Bộ Xây dựng đề ra 05 mục tiêu:
1. Đến hết năm 2017, các chỉ tiêu về môi trường kinh doanh đạt trung bình của nhóm nước ASEAN 4 (1), cụ thể: rút ngắn thời gian cấp Giấy phép xây dựng và các thủ tục liên quan trong năm 2017 tối đa không quá 120 ngày, đến năm 2020 dưới 90 ngày (bao gồm cả thủ tục thẩm định thiết kế cơ sở, thẩm định thiết kế kỹ thuật, kết nối cấp thoát nước, nghiệm thu đưa công trình vào khai thác, sử dụng, đăng ký tài sản sau hoàn công...); tiếp tục cải cách toàn diện các quy định về điều kiện kinh doanh, kiên quyết đổi mới công tác quản lý, kiểm tra chuyên ngành đối với hàng hóa xuất, nhập khẩu.
2. Đến năm 2020, các chỉ tiêu về năng lực cạnh tranh đạt điểm số trung bình của nhóm nước ASEAN 4 (2), cụ thể: hạn chế đầu tư công sai mục đích; công khai, minh bạch các quyết định hành chính; đơn giản hóa, giảm thiểu đến mức thấp nhất quy định, thủ tục hành chính; thực hiện tiết kiệm, chống lãng phí, nghiêm cấm nhũng nhiễu, nhận hối lộ.
3. Đến năm 2020, các chỉ số Đổi mới sáng tạo đạt trung bình của nhóm nước ASEAN 5 (3), cụ thể: cải thiện chất lượng các quy định pháp luật, nâng cao hiệu quả thực thi pháp luật; tiếp tục thực hiện có hiệu quả dịch vụ công trực tuyến của Chính phủ.
4. Tiếp tục thực hiện có hiệu quả Chính phủ điện tử, cụ thể: đến hết năm 2017 hầu hết các dịch vụ công trong các lĩnh vực quản lý nhà nước ngành xây dựng được cung cấp ở mức độ 3; đến năm 2020 các dịch vụ công không phải qua bước kiểm tra, đánh giá hiện trường được cung cấp ở mức độ 4.
5. Nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý nhà nước về hoạt động đầu tư xây dựng, bảo đảm chất lượng công trình, chống thất thoát lãng phí, nâng cao hiệu quả sử dụng vốn đầu tư.
Theo chương trình này Bộ Xây dựng đề ra 06 nhiệm vụ và các giải pháp sau:
1. Cải thiện thứ hạng đối với các chỉ tiêu về môi trường kinh doanh bao gồm: Tiếp tục rà soát, cải cách thủ tục hành chính về cấp phép xây dựng và các thủ tục liên quan, đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin trong thực hiện thủ tục cấp phép xây dựng (bao gồm thẩm định thiết kế cơ sở, thẩm định thiết kế kỹ thuật, cấp giấy phép xây dựng, thẩm duyệt phòng cháy chữa cháy, cấp Giấy chứng nhận sở hữu công trình xây dựng...); Duy trì và tăng cường các biện pháp kiểm soát chất lượng công trình xây dựng; Rà soát, cải cách thủ tục hành chính, quy định liên quan đến sản xuất, cung cấp nước sạch theo hướng xã hội hóa, đáp ứng yêu cầu thực tiễn; Phối hợp với Bộ Công thương, Bộ Giao thông vận tải, Ủy ban nhân dân cấp tỉnh đơn giản hóa, kết hợp thực hiện các thủ tục liên quan về thỏa thuận tuyến, vị trí cột/thỏa thuận địa điểm trạm điện, vị trí cột điện và hành lang lưới điện; Rà soát, đề xuất sửa đổi, bổ sung các quy định về chứng nhận, công bố hợp quy đối với sản phẩm, hàng hóa, vật liệu xây dựng thuộc lĩnh vực quản lý nhà nước ngành xây dựng theo hướng bãi bỏ các thủ tục hành chính không cần thiết, giảm thiểu thời gian xử lý về thủ tục hành chính đối với hàng hóa nhập khẩu, xuất khẩu, tăng cường hậu kiểm; Rà soát, đề xuất sửa đổi, bổ sung, bãi bỏ các quy định về điều kiện đầu tư kinh doanh trong các văn bản quy phạm pháp luật bảo đảm phù hợp với Luật sửa đổi, bổ sung Điều 6 và Phụ lục 4 về Danh mục ngành, nghề đầu tư kinh doanh có điều kiện của Luật Đầu tư năm 2014 (Luật số 03/2016/QH14).
2. Cải thiện thứ hạng đối với nhóm chỉ tiêu về năng lực cạnh tranh đó là: Triển khai có hiệu quả Luật Ngân sách nhà nước năm 2015, Luật Đầu tư công năm 2014, Luật Quản lý nợ công và các văn bản quy phạm pháp luật hiện hành liên quan đến quản lý thu, chi ngân sách nhà nước; Tăng cường thực hiện đối thoại chính sách pháp luật, thủ tục hành chính trong các lĩnh vực quản lý nhà nước ngành xây dựng; Rà soát, đề xuất sửa đổi, bổ sung các văn bản quy phạm pháp luật thuộc lĩnh vực quản lý nhà nước của Bộ Xây dựng đảm bảo phù hợp với Luật Tiếp cận thông tin năm 2016; Thực hiện công khai, minh bạch các quyết định hành chính; Tiếp tục rà soát, đơn giản hóa các quy định, thủ tục hành chính trong các lĩnh vực quản lý nhà nước của Bộ Xây dựng; Tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra, xử lý nghiêm các hành vi gây nhũng nhiễu, khó khăn cho người dân, doanh nghiệp trong giải quyết thủ tục hành chính; Hướng dẫn, kiểm tra các địa phương trong việc lập, thẩm định, phê duyệt các quy hoạch đô thị, thiết kế đô thị, quy chế quản lý quy hoạch kiến trúc đô thị, quy hoạch xây dựng nông thôn, làm cơ sở để cấp giấy phép xây dựng, quản lý trật tự xây dựng, phát triển đô thị trên địa bàn; Hướng dẫn, đôn đốc các địa phương đẩy nhanh tiến độ lập, thẩm định, phê duyệt các quy hoạch chuyên ngành hạ tầng kỹ thuật; Xây dựng các cơ chế, chính sách, giải pháp tạo môi trường thuận lợi, hỗ trợ và thúc đẩy sản xuất kinh doanh của các doanh nghiệp trong ngành xây dựng và tăng cường thu hút đầu tư từ nước ngoài; Theo dõi sát diễn biến, thường xuyên cập nhật thông tin về thị trường bất động sản để chủ động, kịp thời đề xuất các phương án, giải pháp nhằm kiểm soát và thúc đẩy thị trường bất động sản phát triển lành mạnh, ổn định, không để xảy ra tình trạng đầu cơ, tăng giá bất hợp lý; Rà soát, sửa đổi, bổ sung các quy chuẩn, tiêu chuẩn về nhà ở; việc ứng dụng công nghệ xây dựng, sử dụng vật liệu mới nhằm giảm giá thành nhà ở, cơ cấu sản phẩm nhà ở phù hợp, bảo đảm các điều kiện hạ tầng kỹ thuật, hạ tầng xã hội thiết yếu về y tế, giáo dục, văn hóa,... trong các dự án xây dựng nhà ở; Rà soát, đề xuất sửa đổi, bổ sung Quy chuẩn kỹ thuật quốc gia về “Sản phẩm, hàng hóa vật liệu xây dựng” QCVN 16:2014/BXD nhằm hạn chế hàng rào phi thuế quan; Triển khai xây dựng và tổ chức thực hiện Đề án hoàn thiện hệ thống định mức kinh tế - kỹ thuật và giá xây dựng; Phối hợp với Bộ Nội vụ tiếp tục thực hiện cơ chế, chính sách thu hút nhân tài, các giải pháp tăng tỷ lệ nữ trong lực lượng lao động.
3. Cải thiện thứ hạng đối với các chỉ số Đổi mới sáng tạo: Xây dựng quy trình ban hành văn bản quy phạm pháp luật thuộc phạm vi quản lý nhà nước của Bộ Xây dựng bảo đảm thống nhất với Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật năm 2015; Tổ chức phổ biến, nâng cao năng lực chuyên môn nghiệp vụ cho cán bộ, công chức soạn thảo, thẩm định văn bản quy phạm pháp luật; Tổ chức kiểm tra tình hình thi hành pháp luật trong các lĩnh vực quản lý nhà nước ngành xây dựng tại các Bộ, ngành, địa phương; Tiếp tục thực hiện có hiệu quả cơ chế một cửa, một cửa liên thông trong tiếp nhận, xử lý kiến nghị, công khai kết quả giải quyết thủ tục hành chính của người dân và doanh nghiệp; Nâng cao trình độ, năng lực, trách nhiệm, đạo đức công vụ của các cán bộ, công chức, viên chức, đặc biệt là những cán bộ, công chức, viên chức trực tiếp thực hiện thủ tục hành chính; đề cao trách nhiệm của Thủ trưởng đơn vị trong thực hiện các nhiệm vụ được giao; Phối hợp với Bộ Công an thực hiện các biện pháp bảo đảm ổn định và an ninh chính trị; Phối hợp với Văn phòng Chính phủ thực hiện các biện pháp nâng cao hiệu lực Chính phủ.
4. Tiếp tục đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin, triển khai thực hiện có hiệu quả Nghị quyết số 36a/NQ-CP ngày 14/10/2015 của Chính phủ về Chính phủ điện tử, trong đó trọng tâm là ứng dụng công nghệ thông tin trong quản lý, điều hành và giải quyết thủ tục hành chính.
5. Phối hợp với Bộ Kế hoạch và Đầu tư, Bộ Tư pháp, các bộ, ngành khác có liên quan xây dựng Nghị định sửa đổi, bổ sung một số Nghị định nhằm giải quyết các vướng mắc về đầu tư, kinh doanh, tạo sự liên thông giữa các thủ tục đầu tư với các thủ tục về đất đai, xây dựng, đấu thầu, môi trường.
6. Phối hợp với Ủy ban nhân dân, Sở Xây dựng các tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương, Sở Quy hoạch kiến trúc Hà Nội và Thành phố Hồ Chí Minh triển khai thực hiện các nhiệm vụ liên quan trong Chương trình hành động.
Tại Quyết định này, Bộ Xây dựng yêu cầu Thủ trưởng các đơn vị thuộc Bộ:
Xây dựng Kế hoạch của đơn vị để triển khai thực hiện Chương trình hành động của Bộ Xây dựng, bảo đảm thực hiện kịp thời và hiệu quả; trong đó, phân công rõ nhiệm vụ cho lãnh đạo và chuyên viên chịu trách nhiệm thực hiện đối với từng nhiệm vụ cụ thể của đơn vị.
Tập trung chỉ đạo, tăng cường kiểm tra, giám sát tiến độ và kết quả thực hiện kế hoạch; xử lý nghiêm cán bộ, công chức, viên chức thiếu trách nhiệm, gây phiền hà cho người dân và doanh nghiệp.
Báo cáo định kỳ hàng tháng (trước ngày 22 hàng tháng), báo cáo định kỳ hàng quý (trước ngày 12 của tháng cuối quý) và hàng năm (trước ngày 12 tháng 12) tình hình thực hiện Chương trình hành động theo chức năng, nhiệm vụ được giao, gửi Vụ Pháp chế để tổng hợp.
Quyết định này có hiệu lực thi hành kể từ ngày ký.
Trung tâm Thông tin
Nguồn: Quyết định 104/QĐ-BXD.