Sắc màu Bản Vẽ

Thứ năm, 22/10/2009 00:00
Từ viết tắt Xem với cỡ chữ
Dẫu chỉ là một buổi chiều ngắn ngủi và vội vàng nhưng Bản Vẽ đã cho tôi những ấn tượng mạnh mẽ, khó phai. Với những người thợ lao động trên công trình thuỷ điện Bản Vẽ, tôi - kẻ “cưỡi ngựa xem hoa” - đành “mang nợ” bởi chưa thể hiểu đến ngọn ngành về những khối lượng công việc, những cam go mà các anh đã và đang vượt qua. Nhưng chính cái khoảnh khắc hồi hộp và có phần thiêng liêng hôm ấy, nín thở dõi theo chiếc cầu trục chầm chậm thả khối rôto tổ máy 1 nặng hàng vài trăm tấn lắp đúng vị trí, đã cho tôi  những cung bậc cảm xúc rất khó viết thành lời.

Đưa tuabin vào vị trí.

Trừ thời gian ăn tối và nghỉ ngơi qua đêm ở thành phố Vinh, đoàn chúng tôi mất trọn một ngày để vào tới công trường thuỷ điện Bản Vẽ. Lần đầu vào Bản Vẽ, thú thực trong tôi không khỏi chút băn khoăn. Tôi vẫn nhớ như in cái ngày Bản Vẽ đau thương báo tin gần chục người lao động ngành Xây dựng vùi mình vì tai nạn lở núi khi đang khai thác đá phục vụ cho công tác thi công, đồng nghiệp của tôi đã tức tốc lên đường vào Bản Vẽ kịp có những bài báo thấm đẫm tình người, để rồi nỗi buồn ám ảnh ấy đến giờ vẫn chưa nguôi. Bạn tôi bả “Hành trình vào Bản Vẽ gian nan, vất vả lắm!”. Trái lại, vào Bản Vẽ lần này, chúng tôi đi trong niềm vui phấn chấn. Không vui sao được bởi chuyến đi này, chúng tôi may mắn được chia vui và chứng kiến khoảnh khắc lịch sử, lần đầu tiên, người thợ COMA lắp đặt sản phẩm rôto cho tổ máy 1 nhà máy thuỷ điện công suất không hề nhỏ, 320MW. Niềm vui như thấm vào những trận cười nở như pháo ran suốt hành trình, nhuốm lên phong cảnh đèo núi uốn lượn, non xanh nước biếc như tranh hoạ đồ của “đường vô xứ Nghệ”.

Điểm dừng chân của chúng tôi là Nhà máy thuỷ điện Bản Vẽ nằm sâu trong thung lũng, bốn bề chập chùng núi. Nắng tháng tám trải vàng mảnh đất miền Trung vẫn mang dư âm cái nóng rơi rớt của mùa hạ, đủ để tôi chợt nhận ra một điều lý thú: chưa bao giờ tôi thấy “màu cờ, sắc áo” của đội quân xây dựng đẹp đến như thế! Nổi bật trên nền xanh của rừng núi, trong sắc vàng của nắng, cờ của Sông Đà kiêu hãnh với màu trắng sáng, cờ COMA mát dịu màu xanh trứng sáo, bay trên bầu trời chan hoà ánh nắng không gợn chút mây vương. Và xanh trong như làn nước mát, làm dịu đi cái nóng bức bối và khó chịu của miền Trung

Có lẽ không chỉ riêng tôi dâng trào cảm xúc ấy, trong đám đông  những cán bộ trẻ thuộc TCty COMA cũng lần đầu vào công trường, ai đó chợt thốt lên “Tài thật! Đúng là Bản Vẽ”. Cả công trường như một bức tranh sơn dầu, dẫu bộn bề nhưng vẫn có những mảng màu tương phản nổi bật. Tâm điểm chú ý  là chiếc rôto tròn, sơn màu đỏ chót, nằm chễm chệ trên những chân giá đỡ chắc chắn.  Trên cao, sát trần nhà máy là giàn cầu trục tải trọng lớn của nhà thầu Trung Quốc chế tạo phục vụ cho lắp đặt và vận hành Nhà máy, sơn màu vàng rực rỡ. Nhưng có lẽ đẹp nhất vẫn là sắc áo của cánh thợ xây dựng. Lác đác không nhiều áo màu vàng hoa cải của thợ Sông Đà, đậm đà nhất vẫn là màu xanh công nhân truyền thống của thợ cơ khí. Chủ tịch CĐ TCty COMA hồ hởi: “Quần áo bảo hộ được trang bị cả tuần nay nhưng anh em có ý để dành diện đúng vào thời điểm quan trọng này đấy, nhà báo ạ!”. Tôi hiểu, ẩn  trong sự khoe rất khéo ấy của vị “thủ lĩnh” công nhân là niềm tự hào sâu kín rất… COMA. Nghề cơ khí cũng đầy những hiểm nguy rình rập, điện giật, độ cao…, lại luôn tiếp xúc với máy móc, dầu mỡ, giữ một tấm áo sạch để tạo nên hình ảnh đẹp không dễ, bảo vệ sự an toàn lao động lại càng khó vạn lần. Ấy thế nhưng, may mắn sao, dân cơ khí, đặc biệt TCty COMA là một đơn vị có tỷ lệ tai nạn lao động hàng năm thấp nhất trong toàn Ngành. Nội chỉ điều ấy thôi cũng đủ để tự hào lắm chứ!

Tranh thủ chưa đến giờ khởi sự, mọi người nô nức rủ nhau chụp ảnh bên chiếc rôto cao tới chục mét mà chỉ ít giờ nữa sẽ nằm gọn trong lòng nhà máy. Có nhiều lý do để chụp ảnh lưu niệm: lãnh đạo chụp cùng công nhân, chuyên gia Trung Quốc chụp cùng kỹ sư Việt Nam, dân thi công chụp cùng dân cơ khí… Tôi để ý thấy hai chàng kỹ sư vội vã chụp cho nhau, ngượng nghịu giải thích: “Em phải chụp một kiểu gửi về cho vợ con ở nhà kẻo lại bảo đi làm thủy điện Bản Vẽ cả năm nay rồi chả thấy mặt mũi cái công trình ra sao”.

Cuối cùng giờ phút quan trọng cũng đã đến. Đám đông trật tự hơn, tản đều ra. Sự căng thẳng tập trung vào nhóm các kỹ sư chỉ huy lắp đặt. Tiếng máy bộ đàm kêu xoẹt xoẹt nối giữa người chỉ huy điều chỉnh phía dưới với những người thợ vận hành cẩu trục cao tít phía trên. Như để trấn an tinh thần những người thợ trên cao, người đội trưởng chỉ huy nói rõ to vào máy: “Trên ấy nghe rõ chưa? Rõ rồi thì hát thử một bài xem nào”. Những lời nói đùa nhẹ nhàng vào thời điểm ấy có sức mạnh rất lớn, giải toả phần nào những ánh mắt đăm chiêu, căng thẳng.

Vệ sinh tổ máy trước giờ lắp đặt.

Sau những khẩu lệnh ngắn gọn, chiếc cẩu rùng mình, chậm chậm, từ từ nhấc bổng khối thép khổng lồ lên khỏi giá đỡ rồi dừng lại. Thoáng  thấy những bóng áo xanh nhỏ bé thoăn thoắt chui xuống phía dưới. Họ tỷ mẩn cọ đến sáng bóng từng chi tiết, từng góc cạnh của khối thiết bị ấy, sạch sẽ và cẩn trọng. Thời gian nhích từng giây chậm chạp, cuối cùng khối thiết bị nặng gần 500 tấn cũng được hạ độ cao, lồng vào trục quay, chính xác đến từng milimét. Tổng giám đốc Bùi Doãn Tạo giải thích cho tôi hiểu: Nếu may mắn, không có điều gì trục trặc, (và chắc chắn sẽ là như thế!) bộ rôto ấy, trái tim của tổ máy 1 Nhà máy thuỷ điện Bản Vẽ sẽ nằm ngon lành trong lòng đất ấy nhiều năm nữa, trừ khi phải cẩu lên để bảo trì, sửa chữa trong quá trình vận hành sử dụng.

Người cười tươi nhất, rạng rỡ nhất trong tiếng vỗ tay, reo mừng như vỡ òa lên của cánh thợ lắp máy  có lẽ là Phó Tổng giám đốc COMA Dương Văn Hồng. Quen anh từ những ngày đầu về với ngành Xây dựng và quý anh bởi đam mê, tâm huyết với nghề chế tạo, tôi biết người đàn ông này chưa bao giờ ngừng khát vọng chinh phục những đỉnh cao mới cho riêng mình. Anh Hồng tự hào cho biết: Nhà máy thuỷ điện Bản Vẽ là công trình đầu tiên COMA tham gia  lắp đặt thiết bị hai tổ máy và sự thành công của Nhà máy này sẽ mở ra nấc thang mới cho thương hiệu COMA trong lĩnh vực lắp máy và xây dựng thuỷ điện. Để đạt được điều ấy, COMA đã dồn hết những tinh hoa của cơ khí chế tạo và lắp đặt mà trong đó phải kể đến sự góp mặt của đội quân thiện chiến COMA 2, tập thể Anh hùng lao động thời đổi mới, mệnh danh “Sư đoàn 307”: Lắp đâu được đấy! Có một điều rất đỗi tự hào nữa là, theo thời gian, đều đặn COMA 2 cũng là trường đào tạo ra những “tướng tài” cho TCty COMA. Có tới 2 trong số 3 vị Phó Tổng giám đốc đương nhiệm đều trưởng thành từ cái nôi COMA 2 ấy. Hôm nay cả hai người ấy cũng đang có mặt tại công trường, hồi hộp với từng thao tác của những người thợ.

Anh bạn đồng nghiệp của tôi, vốn đã  không ít lần theo các công trình thuỷ điện, chất vấn Tổng giám đốc Bùi Doãn Tạ “Nhiều dự án công suất nhỏ bằng một phần của Bản Vẽ nhưng tổ chức lễ lắp đặt như thế này rất hoành tráng, mời nhiều quan khách đến dự, sao COMA lại lặng lẽ thế?”. Vị  “Tổng tư lệnh” cười nhẹ: “Tác phẩm đầu tay nên COMA cũng chưa dám phát biểu điều gì, tất cả xin hẹn vào ngày chạy vận hành tổ máy”. Tôi thích cái cách giải thích khiêm nhường của vị lãnh đạo TCty, nhưng tôi cũng thích cái “lý lẽ” của hai người thợ áo xanh rỉ tai nhau mà tình cờ tôi nghe được dưới chân tổ máy trong lúc chờ căn chỉnh: “Cũng có gì là ghê gớm lắm đâu!”. Ấy là cái cách nhìn, cách nghĩ rất đặc trưng của người Xây dựng như một câu danh ngôn đã nói: “Không có gì thuộc về tôi mà lại xa lạ với tôi”.

Tàn cuộc vui ngắn ngủi với những người thợ cơ khí áo xanh, chúng tôi về Hà Nội lúc nửa đêm nhưng vẫn biết có những người trở về khi bình minh ló rạng. Đó là Tổng giám đốc Bùi Doãn Tạo và hai Phó tổng Dương Văn Hồng, Trịnh Nam Hải, các anh còn nán lại ăn một bữa cơm công trường đạm bạc, động viên anh em kỹ sư, công nhân. Dẫu chỉ là một cử chỉ nhỏ nhưng tôi biết họ gửi gắm bao điều kỳ vọng: Kỳ vọng thành công, kỳ vọng tương lai tươi sáng mang tên COMA. Và tôi  ước được cùng họ trở lại Bản Vẽ một ngày không xa.


Theo Báo Xây dựng điện tử

Tìm theo ngày :

Đánh giá

(Di chuột vào ngôi sao để chọn điểm)