Ngày 14/7, Sở Xây dựng tỉnh Hải Dương tổ chức Hội thảo “Công tác quản lý Nhà nước về xây dựng cơ bản tại địa phương”. Tham dự Hội thảo có lãnh đạo Bộ Xây dựng và Sở Xây dựng các tỉnh, thành phía Bắc như: Hà Nội, Lạng Sơn, Vĩnh Phúc, Ninh Bình...
Các ý kiến tại Hội thảo cho rằng: Để tăng thêm hiệu quả trong đầu tư, xây dựng tại địa phương, cần tăng cường hơn nữa công tác quản lý Nhà nước về các hoạt động xây dựng trên tất cả các mặt: Chỉ đạo thực hiện chiến lược, kế hoạch phát triển các hoạt động xây dựng; ban hành và tổ chức thực hiện các văn bản quy phạm pháp luật về xây dựng; ban hành quy chuẩn, tiêu chuẩn xây dựng và quản lý chất lượng, lưu trữ hồ sơ công trình xây dựng; cấp và thu hồi các loại giấy phép trong hoạt động xây dựng... Cụ thể là: Tăng cường quản lý Nhà nước về xây dựng đô thị; quản lý trật tự xây dựng cơ bản (XDCB) ở địa phương; quản lý dự án đầu tư xây dựng công trình và giải phóng mặt bằng; thực hành tiết kiệm, chống thất thoát, lãng phí và nợ đọng trong XDCB; cần thống nhất trong quy hoạch kiến trúc nông thôn.
Kỹ sư Nguyễn Ngọc Tung, Phó Giám đốc Sở Xây dựng tỉnh Vĩnh Phúc cho rằng: Việc phân cấp trong XDCB là rất cần thiết, nếu dự án thuộc lĩnh vực xây dựng chuyên ngành nào nên giao cho ngành chuyên môn đó chủ trì thẩm định, thì hiệu quả sẽ cao hơn. Tiến sĩ Phạm Văn Khánh, Vụ trưởng Vụ Kinh tế xây dựng (Bộ Xây dựng) nêu rõ: Phải tiếp tục đổi mới cơ chế quản lý chi phí đầu tư xây dựng công trình; bổ sung phương án lập dự toán theo thị trường và thông lệ quốc tế; quy định giá xây dựng xác định trên cơ sở giá thị trường, bao gồm cả giá nhân công tư vấn xây dựng. Thạc sĩ Phạm Văn Điều, Giám đốc Học viện cán bộ quản lý xây dựng và đô thị (Bộ Xây dựng) cho rằng: Cần đẩy mạnh hoạt động đào tạo bồi dưỡng, nâng cao năng lực cán bộ làm công tác quản lý Nhà nước về XDCB tại địa phương. Đề cập tới đầu tư xây dựng trên địa bàn tỉnh Hải Dương, Tiến sĩ Phạm Sỹ Liêm, Phó Chủ tịch Tổng hội Xây dựng Việt Nam cho rằng: Tỉnh cần làm tốt hơn nữa khâu quy hoạch tổng thể về xây dựng, trong đó, chú trọng xây dựng miền đất giàu tiềm năng Chí Linh thành một khu kinh tế tổng hợp mạnh, giống mô hình Khu kinh tế Phú Quốc (tỉnh Kiên Giang).
Theo : Báo Xây dựng điện tử