1. Về nội dung kiến nghị: Luật Đầu tư năm 2020 và Luật Đất đai năm 2024 cho phép nhà đầu tư thực hiện dự án được góp vốn bằng quyền sử dụng đất để thực hiện dự án nhà ở. Tuy nhiên, theo quy định của Luật Nhà ở thì việc chấp thuận chủ trương đầu tư dự án nhà ở không có trường hợp góp vốn bằng quyền sử dụng đất. Do đó, đề nghị Quốc hội, Ủy ban Thường vụ Quốc hội xem xét điều chỉnh Luật Nhà ở theo hướng bổ sung trường hợp góp vốn bằng quyền sử dụng đất.
Về nội dung này, Bộ Xây dựng trả lời như sau:
Luật Nhà ở năm 2023 quy định việc lựa chọn chủ đầu tư dự án đầu tư xây dựng nhà ở thương mại, dự án nhà ở xã hội, dự án nhà ở tái định cư, dự án cải tạo, xây dựng lại nhà chung cư ..., theo đó đối với từng dự án đầu tư xây dựng nhà ở, việc lựa chọn chủ đầu tư được thực hiện thông qua các hình thức khác nhau, gồm: (1) đấu giá quyền sử dụng đất; (2) đấu thầu dự án có sử dụng đất; (3) chấp thuận nhà đầu tư hoặc (4) chấp thuận chủ trương đầu tư đồng thời chấp thuận nhà đầu tư làm chủ đầu tư dự án đối với trường hợp nhà đầu tư có quyền sử dụng đất thông qua thỏa thuận về nhận quyền sử dụng đất đối với loại đất được thực hiện dự án đầu tư xây dựng nhà ở hoặc đang có quyền sử dụng đất đối với loại đất được thực hiện dự án đầu tư xây dựng nhà ở theo quy định của Luật Đất đai. Như vậy, Luật Nhà ở quy định về các hình thức lựa chọn chủ đầu tư dự án xây dựng nhà ở là thống nhất với Luật Đầu tư năm 2020, Luật Đất đai năm 2024. Việc góp vốn bằng quyền sử dụng đất để thực hiện dự án như kiến nghị của tỉnh Tiền Giang là quyền của người sử dụng đất không phải là hình thức lựa chọn chủ đầu tư dự án.
2. Về nội dung kiến nghị: Thỏa thuận vị trí trạm biến áp và hướng tuyến đường dây đấu nối các công trình điện cấp điện áp từ 110kV trở lên là một trong những nội dung của Báo cáo nghiên cứu khả thi. Hiện nay, ngành điện (Tổng Công ty Truyền tải điện Quốc gia, Công ty Điện lực Tiền Giang) có văn bản gửi UBND tỉnh để thực hiện thỏa thuận vị trí trạm biến áp và hướng tuyến đường dây đấu nối các công trình điện này; các công trình này có thực hiện thu hồi đất. Theo quy định Luật Đầu tư năm 2020, đối với dự án có thực hiện thu hồi đất, dự án phải thực hiện thủ tục đề nghị chấp thuận chủ trương đầu tư; tuy nhiên, tại thời điểm trình hồ sơ thỏa thuận vị trí trạm biến áp và hướng tuyến đường dây đấu nối các công trình điện thì chưa có văn bản chấp thuận chủ trương đầu tư. Kiến nghị Bộ Công Thương, Bộ Xây dựng có ý kiến, hướng dẫn như sau; “Việc thỏa thuận vị trí, hướng tuyến dự án đường dây và trạm biến áp được thực hiện trước khi có quyết định chủ trương đầu tư hay sau khi có quyết định chủ trương đầu tư”.
Về nội dung này, Bộ Xây dựng trả lời như sau:
Điểm d khoản 3 Điều 4 Luật Đầu tư số 61/2020/QH14 quy định: “Việc triển khai dự án đầu tư xây dựng, nhà ở, khu đô thị thực hiện theo quy định của Luật Xây dựng, Luật Nhà ở và Luật Kinh doanh bất động sản sau khi đã được cơ quan có thẩm quyền chấp thuận chủ trương đầu tư, chấp thuận điều chỉnh chủ trương đầu tư theo quy định tại Luật Đầu tư;”.
Pháp luật về xây dựng chỉ quy định các nội dung Báo cáo nghiên cứu tiền khả thi và thiết kế sơ bộ trong hoạt động xây dựng; thủ tục chấp thuận chủ trương đầu tư thực hiện theo quy định của pháp luật về đầu tư. Do đó, việc thỏa thuận vị trí, hướng tuyến dự án đường dây và trạm biến áp có phải là nội dung yêu cầu của hồ sơ đề xuất hay không và được thực hiện trước khi có quyết định chủ trương đầu tư hay sau khi có quyết định chủ trương đầu tư, đề nghị Ủy ban nhân dân tỉnh Tiền Giang xin ý kiến của Bộ Kế hoạch và Đầu tư theo pháp luật về đầu tư và Bộ Công Thương liên quan đến các quy định quản lý chuyên ngành. Sau khi có chủ trương đầu tư được duyệt, việc lập Báo cáo nghiên cứu khả thi đầu tư xây dựng dự án được thực hiện theo quy định của pháp luật về xây dựng.
3. Về nội dung kiến nghị: Kính đề nghị Bộ Xây dựng xem xét ban hành:
- Suất đầu tư xây dựng hạ tầng kỹ thuật cụm công nghiệp và suất đầu tư nhà máy chế biến nông sản (trừ nhà máy xay xát gạo và nhà máy chế biến tinh bột sắn) để lập tổng mức đầu tư xây dựng làm cơ sở mời gọi đầu tư.
- Xem xét bổ sung chi phí lập phương án và dự toán an toàn giao thông.
- Định mức chi phí trong việc xây dựng dự toán các công tác tư vấn như: báo cáo đánh giá tác động môi trường; giấy phép môi trường; cam kết bảo vệ môi trường; thẩm tra an toàn giao thông; lập phương án và dự toán an toàn giao thông; xây dựng kịch bản tính toán mô hình thủy lực; quy trình vận hành hệ thống thủy lợi.
- Hướng dẫn, cho áp dụng đối với một số định mức chưa được ban hành nhưng công tác thực hiện có tính chất tương tự với các định mức đã được ban hành; cho phép dùng phương pháp nội suy để áp dụng thống nhất trên cả nước nhằm để giảm chi phí, thời gian cho chủ đầu tư khi phải thuê tư vấn lập định mức mới.
- Xem xét ban hành bổ sung một số định mức trong quá trình thi công xây dựng các công trình giao thông do các định mức này có thể xuất hiện ở địa phương khác, không phải đặc thù của tỉnh Tiền Giang, ví dụ như: Rải thảm mặt đường bê tông nhựa loại C16, chiều dày 6 cm và 7 cm; Rải thảm mặt đường hỗn hợp nhựa bán rỗng dày 10 cm; Thi công lớp móng cấp phối đá dăm gia cố xi măng, tỷ lệ xi măng 4%; Thi công lớp móng cát mịn gia cố xi măng, tỷ lệ xi măng 9%,...
- Xem xét ban hành bổ sung: Định mức chi phí giám sát đối với hoạt động công ích đô thị; Các định mức dự toán duy trì cây xanh đô thị: quét rác thám cỏ, lối đi công viên; nhặt rác dải phân cách; trồng mới cây xanh; Định mức dự toán sản xuất nước sạch và quản lý, vận hành mạng cấp nước cho công tác vận hành trạm bơm tăng áp có công suất lớn hơn 500 m3/ngày đêm.
Về những nội dung này, Bộ Xây dựng trả lời như sau:
1. Về nội dung kiến nghị: “Suất đầu tư xây dựng hạ tầng kỹ thuật cụm công nghiệp và suất đầu tư nhà máy chế biến nông sản (trừ nhà máy xay xát gạo và nhà máy chế biến tinh bột sắn) để lập tổng mức đầu tư xây dựng làm cơ sở mời gọi đầu tư.”.
Suất vốn đầu tư xây dựng công trình do Bộ Xây dựng công bố theo pháp luật về quản lý chi phí đầu tư xây dựng là một trong những cơ sở để xác định sơ bộ tổng mức đầu tư, tổng mức đầu tư xây dựng công trình, xác định và quản lý chi phí đầu tư xây dựng ở giai đoạn chuẩn bị dự án. Đối với kiến nghị của UBND tỉnh Tiền Giang về việc đề nghị xem xét ban hành suất đầu tư xây dựng hạ tầng kỹ thuật cụm công nghiệp và suất đầu tư nhà máy chế biến nông sản (trừ nhà máy xay xát gạo và nhà máy chế biến tinh bột sắn) để lập tổng mức đầu tư xây dựng làm cơ sở mời gọi đầu tư, Bộ Xây dựng ghi nhận để nghiên cứu và ban hành khi đủ điều kiện.
2. Về nội dung kiến nghị:“Xem xét bổ sung chi phí lập phương án và dự toán an toàn giao thông”.
Lập phương án và lập dự toán an toàn giao thông (nếu có) là một nội dung trong lập báo cáo nghiên cứu khả thi đầu tư xây dựng, lập báo cáo kinh tế - kỹ thuật đầu tư xây dựng, thiết kế xây dựng. Định mức chi phí cho công việc lập, thẩm tra báo cáo nghiên cứu khả thi đầu tư xây dựng, báo cáo kinh tế - kỹ thuật đầu tư xây dựng, thiết kế xây dựng (được Bộ Xây dựng ban hành tại Phụ lục VIII kèm theo Thông tư số 12/2021/TT-BXD ngày 31/8/2021 về ban hành định mức xây dựng) đã bao gồm chi phí cho công việc lập, thẩm tra phương án và dự toán đối với nội dung an toàn giao thông.
Việc xác định chi phí thẩm tra an toàn giao thông đối với trường hợp không thuộc dự án đầu tư xây dựng (như: trước khi đưa công trình vào khai thác, sử dụng hoặc trong quá trình khai thác, sử dụng và các trường hợp khác) được thực hiện theo quy định, hướng dẫn của Bộ Giao thông vận tải và các quy định của pháp luật khác có liên quan.
3. Về nội dung kiến nghị: “Đề nghị Bộ Xây dựng xem xét ban hành định mức chi phí trong việc xây dựng dự toán các công tác tư vấn như: báo cáo đánh giá tác động môi trường, giấy phép môi trường, cam kết bảo vệ môi trường, thẩm tra an toàn giao thông, lập phương án và dự toán an toàn giao thông, xây dựng kịch bản tính toán mô hình thủy lực, quy trình vận hành hệ thống thủy lợi.”
Công việc tư vấn đầu tư xây dựng được quy định tại khoản 1 Điều 31 Nghị định số 10/2021/NĐ-CP ngày 09/02/2021 của Chính phủ về quản lý chi phí đầu tư xây dựng. Tại khoản 3 Điều 31 Nghị định số 10/2021/NĐ-CP quy định chi phí tư vấn đầu tư xây dựng được xác định bằng định mức tỷ lệ phần trăm (%) do Bộ Xây dựng ban hành hoặc bằng cách lập dự toán trên cơ sở phạm vi công việc tư vấn, khối lượng công việc phải thực hiện, kế hoạch thực hiện của gói thầu và các quy định về chế độ, chính sách do nhà nước ban hành. Dự toán chi phí tư vấn được xác định theo hướng dẫn tại mục II Phụ lục VI Thông tư số 11/2021/TT-BXD ngày 31/8/2021 của Bộ Xây dựng hướng dẫn một số nội dung xác định và quản lý chi phí đầu tư xây dựng, UBND tỉnh Tiền Giang căn cứ quy định nêu trên để chỉ đạo các đơn vị liên quan lập và quản lý chi phí đầu tư xây dựng theo quy định.
4. Về nội dung kiến nghị: “Hướng dẫn, cho áp dụng đối với một số định mức chưa được ban hành nhưng công tác thực hiện có tính chất tương tự với các định mức đã được ban hành: cho phép dùng phương pháp nội suy để áp dụng thống nhất trên cả nước nhằm để giảm chi phí, thời gian cho chủ đầu tư khi phải thuê tư vấn lập định mức mới.”
Việc áp dụng hoặc tham khảo hệ thống định mức xây dựng do các cơ quan quản lý nhà nước có thẩm quyền ban hành để xác định và quản lý chi phí đầu tư xây dựng được thực hiện theo quy định tại khoản 3 Điều 136 Luật Xây dựng số 50/2014/QH13 được sửa đổi, bổ sung tại khoản 51 Điều 1 Luật số 62/2020/QH14 sửa đổi bổ sung Luật Xây dựng.
Đối với các định mức dự toán xây dựng chưa được quy định hoặc đã được quy định trong hệ thống định mức được cơ quan nhà nước có thẩm quyền ban hành nhưng chưa phù hợp với thiết kế, yêu cầu kỹ thuật, điều kiện thi công, biện pháp thi công của công trình thì trong quá trình lập dự toán, chủ đầu tư tổ chức xác định và quản lý định mức dự toán theo quy định tại khoản 4 Điều 21 Nghị định số 10/2021/NĐ- CP ngày 09/02/2021 của Chính phủ về quản lý chi phí đầu tư xây dựng.
Phương pháp xác định định mức dự toán mới, điều chỉnh định mức dự toán thực hiện theo hướng dẫn tại Phụ lục III Thông tư số 13/2021/TT-BXD ngày 31/8/2021 của Bộ Xây dựng về hướng dẫn phương pháp xác định các chỉ tiêu kinh tế kỹ thuật và đo bóc khối lượng công trình. Trong đó, phương pháp xác định định mức dự toán số 2.2 tại Mục 1.2 Phụ lục III Thông tư này cho phép sử dụng theo số liệu của công trình đã thực hiện (như: định mức công trình tương tự,...).
5. Về nội dung kiến nghị: “Xem xét, ban hành bổ sung một số định mức trong quá trình thi công xây dựng các công trình giao thông do các định mức này có thể xuất hiện ở địa phương khác, không phải đặc thù của tỉnh Tiền Giang, ví dụ như: Rải thảm mặt đường bê tông nhựa loại C16, chiều dày 6 cm và 7 cm: rải thảm mặt đường hỗn hợp nhựa bản rỗng dày 10 cm: thi công lớp móng cấp phối đá dăm gia cố xi măng, tỷ lệ xi măng 4%: thi công lớp móng cát mịn gia cố xi măng, tỷ lệ xi măng 9%...”
Đối với các công tác xây dựng xuất hiện tại các công trình xây dựng tại địa bàn tỉnh Tiền Giang nhưng chưa được ban hành định mức như nêu tại kiến nghị, UBND tỉnh Tiền Giang chỉ đạo các cơ quan chuyên môn hướng dẫn Chủ đầu tư tổ chức xác định định mức dự toán mới để áp dụng cho công trình theo quy định tại Điều 21 Nghị định số 10/2021/NĐ-CP ngày 09/02/2021 của Chính phủ về quản lý chi phí đầu tư xây dựng làm cơ sở lập và quản lý chi phí; đồng thời gửi kết quả xác định định mức để phục vụ rà soát, hoàn thiện hệ thống định mức xây dựng và cập nhật vào hệ thống cơ sở dữ liệu quy định tại điểm b khoản 5 Điều 21 Nghị định này.
Trường hợp cần thiết áp dụng các công tác nêu trên cho việc lập và quản lý chi phí đầu tư xây dựng chung cho các công trình trên địa bàn tỉnh, UBND tỉnh Tiền Giang căn cứ quy định tại khoản 5, 6 Điều 20 Nghị định số 10/2021/NĐ-CP để tổ chức xây dựng, ban hành định mức đặc thù địa phương; đồng thời tổng hợp gửi về Bộ Xây dựng để cập nhật vào hệ thống cơ sở dữ liệu theo quy định tại khoản 3 Điều 29 Nghị định này. Hiện nay, Bộ Xây dựng đang thực hiện công tác rà soát, sửa đổi, bổ sung hệ thống định mức xây dựng làm cơ sở cho các các tổ chức, cá nhân có liên quan lập và quản lý chi phí theo quy định.
6. Về nội dung kiến nghị: “Xem xét ban hành bổ sung: Định mức chi phí giám sát đối với hoạt động công ích đô thị; các định mức dự toán duy trì cây xanh đô thị, quét rác thảm cỏ, lối đi công viên, nhặt rác dải phân cách; trồng mới cây xanh; định mức dự toán sản xuất nước sạch và quản lý, vận hành mạng cấp nước cho công tác vận hành trạm bơm tăng áp có công suất lớn hơn 500 m3/ngày đêm.”
Đối với chi phí quản lý, giám sát dịch vụ công ích đô thị, UBND tỉnh Tiền Giang chỉ đạo các cơ quan chuyên môn tổ chức xác định dự toán các chi phí này; tổ chức thẩm định, phê duyệt hoặc ủy quyền phê duyệt theo quy định tại khoản 1 Điều 6 Thông tư số 14/2017/TT-BXD ngày 28/12/2017 của Bộ Xây dựng hướng dẫn xác định và quản lý chi phí dịch vụ công ích đô thị phù hợp với mô hình tổ chức quản lý, nội dung công việc phải thực hiện, khả năng cân đối ngân sách.
Đối với định mức dự toán sản xuất nước sạch và quản lý, vận hành mạng cấp nước; định mức dự toán duy trì hệ thống thoát nước đô thị; định mức dự toán duy trì cây xanh đô thị; định mức dự toán duy trì hệ thống chiếu sáng đô thị: Bộ Xây dựng đã công bố kèm theo các Quyết định số 590/QĐ-BXD, 591/QĐ-BXD, 593/QĐ- BXD, 594/QĐ-BXD ngày 30/5/2014.
Ngày 10/4/2019, Chính phủ đã ban hành Nghị định số 32/2019/NĐ-CP quy định giao nhiệm vụ, đặt hàng hoặc đấu thầu cung cấp sản phẩm, dịch vụ công sử dụng ngân sách nhà nước từ nguồn kinh phí chi thường xuyên. Theo đó đã quy định trách nhiệm của UBND cấp tỉnh tại điểm b khoản 2 Điều 26: Ban hành, sửa đổi, bổ sung định mức kinh tế - kỹ thuật, định mức chi phí (nếu có) áp dụng đối với sản phẩm, dịch vụ công làm cơ sở ban hành đơn giá, giả sản phẩm, dịch vụ công; tiêu chí, tiêu chuẩn chất lượng sản phẩm, dịch vụ công: cơ chế giám sát, đánh giá, kiểm định chất lượng và quy chế kiểm tra, nghiệm thu sản phẩm, dịch vụ công, thuộc phạm vi quản lý của địa phương”. Đề nghị UBND tỉnh Tiền Giang thực hiện trách nhiệm ban hành định mức thuộc phạm vi quản lý trên địa bàn theo quy định tại Nghị định số 32/2019/NĐ-CP và pháp luật có liên quan.
Kể từ ngày 01/01/2022, việc quản lý chất thải được thực hiện thống nhất theo quy định của Luật Bảo vệ môi trường số 72/2020/QH14; theo quy định tại khoản 5 Điều 79 Luật Bảo vệ môi trường số 72/2020/QH14, Bộ Tài nguyên và Môi trường có trách nhiệm quy định định mức kinh tế, kỹ thuật về thu gom, vận chuyển và xử lý chất thải rắn sinh hoạt. Vì vậy, đối với định mức dự toán các công tác quét rác thảm cỏ, lối đi công viên, nhặt rác dải phân cách, đề nghị UBND tỉnh Tiền Giang nghiên cứu quy định của Luật Bảo vệ môi trường, văn bản quy định chi tiết Luật và tham khảo hướng dẫn của Bộ Tài Nguyên và Môi trường để tổ chức thực hiện tại địa phương.
Trung tâm Thông tin
Nguồn: Công văn 5651/BXD-VP.