Quy hoạch này nhằm đáp ứng yêu cầu Chiến lược quốc gia về giáo dục và đào tạo; đáp ứng nhu cầu nguồn nhân lực tri thức; đáp ứng nhu cầu sử dụng đất và cơ sở vật chất kỹ thuật hiện đại, tiến tới đạt chuẩn quốc tế; đồng thời giải quyết những khó khăn, bất cập của các trường ĐH, CĐ trong TP Hà Nội ảnh hưởng tới sự phát triển chung của Thủ đô. Do đó, nghiên cứu bố trí hệ thống các trường ĐH, CĐ trong Vùng Thủ đô Hà Nội bao gồm Hà Nội, Vĩnh Phúc, Bắc Ninh, Hưng Yên, Hải Dương, Hà Nam, Hoà Bình và các tỉnh lân cận thuộc Vùng kinh tế trọng điểm Bắc bộ.
Trên cơ sở khảo sát đánh giá thực trạng xây dựng và phát triển hệ thống trường ĐH, CĐ tại vùng Thủ đô Hà Nội về quy mô đào tạo, cơ sở vật chất, phân bố, mô hình đào tạo, ngành nghề đào tạo... cơ quan nghiên cứu sẽ đề xuất quy mô đào tạo phù hợp với yêu cầu trước mắt và lâu dài; điều kiện kinh tế - xã hội và tiềm lực khoa học công nghệ của đất nước, trong đó gắn công tác đào tạo với nghiên cứu khoa học và đời sống xã hội. Theo đó, sẽ xem xét giữ lại một số cơ sở để nâng cấp, di dời các trường ra khỏi nội thành và xây dựng khu đại học mới.
Dự báo về các trường ĐH, CĐ trong vùng Thủ đô Quy mô đào tạo: Năm 2015: 1,7 triệu sinh viên Năm 2025: 1,8 triệu sinh viên Tổng số trường dự kiến: Năm 2015: 92 trường Năm 2025: 96 trường Tổng quy mô sử dụng đất (chỉ tiêu sử dụng đất tối thiểu: 65 m2/sinh viên) Năm 2015: 13.000-14.000 ha Năm 2025: 14.000-15.000 ha |
Theo Thứ trưởng Bộ Xây dựng Trần Ngọc Chính, nguyên tắc lập quy hoạch phải phù hợp với các nguyên tắc và định hướng phát triển không gian của Quy hoạch vùng Thủ đô và Quy hoạch chung TP Hà Nội. Phù hợp với yêu cầu phát triển của ngành; đảm bảo các tiêu chí về điều kiện đất đai, khoảng cách, kết nối với hệ thống hạ tầng quốc gia, liên vùng và liên khu vực (đặc biệt là giao thông). Giảm mật độ sinh viên và số lượng trường trong TP trung tâm; Không cản trở các hoạt động phát triển đô thị trong vùng; Kết nối hợp lý với các đô thị, khu vực sản xuất, khu vực nghiên cứu trong vùng. Hình thành các cụm, đô thị vệ tinh có chức năng đào tạo, đô thị với chức năng chủ yếu là đào tạo gắn với các khu vực ứng dụng trong thực tế; sử dụng chung và chia sẻ các tiện ích công cộng (đầu mối giao thông, khu thể thao, cây xanh, vui chơi giải trí, ký túc xá...). Hạn chế tối đa việc xây dựng các trường riêng lẻ; nghiên cứu hình thành những cụm và khu đại học theo mô hình tập trung.
Theo đó, sẽ xác định danh mục các dự án đã và đang triển khai phù hợp với quy hoạch để điều phối lại sự phân bố các trường đào tạo trong vùng tạo thêm động lực cho các đô thị phát triển. Đề xuất vị trí, quy mô, mô hình tổ chức đào tạo tại các khu vực ngoại vi thành phố và trong các tỉnh thuộc Vùng Thủ đô. Đề xuất mô hình đào tạo theo phân cấp quản lý: Hình thành trung tâm đào tạo chất lượng cao ở cấp vùng; Trung tâm đào tạo chất lượng cao tại một số địa bàn hỗ trợ, để phát triển một số ngành, lĩnh vực công nghệ cao hoặc lĩnh vực hiện chưa phát triển; Các trung tâm đào tạo mới, chuyên ngành gắn với các đô thị trong Vùng theo các dự án lớn đã được Chính phủ phê duyệt. Lựa chọn và đề xuất vị trí, quy mô xây dựng các trường ĐH, trung tâm nghiên cứu khoa học đầu ngành có tầm cỡ vùng, khu vực, quốc gia và quốc tế theo mô hình ĐH độc lập, khu ĐH, đô thị ĐH.
Theo Báo Xây dựng