Thấy gì qua cuộc tổng điều tra dân số và nhà ở?

Thứ năm, 14/01/2010 00:00
Từ viết tắt Xem với cỡ chữ
Ngày 1/4/2009, cả nước đã hoàn thành cuộc Tổng điều tra dân số và nhà ở. Những số liệu cơ bản về dân số và nhà ở của cả nước đã phục vụ công tác nghiên cứu, phân tích quá trình phát triển trên phạm vi cả nước và từng địa phương, đáp ứng nhu cầu thông tin đánh giá tình hình thực hiện các kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội thời kỳ từ năm 2000 đến năm 2009 và xây dựng kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội thời kỳ từ năm 2010 đến năm 2020.

10 năm qua, điều kiện nhà ở đã được cải thiện đáng kể.

Đặc biệt, đây là cuộc tổng điều tra mà Bộ Xây dựng tham gia một cách toàn diện hơn trong phần điều tra nhà ở. Để thực hiện nhiệm vụ được giao Bộ Xây dựng đã cử 1 Thứ trưởng tham gia làm Phó trưởng Ban thường trực Ban chỉ đạo Tổng điều tra dân số và nhà ở Trung ương và 1 Phó cục trưởng Cục Quản lý nhà và Thị trường BĐS tham gia Phó Văn phòng Ban chỉ đạo Tổng điều tra dân số và nhà ở Trung ương.

Đồng thời Bộ đã yêu cầu sở Xây dựng các địa phương cử cán bộ tham gia Ban Chỉ đạo Tổng điều tra dân số và nhà ở của địa phương. Cục Quản lý Nhà và Thị trường BĐS đã phối hợp rất chặt chẽ với Tổng Cục thống kê từ khâu xây dựng tiêu chí, đối tượng điều tra, mẫu phiếu điều tra, cũng như tham gia các cuộc điều tra thử nghiệm, điều tra mẫu, tham gia tổ chức tập huấn cho các điều tra viên và phương pháp tổng hợp kết quả điều tra thực trạng về nhà ở trên toàn quốc.

Rút kinh nghiệm từ cuộc Tổng điều tra dân số và nhà ở năm 1999, Bộ Xây dựng đã đề xuất thay đổi cách tính diện tích nhà ở cũng như cách xác định chất lượng nhà ở. Về cách tính diện tích nhà ở, nếu như cuộc tổng điều tra năm 1999 diện tích nhà ở được tính theo diện tích sử dụng thì nay để đơn giản hóa việc ghi chép và tính toán của các điều tra viên trước khi ghi vào phiếu điều tra, diện tích nhà ở của các hộ gia đình được tính theo diện tích sàn nhà ở (phần nền, sàn có mái che và có tính diện tích mặt bằng của kết cấu chịu lực, bao che). Về chất lượng nhà ở, Tổng điều tra dân số và nhà ở năm 1999 phân loại chất lượng nhà ở thành 4 loại: nhà ở kiên cố, nhà bán kiên cố; nhà khung gỗ lâu bền và nhà đơn sơ. Việc phân loại như vậy dẫn đến lẫn lộn giữa phân loại  theo chất lượng nhà ở với phân loại theo loại hình nhà ở; đồng thời việc đánh giá, phân loại nhà ở chủ yếu là cảm tính, phụ thuộc rất nhiều vào điều tra viên nên không chính xác. Khắc phục những nhược điểm nêu trên, chất lượng nhà ở lần này cũng được chia thành 4 loại: nhà ở kiên cố, nhà bán kiên cố; nhà thiếu kiên cố và nhà đơn sơ nhưng được đánh giá trên cơ sở chất lượng của vật liệu chính cấu thành nhà ở. Ngoài chỉ tiêu về diện tích, chất lượng nhà ở cuộc Tổng điều tra dân số và nhà ở lần này còn đánh giá hình thức sở hữu nhà ở, thời gian đưa nhà ở vào sử dụng, loại hình nhà ở (nhà chung cư/nhà riêng lẻ) và một số tiện nghi sinh hoạt chủ yếu, như: tỷ lệ hộ sử dụng nước hợp vệ sinh, tỷ lệ hộ sử dụng hố xí hợp vệ sinh, tỷ lệ hộ dùng điện lưới sinh hoạt ...

Ngày 31/12/2009 Ban Chỉ đạo Tổng điều tra dân số và nhà ở Trung ương đã công bố Kết quả Tổng điều tra dân số và nhà ở. Tính đến 0 giờ ngày 1/4/2009 dân số Việt Nam là 85.789.573 người tăng 9,5 triệu người so với năm 1999. Tổng số hộ là 22.628.071 hộ (năm 1999 là 16.661.366 hộ). Trong đó số hộ có nhà ở 22.616.919 hộ, không có nhà ở hoặc không xác định được nhà ở 11.152 hộ.

Tổng diện tích nhà ở, diện tích bình quân nhà ở trên đầu người: Tổng diện tích sàn nhà ở 1.596.711.304m2, trong đó: Tại khu vực đô thị: 585.254.321m2. Tại khu vực nông thôn 1.011.456.984m2. Diện tích sàn nhà ở bình quân trên đầu người 18,6m2 sàn/người (tương đương 13,02m2 sử dụng), trong đó: tại khu vực đô thị 23,1m2 sàn/người (tương đương 16,17m2 sử dụng) và tại khu vực nông thôn 16,7m2 sàn/người (tương đương 11,69m2 sử dụng). Trong 6 vùng trên cả nước thì khu vực Đông Nam Bộ đạt 22,1m2 sàn/người là khu vực có diện tích nhà ở bình quân trên đầu người cao nhất cả nước, khu vực Đồng bằng Sông Hồng đạt 19m2 sàn/người, khu vực Tây Nguyên có diện tích nhà ở bình quân trên đầu người đạt 15,3m2 sàn/người thấp nhất cả nước.

Số lượng và cơ cấu về chất lượng nhà ở như sau: Nhà ở kiên cố 10.637.052 nhà/căn hộ (chiếm 47%), nhà ở bán kiên cố 8.551.939 (37,8%), nhà ở thiếu kiên cố 1.763.050 nhà/căn hộ (7,8%), nhà ở đơn sơ 1.664.064 nhà (7,4%) và nhà ở không xác định được về chất lượng là 815 nhà (0,0036%). Trong đó, tại khu vực đô thị nhà ở kiên cố chiếm 42,5%, nhà ở bán kiên cố chiếm 51,6%, nhà ở thiếu kiên cố chiếm 3,3% và nhà ở đơn sơ chiếm 2,6%; tại khu vực nông thôn, số lượng nhà ở kiên cố chiếm 49%, nhà ở bán kiên cố chiếm 31,7%, nhà ở thiếu kiên cố chiếm 9,8% và nhà ở đơn sơ chiếm 9,5%. So sánh các vùng trên cả nước thì tỷ lệ nhà ở kiên cố tại khu vực Đồng bằng sông Hồng là 89,7% cao nhất cả nước, khu vực Bắc Trung bộ và Duyên hải miền Trung là 63,0%, khu vực  ĐBSCL có tỷ lệ nhà ở kiên cố  thấp nhất là 8,3%.

Về hình thức sở hữu nhà ở thì nhà riêng chiếm 93%, nhà thuê hoặc mượn chiếm 6,4%, các hình thức sở hữu khác chiếm tỷ lệ không đáng kể. Phân loại nhà ở theo thời gian sử dụng cho thấy: có 6% nhà ở được sử dụng trước năm 1975, 45% sử dụng trong thời gian 1975 - 1999 và tới 49% số nhà ở được sử dụng từ năm 2000 đến nay. Về tiện nghi sinh hoạt của các hộ dân cư, đến nay đã có 87% hộ sử dụng nguồn nước hợp vệ sinh; 54% hộ sử dụng hố xí hợp vệ sinh, trong đó tại đô thị là 87,8%; 96% số hộ sử dụng điện lưới thắp sáng, 87% hộ có ti-vi và 46% hộ có điện thoại cố định.

Như vậy có thể thấy điều kiện về nhà ở của cả nước đã có bước tiến vượt bậc trong 10 năm qua kể cả về tổng diện tích, số lượng hộ có nhà ở, chất lượng nhà ở và diện tích bình quân nhà ở. Về số lượng hộ có nhà ở tăng từ 16.649.999 hộ năm 1999 lên 22.616.919 hộ năm 2009; tổng diện tích nhà ở tăng từ 769 triệu m2 (diện tích sử dụng) lên 1.596 triệu m2 sàn; diện tích bình quân đầu người tăng từ 9,7m2 sử dụng/người lên 18,6m2 sàn/người; tỷ lệ nhà ở kiên cố tăng từ 12,8% năm 1999 lên 47% năm 2009; tỷ lệ nhà ở đơn sơ giảm từ 22,64% xuống còn 7,4%, trong đó có những vùng nhà ở đơn sơ chiếm tỷ lệ rất thấp như vùng Đồng bằng sông Hồng chỉ còn 0,2% số nhà ở là nhà đơn sơ. Tuy nhiên, kết quả điều tra cũng cho thấy chất lượng nhà ở, diện tích nhà ở vẫn chưa phát triển đồng đều giữa các khu vực, giữa đô thị và nông thôn trong thời gian qua.v


Nguyễn Mạnh Hà
- Cục trưởng Cục Quản lý nhà và Thị trường BĐS
Tìm theo ngày :

Đánh giá

(Di chuột vào ngôi sao để chọn điểm)