Bản Cốc ngày vui
Vừa đặt chân xuống Bản Cốc, chúng tôi bắt gặp những khuôn mặt rạng rỡ, sự đón chào nồng nhiệt của bà con các dân tộc nơi đây. Biết tôi là phóng viên, bà con chen nhau xin được chụp ảnh. Trong đó có 2 vợ chồng người Khơ Mú tự giới thiệu là ông bà Loan kéo tôi đến bên sườn núi, gần cửa xả của Nhà máy thuỷ điện Bản Cốc rồi chỉ tay về phía nhà máy khoe: Nhà báo à, ra đây tôi chỉ cho cái này. Cái con trai út nhà tôi nó làm ở đây này. Nó tên là Hiển. Học xong cấp 3 được Cty nhận về cho đi học rồi làm việc. Nó giờ làm cán bộ rồi, lại còn mang tiền về cho gia đình nữa. Vợ chồng già này thích lắm…
Như để sẻ chia niềm vui, họ chỉ cho chúng tôi thấy ông Chủ tịch xã cũng đang cùng bà con ngắm dòng nước đổ xuống qua cửa xả của Nhà máy. Cũng với thái độ vồn vã, niềm vui hiện trên khuôn mặt, ông Kim Văn Mão, Chủ tịch xã Giao Kim tâm sự: Trước đây đời sống của bà con tù mù lắm. Các gia đình phải tự trang bị máy mô tơ nhỏ cũng chỉ đủ thắp sáng. Khi thuỷ điện Bản Cốc hoà lưới điện quốc gia, cả 10 thôn bản trong xã đã đủ điện dùng. Cơ sở hạ tầng được đầu tư đồng bộ nên bộ mặt của thôn bản được nâng lên rất nhiều, thu nhập của bà con cũng khá, đặc biệt là trình độ của người dân được nâng cao. Chúng tôi mong có thêm nhiều con em được vào làm việc tại thuỷ điện.
Chủ tịch xã Giao Kim mong có thêm nhiều con em được vào làm tại thuỷ điện.
Khẳng định hướng đi đúng
Sau khi nghiên cứu và tìm hiểu các dự án thủy điện vừa và nhỏ trên sông Hiếu, TCty Xây dựng Hà Nội đã tiến hành lập dự án, mời gọi đầu tư và thành lập Cty CP thủy điện Quế Phong. Đến nay các hạng mục công trình của Nhà máy Thủy điện Bản Cốc, Sao Va, tuyến đường dây 35/110KV Quế Phong - Quỳ Hợp và Trạm biến áp 35/110KV Truông Bành đã được hoàn thành. (Riêng nhà máy thủy điện Nhạn Hạc đã hoàn thành công tác khảo sát, thiết kế kỹ thuật, xây dựng hoàn thành cơ bản đường nội bộ và các công trình phục vụ thi công. Các hạng mục chính của công trình này sẽ được thi công trong quý IV/2009). Với những nỗ lực của CBCNV các đơn vị xây lắp và kinh nghiệm quản lý, điều hành của Cty, ngày 11/9 vừa qua, Cụm thuỷ điện Quế Phong đã khánh thành tại Nhà máy Thủy điện Bản Cốc.
Phát biểu tại lễ khánh thành Cụm thuỷ điện Quế Phong, ông Hồ Đức Phớc, Phó chủ tịch UBND tỉnh Nghệ An khẳng định: Đây là công trình có ý nghĩa to lớn trong việc phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh Nghệ An. Cty CP thuỷ điện Quế Phong đã đạt được những thành quả bước đầu, điều đó thể hiện trên suất đầu tư thấp, địa hình đồi núi hiểm trở, điều kiện thi công vô cùng khó khăn nhưng vẫn đảm bảo an toàn.
Cái con trai út nhà tôi nó làm ở đây này - ông bà Loan khoe.
Nơi dòng điện toả sáng
Cả 3 nhà máy thủy điện của Cụm thuỷ điện Quế Phong đều nằm trên vùng địa hình khá phức tạp trong sơ đồ quy hoạch bậc thang thủy điện sông Cả. Nhà máy thuỷ điện Bản Cốc có công suất thiết kế 18MW, điện lượng bình quân hàng năm khoảng 80 triệu KWh. Nhà máy thuỷ điện Sao Va có công suất thiết kế 3MW, điện lượng bình quân hàng năm 15 triệu KWh. Nhà máy thuỷ điện Nhạn Hạc có công suất thiết kế 45MW, điện lượng bình quân hàng năm khoảng 200 triệu KWh. Toàn bộ công suất của các Nhà máy sẽ được chuyển tải vào hệ thống điện quốc gia qua trạm biến áp 110KV Truông Bành, xây dựng tại xã Quế Sơn, huyện Quế Phong, tỉnh Nghệ An. Để hoà vào lưới điện quốc gia, đường dây 35/110KV nối từ Nhà máy thuỷ điện Bản Cốc về Quỳ Hợp đã được xây dựng với tổng chiều dài 65km, nối Nhà máy thuỷ điện Sao Va tới trạm tăng áp Truông Bành dài 12km, nối Nhà máy thuỷ điện Nhạn Hạc tới trạm tăng áp Truông Bành dài 10km. Việc xây dựng tuyến đường dây trên địa bàn đồi núi hiểm trở là một vấn đề khó khăn cho công tác thi công của cụm dự án. Trạm biến áp 35/110KV Truông Bành không những phục vụ cho nâng áp của các nhà máy thủy điện mà còn có ngăn lộ phía 35KV dành để phục vụ điện cho khu vực 3 huyện Quế Phong, Quỳ Châu, Quỳ Hợp.
Đi thăm Nhà máy thuỷ điện Bản Cốc, Bộ trưởng Bộ Xây dựng Nguyễn Hồng Quân đã căn dặn các cán bộ vận hành phải luôn đảm bảo an toàn, có hiệu quả. Làm thuỷ điện mà là thuỷ điện nhỏ trên địa hình hiểm trở là rất khó nhưng hôm nay nhà máy đã phát điện hoà vào lưới quốc gia cho thấy TCty Xây dựng Hà Nội đã có bước đi đúng.
Nguồn điện cung cấp từ 3 Nhà máy đã góp phần cải thiện và nâng cao đời sống, phát triển kinh tế xã hội cho 3 huyện miền Tây Nghệ An, góp phần cải thiện tình trạng thiếu điện năng cho đất nước. Các hồ chứa nước không những chỉ tạo độ ẩm cho núi rừng mà còn giúp cải thiện điều kiện canh tác đất đai khô cằn.
“Khi ánh điện bừng lên, khi đất trời rạng ngời. Đây là lúc chúng ta lòng đầy vơi bao kỷ niệm…”, đó là câu hát được một cán bộ vận hành khe khẽ cất lên. Lời bài hát càng trở nên ý nghĩa giữa núi ngàn. Khi các bản làng lên đèn, núi rừng phía Tây Nghệ An như lung linh hơn, ngời sáng hơn. Rồi từ đây ánh sáng của dòng điện Quốc gia sẽ mang đến cho vùng sâu Quế Phong một diện mạo mới.
Theo Báo Xây dựng điện tử