Chậm nhất ngày 31/12/2021 phải hoàn thành việc tiêm mũi 2 cho người từ 18 tuổi trở lên (trừ trường hợp chống chỉ định); không để sót các trường hợp thuộc diện phải tiêm, nhất là người có bệnh nền, người trên 50 tuổi
Thủ tướng Chính phủ yêu cầu tăng cường tiêm chủng, kiểm soát biến chủng mới Omicron
Văn phòng Chính phủ có Công điện số 9406/CĐ-VPCP ngày 23/12/2021 truyền đạt ý kiến chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính về việc tăng cường công tác tiêm chủng, kiểm soát biến chủng mới Omicron của virus SARS-CoV-2.
Trong đó, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính yêu cầu đồng chí trưởng ban chỉ đạo phòng, chống dịch COVID-19, chủ tịch UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương chỉ đạo và tổ chức thần tốc hơn nữa việc tiêm chủng vaccine phòng COVID-19. Chậm nhất ngày 31/12/2021 phải hoàn thành việc tiêm mũi 2 cho người từ 18 tuổi trở lên (trừ trường hợp chống chỉ định); không để sót các trường hợp thuộc diện phải tiêm, nhất là người có bệnh nền, người trên 50 tuổi; hoàn thành tiêm mũi 2 cho người từ 12 đến 18 tuổi trong tháng 01 năm 2022, mũi thứ 3 cho người từ 18 tuổi trở lên trong quý I năm 2022.
Các Bộ: Y tế, Giao thông vận tải, Công an, Quốc phòng, Ngoại giao theo chức năng, nhiệm vụ được giao tăng cường kiểm soát người đến và đi qua các nước đã phát hiện ca bệnh nhiễm chủng mới Omicron nhập cảnh vào Việt Nam, kể cả đường hàng không, đường bộ, đường thủy để ngăn chặn nguy cơ xâm nhập và lây lan của biến chủng này vào nước ta; thực hiện test nhanh đối với hành khách trước khi lên và sau khi xuống tàu bay, cách ly ngay đối với các trường hợp nghi nhiễm; giải trình tự gene để phát hiện chủng Omicron và xử lý triệt để.
Thủ tướng Chính phủ chỉ đạo bảo đảm nguồn oxy phục vụ điều trị bệnh nhân COVID-19
Theo Công điện 1792/CĐ-TTg ngày 23/12/2021 của Thủ tướng Chính phủ về việc bảo đảm nguồn cung oxy cho điều trị người bị nhiễm COVID-19, Thủ tướng Chính phủ yêu cầu Bộ Y tế, các bộ, ngành, UBND tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương tập trung chỉ đạo thực hiện nghiêm túc các chỉ đạo của Bộ Chính trị, Ban Bí thư, Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ và Ban Chỉ đạo quốc gia phòng, chống dịch COVID-19, không để tình trạng quá tải y tế trên diện rộng.
Bộ Công Thương phối hợp chặt chẽ với Bộ Y tế và UBND tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương có giải pháp cụ thể để bảo đảm nguồn oxy phục vụ công tác điều trị trong các tình huống. Trước mắt, chỉ đạo giải quyết ngay đối với địa bàn TPHCM và các tỉnh vùng ĐBSCL.
Thủ tướng yêu cầu đẩy nhanh tiến độ điều tra, mở rộng vụ án xảy ra tại Công ty Việt Á
Tại Văn bản số 9373/VPCP-NC ngày 22/12/2021 truyền đạt ý kiến chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính về việc xử lý vi phạm trong sản xuất, kinh doanh kit xét nghiệm COVID-19 xảy ra tại Công ty Cổ phần Công nghệ Việt Á, Thủ tướng Phạm Minh Chính yêu cầu Bộ Công an chủ trì, phối hợp với các cơ quan, địa phương liên quan đẩy nhanh tiến độ điều tra, xác minh, mở rộng vụ án, thu hồi tài sản bị chiếm đoạt và thất thoát, sớm đưa các đối tượng ra xét xử khách quan, nghiêm minh theo đúng quy định pháp luật.
Ngăn chặn hành vi lợi dụng đấu giá đất để gây nhiễu loạn thị trường, trục lợi
Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính đã ký ban hành Công điện 1767/CĐ-TTg về tình hình thực hiện đấu giá quyền sử dụng đất trong thời gian qua.
Trong đó, Thủ tướng Chính phủ yêu cầu UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương rà soát công tác tổ chức đấu giá quyền sử dụng đất trên địa bàn bảo đảm đúng pháp luật, công khai, minh bạch; kịp thời phát hiện, xử lý nghiêm các trường hợp vi phạm các quy định pháp luật trong đấu giá đất, ngăn chặn hành vi lợi dụng đấu giá để gây nhiễu loạn thị trường, trục lợi.
Bộ Tài nguyên và Môi trường chủ trì, phối hợp với các Bộ: Tư pháp, Tài chính, Xây dựng, UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương khẩn trương rà soát, kiểm tra hoạt động tổ chức đấu giá quyền sử dụng đất đối với những trường hợp có biểu hiện bất thường, xử lý theo thẩm quyền những trường hợp vi phạm các quy định pháp luật về đấu giá quyền sử dụng đất, kịp thời phát hiện các bất cập trong quy định pháp luật để tham mưu, đề xuất cấp thẩm quyền sửa đổi, điều chỉnh, bổ sung, không để xảy ra trục lợi, đồng thời xử lý nghiêm hành vi lợi dụng đấu giá gây nhiễu loạn thị trường.
Đẩy mạnh giáo dục quyền con người trong hệ thống giáo dục quốc dân
Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam ký Chỉ thị số 34/CT-TTg ngày 21/12/2021 của Thủ tướng Chính phủ về việc tăng cường thực hiện Đề án đưa nội dung quyền con người vào chương trình giáo dục trong hệ thống giáo dục quốc dân.
Trong đó, Bộ Giáo dục và Đào tạo tiếp tục tổ chức chỉ đạo rà soát, đổi mới nội dung, phương pháp giảng dạy các nội dung giáo dục quyền con người trong kế hoạch giáo dục môn học, hoạt động giáo dục của các cơ sở giáo dục, đào tạo, nhất là các cơ sở giáo dục đại học thuộc khối các trường luật, hành chính, nội chính; các trường đào tạo giáo viên, các cơ sở đào tạo, bồi dưỡng nhà giáo và cán bộ quản lý giáo dục; chỉ đạo các cơ sở giáo dục thực hiện nghiêm các nội dung giáo dục quyền con người được quy định trong chương trình giáo dục phổ thông, tiếp tục rà soát, đổi mới nội dung, phương pháp giảng dạy các nội dung giáo dục quyền con người trong kế hoạch giáo dục môn học, hoạt động giáo dục của nhà trường.
Thủ tướng ban hành kế hoạch phòng thủ dân sự quốc gia giai đoạn 2021-2025
Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính ký Quyết định 2169/QĐ-TTg ban hành Kế hoạch Phòng thủ dân sự quốc gia giai đoạn 2021-2025. Kế hoạch phòng thủ dân sự quốc gia giai đoạn 2021-2025 xác định công tác chuẩn bị và ứng phó với nguy cơ thảm họa chiến tranh là thường xuyên, lâu dài; công tác phòng ngừa, ứng phó và khắc phục hậu quả các thảm họa do sự cố, thiên tai là thường xuyên và cấp bách; trong đó ứng phó và khắc phục thảm họa thiên tai là trọng tâm.
Quy định mới về quản lý, sử dụng vốn ODA, vốn vay ưu đãi
Phó Thủ tướng Thường trực Chính phủ Phạm Bình Minh đã ký ban hành Nghị định số 114/2021/NĐ-CP của Chính phủ quy định về quản lý và sử dụng vốn hỗ trợ phát triển chính thức (ODA) và vốn vay ưu đãi của nhà tài trợ nước ngoài. Nghị định quy định các phương thức cung cấp vốn ODA, vốn vay ưu đãi gồm: Chương trình, dự án, phi dự án, hỗ trợ ngân sách.
Chiến lược phát triển nhà ở quốc gia giai đoạn 2021-2030
Phó Thủ tướng Chính phủ Lê Văn Thành ký Quyết định 2161/QĐ-TTg phê duyệt Chiến lược phát triển nhà ở quốc gia giai đoạn 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2045.
Chiến lược đặt mục tiêu cụ thể đến năm 2025, diện tích nhà ở bình quân đầu người toàn quốc phấn đấu đạt khoảng 27 m2 sàn/người, trong đó: Diện tích nhà ở bình quân đầu người tại khu vực đô thị đạt 28 m2 sàn/người và tại khu vực nông thôn đạt 26 m2 sàn/người.
Đến năm 2030, phấn đấu tăng tỉ lệ nhà ở kiên cố trên toàn quốc đạt 85-90%, trong đó tại khu vực đô thị đạt 100%, khu vực nông thôn đạt 75-80%, không để phát sinh nhà ở đơn sơ trên toàn quốc, đặc biệt là khu vực đô thị; 90% nhà ở trên toàn quốc có hệ thống cấp điện, cấp nước, thoát nước thải đồng bộ và được đấu nối vào hệ thống hạ tầng kỹ thuật chung của khu vực.
Phát triển vật liệu xây không nung thành ngành công nghiệp tiên tiến, hiện đại
Phó Thủ tướng Chính phủ Lê Văn Thành ký Quyết định số 2171/QĐ-TTg ngày 23/12/2021 phê duyệt Chương trình phát triển vật liệu xây không nung tại Việt Nam đến năm 2030.
Mục tiêu chung của Chương trình là đẩy mạnh sản xuất và sử dụng vật liệu xây không nung (VLXKN) để thay thế gạch đất sét nung, sử dụng hiệu quả tài nguyên đất nông nghiệp, giảm thiểu khí phát thải gây hiệu ứng nhà kính và ô nhiễm môi trường; tận dụng phế thải từ các ngành công nghiệp, tiết kiệm nhiên liệu, đem lại hiệu quả kinh tế chung cho toàn xã hội.
Mục tiêu cụ thể là đẩy mạnh sản xuất và sử dụng VLXKN thay thế một phần gạch đất sét nung đạt tỉ lệ 35-40% vào năm 2025, 40-45% vào năm 2030 trong tổng số vật liệu xây, bảo đảm tỉ lệ sử dụng VLXKN trong các công trình theo quy định; giảm phát thải khí CO2 vào năm 2025 là trên 2,5 triệu tấn/năm và năm 2030 là trên 3 triệu tấn/năm (so với sản xuất gạch nung với khối lượng tương đương).
Xử lý các quy định gây khó khăn cho hoạt động sản xuất kinh doanh, lưu thông hàng hóa
Theo Văn bản số 9263/VPCP-KSTT, Phó Thủ tướng Lê Văn Thành yêu cầu các bộ, cơ quan, địa phương, có trách nhiệm kiểm tra, xem xét các phản ánh, kiến nghị của các doanh nghiệp trong hoạt động sản xuất, kinh doanh theo Nghị quyết số 128/NQ-CP của Chính phủ để kịp thời giải quyết theo thẩm quyền. Trường hợp những khó khăn, vướng mắc, phức tạp vượt thẩm quyền, báo cáo Thủ tướng Chính phủ xem xét quyết định. Kết quả giải quyết phải được công khai trên Cổng Dịch vụ công quốc gia cho người dân, doanh nghiệp biết.
Xử lý nghiêm xe vận tải không lắp camera giám sát hành trình
Tại Văn bản số 9257/VPCP-CN ngày 20/12/2021, Phó Thủ tướng Chính phủ Lê Văn Thành yêu cầu đẩy mạnh công tác tuần tra kiểm soát và xử lý nghiêm theo quy định của pháp luật đối với xe ô tô tham gia hoạt động kinh doanh vận tải nhưng không chấp hành quy định về lắp đặt camera, không thực hiện đúng quy định về chuyển đổi biển kiểm soát xe ô tô kinh doanh vận tải sang nền màu vàng.
Phát huy tối đa tiềm năng, vai trò, kinh nghiệm, tri thức của người cao tuổi
Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam ký Quyết định 2156/QĐ-TTg phê duyệt Chương trình hành động quốc gia về người cao tuổi giai đoạn 2021-2030.
Chương trình nhằm phát huy tối đa tiềm năng, vai trò, kinh nghiệm, tri thức của người cao tuổi tham gia vào các hoạt động văn hóa, xã hội, giáo dục, việc làm, kinh tế, chính trị của đất nước phù hợp với nguyện vọng, nhu cầu, khả năng; thực hiện đầy đủ các quyền lợi và nghĩa vụ của người cao tuổi.
Mục tiêu cụ thể giai đoạn 2022-2025, 95% người cao tuổi có thẻ bảo hiểm y tế; ít nhất 90% người cao tuổi được chăm sóc sức khỏe ban đầu kịp thời, khám sức khỏe định kỳ, lập hồ sơ theo dõi sức khỏe; 100% người cao tuổi khi ốm đau, dịch bệnh được khám chữa bệnh và được hưởng sự chăm sóc của gia đình và cộng đồng.