Tái chế 85% CTR
Từ thực trạng trên, Bộ Xây dựng đã xây dựng Chương trình xử lý CTR sinh hoạt áp dụng công nghệ hạn chế chôn lấp giai đoạn 2009 - 2020 trình Thủ tướng Chính phủ, với quan điểm kết hợp đầu tư của Nhà nước và khuyến khích, huy động các thành phần kinh tế tham gia đầu tư trong lĩnh vực xử lý CTR, đảm bảo đáp ứng mục tiêu đến năm 2020 các địa phương đều được đầu tư xây dựng các nhà máy xử lý CTR áp dụng công nghệ xử lý hạn chế chôn lấp, đặc biệt đối với các khu xử lý CTR có tính chất vùng bằng các nguồn vốn khác nhau nhằm giải quyết triệt để vấn đề bức xúc về ô nhiễm môi trường.
Theo đó, các nhà máy xử lý rác cần được đầu tư xây dựng theo 2 giai đoạn. Giai đoạn 2009 - 2015 sẽ có 85% tổng lượng CTR được thu gom và xử lý đảm bảo môi trường, trong đó khoảng 60% được tái chế, tái sử dụng, sản xuất phân hữu cơ hoặc đốt rác thu hồi năng lượng; Giai đoạn 2016 - 2020 sẽ có 90% tổng lượng CTR được thu gom và xử lý, trong đó 85% được tái chế, tái sử dụng, sản xuất phân hữu cơ hoặc đốt rác thu hồi năng lượng. Áp dụng các công nghệ trong nước và nước ngoài đáp ứng các tiêu chí: Tăng tỷ lệ tái chế, tái sử dụng và hạn chế chôn lấp (<10%); đảm bảo các tiêu chuẩn, quy chuẩn về môi trường; đã được cơ quan có thẩm quyền cấp giấy chứng nhận công nghệ phù hợp.
Để thực hiện được, cần có cơ chế chính sách đối với các dự án thuộc chương trình. Cụ thể: Giao đất đã hoàn thành việc bồi thường, GPMB cho dự án; miễn tiền sử dụng đất; hỗ trợ đầu tư xây dựng các công trình, hạng mục công trình hạ tầng kỹ thuật (đường giao thông, điện, cấp thoát nước) ngoài phạm vi dự án nối với hệ thống hạ tầng kỹ thuật chung của khu vực; được miễn thuế nhập khẩu đối với máy móc, thiết bị, phương tiện, dụng cụ, vật liệu sử dụng trực tiếp trong việc xử lý chất thải; được hưởng ưu đãi về thuế thu nhập DN và thuế giá trị gia tăng theo quy định của pháp luật. Nhà nước khuyến khích cơ quan nhà nước sử dụng sản phẩm từ hoạt động tái chế chất thải nếu đạt tiêu chuẩn và thuộc diện mua sắm của cơ quan Nhà nước. Các sản phẩm từ hoạt động tái chế chất thải, năng lượng thu được từ việc tiêu hủy chất thải được Nhà nước hỗ trợ về giá theo nguyên tắc bảo đảm thu đủ bù chi cộng lãi suất hợp lý; thời gian trợ giá đối với sản phẩm được xác định căn cứ vào thời điểm dự án có sản phẩm và khả năng bù đắp chi phí sản xuất sản phẩm được trợ giá.
Huy động vốn bằng cách nào ?
Hiện nay các dự án đầu tư nhà máy xử lý rác chủ yếu được thực hiện bằng nguồn vốn từ ngân sách Nhà nước hoặc vốn ODA. Tỷ lệ vốn từ ngân sách Nhà nước thấp nhất là 20% và cao nhất đến 90% tổng vốn đầu tư của dự án. Các dự án xử lý rác thải sử dụng vốn ODA, ngoài vốn đối ứng từ ngân sách Nhà nước thì phần còn lại vay vốn ODA với lãi suất khá thấp, bình quân khoảng 2%/năm (bao gồm cả phí). Nguồn thu của các nhà máy từ phí xử lý rác thải do địa phương cam kết chỉ đảm bảo khoảng 30% chi phí xử lý hàng năm. Doanh thu từ các sản phẩm tái chế (phân hữu cơ, nhựa tái chế, gạch block...) hiện khá thấp và không ổn định. Chi phí sản xuất trực tiếp tương đối lớn như chi phí nhân công, chi phí nguyên vật liệu, đặc biệt là lãi suất vay.
Do hiệu quả kinh tế thấp, với cơ chế cho vay tín dụng đầu tư của Nhà nước hiện hành (mức vốn vay tối đa 70%, lãi suất 10,2% năm, thời hạn cho vay tối đa 12 năm; phần vốn còn lại là vốn tự có của doanh nghiệp hoặc do DN tự huy động) thì hầu hết các dự án xử lý rác thải đều không đảm bảo về phương án tài chính, phương án trả nợ vốn vay. Vì vậy, các nhà đầu tư rất khó khăn trong việc huy động các nguồn vốn trong nước cho đầu tư xây dựng các dự án nhà máy xử lý rác thải so với các dự án sử dụng vốn ODA.
Theo Bộ Xây dựng, với suất đầu tư ước tính trung bình là 1 tỷ đồng/tấn rác/ngày, thì với tổng khối lượng CTR cần xử lý đến năm 2020 được xác định là 44 nghìn tấn/ngày, tổng mức đầu tư cần thiết là khoảng 44 nghìn tỷ đồng. Vì vậy, Bộ Xây dựng đưa ra phương án khoảng 50% các dự án áp dụng cơ chế ngân sách Nhà nước cấp tối đa 50% tổng mức đầu tư dự án, trong đó 40% từ ngân sách Trung ương và 10% từ ngân sách địa phương, còn lại là vay vốn ưu đãi của Ngân hàng Phát triển Việt Nam (VDB); khoảng 50% các dự án còn lại chủ yếu sử dụng vốn vay ưu đãi của VDB. Với cơ chế này thì ngân sách Trung ương là 8.800 tỷ đồng, ngân sách địa phương là 2.200 tỷ đồng, vốn vay ưu đãi từ VDB là 29.700 tỷ đồng (ngân sách Nhà nước cấp bù chênh lệch lãi suất cho VDB là khoảng 328 tỷ đồng), còn lại từ các nguồn vốn tự có của DN hoặc do DN tự huy động... Cơ chế này phù hợp với khả năng hỗ trợ đầu tư của Nhà nước, đồng thời khuyến khích, huy động tối đa các nguồn lực trong xã hội tham gia đầu tư.
Theo quy định tại Nghị định số 04/2009/NĐ-CP ngày 14/1/2009 của Chính phủ về ưu đãi, hỗ trợ hoạt động bảo vệ môi trường thì các dự án xử lý rác thải được đặc biệt ưu đãi, hỗ trợ đầu tư. Tuy nhiên, hiện tại việc bố trí đủ vốn ngân sách để hỗ trợ đầu tư tương đối khó khăn và còn thiếu các hướng dẫn cụ thể nên chưa được triển khai trong thực tế. |
Theo : Báo Xây dựng điện tử