Xi-măng Hoàng Thạch 30 năm xây dựng và phát triển

Thứ tư, 03/03/2010 00:00
Từ viết tắt Xem với cỡ chữ
Sau ba mươi năm xây dựng và phát triển, đến nay Công tyxi-măng Hoàng Thạch (thuộc Tổng công ty công nghiệp xi-măng Việt Nam) đãcó ba dây chuyền với tổng công suất thiết kế 3,5 triệu tấn xi-măngăm.Sản phẩm xi-măng Hoàng Thạch năm 2009 tiêu thụ trên thị trường đạt hơn 4triệu tấn và đang là một trong những công ty có sản lượng tiêu thụ lớnnhất cả nước. Thương hiệu xi-măng Hoàng Thạch trở thành thương hiệu nổitiếng, biểu tượng của sự bền vững an toàn và ổn định.
Vạn sự khởi đầu nan

Cuối những năm 60 và đầu năm 70 của thế kỷ trước, cuộc kháng chiến chống Mỹ, cứu nước của dân tộc ta đang trong giai đoạn quyết liệt. Mặc dù phải tập trung lãnh đạo quân, dân cả nước chống lại cuộc chiến tranh phá hoại của đế quốc Mỹ ở miền bắc và dồn sức người, sức của chi viện cho cách mạng miền nam, nhưng Ðảng và Chính phủ vẫn đồng thời hoạch định chiến lược xây dựng, phát triển kinh tế đất nước lâu dài, trong đó có chủ trương xây dựng các nhà máy xi-măng hiện đại. Trên cơ sở các dữ kiện về nguồn nguyên liệu đã được nghiên cứu, một số địa điểm đã lựa chọn, Ðảng và Nhà nước đã quyết định đầu tư xây dựng Nhà máy xi-măng Hoàng Thạch và Nhà máy xi-măng Bỉm Sơn. Ngày 15-11-1976, Thủ tướng Chính phủ ra Chỉ thị số 448/TTg về việc "xây dựng Nhà máy xi-măng Hoàng Thạch" và giao nhiệm vụ cụ thể cho các bộ, các ngành, địa phương. Ngay sau đó một tháng, ngày 15-12-1976, đồng chí Ðỗ Mười (lúc đó là Phó Thủ tướng Chính phủ) ký Quyết định số 474/TTg "Phê chuẩn nhiệm vụ thiết kế Nhà máy xi-măng Hoàng Thạch", với tên gọi: Nhà máy xi-măng Hoàng Thạch. Ðịa điểm xây dựng tại thôn Hoàng Thạch (xã Minh Tân, huyện Kim Môn, tỉnh Hải Hưng) và thôn Vĩnh Tuy (xã Vĩnh Khê, huyện Ðông Triều, tỉnh Quảng Ninh). Số vốn đầu tư ban đầu để xây dựng dây chuyền 1 là 73.683.000 USD. Nhà máy do hãng F.L.Smidth (Vương quốc Ðan Mạch) thiết kế và cung cấp toàn bộ thiết bị. Công nghệ sản xuất theo phương pháp khô, chu trình kín, đạt trình độ tự động hóa cao. Công suất thiết kế: 1.000.000 tấn clanh-ke/năm (3.100 tấn/24 giờ) để sản xuất 1,1 triệu tấn xi-măng/năm.

Ðúng 7 giờ 30 phút ngày 19-5-1977, lễ khởi công xây dựng Nhà máy xi-măng Hoàng Thạch. Trong bối cảnh còn nhiều khó khăn, cơ sở vật chất, kỹ thuật thiếu thốn, nhưng cán bộ, công nhân tham gia xây dựng Nhà máy xi-măng Hoàng Thạch đã nỗ lực vượt bậc, hoàn thành mục tiêu, nhiệm vụ giai đoạn đầu với khối lượng công việc rất lớn gồm: trộn và đổ 86.115 m3 bê-tông, tiếp nhận 44.391,6 tấn thiết bị, vật tư. Tạo điều kiện thuận lợi cho giai đoạn thi công lắp đặt các hạng mục công trình chủ yếu của nhà máy. Sau gần bảy năm xây dựng và lắp đặt thiết bị, những người thợ thi công đã đóng xuống lòng đất 118.334 m3 cọc bê-tông, đổ 99.500 m3 bê-tông vào các hạng mục công trình, tiếp nhận 44.391,6 tấn thiết bị các loại.

Thực hiện nhiệm vụ từng bước tiếp nhận các hạng mục công trình và toàn bộ công trình, sớm đưa nhà máy đi vào sản xuất, ngày 4-3-1980, đồng chí Ðồng Sỹ Nguyên (lúc đó là Bộ trưởng Bộ Xây dựng) ký Quyết định số 333/BXD-TCCB về việc thành lập Nhà máy xi-măng Hoàng Thạch. Quyết định nêu rõ: Nhà máy xi-măng Hoàng Thạch trực thuộc Liên hiệp các xí nghiệp xi-măng. Trụ sở nhà máy tại thôn Hoàng Thạch, xã Minh Tân, huyện Kim Môn, tỉnh Hải Hưng (nay là thị trấn Minh Tân, huyện Kinh Môn, tỉnh Hải Dương). Khi thành lập nhà máy, số lượng công nhân Việt Nam có tay nghề cao rất ít, cán bộ quản lý và kỹ thuật vừa thiếu vừa chưa có kinh nghiệm sản xuất xi-măng. Ðội ngũ cán bộ của nhà máy và các xưởng chủ yếu từ Nhà máy xi-măng Hải Phòng và các Viện của Bộ Xây dựng, công nhân chủ yếu mới tuyển dụng. Do đó, trong thời kỳ đầu bước vào sản xuất, nhà máy phải thuê một số chuyên gia nước ngoài để vận hành và quản lý một số các máy móc, thiết bị kỹ thuật và công nghệ sản xuất.

Ðể chuẩn bị lực lượng cán bộ, công nhân kỹ thuật vận hành các thiết bị kỹ thuật của dây chuyền 1, lãnh đạo nhà máy rất chú trọng công tác đào tạo, coi đây là nhân tố quyết định đến quá trình tiếp quản chuẩn bị sản xuất của nhà máy sau này. Ngoài việc tự đào tạo, lãnh đạo nhà máy còn tuyển chọn công nhân, nhất là công nhân kỹ thuật có tay nghề cao; tiếp nhận cán bộ kỹ thuật từ các cục, vụ, viện, các nhà máy, xí nghiệp khác và học sinh của Trường công nhân kỹ thuật xi-măng Bút Sơn. Trong thời gian chuẩn bị sản xuất, Hãng F.L.Smidth đã cử nhiều chuyên gia sang theo hợp đồng để xây dựng, lắp đặt, hiệu chỉnh máy móc, thiết bị theo công nghệ mới; tổ chức kiểm tra trình độ chuyên môn, tay nghề trực tiếp đối với kỹ sư, công nhân kỹ thuật Việt Nam và phân công kèm cặp trực tiếp theo phương pháp một kèm một. Ðiểm đáng chú ý là tinh thần vươn lên làm chủ kỹ thuật, công nghệ sản xuất xi-măng, làm chủ nhà máy của đội ngũ cán bộ, công nhân rất cao, nên trình độ của cán bộ kỹ thuật, công nhân mỗi năm một tăng. Mặt khác, nhà máy đã phối hợp với các cơ quan nghiên cứu, các trường đại học, trong đó Trường đại học Bách khoa Hà Nội, Viện Máy công nghiệp... cử các chuyên gia đầu ngành giúp nhà máy tìm hiểu về thiết bị, công nghệ mới, nắm đặc tính kỹ thuật cơ bản của từng thiết bị, từng cụm chi tiết, đồng thời cũng là dịp để viết các tài liệu, từng bước hoàn chỉnh trở thành các giáo trình giảng dạy tại các trường đại học. Cả nhà máy lúc này như một phòng thí nghiệm lớn để đào tạo các cán bộ chuyên môn về kỹ thuật và công nghệ sản xuất xi-măng theo công nghệ tiên tiến trên thế giới và tiếp cận công nghệ tự động hóa thế hệ mới được ứng dụng vào sản xuất tại Việt Nam.

Theo thỏa thuận ban đầu giữa Việt Nam và Ðan Mạch, công trình xây dựng Nhà máy xi-măng Hoàng Thạch sẽ hoàn thành trong vòng 36 tháng kể từ ngày khởi công. Nhưng thực tế thời gian thi công xây dựng, lắp đặt chạy thử là 6 năm 8 tháng, gấp hơn hai lần so với dự kiến ban đầu. Nhờ có sự quan tâm đúng mức của lãnh đạo, phong trào phát huy sáng kiến, cải tiến kỹ thuật đạt được kết quả tốt, giữa năm 1983, việc hiệu chỉnh các thông số đã hoàn thành, nhà máy đã tiến hành vận hành lò nung dưới sự điều khiển của các chuyên gia. Ðây là thời điểm vô cùng khó khăn, phức tạp vì sau nhiều lần đốt và vận hành lò nung, sản phẩm vẫn cho ra bột. Mỗi lần dừng lò nung để rút kinh nghiệm và hiệu chỉnh các thông số kỹ thuật là cả một khoảng thời gian lo lắng, sau mỗi lần hiệu chỉnh thì bãi đổ bột tả phế liệu ngày càng cao dần lên. Song ý chí và nghị lực của người thợ xi-măng không hề bị khuất phục. Ngày 25-11-1983, dây chuyền 1 Nhà máy xi-măng Hoàng Thạch chính thức cho ra lò mẻ clanh-ke đầu tiên trước sự vui mừng khôn xiết của toàn thể cán bộ, công nhân nhà máy, các chuyên gia nước ngoài và đại diện những đơn vị tham gia thi công.

Từng bước vươn lên làm chủ công nghệ, phát triển bền vững

Sau 10 năm thực hiện đường lối đổi mới của Ðảng, đất nước ta đã vượt qua thời kỳ gay go thử thách, đạt được nhiều thành tựu có ý nghĩa hết sức quan trọng, khẳng định công cuộc đổi mới theo định hướng xã hội chủ nghĩa của Ðảng là đúng đắn, hợp với ý nguyện của toàn dân. Ðại hội Ðảng toàn quốc lần thứ VIII khẳng định quyết tâm của toàn Ðảng, toàn dân ta là: "Tiếp tục sự nghiệp đổi mới, đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa vì mục tiêu dân giàu, nước mạnh, xã hội công bằng, văn minh vững bước tiến lên chủ nghĩa xã hội". Ðể hoàn thành nhiệm vụ, Công ty xi-măng Hoàng Thạch đã quán triệt và triển khai các chủ trương, chính sách, đường lối của Ðảng, pháp luật của Nhà nước và các mục tiêu, biện pháp Ðại hội Ðảng bộ Công ty lần thứ 6 đề ra đến cán bộ, đảng viên, công nhân viên thông qua Ðại hội công nhân viên chức hằng năm. Trong đó có nội dung phấn đấu giữ vững vai trò chủ đạo của kinh tế quốc doanh trong nền kinh tế nhiều thành phần và đề ra các biện pháp về sản xuất, tiêu thụ sản phẩm và lao động, việc làm.

Tuy nhiên, thời điểm này, công ty cũng gặp nhiều khó khăn: một số thiết bị của dây chuyền 1 sau thời gian khai thác, sử dụng tuy được bổ sung thay thế từng phần, song nhìn chung đã xuống cấp, có những thiết bị đã lạc hậu không còn phụ tùng thay thế. Dây chuyền Hoàng Thạch 2, sau thời gian thi công, xây dựng và lắp đặt thiết bị, ngày 12-5-1996 đã được Hội đồng nghiệm thu của Tổng Công ty xi-măng Việt Nam tổ chức nghiệm thu. Công trình xây dựng, lắp đặt dây chuyền 2 đã hoàn thành vượt mức tiến độ về thời gian và đạt giá trị xây lắp thực tế thấp hơn dự toán hơn 100 tỷ đồng. Từ năm 1997, trên thị trường có thêm nhiều sản phẩm xi-măng của các liên doanh, nên thị trường xi-măng ngày càng cạnh tranh gay gắt. Do nắm vững kỹ thuật và công nghệ sản xuất xi-măng, công ty đã từng bước vượt qua thách thức, khó khăn, luôn hoàn thành các chỉ tiêu, kế hoạch Nhà nước giao cho, sản lượng năm sau cao hơn năm trước, chất lượng sản phẩm luôn được sự tín nhiệm của người tiêu dùng. Ðến năm 1997, sản lượng tiêu thụ đạt hơn 2,1 triệu tấn, doanh thu đạt 1.773 tỷ đồng, nộp ngân sách 220 tỷ đồng, lợi nhuận đạt 106 tỷ đồng.

Tiếp tục đầu tư mở rộng sản xuất, ngày 4-2-2007, Công ty xi-măng Hoàng Thạch đã tổ chức khởi công xây dựng Dự án dây chuyền 3 Nhà máy xi-măng Hoàng Thạch, với công suất thiết kế 1,2 triệu tấn/năm và ngày 26-12-2009 cho ra lò mẻ clanh-ke đầu tiên, nâng tổng công suất thiết kế của cả ba dây chuyền lên 3,5 triệu tấn/năm. Năm 2009, mặc dù gặp những khó khăn từ cuộc khủng hoảng kinh tế thế giới cũng như việc sửa chữa, bảo dưỡng dây chuyền 1, nhưng nhờ những nỗ lực vượt bậc, công ty vẫn sản xuất clanh-ke đạt hơn 1,7 triệu tấn, bằng 83,1% kế hoạch; sản phẩm tiêu thụ 4,1 triệu tấn, bằng 111,6% kế hoạch, doanh thu đạt 3.478 tỷ đồng, nộp ngân sách 158 tỷ đồng, lợi nhuận 477 tỷ đồng, nâng mức thu nhập bình quân đầu người lên hơn 7 triệu đồng/tháng.

Cùng với sự ra đời và không ngừng phát triển của Công ty xi-măng Hoàng Thạch, một vùng chung quanh công ty đã dần đổi thay, từ một khu vực đồi núi hoang vu, giao thông cách trở, mảnh đất Hoàng Thạch xưa kia - nay đã trở thành một vùng "đá vàng" - một trong những khu công nghiệp có tiềm năng phát triển kinh tế của tỉnh Hải Dương. "Khu đảo - Nhị Chiểu" xưa kia giờ đây đã có đường 188 (dài 19,2 km, mặt đường 9 m) với ba cây cầu: Phú Thái, Hiệp Thượng và Ðá Vách, nối liền với quốc lộ số 5 và quốc lộ số 18). Giao thông thuận lợi, hoạt động sản xuất, kinh doanh của công ty đã tạo điều kiện cho hàng nghìn lao động, nhân dân trong vùng có thêm việc làm; nhịp sống xã hội không ngừng tăng lên; diện mạo kinh tế - xã hội của một vùng quê được đổi thay từng ngày, đời sống vật chất, tinh thần của nhân dân không ngừng được nâng cao, trình độ dân trí ngày càng phát triển. Ba mươi năm xây dựng và phát triển với bao khó khăn thử thách đã không ngăn được ý chí vươn lên của cán bộ, công nhân viên công ty. Từ một đội ngũ non trẻ, bỡ ngỡ trước một dây chuyền sản xuất xi-măng hiện đại, đã từng bước vươn lên nắm vững và làm chủ công nghệ sản xuất xi-măng tiên tiến, ứng dụng các tiến bộ khoa học kỹ thuật; xây dựng và hoàn chỉnh các quy trình quản lý vận hành máy móc, thiết bị; quy trình quản lý chất lượng... để quản lý ba dây chuyền sản xuất xi-măng với công nghệ hiện đại, tiên tiến, có công suất thiết kế 3,5 triệu tấn clanh-ke/năm, tự tin và vững bước đưa công ty trở thành một trong những công ty sản xuất xi-măng có sản lượng lớn nhất đất nước và là công ty mạnh trong Tổng Công ty Công nghiệp xi-măng Việt Nam. Thương hiệu xi-măng Hoàng Thạch đã trở thành một thương hiệu nổi tiếng của xi-măng Việt Nam, biểu tượng của sự bền vững, an toàn và ổn định.

Trải qua 30 năm xây dựng và phát triển, Công ty xi-măng Hoàng Thạch đạt được nhiều thành tựu trên các lĩnh vực, được Ðảng và Nhà nước; các bộ, ngành Trung ương; được Tỉnh ủy, UBND các tỉnh Hải Dương và Quảng Ninh tặng nhiều huân, huy chương và bằng khen, giấy khen...; đặc biệt, Phòng Ðiều hành Trung tâm được tặng danh hiệu đơn vị Anh hùng Lao động trong thời kỳ đổi mới (2000), Công ty được Ðảng và Nhà nước tặng danh hiệu đơn vị Anh hùng Lao động trong thời kỳ đổi mới (2005). Nhân dịp kỷ niệm 30 năm Ngày thành lập (4-3-1980 - 4-3-2010), công ty vinh dự được Ðảng và Nhà nước trao tặng Huân chương Ðộc lập hạng nhì.
 

ÐÀO NGỌC BÌNH
Giám đốc Công ty xi-măng Hoàng Thạch
Theo : Nhân Dân
Tìm theo ngày :

Đánh giá

(Di chuột vào ngôi sao để chọn điểm)