Trả lời kiến nghị của UBND tỉnh Đồng Nai

Thứ năm, 03/10/2024 18:10
Từ viết tắt Xem với cỡ chữ

Ngày 03/10/2024, Bộ Xây dựng đã có công văn 5649/BXD-VP giải đáp các kiến nghị của UBND tỉnh Đồng Nai như sau:

 1.  Về các nội dung kiến nghị:

- Kiến nghị Bộ Xây dựng xem xét, hướng dẫn việc vận dụng Luật Quy hoạch 2017 và các Nghị quyết của Quốc hội, của Chính phủ để điều chỉnh cục bộ quy hoạch đô thị, quy hoạch xây dựng, quy hoạch chuyên ngành kỹ thuật nhằm đáp ứng triển khai các dự án trọng điểm, cấp bách của tỉnh (ví dụ khu TTTM Hiệp Hòa đang rà soát điều chỉnh cục bộ quy hoạch chung đô thị; khu du lịch đô thị Núi Chứa Chan dự kiến rà soát điều chỉnh quy hoạch vùng huyện nhưng chưa có quy định về điều chỉnh cục bộ quy hoạch vùng trong pháp luật xây dựng,...)

- Kiến nghị: Đoàn công tác của Chính phủ giải đáp việc lập, phê duyệt Đồ án quy hoạch xây dựng chi tiết và lập, thẩm định, phê duyệt dự án khi đã có Quy hoạch chung được phê duyệt nhưng chưa có đồ án quy hoạch phân khu được duyệt là đảm bảo cơ sở pháp lý?

Về nội dung này, Bộ Xây dựng trả lời như sau:

1. Luật Xây dựng năm 2014 và các quy định pháp luật về quy hoạch xây dựng không quy định về việc điều chỉnh quy hoạch vùng.

2. Khoản 1 và khoản 4 Điều 46 Luật Quy hoạch đô thị năm 2009 quy định:

“1. Quy hoạch đô thị phải được định kỳ xem xét, rà soát, đánh giá quá trình thực hiện để kịp thời điều chỉnh phù hợp với tình hình phát triển kinh tế - xã hội trong từng giai đoạn. Thời hạn rà soát định kỳ đối với quy hoạch chung, quy hoạch phân khu là 5 năm, quy hoạch chi tiết là 3 năm, kể từ ngày quy hoạch đô thị được phê duyệt”.

“4. Căn cứ tình hình phát triển kinh tế - xã hội và các yếu tố tác động đến quá trình phát triển đô thị, cơ quan có thẩm quyền phê duyệt quy hoạch đô thị quyết định việc điều chỉnh quy hoạch đô thị”.

Khoản 1 Điều 47 Luật Quy hoạch đô thị năm 2009 được sửa đổi, bổ sung tại Luật số 35/2018/QH14 quy định quy hoạch đô thị được điều chỉnh khi “Có sự điều chỉnh về chiến lược phát triển kinh tế - xã hội, quốc phòng, an ninh, quy hoạch cấp quốc gia, quy hoạch vùng, quy hoạch tỉnh hoặc điều chỉnh về địa giới hành chính làm ảnh hưởng lớn đến tính chất, chức năng, quy mô của đô thị hoặc khu vực lập quy hoạch;”. Căn cứ quy định pháp luật nêu trên, trên cơ sở quy hoạch tỉnh đã được cấp có thẩm quyền phê duyệt, đề nghị UBND tỉnh Đồng Nai rà soát quy hoạch đô thị đã được phê duyệt để điều chỉnh quy hoạch theo quy định pháp luật.

3. Khoản 1 Điều 18 Luật Quy hoạch đô thị năm 2009 được sửa đổi, bổ sung tại Luật số 35/2018/QH14 quy định “Quy hoạch chung được lập cho thành phố trực thuộc Trung ương, thành phố thuộc tỉnh, thị xã, thị trấn và đô thị mới”, “Quy hoạch phân khu được lập cho các khu vực trong thành phố, thị xã và đô thị mới; ”.

Khoản 4 Điều 29 Luật Quy hoạch đô thị năm 2009 quy định “Đồ án quy hoạch phân khu đã được phê duyệt là cơ sở để xác định các dự án đầu tư xây dựng trong đô thị và lập quy hoạch chi tiết”.

Căn cứ quy định pháp luật nêu trên, đối với các khu vực trong đô thị có yêu cầu lập quy hoạch phân khu, việc lập và phê duyệt đồ án quy hoạch chi tiết phải căn cứ vào quy hoạch phân khu đã được phê duyệt.

2. Về nội dung kiến nghị: Căn cứ điều khoản chuyển tiếp quy định tại điểm e khoản 2 Điều 198 Luật Nhà ở năm 2023: “Đối với dự án đầu tư xây dựng nhà ở để phục vụ tái định cư đã được cơ quan có thẩm quyền quyết định hoặc chấp thuận chủ trương đầu tư, chấp thuận đầu tư dự án, quyết định phê duyệt dự án trước ngày Luật này có hiệu lực thi hành thì thực hiện theo nội dung văn bản đã được quyết định, chấp thuận, phê duyệt”.

Hiện nay, tại thành phố Biên Hòa, tỉnh Đồng Nai đang triển khai 02 dự án tái định cư để phục vụ cho dự án Cao tốc Biên Hòa - Vũng Tàu (dự án trọng điểm Quốc gia); hai dự án đã được Quyết định chủ trương tuy nhiên chưa phê duyệt dự án (trong đó 01 dự án là Khu TĐC Phước Tân, quy mô 49,32ha đang được BXD thẩm định Báo cáo nghiên cứu khả thi, và 01 dự án là Khu TĐC Tam Phước, quy mô 31,52ha đang được SXD thẩm định báo cáo nghiên cứu khả thi). Kiến nghị Đoàn Công tác hướng dẫn: trường hợp dự án tái định cư đã được quyết định chủ trương nhưng chưa được phê duyệt dự án thì có được thực hiện chuyển tiếp không?

Về nội dung này, Bộ Xây dựng trả lời như sau:

Theo quy định tại điểm e khoản 2 Điều 198 của Luật Nhà ở 2023 quy định: “Đối với dự án đầu tư xây dựng nhà ở để phục vụ tái định cư đã được cơ quan có thẩm quyền quyết định hoặc chấp thuận chủ trương đầu tư, chấp thuận đầu tư dự án, quyết định phê duyệt dự án trước ngày Luật này có hiệu lực thi hành thì thực hiện theo nội dung văn bản đã được quyết định, chấp thuận, phê duyệt; ”

Như vậy, căn cứ quy định nêu trên của Luật Nhà ở, đối với dự án đầu tư xây dựng nhà ở để phục vụ tái định cư đã được cơ quan có thẩm quyền quyết định hoặc chấp thuận chủ trương đầu tư thì thực hiện theo nội dung văn bản đã được quyết định, chấp thuận, phê duyệt.

3. Về nội dung kiến nghị: Theo Phụ lục 1 Nghị định số 40/2020/NĐ-CP ngày 06/4/2020 của Chính phủ quy định chi tiết thi hành một số điều của luật đầu tư công, theo đó xác định Dự án Khu nhà ở gồm: Dự án Khu đô thị và dự án Khu chung cư. Như vậy, dự án Khu chung cư (không phụ thuộc vào việc khu đó có xây dựng đồng bộ hệ thống Hạ tầng xã hội hay không) thuộc nhóm dự án Khu nhà ở. Tuy nhiên, theo khoản 3 mục VII Phụ lục IX Nghị định số 15/2023/NĐ-CP định nghĩa: “3. Dự án đầu tư xây dựng khu nhà ở là dự án đầu tư xây dựng cụm công trình nhà ở tại đô thị hoặc khu nhà ở tại nông thôn, được đầu tư xây dựng đồng bộ hệ thống hạ tầng kỹ thuật, hạ tầng xã hội theo quy hoạch được phê duyệt và không thuộc trường hợp quy định tại điểm a khoản 1 Mục này". Do đó, đối với các dự án đầu tư xây dựng Khu chung cư chỉ gồm các khối chung cư và hạ tầng kỹ thuật kèm theo (không bao gồm hạ tầng xã hội) thì có thuộc Dự án đầu tư xây dựng Khu nhà ở theo quy định tại Nghị định 15/2021/NĐ-CP hay không? Nếu không, thì sẽ thuộc Nhóm Dự án nào trong các nhóm dự án được nêu tại liệt kê tại Điều 8 Luật đầu tư công 2019.

Kiến nghị Bộ Xây dựng hướng dẫn nội dung xác định loại dự án Khu chung cư (chỉ bao gồm các block chung cư và hạ tầng kỹ thuật) để làm cơ sở xác định nhóm dự án theo quy định của pháp luật đầu tư công để xác định thẩm quyền thẩm định Báo cáo nghiên cứu khả thi của dự án và các thủ tục liên quan (PCCC, môi trường).

Đồng thời, kiến nghị Bộ Xây dựng và Bộ Kế hoạch Đầu tư nghiên cứu, rà soát quy định về dự án Khu nhà ở giữa 02 Nghị định nêu trên để đảm bảo đồng bộ, thống nhất làm cơ sở xác định quy mô nhóm của dự án.

Về nội dung này, Bộ Xây dựng trả lời như sau:

Khoản 8 Điều 1 Luật số 62/2020/QH14 sửa đổi bổ sung một số điều của Luật Xây dựng năm 2014 quy định: “Căn cứ quy mô, mức độ quan trọng, dự án được phân loại thành dự án nhóm A, dự án nhóm B, dự án nhóm C theo tiêu chí của pháp luật về đầu tư công.”.

Để đồng bộ với việc phân loại dự án tại Nghị định số 40/2020/NĐ-CP của Chính phủ ngày 06/4/2020 quy định chi tiết một số điều của Luật Đầu tư công, tại Dự thảo Nghị định thay thế Nghị định số 15/2021/NĐ-CP, Bộ Xây dựng đã bổ sung giải thích thuật ngữ “Dự án Khu nhà ở chung cư” tại khoản 11 Điều 3 cụ thể như sau: “Dự án đầu tư xây dựng khu nhà ở chung cư (khu chung cư) là dự án đầu tư xây dựng có từ 02 công trình nhà chung cư trở lên độc lập về kết cấu và các công trình xây dựng khác (nếu có) trên một khu đất được đầu tư xây dựng đồng bộ về hệ thống hạ tầng kỹ thuật, hạ tầng xã hội theo quy hoạch được phê duyệt”, đồng thời sửa quy định “Dự án đầu tư xây dựng khu nhà ở” thành “Dự án khu nhà ở chung cư” tại Phụ lục IX của Nghị định số 15/2021/NĐ-CP.

Các dự án đầu tư xây dựng block chung cư và hạ tầng kỹ thuật cho nhà chung cư trường hợp không đáp ứng các yêu cầu nêu trên thì được phân loại theo tiêu chí dự án xây dựng dân dụng theo tiêu chí quy định tại Luật Đầu tư công.

4. Về nội dung kiến nghị: Tại khoản 2 Điều 41 Nghị định 15/2021/NĐ-CP quy định quy hoạch xây dựng và quy hoạch có tính chất kỹ thuật, chuyên ngành là cơ sở xem xét việc cấp giấy phép xây dựng. Tuy nhiên, hiện nay Bộ Công Thương chưa có hướng dẫn về việc lập quy hoạch mạng lưới trạm sạc, chưa ban hành tiêu chuẩn, quy chuẩn trạm sạc. Do đó, địa phương chưa có đầy đủ cơ sở pháp lý để cấp giấy phép xây dựng các trạm sạc điện. Đồng thời, hiện nay, trong danh mục quy hoạch có tính chất kỹ thuật chuyên ngành (Phụ lục 1 Luật Quy hoạch số 21/2017/QH14) chưa có quy định quy hoạch mạng lưới trạm sạc điện là quy hoạch có tính chất kỹ thuật chuyên ngành.

Kiến nghị: Trong thời gian chờ Bộ, ngành Trung ương hướng dẫn các nội dung quy hoạch trạm sạc điện, Đồng Nai dự kiến xây dựng Đề án mạng lưới trạm sạc điện trên địa bàn tỉnh (tương tự như mô hình của thành phố Đà Nẵng) để làm cơ sở xem xét việc cấp giấy phép xây dựng trạm sạc nhằm giải quyết các nhu cầu cung cấp nhiên liệu cho xe điện trên địa bàn tỉnh (trước mắt đề án tập trung quy hoạch ở một số vị trí: bãi đậu xe công cộng, cây xăng, TTTM,...). Thời gian thực hiện Đề án dự kiến đến khi các cơ quan Trung ương hướng dẫn lập quy hoạch mạng lưới trạm sạc điện.

Về nội dung này, Bộ Xây dựng trả lời như sau:

Việc đầu tư lắp đặt trạm/trụ sạc điện cho ô tô, xe máy, nhằm góp phần quan trọng để thúc đẩy quá trình chuyển đổi phương tiện đường bộ sử dụng nhiên liệu hóa thạch sang phương tiện sử dụng năng lượng khác trong đó có năng lượng điện nhằm từng bước thực hiện cam kết của Việt Nam tại COP 26 và phù hợp với Quyết định số 876/QĐ-TTg ngày 22/7/2022 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Chương trình hành động về chuyển đổi năng lượng xanh, giảm phát thải khí các-bon và khí mê-tan của ngành Giao thông vận tải. Tại Điều 2 Quyết định số 876/QĐ-TTg ngày 22/7/2022, Thủ tướng Chính phủ đã giao nhiệm vụ cụ thể cho từng Bộ, Ủy ban nhân dân cấp tỉnh để triển khai thực hiện.

Thủ tục về đầu tư xây dựng loại hình này đã được quy định cụ thể tại pháp luật về xây dựng, trong đó thủ tục cấp giấy phép xây dựng đã được quy định cụ thể tại Điều 41 Nghị định số 15/2021/NĐ-CP đã được sửa đổi, bổ sung tại khoản 12 Điều 12 Nghị định số 35/2023/NĐ-CP ngày 20/6/2023 của Chính phủ sửa đổi, bổ sung một số điều của các Nghị định thuộc lĩnh vực quản lý nhà nước của Bộ Xây dựng.

Việc Ủy ban nhân dân tỉnh Đồng Nai dự kiến xây dựng Đề án mạng lưới trạm sạc điện trên địa bàn tỉnh (trước mắt đề án tập trung quy hoạch ở một số vị trí như bãi đỗ xe công cộng, cây xăng, trung tâm thương mại,....) là cần thiết. Tuy nhiên, để đảm bảo tính hiệu lực của Đồ án, đề nghị Ủy ban nhân dân tỉnh Đồng Nai phối hợp với Bộ Công Thương và các Bộ, ngành có liên quan nghiên cứu việc đề xuất phải đảm bảo xây dựng đủ hành lang pháp lý làm cơ sở triển khai thực hiện.

5. Về nội dung kiến nghị: Kiến nghị Bộ Xây dựng có hướng dẫn cụ thể đối với các tiêu chí “Công trình xanh; Khu chức năng đô thị, khu đô thị mới được quy hoạch, thiết kế theo mô hình xanh, ứng dụng công nghệ cao, thông minh ”.

Về nội dung này, Bộ Xây dựng trả lời như sau:

Nghị quyết số 26/2022/UBTVQH15 ngày 21/9/2022 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị quyết số 1210/2016/UBTVQH13 ngày 25/5/2016 về phân loại đô thị đã bổ sung 02 tiêu chuẩn mới trong tiêu chí về kiến trúc, cảnh quan đô thị:

- Tiêu chuẩn Công trình xanh: là công trình đã được hệ thống chứng nhận công trình xanh (như LOTUS, LEED, Green Mark...) cấp giấy chứng nhận.

- Tiêu chuẩn Khu chức năng đô thị, khu đô thị mới được quy hoạch, thiết kế theo mô hình xanh, ứng dụng công nghệ cao, thông minh: Bộ Xây dựng đã giao các đơn vị chức năng triển khai nghiên cứu các tiêu chí cụ thể để sớm ban hành hướng dẫn thực hiện trong thời gian tới.

6. Về nội dung kiến nghị: UBND tỉnh chưa có cơ sở ban hành quy định bàn giao quản lý công trình hạ tầng kỹ thuật trong dự án khu đô thị, khu nhà ở trên địa bàn tỉnh Đồng Nai (nội dung này UBND tỉnh đã có Văn bản số 4045/UBND- KTN ngày 15/4/2024 kiến nghị Bộ Xây dựng hướng dẫn).

Trong thời gian cấp có thẩm quyền chưa ban hành chính sách quy định việc quản lý, sử dụng và khai thác tài sản kết cấu hạ tầng nêu trên, kính đề nghị Bộ Xây dựng có hướng dẫn, chỉ đạo đề địa phương tiếp tục thực hiện.

Về nội dung này, Bộ Xây dựng trả lời như sau:

Nội dung kiến nghị đã được nêu tại Văn bản số 4045/UBND-KTN ngày 15/4/2023 của UBND tỉnh Đồng Nai và Bộ Xây dựng đã có ý kiến phúc đáp tại Văn bản số 2110/BXD-PTĐT ngày 17/5/2024.

7.  Về nội dung kiến nghị: Hướng dẫn cụ thể các nội dung trong Quy chuẩn QCVN 07-10:2023/BXD về nghĩa trang và cơ sở hỏa táng; kiến nghị xem xét điều chỉnh việc quy định cơ sở hỏa táng trong khuôn viên các công trình khác (nghĩa trang, công trình tôn giáo, tín ngưỡng); kiến nghị bổ sung việc bố trí nhà tang lễ trong các chung cư.

Về nội dung này, Bộ Xây dựng trả lời như sau:

- Về việc hướng dẫn tính toán tỷ lệ sử dụng đất các khu chức năng trong nghĩa trang: Theo quy định tại mục 2.2.3.2 của QCVN 07-10:2023/BXD “Phần diện tích cây xanh, mặt nước, sân, đường nội bộ và công trình phụ trợ gắn với từng phần mộ trong nghĩa trang cho phép không tính vào diện tích sử dụng đất của phần mộ” cho phép các lô đất bố trí mộ ghép có diện tích đất bao gồm diện tích cho phần mộ (tối đa không quá 3 m2 cho mỗi phần mộ) và diện tích cho cây xanh, mặt nước, sân đường nội bộ và công trình phụ trợ. Diện tích này vẫn được tính là đất thuộc khu vực mai táng khi tính toán tỷ lệ sử dụng đất các khu chức năng trong nghĩa trang theo quy định tại mục 2.2.3.1 của QCVN 07-10:2023/BXD.

- Về kiến nghị xem xét điều chỉnh việc quy định cơ sở hỏa táng trong khuôn viên các công trình khác (nghĩa trang, công trình tôn giáo, tín ngưỡng): Việc bố trí các cơ sở hỏa táng được xác định trong quy hoạch tỉnh, quy hoạch xây dựng, quy hoạch sử dụng đất và các quy chế quản lý kiến trúc quy hoạch tại địa phương. Xuất phát từ thực tế có trường hợp cơ sở hỏa táng được đặt tại các cơ sở tôn giáo, tín ngưỡng, vì vậy QCVN 07-10:2023/BXD đưa ra quy định nhằm bắt các cơ sở hỏa táng khi được quy hoạch tại các cơ sở tôn giáo, tín ngưỡng buộc phải tuân thủ để đảm bảo các yêu cầu về tiện nghi, an toàn và môi trường.

- Về kiến nghị bổ sung việc bố trí nhà tang lễ trong các chung cư: Công trình nhà tang lễ là công trình có phát sinh tụ tập đông người, gây ô nhiễm tiếng ồn, có nguy cơ cháy và ô nhiễm môi trường do vậy đòi hỏi các yêu cầu về đảm bảo an toàn giao thông, an ninh trật tự, đảm bảo diện tích bãi đỗ xe và các yêu cầu về xử lý tiếng ồn, xử lý các nguy cơ cháy và ô nhiễm môi trường khác. Vì vậy, việc đề xuất cho phép bố trí nhà tang lễ tại các chung cư là chưa phù hợp tại thời điểm hiện nay. Bộ Xây dựng sẽ nghiên cứu, xem xét kiến nghị này tại các lần rà soát, chính sửa QCVN 07-10:2023/BXD.

8. Về nội dung kiến nghị:

-   Hiện nay khi thẩm định đồ án quy hoạch thì thu phí theo Thông tư 35/2023/TT- BTC hay thu chi phí theo Thông tư 20/2019/TT-BXD?

-   Nếu thu theo Thông tư 35/2023/TT-BTC thì phí thẩm định đồ án điều chỉnh được tính trên chi phí lập điều chỉnh đồ án quy hoạch thực tế thực hiện theo hợp đồng rồi nhân với hệ số điều chỉnh; hay tính theo định mức lập đồ án quy hoạch mới theo định mức Thông tư 20/2019/TT-BXD rồi nhân với hệ số điều chỉnh (đặc biệt là đối với vốn khác thường không có dự toán quy hoạch).

Về nội dung này, Bộ Xây dựng trả lời như sau:

Phí thẩm định đồ án quy hoạch được quy định tại Luật Phí và lệ phí số 97/2015/QH13. Ngày 31/5/2023, Bộ trưởng Bộ Tài chính đã ban hành Thông tư số 35/2023/TT-BTC, theo đó quy định mức thu, chế độ thu, nộp, quản lý và sử dụng phí thẩm định các đồ án quy hoạch. Vì vậy, việc thu, nộp, quản lý, sử dụng phí thẩm định đồ án quy hoạch, phí thẩm định đồ án quy hoạch điều chỉnh thực hiện theo hướng dẫn tại Thông tư số 35/2023/TT-BTC và Luật Phí và lệ phí số 97/2015/QH13. Trong quá trình thực hiện, nếu có vướng mắc về việc thu, nộp, quản lý và sử dụng các loại phí này thì Ủy ban nhân dân tỉnh Đồng Nai hướng dẫn các chủ thể có liên quan đề nghị Bộ Tài chính hướng dẫn theo đúng thẩm quyền.

9. Về nội dung kiến nghị: Quá trình đốt rác lại phát sinh lượng chất thải rắn là tro xỉ với tỷ lệ dao động khoảng 15 - 25%. Theo tính toán, các nhà máy xử lý rác thải có tạo ra điện năng sẽ sản sinh ra bình quân 25 tấn tro xỉ/MW. Như vậy, trong các năm tới khi lượng rác thải từ các nhà máy đốt rác tăng lên đồng nghĩa lượng tro xỉ sinh ra cũng sẽ tăng theo. Nhưng hiện tại vẫn chưa có các tiên chuẩn, quy định, hướng dẫn sử dụng loại tro này (Chỉ có các tiêu chuẩn, quy chuẩn, chỉ dẫn kỹ thuật, cho việc xử lý, sử dụng tro, xỉ, thạch cao của các nhà máy nhiệt điện, nhà máy hóa chất, phân bón làm nguyên liệu sản xuất vật liệu xây dựng và sử dụng trong công trình xây dựng theo Văn bản số 1172/BXD- VLXD ngày 28/3/2023). Kiến nghị: Bộ Xây dựng có ý kiến xem xét hướng dẫn đối với việc sử dụng tro xỉ và tro bay sau quá trình đốt rác nêu trên?

Về nội dung này, Bộ Xây dựng trả lời như sau:

Tại khoản 2, Điều 65, Nghị định số 08/2022/NĐ-CP ngày 10/01/2022 của Chính phủ Quy định chi tiết một số điều của Luật bảo vệ môi trường quy định: "Tro, xỉ, thạch cao được phân định là chất thải rắn công nghiệp thông thường và các chất thải rắn công nghiệp thông thường khác đáp ứng các tiêu chuẩn, quy chuẩn kỹ thuật, hướng dẫn kỹ thuật sử dụng làm nguyên liệu sản xuất vật liệu xây dựng, san lấp mặt bằng do cơ quan có thẩm quyền ban hành được quản lý như đối với sản phẩm hàng hóa vật liệu xây dựng. Trường hợp chưa có tiêu chuẩn, quy chuẩn kỹ thuật, hướng dẫn kỹ thuật thì áp dụng tiêu chuẩn của một trong các nước thuộc nhóm các nước công nghiệp phát triển".

Do đó, trường hợp tro, xỉ phát sinh từ quá trình đốt rác nếu được phân định là chất thải rắn công nghiệp thông thường (phù hợp với Quy chuẩn kỹ thuật quốc gia QCVN 07:2009/BTNMT về ngưỡng chất thải nguy hại), đồng thời phù hợp với các tiêu chuẩn sau thì có thể được sử dụng như chỉ dẫn trong các tiêu chuẩn:

- TCVN 7570:2006 cốt liệu cho bê tông và vữa - Yêu cầu kỹ thuật;

- TCVN 8825:2011 Phụ gia khoáng cho bê tông đầm lăn;

- TCVN 10302:2014 Phụ gia hoạt tính tro bay dùng cho bê tông, vữa và xi măng;

- TCVN 10379:2014 Gia cố đất bằng chất kết dính vô cơ, hóa chất hoặc gia cố tổng hợp sử dụng trong công trình đường bộ - Thi công và nghiệm thu;

- TCVN 6882:2016 Phụ gia khoáng cho xi măng;

- TCVN 12249:2018 Tro, xỉ nhiệt điện đốt than làm vật liệu san lấp - Yêu cầu chung thì có thể sử dụng làm vật liệu san lấp. Việc sử dụng tro, xỉ làm vật liệu san lấp được thực hiện theo Chỉ dẫn kỹ thuật "Sử dụng tro, xỉ nhiệt điện đốt than vào san lấp" được Bộ Xây dựng ban hành tại Quyết định số 216/QĐ-BXD ngày 28/3/2019;

- TCVN 12660:2019 Tro, xỉ nhiệt điện đốt than làm nền đường ô tô - Yêu cầu kỹ thuật, thi công và nghiệm thu.

Cùng với đó, Bộ Xây dựng đã giao đơn vị chuyên môn xây dựng dự thảo tiêu chuẩn quốc gia TCVN ... Tro xỉ đốt chất thải rắn sinh hoạt làm nguyên liệu sản xuất gạch bê tông và Dự thảo Chỉ dẫn kỹ thuật sử dụng tro, xỉ lò đốt rác làm nguyên liệu sản xuất gạch bê tông, bê tông để ban hành áp dụng trong thời gian tới.

10. Về nội dung kiến nghị: Hiện nay, tỉnh Đồng Nai không còn huyện nghèo do đó dự án hỗ trợ nhà ở cho hộ nghèo, hộ cận nghèo trên địa bàn tỉnh không được sử dụng ngân sách để hỗ trợ, đồng thời mức hỗ trợ quá thấp không phù hợp với thực tế. Kiến nghị: Bộ Xây dựng xem xét, sớm sửa đổi Thông tư số 01/2022/TT-BXD ngày 30/6/2022 của Bộ Xây dựng hướng dẫn thực hiện hỗ trợ nhà ở cho hộ nghèo, hộ cận nghèo trên địa bàn các huyện nghèo thuộc Chương trình mục tiêu quốc gia bền vững giai đoạn 2021-2025. Lý do: nên mở rộng địa bàn không nên chỉ thực hiện ở các huyện nghèo, đồng thời nghiên cứu nâng mức hỗ trợ 40 triệu đồng/căn xây mới và 20 triệu đồng/căn sửa chữa cho hộ nghèo là quá thấp khó thực hiện.

Về nội dung này, Bộ Xây dựng trả lời như sau:

1. Về phạm vi thực hiện hỗ trợ nhà ở cho hộ nghèo, hộ cận nghèo trên địa bàn các huyện nghèo thuộc Chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo bền vững giai đoạn 2021-2025 theo Thông tư số 01/2022/TT-BXD ngày 30/6/2022 của Bộ trưởng Bộ Xây dựng:

Căn cứ Nghị quyết số 24/2021/NQ-QH ngày 28/7/2021 của Quốc hội phê duyệt chủ trương đầu tư Chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo bền vững giai đoạn 2021-2025 (sau đây gọi là Chương trình MTQG GNBV), Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Quyết định số 90/QĐ-TTg ngày 18/01/2022 phê duyệt Chương trình MTQG GNBV giai đoạn 2021-2025. Trong đó có Dự án 5: Hỗ trợ nhà ở cho hộ nghèo, hộ cận nghèo trên địa bàn các huyện nghèo.

Thủ tướng Chính phủ cũng đã ban hành Quyết định số 353/QĐ-TTg ngày 15/3/2022 phê duyệt danh sách huyện nghèo, xã đặc biệt khó khăn vùng bãi ngang, ven biển và hải đảo giai đoạn 2021-2025. Theo đó, Bộ trưởng Bộ Xây dựng đã ban hành Thông tư số 01/2022/TT- BXD ngày 30/6/2022 hướng dẫn thực hiện hỗ trợ nhà ở cho hộ nghèo, hộ cận nghèo trên địa bàn các huyện nghèo thuộc Chương trình MTQG GNBV giai đoạn 2021-2025 (phạm vi điều chỉnh: Thông tư này hướng dẫn việc xác định đối tượng, nguyên tắc, tiêu chí, chất lượng và việc tổ chức triển khai thực hiện hỗ trợ nhà ở cho hộ nghèo, hộ cận nghèo trên địa bàn các huyện nghèo được phê duyệt tại Quyết định số 353/QĐ-TTg ngày 15 tháng 3 năm 2022 của Thủ tướng Chính phủ).

Như vậy, việc xác định phạm vi thực hiện Dự án 5 trên địa bàn các huyện nghèo thuộc thẩm quyền của Quốc hội đã được Thủ tướng Chính phủ cụ thể hóa tại Quyết định số 353/QĐ-TTg ngày 15 tháng 3 năm 2022.

2. Về nghiên cứu nâng mức hỗ trợ của Thông tư số 01/2022/TT-BXD ngày 30/6/2022 của Bộ trưởng Bộ Xây dựng hướng dẫn thực hiện hỗ trợ nhà ở cho hộ nghèo, hộ cận nghèo trên địa bàn các huyện nghèo thuộc Chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo bền vững giai đoạn 2021-2025:

Theo Quyết định số 90/QĐ-TTg, đối với dự án 5: Hỗ trợ nhà ở cho hộ nghèo, hộ cận nghèo trên địa bàn các huyện nghèo thì tổng nhu cầu vốn để thực hiện là 8.000 tỷ đồng: Ngân sách trung ương khoảng 4.000 tỷ đồng, ngân sách địa phương hỗ trợ 1.000 tỷ đồng và vốn huy động hợp pháp khác 3.000 tỷ đồng.

Theo Thông tư số 01/2022/TT-BXD, ngoài việc được hỗ trợ với mức kinh phí từ ngân sách nhà nước nêu trên thì còn được huy động từ nhiều nguồn vốn để thực hiện, kết hợp giữa Nhà nước và nhân dân cùng làm theo nguyên tắc: Nhà nước hỗ trợ, cộng đồng giúp đỡ, hộ gia đình tự tổ chức xây dựng nhà ở; Đồng thời, UBND cấp tỉnh chỉ đạo các cơ quan chuyên môn nghiên cứu, thiết kế tối thiểu 03 mẫu nhà ở điển hình phù hợp với phong tục, tập quán của từng địa phương (kèm theo dự toán kinh phí, dự trù vật liệu chủ yếu) để người dân tham khảo, lựa chọn.

Trong điều kiện kinh tế của đất nước hiện nay, với số vốn này cùng với sự giúp đỡ, hỗ trợ của các tổ chức, cá nhân, cộng đồng xã hội thì sau khi hoàn thành hỗ trợ, nhà ở của các hộ nghèo, hộ cận nghèo đảm bảo diện tích sử dụng tối thiểu 30m2 “3 cứng” (nền cứng, khung - tường cứng, mái cứng) và tuổi thọ căn nhà từ 20 năm trở lên theo quy định của Thông tư số 01/2022/TT-BXD. Bên cạnh đó, hiện nay, Bộ Xây dựng vẫn đang tiếp tục xây dựng các chính sách hỗ trợ về nhà ở cho các hộ nghèo khu vực nông thôn trên địa bàn cả nước để báo cáo Thủ tướng Chính phủ xem xét, phê duyệt.


Trung tâm Thông tin
Nguồn: Công văn 5649/BXD-VP.

Tìm theo ngày :

Đánh giá

(Di chuột vào ngôi sao để chọn điểm)