Vướng mắc trong công tác cấp giấy phép xây dựng của Sở Xây dựng thành phố Hà Nội

Thứ hai, 29/02/2016 07:00
Từ viết tắt Xem với cỡ chữ
Ngày 25/02, Bộ Xây dựng đã có công văn 322/BXD-HĐXD gửi Sở Xây dựng thành phố Hà Nội về vướng mắc trong công tác cấp giấy phép xây dựng như sau:

I. Công trình được miễn giấy phép xây dựng:

1. Quy định về Bộ và cơ quan ngang Bộ đã được quy định trong Luật và Hiến pháp, do đó, không cần quy định thêm về nội dung này.

2. Quy mô xây dựng của “nhà ở” quy định tại Điểm e Khoản 2 Điều 89 Luật Xây dựng được xác định trên từng công trình nhà ở, không phải xác định cho toàn dự án.

3. Căn cứ Điều 29 Nghị định số 44/2015/NĐ-CP ngày 06/5/2015 của Chính phủ quy định chi tiết một số nội dung về quy hoạch xây dựng và Mục 2 Nghị định số 37/2010/NĐ-CP ngày 07/4/2010 của Chính phủ về lập, thẩm định, phê duyệt và quản lý quy hoạch đô thị, cơ quan quản lý về xây dựng và quy hoạch xây dựng tại địa phương căn cứ quy hoạch xây dựng, quy định quản lý, quy chế quản lý quy hoạch kiến trúc, thiết kế đô thị tham mưu cho Ủy ban nhân dân thành phố ban hành quy định quản lý đối với những khu vực, tuyến phố có yêu cầu quản lý kiến trúc để tổ chức, cá nhân biết khi sửa chữa, cải tạo có thuộc đối tượng phải xin giấy phép xây dựng hay không.

4. Theo quy định tại Điểm k Khoản 2 Điều 89 Luật Xây dựng thì nhà ở nông thôn thuộc khu vực có quy hoạch chi tiết, quy hoạch phân khu hay quy hoạch nông thôn mới đều không cần phải có giấy phép xây dựng. Việc xây dựng nhà ở tại các khu vực này phải tuân thủ quy hoạch xây dựng. Do đó, theo quy định tại Chương II Luật Xây dựng và Nghị định số 44/2015/NĐ-CP ngày 06/5/2015 của Chính phủ quy định chi tiết một số nội dung về quy hoạch xây dựng (gọi tắt là Nghị định 44/CP) sau khi quy hoạch xây dựng được duyệt cơ quan quản lý quy hoạch xây dựng phải công bố cho mọi tổ chức, cá nhân biết; đồng thời yêu cầu phải cắm mốc giới quy hoạch xây dựng (trong vòng 30 ngày kể từ ngày công bố). Việc quản lý trật tự xây dựng là theo quy hoạch xây dựng đã phê duyệt.

5. Thống nhất với đề xuất của Sở Xây dựng tại mục 5 phần I văn bản số 13217/SXD-QLCP nêu trên.

II. Việc phân cấp về thẩm quyền cấp giấy phép xây dựng: Thẩm quyền cấp giấy phép xây dựng theo Điều 103 Luật Xây dựng là của Ủy ban nhân dân cấp tỉnh. Do đó, tùy thuộc tình hình cụ thể, địa phương có thể phân cấp cho Sở Xây dựng, cấp huyện và ban quản lý khu kinh tế, khu công nghiệp, … Bộ Xây dựng sẽ tiếp thu để bổ sung làm rõ quy định này trong Thông tư.

III. Giấy phép xây dựng có thời hạn:

1. Điều kiện cấp giấy phép có thời hạn là công trình nằm trong khu vực có quy hoạch xây dựng phân khu nhưng nhà nước chưa thực hiện quy hoạch (tức là những công trình không phù hợp với quy hoạch xây dựng đã được phê duyệt) còn những công trình phù hợp với quy hoạch thì có thể xem xét cấp giấy phép xây dựng theo quy định.

Điều kiện thứ hai là phù hợp với mục đích sử dụng đất và các điều kiện khác như an toàn công trình, môi trường, phòng cháy chữa cháy, hành lang an toàn, … của công trình hiện trạng.

Như vậy, không cần phải làm rõ quy định này trong Thông tư.

2. Nội dung đề xuất này thuộc thẩm quyền của Ủy ban nhân dân thành phố phù hợp với Điểm b Khoản 1 Điều 94 Luật Xây dựng. Do đó, Sở Xây dựng có thể tham mưu cho Ủy ban nhân dân về nội dung quy định này phù hợp với yêu cầu quản lý quy hoạch kiến trúc từng khu vực của thành phố.

3. Đề xuất điểm này chưa phù hợp với quy định tại Điều 94 Luật Xây dựng và thực tế quản lý trật tự xây dựng.

IV. Giấy tờ chứng minh quyền sử dụng đất: Những kiến nghị tại Điểm này đã được quy định tại Khoản 1 Điều 2 dự thảo Thông tư. Bộ Xây dựng sẽ xem xét để bổ sung thêm nội dung: Quyết định giao đất của cơ quan nhà nước có thẩm quyền theo quy định của Luật Đất đai là loại giấy tờ chứng minh về quyền sử dụng đất để làm cơ sở cấp giấy phép xây dựng. Ngoài ra, cần bổ sung thêm các giấy tờ khác cho phù hợp với các loại công trình như công trình quảng cáo, công trình di tích lịch sử, tranh hoành tráng, ….

V. Điều kiện cấp giấy phép xây dựng công trình trong đô thị:

a) Ở khu vực đô thị đã ổn định nếu chưa có quy hoạch chi tiết, nhưng đã có quy hoạch phân khu thì cần xây dựng Quy chế quản lý quy hoạch - kiến trúc để làm cơ sở cấp giấy phép xây dựng theo đúng quy định tại Điều 93, 94, 95 Luật Xây dựng (Ủy ban nhân dân thành phố có thể xem xét để phân cấp cho quận, huyện xây dựng trên cơ sở quy hoạch phân khu để đẩy nhanh việc lập Quy chế). Vì vậy, quy định này thuộc thẩm quyền và trách nhiệm của Ủy ban nhân dân thành phố Hà Nội.

b) Nội dung nêu tại Điểm b phần V của văn bản nêu trên: Là trách nhiệm của cơ quan cấp giấy phép xây dựng đã được quy định tại Điều 102 Luật Xây dựng trên cơ sở các quy định tại Điều 91, 92, 93, 94 Luật Xây dựng.

c) Trường hợp đất đã có quyết định thu hồi trong bất kể trường hợp nào (hết hiệu lực hay chưa có quyết định thay thế) theo quy định tại Điểm a Khoản 1 Điều 94 Luật Xây dựng vẫn không được cấp giấy phép xây dựng có thời hạn.

VI. Nguyên tắc cấp giấy phép xây dựng:

1. Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật đã quy định cụ thể về việc áp dụng văn bản quy phạm pháp luật.

2. Nội dung nêu tại Điểm a, b, c mục 2 phần VI của văn bản nêu trên: Nội dung quy định tại các Điểm này thuộc về trách nhiệm của cơ quan cấp giấy phép xây dựng. Khi thực hiện cấp giấy phép xây dựng phải xem xét thiết kế có phù hợp với quy hoạch xây dựng, thiết kế đô thị, quy chuẩn. Đối với trường hợp đã có thiết kế được cơ quan chuyên môn về xây dựng thẩm định, thì xem xét thiết kế để cấp giấy phép xây dựng có phù hợp với thiết kế được thẩm định.

3. Không nên đưa ra quy định như mục 3 phần VI văn bản nêu trên, vì theo Luật Xây dựng thì cứ thay đổi các nội dung của giấy phép xây dựng đã được cấp thì phải đề nghị điều chỉnh giấy phép xây dựng.

4. Nội dung nêu tại mục 4 phần VI của văn bản nêu trên đã được quy định tại Nghị định về xử lý vi phạm trong xây dựng.

VII. Chuẩn bị xây dựng và thi công xây dựng công trình:

1. Nội dung nêu tại mục 1 phần VII của văn bản nêu trên đã được quy định trong phần khảo sát xây dựng tại Luật Xây dựng và Nghị định 46/CP.

2. Phá dỡ công trình: Việc phá dỡ công trình đã được quy định trong Luật Xây dựng, Nghị định 59/CP, Nghị định 46/CP. Phá dỡ có nhiều trường hợp, có thể để giải phóng mặt bằng mà không xây dựng mới, phá dỡ để xây dựng công trình mới, phá dỡ do vi phạm (Điều 118 Luật Xây dựng). Do đó, không cần quy định trong văn bản cấp giấy phép xây dựng.

3. Bộ Xây dựng sẽ nghiên cứu để bổ sung Phụ lục về mẫu Thông báo khởi công xây dựng nhằm cung cấp đủ thông tin của công trình và thống nhất quản lý.

4. Đề xuất tại mục 4 phần VII của văn bản nêu trên phù hợp thực tế, Bộ Xây dựng sẽ nghiên cứu để bổ sung nội dung này vào phần trách nhiệm của chủ đầu tư tại nội dung của giấy phép xây dựng.

5. Đề xuất tại mục 5 phần VII của văn bản nêu trên đã được quy định tại Điều 98 Luật Xây dựng.

6. Đề xuất tại mục 6 phần VII của văn bản nêu trên được quy định tại Luật Xây dựng, Nghị định 46/CP và Thông tư hướng dẫn Nghị định này.
 

Trung tâm Thông tin
Nguồn: Công văn 322/BXD-HĐXD.
 

Tìm theo ngày :

Đánh giá

(Di chuột vào ngôi sao để chọn điểm)