Như Cổng TTĐT Chính phủ đã đưa tin, Chính phủ đã nghe Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Võ Hồng Phúc trình bày Báo cáo quy hoạch phát triển sân golf trên phạm vi cả nước đến năm 2020, tại phiên họp Chính phủ thường kỳ tháng 8/2009 diễn ra ngày 31/8-1/9.
Chính phủ đánh giá, thời gian qua, tình hình cấp phép đầu tư sân golf ở các địa phương phát triển quá mức cần thiết. Do vậy, nhằm phát huy vai trò tích cực, hạn chế tác động tiêu cực của các sân golf, cần thiết phải xây dựng quy hoạch phát triển hệ thống sân golf theo hướng hình thành hệ thống sân golf phân bố hợp lý trên các vùng, nhằm sử dụng tiết kiệm, hiệu quả đất đai, thúc đẩy phát triển du lịch, thể thao, dịch vụ, góp phần chuyển dịch cơ cấu kinh tế, tạo việc làm, tăng thu ngân sách nhà nước.
Chính phủ yêu cầu quy trình cấp phép xây dựng dự án sân golf phải được tuân thủ nghiêm ngặt, có sự giám sát chặt chẽ.
Chỉ đạo trên của Chính phủ được đưa ra trong bối cảnh dư luận đang có một số ý kiến băn khoăn về số lượng, quy mô, vị trí, hiệu quả kinh tế-xã hội và môi trường của các dự án sân golf, trong đó có vấn đề một số dự án sân golf lấy đất nông nghiệp để đầu tư, khiến người dân bị thiếu ruộng sản xuất, không có việc làm... Ngoài ra, phát triển sân golf còn gây tác động môi trường bởi việc sử dụng hóa chất, làm cạn nguồn nước ngầm.
Tuy nhiên, trong quá trình phát triển đất nước, việc đầu tư, xây dựng các sân golf, khu sinh thái nghỉ dưỡng,... phục vụ nhu cầu ngày càng cao của con người là điều cần thiết, đồng thời cũng đem lại ý nghĩa tích cực trong việc phát triển kinh tế xã hội như thu hút đầu tư nước ngoài, thu hút khách quốc tế đến Việt Nam,...
Chính vì vậy, chỉ đạo trên của Chính phủ thể hiện mạnh mẽ chủ trương đúng đắn trong việc phát triển kinh tế gắn với đảm bảo đời sống an sinh xã hội cho người dân.
Thủ tướng Chính phủ giao Bộ Kế hoạch và Đầu tư chủ trì, phối hợp với Bộ Tài nguyên và Môi trường hoàn chỉnh Báo cáo quy hoạch phát triển sân golf đến năm 2020, trình Thủ tướng xem xét, quyết định.
Được biết, hiện Việt Nam có khoảng 60 sân golf đã đi vào hoạt động và đang trong quá trình xây dựng. Mỗi dự án sân golf đều có diện tích đầu tư lớn hàng trăm ha đất.
Mới đây, Hà Nội đã đưa ra quyết định không tiếp tục triển khai 10 dự án sân golf, kiên quyết dừng các dự án dự định sử dụng đất trồng lúa (một hoặc hai vụ lúa) nhất là ở những vùng đông dân cư, khó giải quyết việc làm đối với các hộ dân bị thu hồi đất, những vị trí nhạy cảm về chính trị, xã hội, văn hóa, tâm linh, gây khó khăn cho công tác giải phóng mặt bằng hoặc ảnh hưởng đến đê điều, các công trình hoặc dự án khác. Việc TP. Hà Nội xác định không khuyến khích đầu tư dự án sân golf đã được nhân dân đồng tình ủng hộ.
Theo : www.chinhphu.vn