Tác phẩm được đánh giá là ít ảnh hưởng đến môi trường. Đó cũng là tiêu chí của giải thưởng Holcim Awards phải có tính bền vững, góp phần bảo vệ môi trường và tiết kiệm năng lượng. Đây là dự án kiến trúc đầu tiên của Việt Nam đoạt giải trong cuộc thi này.
Võ Trọng Nghĩa (bìa phải) tại lễ trao giải Holcim Awards. “Xu thế thiết kế hiện nay lấy yếu tố thiên nhiên làm chủ thể. Tại sao không tận dụng những gì thiên nhiên ưu đãi để đưa vào chính ngôi nhà chúng ta?” |
Dự án về trường ĐH Kiến trúc TP.HCM có diện tích 36,37ha, tại khu dân cư Phước Thiện, Q.9, được KTS Võ Trọng Nghĩa cùng các cộng sự thiết kế dựa trên nguyên lý khí động học, giảm thiểu tối đa việc sử dụng năng lượng, tận dụng năng lượng tự nhiên là gió và ánh sáng. Theo nhận xét của Ban giám khảo, đây là thiết kế độc đáo tạo điều kiện cho sự giao lưu, trao đổi giữa giảng viên và sinh viên nhờ những hình khối ôvan được uốn cong nhẹ nhàng nằm đan xen vào nhau tạo nên hình dáng tổng thể của cả toà nhà. Chính sự giao thoa của các hình khối này giúp cho giảng viên và sinh viên có thể giao lưu trao đổi với nhau bằng rất nhiều cách thuận tiện.
Trao đổi với chúng tôi, KTS Võ Trọng Nghĩa cho rằng: “Xu thế thiết kế hiện nay lấy yếu tố thiên nhiên làm chủ thể. Tại sao không tận dụng những gì thiên nhiên ưu đãi để đưa vào chính ngôi nhà chúng ta? Ở khu vực miền Nam được thiên nhiên ưu đãi, không có mùa đông cũng như không có bão, tại sao không tận dụng gió để giảm bớt điện năng? Vị trí của trường ĐH Kiến trúc TP.HCM thuận lợi do nằm ở gần sông, có nước nên có gió rất nhiều. Do vậy quy hoạch của quần thể kiến trúc này được bố trí để gió từ ba phía Đông Nam, Tây và Tây Nam (cũng là các hướng gió chính của TP.HCM) đều có thể tự do lưu chuyển khắp khu vực mà không bị cản trở. Và việc sử dụng tháp đón gió có thể dẫn gió vào từng góc của công trình. Bên cạnh đó việc sử dụng pin năng lượng mặt trời và quang điện cũng làm giảm thiểu việc tiêu thụ điện. Nước mưa cũng được tận dụng để tập hợp những nguồn nước đã qua sử dụng và làm mát thông qua quá trình bốc hơi. Và chính những nguyên liệu như tre hay thân đước làm bề mặt hoàn thiện tạo nên những kẽ hở đảm bảo việc thông khí. Ông Ashok B Lall thành viên Ban giám khảo cũng khen ngợi, dự án đã thể hiện được một phương án sử dụng và quản lý tài nguyên thiên nhiên khá nhạy cảm thông qua vòng đời của chính những tài nguyên đó. Công trình đã dựa vào các đặc tính của ánh sáng, gió và nước để giảm thiểu lên tác động lên hệ sinh thái.
Holcim Awards giải kiến trúc toàn cầu được tổ chức 3 năm một lần là sáng kiến của tổ chức Holcim Foundation (Thuỵ Sỹ) nhằm tìm kiếm những công trình xây dựng bền vững, khả năng chịu lực tốt, thân thiện với môi trường, tiết kiệm chi phí và đặc biệt là phải phục vụ cho cộng đồng. |
Báo Xây dựng điện tử