Tăng cường rà soát công tác tiêm vaccine; quản lý, điều trị người nhiễm COVID-19
Phó Thủ tướng Chính phủ Vũ Đức Đam ký Công điện 1662/CĐ-TTg ngày 2/12/2021 của Thủ tướng Chính phủ về việc tăng cường rà soát công tác tiêm vaccine; quản lý, điều trị người bị nhiễm COVID-19.
Công điện yêu cầu Bộ Y tế chỉ đạo, hướng dẫn; UBND tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương tổ chức viêm vaccine cho toàn bộ người dân trong độ tuổi được chỉ định; phân bổ ngay thuốc kháng virus dạng viên để các tỉnh, thành phố tổ chức cấp phát cho tất cả những người bị nhiễm virus uống ngay sau khi được xác định dương tính.
Các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương chỉ đạo triển khai hệ thống theo dõi, quản lý sức khỏe cho tất cả những người bị nhiễm virus; không để xảy ra tình trạng người nhiễm virus không liên hệ được với cơ sở y tế, không được phát thuốc điều trị ngay (bao gồm cả thuốc kháng virus nêu trên).
Thủ tướng chỉ đạo khẩn trương chuẩn bị phương án phòng, chống dịch phù hợp với biến chủng mới Omicron
Văn phòng Chính phủ có văn bản 8749/VPCP-KGVX ngày 30/11/2021 truyền đạt ý kiến chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính về tăng cường công tác phòng, chống dịch COVID-19.
Theo đó, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính yêu cầu Bộ trưởng Bộ Y tế tiếp tục chủ động bám sát diễn biến tình hình dịch do biến chủng Omicron gây ra, khẩn trương chuẩn bị các phương án về vaccine, thuốc điều trị và các biện pháp phòng, chống dịch phù hợp với biến chủng mới của virus SARS-CoV-2.
Kiểm soát ca nhiễm mới, chủ động phương án, chính sách kinh tế xã hội phù hợp
Văn phòng Chính phủ đã ban hành Thông báo 318/TB-VPCP ngày 27/11/2021 kết luận của Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính tại cuộc họp Ban Chỉ đạo Quốc gia phòng, chống dịch COVID-19 trực tuyến với các địa phương về công tác phòng, chống dịch COVID-19.
Thủ tướng Phạm Minh Chính yêu cầu Bộ Y tế phối hợp với Bộ Giáo dục và Đào tạo và các bộ, ngành, địa phương đẩy nhanh kế hoạch tiêm vaccine cho trẻ em an toàn, khoa học, phù hợp, hiệu quả; có kế hoạch tiêm mũi 3 đối với các trường hợp đã tiêm 2 mũi đủ thời gian; mở rộng điều trị thuốc kháng virus; phân bổ thuốc điều trị đến các địa phương, bảo đảm đủ thuốc điều trị (tự nguyện) cho tất cả người bị nhiễm.
Thủ tướng giao Bộ Kế hoạch và Đầu tư tiếp tục hoàn thiện Chương trình phục hồi, phát triển kinh tế - xã hội báo cáo Chính phủ và trình cấp có thẩm quyền phê duyệt trước ngày 30/11/2021.
Thủ tướng yêu cầu điều tra sự cố sau tiêm vaccine COVID-19 tại Thanh Hóa
Tại văn bản 8679/VPCP-KGVX, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính đã yêu cầu Bộ Y tế chủ trì, phối hợp với các cơ quan liên quan và Ủy ban nhân dân tỉnh Thanh Hóa khẩn trương điều tra, làm rõ sự việc, xác định nguyên nhân sự cố sau tiêm vaccine phòng COVID-19 tại Thanh Hóa.
Thúc đẩy sản xuất vaccine, trang thiết bị, thuốc điều trị COVID-19 trong nước
Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính yêu cầu Bộ Y tế chủ trì, phối hợp với các cơ quan, đơn vị liên quan khẩn trương rà soát, hoàn thiện thể chế, hành lang pháp lý, bổ sung các cơ chế, chính sách cần thiết để hỗ trợ, thúc đẩy sản xuất vaccine, sinh phẩm, trang thiết bị, thuốc điều trị COVID-19 trong nước; xử lý, đề xuất giải quyết ngay các vướng mắc trong quá trình nghiên cứu, chuyển giao, tổ chức sản xuất vaccine, sinh phẩm, trang thiết bị, thuốc điều trị COVID-19, không để kéo dài, ách tắc cho các đơn vị nghiên cứu, chuyển giao công nghệ, sản xuất…
Thủ tướng chỉ đạo tăng cường quản lý, thanh tra, kiểm tra việc phát hành trái phiếu doanh nghiệp
Văn phòng Chính phủ đã ban hành Công điện số 8857/CĐ-VPCP ngày 3/12/2021 truyền đạt ý kiến chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính về tăng cường công tác quản lý, thanh tra, kiểm tra việc phát hành trái phiếu doanh nghiệp.
Thủ tướng Phạm Minh Chính yêu cầu Bộ Tài chính khẩn trương thực hiện thanh tra, kiểm tra, giám sát việc tuân thủ pháp luật về phát hành và sử dụng vốn thu được từ phát hành trái phiếu, nhất là phát hành trái phiếu riêng lẻ của các doanh nghiệp bất động sản, của tổ chức tín dụng có liên quan đến doanh nghiệp bất động sản, các doanh nghiệp có khối lượng phát hành lớn, lãi suất cao, các doanh nghiệp có kết quả kinh doanh thua lỗ, các doanh nghiệp phát hành không có tài sản bảo đảm…
Thủ tướng Chính phủ chỉ thị tăng cường, đổi mới công tác dân vận trong tình hình mới
Phó Thủ tướng Thường trực Phạm Bình Minh ký ban hành Chỉ thị số 33/CT-TTg của Thủ tướng Chính phủ yêu cầu các Bộ ngành, địa phương tiếp tục tăng cường và đổi mới công tác dân vận của cơ quan hành chính nhà nước, chính quyền các cấp trong tình hình mới.
Thủ tướng Chính phủ yêu cầu các Bộ, cơ quan ngang Bộ, cơ quan thuộc Chính phủ, Ủy ban nhân dân các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương tập trung tổ chức quán triệt và thể chế hóa chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước về công tác dân vận trong tình hình mới gắn với nhiệm vụ phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội đất nước sau đại dịch COVID-19; xác định công tác dân vận là nhiệm vụ của cả hệ thống chính trị, trong đó xây dựng nền hành chính nhà nước phục vụ Nhân dân, dân chủ, pháp quyền, chuyên nghiệp, hiện đại, trong sạch, vững mạnh, công khai, minh bạch; phải gắn việc xây dựng chương trình, kế hoạch tổ chức thực hiện công tác dân vận cơ quan đơn vị mình với việc triển khai nhiệm vụ chính trị; công tác dân vận trong các cơ quan hành chính nhà nước, chính quyền các cấp phải thực sự hiệu lực, hiệu quả, đóng góp thiết thực vào công cuộc xây dựng, phát triển đất nước và hội nhập quốc tế.
Thủ tướng chia sẻ với khó khăn, mất mát của nhân dân vùng lũ, chỉ đạo tập trung ứng phó, khắc phục hậu quả thiên tai
Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính ký ban hành Công điện số 1659/CĐ-TTg ngày 30/11/2021 về việc tập trung ứng phó và khắc phục hậu quả mưa lũ.
Trong Công điện, Thủ tướng Chính phủ gửi lời thăm hỏi, chia buồn sâu sắc nhất đến thân nhân các gia đình có người bị nạn do thiên tai, chia sẻ với những khó khăn, mất mát của đảng bộ, chính quyền và nhân dân các địa phương vùng lũ.
Đồng thời, Thủ tướng Chính phủ yêu cầu các địa phương bị ảnh hưởng tiếp tục tổ chức theo dõi chặt chẽ diễn biến mưa lũ, sạt lở, chỉ đạo cơ quan chức năng và lực lượng phòng, chống thiên tai tại cơ sở kiểm tra, rà soát, kịp thời tổ chức sơ tán khẩn cấp người dân ra khỏi khu vực nguy hiểm để bảo đảm an toàn tính mạng cho người dân, nhất là tại những khu vực bị ngập sâu, có nguy cơ xảy ra sạt lở đất, lũ quét. Trong đó cần lưu ý công tác bảo đảm an toàn phòng, chống dịch COVID-19, bảo đảm lương thực, nhu yếu phẩm cho người dân ở nơi sơ tán tập trung, không để người dân đói, rét.
Cao điểm chống buôn lậu, hàng giả dịp Tết Nguyên đán Nhâm Dần 2022
Phó Thủ tướng Thường trực Chính phủ Phạm Bình Minh, Trưởng Ban Chỉ đạo quốc gia chống buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả ký ban hành Kế hoạch 119/KH-BCĐ389 về cao điểm chống buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả dịp trước, trong và sau Tết Nguyên đán Nhâm Dần 2022.
Phó Thủ tướng yêu cầu Ban Chỉ đạo 389 các bộ, ngành và địa phương thực hiện nghiêm chỉ đạo của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, Ban Chỉ đạo 389 quốc gia; chỉ đạo các lực lượng chức năng xây dựng kế hoạch đấu tranh, ngăn chặn các hành vi buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả trong dịp Tết Nguyên đán Nhâm Dần 2022; xây dựng phương án tổ chức và tăng cường lực lượng, phương tiện và duy trì kiểm soát chặt chẽ trên các tuyến biên giới để ngăn chặn hàng cấm, hàng giả, hàng kém chất lượng nhập lậu vào nội địa. Trong đó cần tập trung vào các nhóm hàng hóa nhập khẩu có điều kiện, có thuế suất cao và các mặt hàng tiêu dùng trong dịp Tết Nguyên đán như thực phẩm, rượu, bia, thuốc lá, bánh kẹo, hoa quả, pháo nổ, ngoại tệ, xăng dầu, gia súc, gia cầm, hàng điện tử, mỹ phẩm, thời trang cao cấp... đặc biệt là các mặt hàng vật tư, trang thiết bị y tế phục vụ công tác phòng, chống dịch COVID-19.
Kiểm tra một số địa phương có nhiều bản án hành chính đã có hiệu lực nhưng chưa, chậm thi hành
Phó Thủ tướng Thường trực Phạm Bình Minh yêu cầu Bộ Tư pháp chủ trì, phối hợp với các bộ, ngành, cơ quan có liên quan trực tiếp kiểm tra một số địa phương có nhiều bản án hành chính đã có hiệu lực thi hành nhưng chưa thi hành, chậm thi hành; làm rõ nguyên nhân, kiến nghị xử lý trách nhiệm của các cơ quan, tổ chức, cá nhân.
Hình thành hệ thống thông tin thống kê quốc gia tập trung, chất lượng, hiệu quả
Phó Thủ tướng Chính phủ Lê Văn Thành đã ký Quyết định 2014/QĐ-TTg về việc phê duyệt Chiến lược phát triển Thống kê Việt Nam giai đoạn 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2045.
Mục tiêu tổng quát của Chiến lược là hiện đại hóa Thống kê Việt Nam theo hướng đổi mới sáng tạo, phát triển nhanh và vững chắc với hệ thống tổ chức phù hợp; nguồn nhân lực chất lượng cao và chuyên nghiệp; công nghệ hiện đại; sản xuất, cung cấp và phổ biến thông tin thống kê theo chuẩn mực và thông lệ quốc tế; hình thành hệ thống thông tin thống kê quốc gia tập trung, thống nhất, thông suốt, chất lượng và hiệu quả; đáp ứng tốt hơn nhu cầu thông tin thống kê ngày càng tăng. Phấn đấu đến năm 2030, Thống kê Việt Nam đạt trình độ tiên tiến trong khu vực ASEAN và đến năm 2045 trở thành hệ thống thống kê hiện đại trên thế giới.
Đẩy mạnh chuyển đổi số, liên thông dữ liệu số quốc gia về di sản văn hóa
Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam ký Quyết định số 2026/QĐ-TTg ngày 2/12/2021 phê duyệt Chương trình số hóa Di sản văn hóa Việt Nam giai đoạn 2021-2030. Mục tiêu đẩy mạnh chuyển đổi số, thực hiện liên thông dữ liệu số quốc gia về di sản văn hóa, bảo đảm đáp ứng hiệu quả dịch vụ cho xã hội, cộng đồng ở mọi lúc, mọi nơi. Giai đoạn 2021-2030, 100% các di tích quốc gia đặc biệt, bảo vật quốc gia, các di sản trong Danh mục di sản văn hóa phi vật thể quốc gia được số hóa và ứng dụng trên các nền tảng số…