Trả lời kiến nghị của UBND tỉnh Bình Dương

Thứ năm, 03/10/2024 18:20
Từ viết tắt Xem với cỡ chữ

Ngày 03/10/2024, Bộ Xây dựng đã có công văn 5652/BXD-VP giải đáp về các nội dung kiến nghị của UBND tỉnh Bình Dương.

1. Về nội dung kiến nghị: Theo Thông tư số 06/2021/TT-BXD ngày 30/6/2021 của Bộ Xây dựng quy định về phân cấp công trình xây dựng và hướng dẫn áp dụng trong quản lý hoạt động đầu tư xây dựng chưa xác định rõ dự án đầu tư hạ tầng cụm công nghiệp là công trình công nghiệp hay công trình dân dụng do đó ảnh hưởng đến việc xác định cơ quan chủ trì thực hiện công tác kiểm tra nghiệm thu công trình hạ tầng cụm công nghiệp. Kiến nghị: Bộ Xây dựng xác định rõ các dự án đầu tư hạ tầng cụm công nghiệp là công trình công nghiệp hay công trình dân dụng.

Về nội dung này, Bộ Xây dựng trả lời như sau:

- Theo quy định tại khoản 8 Điều 1 Luật số 62/2020/QH14 ngày 17/6/2020 và khoản 2 mục VII Phụ lục IX Nghị định số 15/2021/NĐ-CP ngày 03/3/2021 của Chính phủ quy định chi tiết một số nội dung về quản lý dự án đầu tư xây dựng thì dự án đầu tư hạ tầng cụm công nghiệp (Dự án) là dự án đầu tư xây dựng có công năng phục vụ hỗn hợp và trong Dự án này có nhiều loại công trình như các công trình giao thông, các công trình hạ tầng kỹ thuật .

Theo quy định tại điểm đ khoản 2 Điều 24 Nghị định số 06/2021/NĐ-CP của Chính phủ quy định chi tiết một số nội dung về quản lý chất lượng, thi công xây dựng và bảo trì công trình xây dựng, trong trường hợp Dự án gồm nhiều công trình, hạng mục công trình có loại và cấp khác nhau thuộc đối tượng quy định tại khoản 1 Điều 24 Nghị định số 06/2021/NĐ-CP thì cơ quan chủ trì tổ chức thực hiện kiểm tra là cơ quan có trách nhiệm thực hiện kiểm tra đối với công trình, hạng mục công trình chính có cấp cao nhất của Dự án.

2. Về nội dung kiến nghị: Kiến nghị cần sửa đổi, bổ sung lĩnh vực đầu tư xây dựng nghĩa trang và cơ sở hỏa táng vào đối tượng đầu tư công tại Điều 3 của Nghị quyết số 973/2020/UVBTVQH14 ngày 08/7/2020 của Uỷ ban Thường vụ Quốc hội và Điều 5 của Luật Đầu tư công năm 2019.

Về nội dung này, Bộ Xây dựng trả lời như sau:

Nội dung kiến nghị này thuộc thẩm quyền của Quốc hội, Ủy ban Thường vụ Quốc hội và thuộc chức năng, nhiệm vụ của Bộ Kế hoạch và Đầu tư, do đó đề nghị Bộ Kế hoạch và Đầu tư nghiên cứu, tổng hợp báo cáo Quốc hội, Ủy ban Thường vụ Quốc hội xem xét quyết định. Tuy nhiên, thực hiện chức năng, nhiệm vụ được giao Bộ Xây dựng sẽ tiếp tục nghiên cứu, rà soát và đề xuất các quy định cho phù hợp với tình hình quản lý, triển khai thực tiễn tại các địa phương.

3. Về các nội dung kiến nghị:

- Kiến nghị Bộ Xây dựng xem xét, tham mưu cho Chính phủ trình Quốc hội sửa đổi Luật Xây dựng theo hướng cho phép quy hoạch phân khu xây dựng, tỷ lệ 1/2000 của khu công nghiệp là cơ sở để cấp phép xây dựng cho các dự án hạ tầng khu công nghiệp.

- Kiến nghị Bộ Xây dựng xem xét, tham mưu cho Chính phủ trình Quốc hội sửa đổi Luật Xây dựng theo hướng bãi bỏ quy định về việc lập, thẩm định và phê duyệt quy hoạch tổng mặt bằng hoặc giới hạn lại đối tượng phải thực hiện là các doanh nghiệp có diện tích sử dụng đất từ 05ha đến 10ha, nhằm rút gọn thủ tục hành chính cho các doanh nghiệp, tạo điều kiện để thu hút đầu tư và hỗ trợ các doanh nghiệp vừa và nhỏ phát triển.

Về 02 nội dung này, Bộ Xây dựng trả lời như sau:

Quốc hội đã ban hành Nghị quyết số 89/2023/QH15 ngày 02/6/2023 về Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh năm 2024, điều chỉnh Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh năm 2023, trong đó dự kiến xây dựng Luật Quy hoạch đô thị và nông thôn. Bộ Xây dựng xin ghi nhận các kiến nghị của địa phương để nghiên cứu báo cáo cấp có thẩm quyền trong quá trình hoàn thiện các quy định pháp luật về quy hoạch đô thị và nông thôn trong thời gian tới.

4. Về nội dung kiến nghị: Kiến nghị Bộ Xây dựng xem xét, tham mưu Chính phủ sửa đổi thời hạn thực hiện biện pháp khắc phục đối với hành vi vi phạm hành chính về xây dựng đã được quy định tại Điều 81 Nghị định 16/2022/NĐ-CP ngày 28/01/2022 của Chính phủ theo hướng đảm bảo thời gian để cho các tổ chức có đủ thời gian tối thiểu để thực hiện đầy đủ các thủ tục hành chính theo quy định.

Về nội dung này, Bộ Xây dựng trả lời như sau:

Theo báo cáo tổng kết, đánh giá việc thực hiện nghị định số 139/2017/NĐ-CP, ý kiến của một số địa phương về việc thời gian 60 ngày thực hiện cấp mới, điều chỉnh giấy phép xây dựng tại khoản 12 Điều 15 Nghị định số 139/2017/NĐ-CP áp dụng đối với dự án đầu tư xây dựng công trình có vi phạm thì thời hạn 60 ngày là quá ngắn, không đủ thời gian để Chủ đầu tư chuẩn bị hồ sơ, tài liệu hợp lệ và được cơ quan cấp có thẩm quyền cấp mới, điều chỉnh giấy phép xây dựng dẫn đến tình trạng khi tổ chức, cá nhân vi phạm xuất trình được giấy phép được cấp hoặc giấy phép được điều chỉnh cho người có thẩm quyền xử phạt thì lúc đó đà quá thời hạn 60 ngày.

Để xử lý nội dung vướng mắc nêu trên, đảm bảo tính khả thi của quy định pháp luật, tại Điều 81 Nghị định số 16/2022/NĐ-CP đã quy định theo hướng phân tách theo quy mô công trình: 90 ngày đối với dự án đầu tư xây dựng, 30 ngày đối với nhà ở riêng lẻ và thời điểm tính thời hạn là ngày ban hành quyết định xử phạt vi phạm hành chính. Mục đích của việc quy định về thời hạn 90 ngày để đối tượng vi phạm thực hiện trình tự thủ tục tại Điều 81 nghị định số 16/2022/NĐ-CP là đảm bảo tính khả thi tương đối áp dụng cho các trường hợp vi phạm đủ điều kiện cấp phép xây dựng hoặc điều chỉnh giấy phép xây dựng hoặc điều chỉnh thiết kế xây dựng, giảm thiểu lãng phí xã hội do hậu quả các hành vi vi phạm nêu trên gây ra nhưng không khuyến khích việc vi phạm quy định.   

Thực hiện Quyết định số 53/QĐ-TTg ngày 15/01/2024 của Thủ tướng Chính phủ về Chương trình công tác năm 2024 của Chính phủ, hiện nay Bộ Xây dựng đang xây dựng dự thảo Nghị định thay thế Nghị định số 16/2022/NĐ-CP ngày 28/01/2022 của Chính phủ quy định xử phạt vi phạm hành chính về xây dựng. Trong quá trình soạn thảo, Bộ Xây dựng sẽ tiếp thu ý kiến của các địa phương, nghiên cứu, sửa đổi, bổ sung các quy định tại Nghị định 16/2022/NĐ-CP cho phù hợp với pháp luật và thực tế.

5. Về nội dung kiến nghị: Kiến nghị Bộ Xây dựng hướng dẫn UBND tỉnh Bình Dương có phải thực hiện lập đề án nâng cấp đô thị loại V khi cấp đô thị đã được công nhận tại Quyết định số 1659/QĐ-TTg ngày 07/11/2012 của Thủ tướng Chính phủ về việc phê duyệt Chương trình phát triển đô thị Quốc gia giai đoạn 2012 - 2020. Việc tổ chức đánh giá, công nhận loại đô thị đối với thị trấn Dầu Tiếng, huyện Dầu Tiếng và thị trấn Phước Vĩnh, huyện Phú Giáo đạt đô thị loại V có thể ảnh hưởng đến kế hoạch phân loại đô thị tại Quyết định số 241/QĐ-TTg ngày 24/02/2021 của Thủ tướng Chính phủ. Đồng thời, hướng dẫn của đối với việc tổ chức đánh giá, công nhận đô thị loại V đối với 2 thị trấn chưa được công nhận nêu trên theo quy định hiện hành.

Về nội dung này, Bộ Xây dựng trả lời như sau: Nội dung nêu trên, Sở Xây dựng tỉnh Bình Dương đã có Văn bản số 870/SXD-PTĐT&HTKT ngày 20/3/2024 gửi Bộ Xây dựng về việc xin ý kiến hướng dẫn về đánh giá, công nhận loại đô thị đối với thị trấn Phước Vĩnh, huyện Phú Giáo và thị trấn Dầu Tiếng, huyện Dầu Tiếng, tỉnh Bình Dương. Bộ Xây dựng đã có văn bản số 2164/BXD-PTĐT ngày 20/05/2024 phúc đáp văn bản số 870/SXD-PTĐT&HTKT ngày 20/3/2024 của Sở Xây dựng tỉnh Bình Dương.


Trung tâm Thông tin
Nguồn: Công văn 5652/BXD-VP.

Tìm theo ngày :

Đánh giá

(Di chuột vào ngôi sao để chọn điểm)