Đã có không ít những ý tưởng về việc tạo dựng các thư viện cộng đồng theo sáng kiến của các cá nhân dành cho trẻ em: đó có thể xuất phát từ việc tận dụng sự nhàn rỗi của các không gian, đó có thể xuất phát từ những tấm lòng nhân ái cộng với tình yêu sách và trẻ em, đó có thể xuất phát từ những lo lắng văn hóa đọc sách ngày càng mai một, nhất là ở trẻ em - một lứa tuổi được dự báo sẽ lệ thuộc vào các loại thiết bị giải trí cá nhân cầm tay nhiều hơn... Thực tế cho thấy, đến với những thư viện “tự phát” này, trẻ em không chỉ được đọc sách mà còn được gặp gỡ nhau, được vui chơi giải trí, được vận động..., giúp trẻ em trở nên cởi mở hơn với thế giới, năng động hơn trong giao tiếp, cũng như mục đích cao hơn là tạo dựng cho trẻ em những ước mơ, những tưởng tượng, những định hướng về tương lai, thông qua những tiếp xúc, trao đổi, hoạt động của các nhà tổ chức hoặc do chính trẻ em tự tổ chức.
Thư viện mini, theo hình dung ban đầu, ngoài mục đích tạo dựng cho trẻ một nơi đọc sách, đó còn là nơi trẻ đến trao đổi sách, trao đổi thông tin để tối đa hóa việc chia sẻ những kiến thức và những điều thú vị mà trẻ thu được. Đồng thời đây cũng là nơi có thể tổ chức các sự kiện quy mô nhỏ như thuyết trình, nói chuyện, giới thiệu sách hay... hay kết hợp với các lớp học tạm, chiếu phim ngắn... cho trẻ em.
Như vậy:
-
Một thư viện mini LINH HOẠT sẽ giúp cho việc cấy ghép dễ dàng vào các vị trí khác nhau, có thể là tại một sân chơi, trên vỉa hè hay một góc không gian nhỏ..., thêm vào đó sẽ giảm giá thành đầu tư để có tăng số lượng thư viện, tăng số lượng trẻ em được thụ hưởng;
-
Một thư viện mini THÂN THIỆN sẽ thu hút trẻ, giúp trẻ vượt qua được những e ngại, mặc cảm hay thói quen phụ thuộc thiết bị công nghệ để hòa mình vào không gian, cùng các hoạt động được tổ chức trong và ngoài (xung quanh) thư viện;
-
Một thư viện mini DI ĐỘNG sẽ chủ động “tìm” đến trẻ em dễ dàng hơn thay vì thụ động đợi trẻ em tìm đến như các thư viện “truyền thống”, tăng cơ hội tiếp xúc với trẻ em, đặc biệt là những khu vực khó khăn, xa xôi, hẻo lánh.
Trên cơ sở nền tảng và niềm tin vững chắc từ kết quả cuộc thi “Sáng tạo không gian 2016 - Thiết kế Sân chơi cho trẻ em” do Bộ môn Kiến trúc dân dụng khởi xướng từ năm 2016 với mục đích là nơi tập hợp, kết nối ý tưởng sáng tạo của các bạn trẻ với các nguồn lực xã hội, phục vụ thiết thực cộng đồng; hướng tới việc đổi mới đào tạo Kiến trúc sư - gắn việc học tập lý thuyết với thực hành qua những chủ đề thực tiễn, tiếp nối những thành công từ cuộc thi “Sáng tạo không gian 2017 - Thiết kế Nhà vệ sinh công cộng”, với mong muốn góp phần vào việc thay đổi thói quen sử dụng và suy nghĩ về các thư viện cho trẻ em nhằm thúc đẩy cải tiến xã hội, kết nối các cộng đồng và những nhà tài trợ, Bộ môn Kiến trúc dân dụng thuộc Khoa Kiến trúc & Quy hoạch, Trường Đại học Xây dựng Hà Nội tiếp tục mong muốn phát động cuộc thi “Sáng tạo không gian 2019 - Thư viện mini” với các mục tiêu:
-
Tìm kiếm các ý tưởng, mô hình thiết kế thư viện mini, nhấn mạnh các đặc tính linh hoạt, thân thiện và di động, tại các địa điểm công cộng, hướng đến sự an toàn và thân thiện, đặc biệt là với trẻ em;
-
Góp phần sáng tạo những không gian đọc sách, nâng cao cơ hội và văn hóa đọc, giúp trẻ em có thể tự nâng cao và hoàn thiện nhân cách, tạo dựng kỹ năng sống, hướng đến một cuộc sống bền vững trong tương lai;
-
Hỗ trợ và quan tâm đến nhu cầu thư viện cho trẻ em của các cộng đồng yếu thế, bất lợi về kinh tế, các khu vực vùng sâu, vùng xa, vùng khó khăn, hướng đến sự chuyển giao cho các cộng đồng tự thực hiện bằng các nguồn lực tại chỗ;
-
Thiết lập một kênh thông tin kết nối giữa các ý tưởng về thư viện mini, thân thiện và di động với các đơn vị tài trợ, từ thiện hay cung cấp dịch vụ cộng đồng; góp phần cải thiện chất lượng và hình ảnh của loại hình công trình này.
Nằm trong chuỗi hoạt động kỷ niệm 60 năm thành lập Bộ môn Kiến trúc dân dụng 1959-2019, được chính thức khởi động từ ngày 05/08/2019 và thu bài ngày 29/09/2019, sau gần hai tháng phát động trên quy mô toàn quốc, Ban Tổ chức đã nhận được 102 phương án dự thi của các sinh viên (SV), nhóm SV từ nhiều cơ sở đào tạo kiến trúc trải dài từ Bắc đến Nam của đất nước. So với khoảng 60 bài dự thi trong hai lần tổ chức trước, Ban Tổ chức hoàn toàn bất ngờ vì số lượng phương án đông đảo của lần tổ chức này. Điều này chứng tỏ thể loại công trình thư viện nói riêng và văn hóa, không gian đọc nói chung vẫn nhận được sự quan tâm bởi giới trẻ. Từ 102 phương án này, Ban Tổ chức đã tiến hành sơ khảo để chọn 65 phương án có chất lượng tốt nhất cả về nội dung lẫn cách thức thực hiện.
Để phục vụ cho vòng chung khảo, Ban Tổ chức đã thành lập Hội đồng giam khảo và mời nhiều chuyên gia, các nhà thiết kế, doanh nghiệp kiến trúc và xây dựng, cũng như các hội đoàn xã hội uy tín trong và ngoài nước thuộc các lĩnh vực chuyên môn có liên quan tham dự. Để có thể chọn ra những thiết kế tốt nhất, hợp lý nhất và khả thi nhất đáp ứng với yêu cầu của đề bài, Hội đồng giám khảo cũng đã đề ra 6 tiêu chí chấm thi:
-
Tính sáng tạo - ý tưởng, nội dung thiết kế cũng như hình thức thể hiện;
-
Tính nghiêm túc - chất lượng đồ án thiết kế;
-
Tính nhân văn - mức độ tác động đến các cộng đồng;
-
Tính khả thi - khả năng hiện thực hóa thiết kế chuyển giao cho các cộng đồng;
-
Tính tương tác - mức độ liên quan đến chương trình, tác động chương trình hoặc định hướng phát triển, sử dụng được các sản phẩm, vật liệu sẵn có của các nhà tổ chức, nhà tài trợ;
-
Tính bền vững, thân thiện với môi trường - không những chỉ để sử dụng mà còn đem lại các lợi ích về môi trường lâu dài.
Sáng ngày 26/10/2019, tại sảnh nhà H2 - Trường Đại học Xây dựng (55 Giải Phóng, Quận Hai Bà Trưng, TP. Hà Nội) đã diễn ra buổi chấm chung khảo với 2 vòng chấm chính thức: (1) Vòng 1, từ 65 bài thi đã qua vòng sơ khảo, Hội đồng giám khảo chọn 13 bài thi phù hợp nhất để vào chung kết (tương đương 20%), (2) Vòng 2, từ 13 bài thi được lựa chọn từ vòng 1, Hội đồng giám khảo tiếp tục chấm điểm, nhận xét, thảo luận sâu và lựa chọn bài thi cho các giải thưởng chính thức cũng như mở rộng. Do chất lượng các bài dự thi năm nay khá cao và đồng đều nên cũng gây khó khăn cho việc lựa chọn của Hội đồng giám khảo, do đó ngoài 2 vòng chính, Hội đồng giám khảo đã phải tiến hành các biểu quyết bổ sung nhằm lựa chọn bài thi có chất lượng phù hợp nhất với các tiêu chí của cuộc thi.
Sau những tranh luận và nhận xét rất nghiêm túc và mang tính chuyên môn cao của các thành viên dưới các góc độ kiến trúc đô thị, văn hóa xã hội... khác nhau, Hội đồng giám khảo đã thống nhất lựa chọn được 06 giải chính thức như sau:
01 giải NHẤT
Phương án CHUYẾN XE TRI THỨC (mã số MQ311) của nhóm SV Nguyễn Công Nhật Minh, Huỳnh Thị Như Quỳnh (Trường Đại học Khoa học, Đại học Huế):
01 giải NHÌ
Phương án HỘP QUÀ THƯ VIỆN (mã số VA317) của SV Nguyễn Thị Hà Thu (Trường Đại học Xây dựng):
01 giải BA
Phương án GẬP (mã số KC391) của nhóm SV Phùng Huy Việt, Nguyễn Quang Linh, Lê Ngọc Hưng (Trường Đại học Kiến trúc Hà Nội):
03 giải KHUYẾN KHÍCH
- BOOK CASTLE - LÂU ĐÀI SÁCH (mã số HH102) của nhóm SV Nguyễn Lê Hoàng, Bùi Quang Hùng (Trường Đại học Xây dựng):
- LIFEBRARY (mã số MU007) của nhóm SV Ngô Duy Minh, Lê Tuấn Quang, Hoàng Minh Quang (Trường Đại học Xây dựng):
- ENCHANTED BOX - CHIẾC HỘP KỲ LẠ (mã số TG857) của nhóm SV Nguyễn Trường Giang, Tạ Nguyễn Đan Thư (Trường Đại học Kiến trúc Hà Nội):
Đáng chú ý là do sự hấp dẫn của các phương án, ngày trong buổi chấm thi, Ban Chủ nhiệm Khoa Kiến trúc - Quy hoạch - Trường Đại học Xây dựng đã quyết định bổ sung thêm giải Ba vào hệ thống giải thưởng chính thức và tài trợ kinh phí cho giải thưởng này. Ngoài ra, trong quá trình chấm giải, đại diện các tổ chức và doanh nghiệp tham gia được mời tham gia Hội đồng giám khảo cũng tìm được cho mình những bài thi chất lượng theo các tiêu chí riêng và quyết định trao thêm 08 giải thưởng mở rộng như sau:
- 01 giải AIAC (do Atelier International d’Architecture Constructive - Xưởng thiết kế Kiến trúc Xây dựng Quốc tế trao tặng) thuộc về phương án GREEN TRIANGLE (mã số GB022) của nhóm SV Đỗ Thế Hiếu, Nguyễn Trung Hiếu, Tạ Thu Thảo, Dương Thị Hằng (Trường Đại học Xây dựng):
- 01 giải UAI (do Viện Quy hoạch Kiến trúc Đô thị UAI - Trường Đại học Xây dựng trao tặng) thuộc về phương án TRẠM ĐỌC (mã số UL173) của SV Uông Thùy Linh (Trường Đại học Kiến Trúc TP. Hồ Chí Minh):
- 01 giải TTAs (do Công ty Cổ phần Tư vấn Kiến trúc Xây dựng TT-As (TT-Associates) trao tặng) thuộc về phương án PIXEL LIBRARY (mã số NO854) của nhóm SV Trương Thục Đoan, Nguyễn Ngọc Hoa, Nguyễn Mạnh Phương Nhi (Trường Đại học Kiến Trúc TP. Hồ Chí Minh):
- 01 giải KIẾN VIỆT (do Cổng thông tin điện tử về chuyên ngành kiến trúc kienviet.net trao tặng) thuộc về phương án LIFEBRARY (mã số MU007) của nhóm SV Ngô Duy Minh, Lê Tuấn Quang, Hoàng Minh Quang (Trường Đại học Xây dựng);
- 01 giải RAY ARCHITECTURE (do Công ty Cổ phần Tư vấn Thiết kế và Đầu tư Xây dựng Ray Architecture trao tặng) thuộc về phương án LIFEBRARY (mã số MU007) của nhóm SV Ngô Duy Minh, Lê Tuấn Quang, Hoàng Minh Quang (Trường Đại học Xây dựng);
- 01 giải TDI (do Công ty Tư vấn Thiết kế Kiến trúc và Nội thất TDI trao tặng) thuộc về phương án ĐÔNG TÂY NAM BẮC (mã số VT203) của nhóm SV Nguyễn Ngọc Ái Vi, Trịnh Vĩnh Thịnh (Trường Đại học Kiến Trúc TP. Hồ Chí Minh):
- 02 giải INROS LACKNER và 1+1>2 (do Công ty TNHH Inros Lackner Việt Nam kết hợp với Công ty Cổ phần Kiến trúc Xây dựng Quốc tế 1+1>2 trao tặng) thuộc về các phương án: (1) EGGSHELF LIBRARY (mã số VF997) của nhóm SV Phí Văn Tuân, Phạm Duy Lâm, Nguyễn Đức Thắng, Mark Gondoin, Maelle Peiffert (Trường Đại học Xây dựng và INSA de Strasbourg - Pháp); (2) ĐÔNG TÂY NAM BẮC (mã số VT203) của nhóm SV Nguyễn Ngọc Ái Vi, Trịnh Vĩnh Thịnh (Trường Đại học Kiến Trúc TP. Hồ Chí Minh):
Một điều đặc biệt thú vị của cuộc thi năm nay so với hai lần tổ chức trước là chính tính nhân văn của đề tài đã làm cho các thành viên giám khảo, đồng thời cũng là lãnh đạo các doanh nghiệp, quyết định hỗ trợ triển khai thử nghiệm thực tế một số phương án, để cuộc thi không chỉ dừng lại ở kết quả, đồng thời đưa được những ý tưởng của sinh viên vào đời sống xã hội, mong muốn tạo ra một trào lưu, xu hướng mới cho không gian đọc của giới trẻ:
- Tổng Công ty Tư vấn Xây dựng Việt Nam VNCC hỗ trợ hiện thực hóa phương án đạt giải Nhất - CHUYẾN XE TRI THỨC (mã số MQ311) của nhóm SV Nguyễn Công Nhật Minh, Huỳnh Thị Như Quỳnh (Trường Đại học Khoa học, Đại học Huế);
- Công ty Cổ phần Kiến trúc Xây dựng Quốc tế 1+1>2 hỗ trợ hiện thực hóa phương án đạt giải Nhì - HỘP QUÀ THƯ VIỆN (mã số VA317) của SV Nguyễn Thị Hà Thu (Trường Đại học Xây dựng);
- Doanh nghiệp Xã hội Think Playgrounds - Nghĩ về sân chơi trong phố hỗ trợ hiện thực hóa phương án GREEN TRIANGLE (mã số GB022) của nhóm SV Đỗ Thế Hiếu, Nguyễn Trung Hiếu, Tạ Thu Thảo, Dương Thị Hằng (Trường Đại học Xây dựng).
Cuộc thi đã khép lại với lễ trao giải được tổ chức sáng ngày 31/10/2019 tại Trường Đại học Xây dựng, một dịp tôn vinh những sáng tạo của các bạn SV, ghi nhận công sức đóng góp của họ - những người trẻ tuổi và đầy nhiệt huyết - chung tay giải quyết các vấn đề của cộng đồng. Đồng thời, đây cũng là một dịp để các SV gặp gỡ nhau, cũng như gặp gỡ các chuyên gia, những nhà tài trợ để nhận được những nhận xét, ý kiến đóng góp cho các phương án nhằm hoàn thiện hơn để có thể hiện thực hóa, chuyển giao vào thực tế những kết quả này là một trong những mục đích cao hơn của cuộc thi.
Ngoài ra, toàn bộ kết quả của cuộc thi cũng sẽ dự kiến xuất bản vào năm 2020, được xem như một kỷ yếu, một tài liệu hướng dẫn và tham khảo.
TS.KTS Trần Minh Tùng - Phó trưởng Bộ môn Kiến trúc dân dụng (Trường Đại học Xây dựng)