Theo Bộ Xây dựng, đến thời điểm này, cả nước có gần 500 dự án khu đô thị mới quy mô trên 20ha. Ý tưởng xây dựng khu nhà ở đơn lẻ đã dần được chuyển hướng thành các khu đô thị mới với xu thế phát triển đồng bộ cả nhà ở, hạ tầng xã hội, hạ tầng kỹ thuật.
Các khu đô thị mới tại miền Bắc được triển khai sớm nhất và chiếm tới 57% tổng số dự án khu đô thị mới trong toàn quốc; điển hình là dự án Khu Dịch vụ tổng hợp và nhà ở hồ Linh Đàm-Hà Nội với quy mô 184ha do Tổng công ty Đầu tư Phát triển Nhà và Đô thị (HUD- thuộc Bộ Xây dựng) thực hiện từ năm 1997.
Qua khảo sát cho thấy, các dự án khu đô thị mới tập trung quá nhiều vào khu vực đồng bằng, còn các đô thị khu vực miền núi như Tây Nguyên hay vùng núi phía Bắc thì chưa được chú ý đến. Hiện mới chỉ có 44 tỉnh, thành có dự án khu đô thị mới. Như vậy, vẫn còn khoảng 30,16% địa phương chưa thực hiện đầu tư xây dựng nhà ở theo phương thức mới.
Trong quá trình phát triển các khu đô thị mới vẫn tồn tại nhiều nhược điểm cần khắc phục. Điển hình là sự xuất hiện những bất cập trong mối quan hệ chung và riêng ở khu đô thị mới; mối quan hệ giữa chủ đầu tư và chính quyền đô thị với thời điểm bàn giao cho chính quyền đô thị.
Cùng đó là hạ tầng kỹ thuật trong và ngoài hàng rào dự án tại một số khu đô thị mới không đồng bộ nên rất khó khăn cho việc đấu nối, kết hợp... Do quá trình thực hiện dự án đầu tư xây dựng các khu đô thị kéo dài nên các công trình hạ tầng xã hội như trường học, chợ, khu vui chơi... chưa đáp ứng kịp thời cho cư dân sinh sống tại đây.
Hiện, các chuyên gia đô thị đang cảnh báo về hình dáng các khu đô thị mới không tương xứng với quy hoạch xây dựng được duyệt do chủ đầu tư thường lựa chọn những khu đất thuận lợi cho giải phóng mặt bằng./.
Theo TTXVN