội của thành phố lớn nhất nước.

Hạ tầng không theo kịp nhu cầu phát triển

Theo báo cáo của UBND TP.HCM, là đô thị lớn và năng động, nhưng thực trạng phát triển hạ tầng giao thông, đô thị đang mất cân đối. Cả thành phố hiện có khoảng 3.768 km đường, trong đó 70% là đường có bề rộng dưới 7m với diện tích giao thông mới chiếm 1,8km/km2 diện tích chung.

Trong khi đó, số lượng, tốc độ gia tăng phương tiện và hành trình giao thông liên tục tăng mạnh hàng năm. Hiện toàn thành phố có 4,4 triệu xe các loại, trong đó có 4 triệu xe máy, 404.000 ôtô. Trung bình mỗi ngày lại có thêm 115 ôtô và 1.149 xe máy mới đổ xuống các con đường, cùng với khoảng 1 triệu xe máy, 60.000 ôtô ngoại tỉnh “xâm nhập” vào nội đô.

Các chỉ số khác càng làm tăng thêm tình trạng bất lợi. Dân số cơ học tăng quá nhanh, sự phát triển đô thị tập trung quá cao ở khu vực trung tâm, ý thức chấp hành pháp luật, văn hóa trong tham gia giao thông của một bộ phận người dân chưa cao, vận tải công cộng mới chỉ đáp ứng khoảng 7% nhu cầu và thành phố cũng chưa có các phương thức vận chuyển hành khách khối lượng lớn như tàu điện ngầm, đường sắt trên cao,…

Trong năm 2009, trên địa bàn thành phố đã xảy ra 69 vụ ùn tắc giao thông lớn, kéo dài trên 30 phút, tăng 25 vụ so với năm 2008. Còn các vụ ùn ứ cục bộ cũng xảy ra nhiều hơn.

Bên cạnh đó, TP.HCM đang phải đối mặt với tình trạng ngập nước ngày càng nghiêm trọng, đặc biệt do tác động của tình trạng biến đổi khí hậu toàn cầu. Tính chung toàn địa bàn, những khu vực có địa hình thấp dưới +2m chiếm tới 55% diện tích, hơn 2.008 km sông, kênh rạch nhưng chỉ khoảng 1.050 km đê, bờ bao.

Theo đánh giá, hiện nay hệ thống thoát nước của thành phố mới đạt khoảng 1/6 chiều dài cần xây dựng và chỉ phục vụ 10% diện tích cần thoát nước. Chính vì thế, với diễn biến ngày càng bất lợi của thời tiết, lưu lượng mưa lớn đã dẫn tới tình trạng úng ngập thường xuyên của 79 tuyến đường, 629 ha trong khu vực nội thành khi xuất hiện triều cường, 78 điểm ngập trên 3 lần, 48 điểm ngập từ 1 - 2 lần do mưa.

Các nhà lãnh đạo thành phố nhấn mạnh, thực trạng này chính là một trong những nguyên nhân chính dẫn tới nền kinh tế - xã hội thành phố dù vẫn dẫn đầu cả nước nhưng chưa đạt được tốc độ tương xứng với tiềm năng.

Dự án triển khai phải khả thi, đúng tiến độ

Tại Hội nghị, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng khẳng định sự quan tâm tạo điều kiện của Chính phủ để TP.HCM ngày càng phát triển, tạo động lực cho cả nước bước sang kế hoạch 5 năm giai đoạn 2011-2015.
 
 

Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng: TP.HCM cũng cần tập trung chỉ đạo triển khai thi công đạt tiến độ các dự án đang và sẽ làm - Ảnh Chinhphu.vn


Thủ tướng chỉ rõ, trong 3 hướng đột phá để phát triển nhanh, bền vững của đất nước (đột phá về cơ chế quản lý, đột phá về nguồn nhân lực và đột phá về hạ tầng kỹ thuật), thì TP.HCM đang gặp phải thách thức không nhỏ trong vấn đề hạ tầng kinh tế, kỹ thuật và xã hội. Những lực cản này phải được ưu tiên khắc phục, giải quyết trước một bước.

Đồng ý với kế hoạch do thành phố đề xuất với 6 nhóm giải pháp lớn để giải quyết tình trạng ách tắc giao thông và 9 chương trình mục tiêu xử lý chống ngập, tuy nhiên, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng nhấn mạnh yêu cầu rà soát quy hoạch, tính toán lại những chương trình, dự án với yêu cầu phải có tầm nhìn xa và đặc biệt phải có tính khả thi cao.

“Đơn cử như đường vành đai 3. Đây là dự án rất cấp thiết nhưng nếu giao cả, làm dàn trải có được không? Dự án này phải có bổ sung, phân đoạn đầu tư hợp lý, phân công trách nhiệm đầu tư để có thể huy động tối đa các nguồn lực”, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng nói.

Bên cạnh đó, TP.HCM cũng cần tập trung chỉ đạo triển khai thi công đạt tiến độ các dự án đang và sẽ làm. Nhu cầu đầu tư xây dựng hạ tầng của TP là rất lớn, nhưng thời gian qua, tiến độ triển khai nhiều dự án chậm trễ, thậm chí góp phần gây ra ách tắc, cản trở giao thông, sinh hoạt của nhân dân.

Các đơn vị hữu quan trên địa bàn cần thực hiện tốt công tác chuẩn bị đầu tư, giải phóng mặt bằng. TP.HCM là địa phương thu hút nguồn ODA lớn nhất nước và cũng có nhu cầu lớn kêu gọi các gói đầu tư đối với hạ tầng giao thông, các chương trình ứng phó biến đổi khí hậu, nước biển dâng. Vì vậy, việc sớm có dự án sẽ giúp TP. chủ động và cân đối sớm được nguồn lực để triển khai.

Có thể áp dụng những cơ chế thí điểm

Về vấn đề quan trọng nhất để triển khai đầu tư hạ tầng thành phố là vốn, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng khẳng định: Đối với các dự án đầu tư có hiệu quả, Chính phủ sẽ tạo điều kiện tối đa cho thành phố đủ lực, đủ cơ chế để triển khai, từ nguồn vốn ngân sách, vốn vay, ODA, cho đến đổi đất lấy hạ tầng...

“Trên cơ sở xây dựng một phương án tài chính cụ thể, dài hạn cho kế hoạch phát triển hạ tầng, thành phố có thể thực hiện một số mô hình dự án thí điểm về huy động vốn cũng như bộ máy tổ chức chỉ đạo”, Thủ tướng gợi ý.

Bên cạnh đó, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng cũng cho ý kiến chỉ đạo đối với một số vấn đề, dự án trọng điểm, có tính cấp bách và tạo sự đồng bộ trong bài toán chống ùn tắc giao thông, chống ngập cho thành phố, như đường cao tốc Bến Lức – Long Thành, đường vành đai 3, đường sắt trên cao số 1, 2, 3, 4, đường sắt đô thị số 5, các công trình kiểm soát nước triều dâng, xây dựng cơ chế kiểm soát nhập cư, phát triển các đô thị vệ tinh, kéo giãn dân số nội đô…
 
Theo : www.chinhphu.vn
Tìm theo ngày :

Đánh giá

(Di chuột vào ngôi sao để chọn điểm)