Sau khi nhận được văn bản số 1917/UBND-TCTM của Ủy ban nhân dân tỉnh Hòa Bình về việc không giảm trừ dự toán, khối lượng nghiệm thu thanh toán và văn bản số 1918/UBND-TCTM ngày 21/12/2017 về việc hướng dẫn áp dụng định mức trong xây dựng kè bờ sông. Bộ Xây dựng đã nghiêm cứu và có ý kiến như sau:
Việc lập và quản lý chi phí đầu tư xây dựng thuộc quyền và trách nhiệm của chủ đầu tư đảm bảo tuân thủ với các quy định của pháp luật áp dụng trong từng thời kỳ. Theo đó:
1. Về định mức dự toán trong công tác xây dựng kè bờ sông
Theo văn bản số 1918/UBND-TCTM ngày 21/12/2017, Dự án nạo vét, gia cố chỉnh trị dòng sông Bôi để thoát lũ nhanh cho các huyện Kim Bôi, Yên Thủy và Lạc Thủy tỉnh Hòa Bình được thực hiện từ năm 2009 (theo Quyết định 150/QĐ-UBND ngày 06/02/2009 của UBND tỉnh Hòa Bình) do đó thuộc phạm vi điều chỉnh của Nghị định số 99/2007/NĐ-CP ngày 13/6/2007 của Chính phủ về Quản lý chi phí đầu tư xây dựng công trình và hướng dẫn tại Thông tư số 05/2007/TT-BXD ngày 25/7/2007 (sau đây gọi tắt là Thông tư số 05/2007/TT-BXD). Theo đó, chủ đầu tư quyết định việc áp dụng, vận dụng định mức xây dựng được công bố hoặc điều chỉnh để lập và quản lý chi phí đầu tư xây dựng xây dựng công trình.
Đối với các định mức xây dựng chưa có trong hệ thống định mức xây dựng đã được công bố, chủ đầu tư căn cứ theo yêu cầu kỹ thuật, điều kiện thi công và phương pháp xây dựng định mức quy định tại Thông tư số 05/2007/TT-BXD để tổ chức xây dựng các định mức đó hoặc tham khảo, vận dụng các định mức xây dựng tương tự đã sử dụng ở các công trình khác để quyết định áp dụng.
Trường hợp thiết kế kỹ thuật, biện pháp và điều kiện thi công của công tác đúc, lắp ghép các tấm bê tông định hình lát mái kè loại có ngàm của Dự án có tính chất tương đồng với quy định áp dụng của tập định mức được ban hành kèm theo Quyết định số 65/2003/QĐ-BNN ngày 02/6/2003 của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn thì việc vận dụng định mức này trong việc xác định chi phí đầu tư xây dựng là phù hợp. Chủ đầu tư chịu trách nhiệm trước pháp luật về quyết định vận dụng định mức này.
2. Về lập dự toán hạng mục cửa gỗ lim
Theo văn bản số 1917/UBND-TCTM ngày 21/12/2017, Dự án Trụ sở Văn phòng Tỉnh ủy và các ban Xây dựng đảng được thực hiện từ năm 2010 (theo Quyết định 1684/QĐ-UBND ngày 07/10/2010 của UBND tỉnh Hòa Bình) được phân kỳ giai đoạn 1 (năm 2009 đến 2011) xây dựng Trụ sở Văn phòng Tỉnh ủy do đó thuộc phạm vi điều chỉnh của Nghị định số 112/2009/NĐ-CP ngày 14/12/2009 của Chính phủ về quản lý chi phí đầu tư xây dựng công trình và hướng dẫn tại Thông tư số 04/2010/TT-BXD ngày 26/5/2010. Ngày 24/02/2011 Văn phòng Tỉnh ủy có Quyết định 43/QĐ-VPTU phê duyệt thiết kế thi công và dự toán công trình, trong đó có áp dụng giá theo Chứng thư thẩm định giá đối với hạng mục thi công cửa gỗ Lim Nam Phi.
Trong quá trình lập và quản lý chi phí đầu tư xây dựng công trình, chủ đầu tư phải đảm bảo giá vật liệu hợp lý và phù hợp với mặt bằng giá thị trường nơi xây dựng công trình, xác định trên cơ sở báo giá của các nhà sản xuất, thông tin giá của nhà cung cấp hoặc giá đã được áp dụng cho công trình khác có cùng tiêu chuẩn về chất lượng hoặc giá do địa phương công bố và phải đảm bảo tính cạnh tranh. Trong trường hợp vật liệu chưa có trên thị trường hoặc các nhà thầu tự sản xuất vật liệu xây dựng theo yêu cầu của chủ đầu tư thì giá vật liệu được lấy theo mức giá hợp lý với điều kiện đáp ứng được các yêu cầu đặt ra về chủng loại, chất lượng, số lượng, tiến độ cung ứng,... và đảm bảo tính cạnh tranh.
Theo đó, trong trường hợp vật liệu không phổ biến trên thị trường, không có công bố giá thị trường của các cơ quan chức năng thì chủ đầu tư quyết định đơn giá vật liệu trên cơ sở tham khảo Chứng thư thẩm định giá phát hành bởi đơn vị được Bộ Tài chính cấp phép hoạt động, phát hành Chứng thư thẩm định giá để lập dự toán là phù hợp. Chủ đầu tư chịu trách nhiệm đảm bảo vật liệu xây dựng có giá phù hợp với mặt bằng giá thị trường, đáp ứng được các chỉ tiêu về kỹ thuật, chất lượng, số lượng theo đúng yêu cầu thiết kế thi công công trình.
Trung tâm Thông tin
Nguồn: Công văn 56/BXD-KTXD.