Hưởng ứng Ngày sách Việt Nam lần thứ 8 năm 2021 (ngày 21/4), nhiều đơn vị đã xây dựng, tổ chức các chương trình đặc sắc nhằm lan tỏa trí thức cũng như văn hóa đọc đến đông đảo công chúng.
Ảnh minh họa. Nguồn internet
Xây dựng kênh ''Sách và Trí tuệ Việt''
Vụ Thư viện (Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch) đang xây dựng kênh YouTube “Sách và Trí tuệ Việt” với mong muốn “Lan tỏa tri thức, khơi dậy khát vọng Việt Nam”, góp phần xây dựng xã hội học tập, xây dựng nền văn hóa đọc Việt Nam ngày càng phát triển.
Kênh “Sách và Trí tuệ Việt” hướng đến phục vụ từ xa cho người đọc không có điều kiện tiếp xúc với sách in, đồng thời giới thiệu đến bạn đọc những cuốn sách hay, bổ ích. “Sách và Trí tuệ Việt” được xây dựng với 5 chuyên mục: “Đại sứ văn hóa đọc”, “Sách hay cho bạn”, “Những tác phẩm vượt thời gian”, “Sách kỹ năng sống”, “Đi qua mọi miền Tổ quốc”, cung cấp thông tin, tri thức đa phương tiện như hình ảnh, âm thanh, video…
Vụ Thư viện kêu gọi cộng đồng lan tỏa niềm đam mê đọc sách thông qua việc chia sẻ bản quyền tác phẩm, hoặc giới thiệu sách hay, bổ ích cho các đối tượng độc giả để chung tay xây dựng kênh “Sách và Trí tuệ Việt”.
Tổ chức hội sách trực tuyến quốc gia
Bộ Thông tin và Truyền thông sẽ tổ chức hội sách trực tuyến quốc gia chào mừng Ngày sách Việt Nam lần thứ 8, tại sàn Book365.vn từ ngày 15/4 đến 15/5.
Theo đó, Bộ Thông tin và Truyền thông yêu cầu các đơn vị liên quan tổ chức các hoạt động của Ngày sách Việt Nam lần thứ 8, kết hợp cả hình thức tổ chức tập trung, trực tuyến, kết nối các hoạt động của Ngày sách Việt Nam từ trung ương tới các bộ, ngành, địa phương; đa dạng hóa các hình thức phát hành để đưa sách đến với người dân. Dự kiến, hội sách trực tuyến quốc gia 2021 sẽ khai mạc vào 9h ngày 17/4, tại sàn Book365.vn.
Lễ khai mạc Ngày sách Việt Nam lần thứ 8 sẽ diễn ra lúc 10h ngày 18/4, tại Đường sách thành phố Hồ Chí Minh. Tại hai sự kiện này sẽ có các hoạt động phong phú, đa dạng, được tổ chức tập trung và trực tuyến, như: Giao lưu, tọa đàm, hội thảo theo chuyên đề; giới thiệu sách, giao lưu tác giả, tác phẩm với bạn đọc; giới thiệu, trao đổi về văn hóa đọc, chuyển đổi số trong xuất bản và cách tiếp cận sách trong thời đại số; tổ chức Tháng phát hành sách chào mừng Ngày sách Việt Nam lần thứ 8 trên phạm vi toàn quốc…
Khởi động “Tủ sách Huế” và ra mắt ấn phẩm Địa chí Văn hóa Huế
UBND tỉnh Thừa Thiên Huế vừa công bố đề án “Tủ sách Huế” và ra mắt ấn phẩm đầu tiên của Tủ sách Huế. Đó là công trình địa chí “Thừa Thiên Huế- phần Văn hóa” (hay Địa chí Văn hóa Huế) với nhiều nội dung đặc sắc, góp phần giới thiệu đến bạn đọc gần xa những nét văn hóa độc đáo của kinh đô Huế xưa và nay.
Địa chí Văn hóa Huế là phần cuối cùng trong 5 ấn phẩm của bộ địa chí Thừa Thiên Huế. Bộ địa chí này được biên soạn dưới hình thức địa chí tổng hợp, gồm 5 hợp phần: Tự nhiên; Lịch sử; Dân cư- Hành chính; Kinh tế; Văn hóa. Đây là công trình được UBND tỉnh giao cho Sở KHCN triển khai từ nhiều năm trước; lần lượt hoàn thành và xuất bản các hợp phần, gồm: Địa chí Thừa Thiên Huế phần Tự nhiên và Lịch sử, xuất bản năm 2005; phần Dân cư- Hành chính, xuất bản năm 2013; phần Kinh tế, xuất bản năm 2014; và địa chí Thừa Thiên Huế phần Văn hóa vừa được xuất bản vào cuối năm 2020.
Việc hoàn thành hợp phần cuối cùng- phần Văn hóa của bộ địa chí là một dấu mốc quan trọng, qua đó đem đến cho bạn đọc và cộng đồng những nội dung đặc sắc, chuyên sâu về văn hóa của một vùng đất có bề dày về lịch sử, văn hóa của cả nước.
Địa chí Văn hóa Huế là một công trình khoa học đồ sộ, quy mô, tập trung được nhiều nhà khoa học, nhà nghiên cứu có tri thức chuyên sâu về các lĩnh vực văn hóa. Công trình gồm 2 tập, mỗi tập dày hơn 1.000 trang, được in khổ 16x24 cm, bao gồm 14 chương và phần phụ lục. Các nội dung chính của ấn phẩm Địa chí Văn hóa Huế, gồm: ẩm thực; trang phục; y dược cổ truyền; phong tục tập quán, lễ tết và nghi lễ tế tự; trò chơi, thú tiêu khiển, thể thao dân gian; tín ngưỡng, tôn giáo; ngôn ngữ; giáo dục; văn học, báo chí- xuất bản; nghệ thuật diễn xướng, tạo hình và nhiếp ảnh, điện ảnh; di tích văn hóa lịch sử và danh thắng, nhân vật văn hóa…