I. Kết quả thực hiện
1. Tổng hợp chung về kết quả thực hiện công tác đấu thầu năm 2016
Năm 2016, tổng hợp của 09 đơn vị sử dụng vốn ngân sách nhà nước thuộc Bộ Xây dựng đã tổ chức lựa chọn nhà thầu 66 gói thầu (Trong đó, lĩnh vực phi tư vấn 06 gói thầu; tư vấn 40 gói thầu; mua sắm hàng hóa 11 gói thầu; xây lắp 09 gói thầu). Tổng giá gói thầu là 492,1 tỷ đồng, tổng giá trúng thầu là 465,6 tỷ đồng, tiết kiệm được 26,5 tỷ đồng, tỷ lệ tiết kiệm thông qua lựa chọn nhà thầu là 5,3%.
2. Công tác phổ biến, quán triệt việc thực hiện Luật Đấu thầu 2013; các Nghị định số 63/2014/NĐ-CP, 15/2015/NĐ-Cp, 30/2015/NĐ-CP và các Thông tư hướng dẫn
Việc phổ biến kiến thức pháp luật về đấu thầu, cụ thể là Luật đấu thầu 2013; các Nghị định số 63/2014/NĐ-CP, 15/2015/NĐ-Cp, 30/2015/NĐ-CP và các Thông tư và văn bản hướng dẫn liên quan đến công tác đấu thầu do Bộ Kế hoạch và Đầu tư ban hành đã được Bộ Xây dựng liên tục cập nhập thông qua Website của Bộ Xây dựng.
Công tác giáo dục kiến thức pháp luật về đấu thầu và nghiệp vụ đấu thầu đã được các trường đại học, cao đẳng và các Ban quản lý dự án thuộc Bộ Xây dựng đặc biệt quan tâm nhất là với các cán bộ trực tiếp liên quan đến công tác đấu thầu. Ngoài ra, Học viện Cán bộ quản lý Xây dựng và Đô thị, Viện Kinh tế xây dựng và một số đơn vị thuộc Bộ Xây dựng cũng thường xuyên tổ chức các lớp học về nghiệp vụ đấu thầu cho các cán bộ thuộc các đơn vị của Bộ Xây dựng và các đơn vị ngoài Bộ. Riêng năm 2016, Viện Kinh tế xây dựng và Học viện cán bộ quản lý xây dựng và đô thị đã tổ chức đào tạo 23 lớp ngắn hạn về nghiệp vụ đấu thầu cơ bản đối với lựa chọn nhà thầu, cấp chứng chỉ cho 1.137 học viên về quản lý đấu thầu.
Về trách nhiệm của Bộ Xây dựng tại Khoản 10 Điều 129, Nghị định 63/2014/NĐ-CP có ghi “Bộ Xây dựng ban hành hướng dẫn định mức nhân công trong các hoạt động tư vấn xây dựng làm cơ sở cho việc xác định giá hợp đồng tư vấn áp dụng loại hợp đồng theo thời gian quy định tại Khoản 4 Điều 62 của Luật Đấu thầu số 43/2013/QH13”: Do tính đặc thù riêng của hoạt động tư vấn xây dựng nên việc ban hành hướng dẫn định mức nhân công trong các hoạt động tư vấn xây dựng chưa thể triển khai trong năm 2016, Bộ Xây dựng đã có báo cáo Thủ tướng Chính phủ về vấn đề này.
Về nhiệm vụ nêu tại khoản 12 của Điều 129 Nghị định 63/2014/NĐ-CP, Bộ Xây dựng đã công bố Tài liệu hướng dẫn “Xác định tiêu chí đánh giá, phương pháp lựa chọn nhà đầu tư trong lĩnh vực sản xuất, cung cấp nước sạch; xử lý chất thải rắn sinh hoạt; thoát nước và xử lý nước thải đô thị theo hình thức đối tác công tư (PPP).
3. Tình hình thực hiện việc đăng tải thông tin trong đấu thầu và lựa chọn nhà thầu qua mạng
Trong thời gian vừa qua, thực hiện nghiêm túc các quy định về việc đăng tải thông tin trong lựa chọn nhà thầu, các đơn vị sử dụng vốn ngân sách thuộc Bộ Xây dựng đều nghiêm túc thực hiện việc đăng tải thông tin trong đấu thầu trên Báo Đấu thầu và tham gia Hệ thống đấu thầu quốc gia.
Từ ngày 01/11/2015 Thông tư liên tịch số 07/2015/TTLT-BKH-BTC Bộ Kế hoạch và Đầu tư và Bộ Tài chính quy định chi tiết việc cung cấp thông tin về đấu thầu và lựa chọn nhà thầu qua mạng có hiệu lực thi hành, Bộ Xây dựng đã quán triệt các Chủ đầu tư, bên mời thầu nghiêm túc thực hiện các quy định tại Thông tư này trên quan điểm đảm bảo nguyên tắc công khai, minh bạch trong đấu thầu, tạo cơ sở pháp lý trong việc cung cấp, đăng tải thông tin về đấu thầu, khuyến khích thực hiện đấu thầu qua mạng, áp dụng triệt để công nghệ thông tin, tạo sự thuận lợi cho các bên khi cung cấp, đăng tải thông tin về đấu thầu. Chi tiết theo lộ trình như sau:
- Năm 2016, thực hiện lựa chọn nhà thầu qua mạng tối thiểu 20% số lượng các gói thầu chào hàng cạnh tranh, 10% số lượng các gói thầu quy mô nhỏ đấu thầu rộng rãi, đấu thầu hạn chế nhưng ít nhất là 01 gói thầu chào hàng cạnh tranh hoặc đấu thầu rộng rãi, đấu thầu hạn chế;
- Năm 2017, thực hiện lựa chọn nhà thầu qua mạng tối thiểu 30% số lượng các gói thầu chào hàng cạnh tranh, 15% số lượng các gói thầu quy mô nhỏ đấu thầu rộng rãi, đấu thầu hạn chế;
- Từ năm 2018 trở đi, thực hiện lựa chọn nhà thầu qua mạng tối thiểu 40% số lượng các gói thầu chào hàng cạnh tranh, 30% số lượng các gói thầu quy mô nhỏ đấu thầu rộng rãi, đấu thầu hạn chế;
4. Tình hình thực hiện phân cấp trong đấu thầu
Quán triệt theo tinh thần của Luật đấu thầu số 43/2013/QH13; Nghị định 63/2014/NĐ-CP, Bộ Xây dựng đã tổ chức phân cấp, phân quyền trong đấu thầu trên nguyên tắc đảm bảo tuân thủ Luật và các Nghị định về đấu thầu. Bộ chỉ phê duyệt kế hoạch lựa chọn nhà thầu, tổ chức kiểm tra, giám sát, theo dõi công tác đấu thầu, thực hiện hợp đồng; các bước còn lại như phê duyệt hồ sơ mời thầu, kết quả lựa chọn nhà thầu và xử lý các tình huống phát sinh trong đấu thầu giao chủ đầu tư quyết định theo quy định.
5. Về năng lực của đội ngũ cán bộ tham gia hoạt động đấu thầu
Đội ngũ cán bộ tham gia hoạt động đấu thầu của các đơn vị trực thuộc Bộ Xây dựng về cơ bản đã qua các lớp bồi dưỡng về nghiệp vụ đấu thầu và được cấp chứng nhận theo quy định tại Nghị định 63/2014/NĐ-CP ngày 26/6/2014 của Chính phủ về việc quy định chi tiết thi hành một số điều của Luật Đấu thầu về lựa chọn nhà thầu.
Tại các Ban quản lý dự án do Bộ Xây dựng làm chủ đầu tư, công tác lựa chọn nhà thầu được giao cho các bộ phận chuyên môn thuộc các phòng Đầu tư hoặc Kế hoạch dưới sự chỉ đạo trực tiếp của Giám đốc hoặc Phó Giám đốc các Ban quản lý dự án. Các cán bộ tham gia, liên quan đến công tác lựa chọn nhà thầu 100% có chứng chỉ tham gia khoá học đấu thầu theo đúng quy định của pháp luật hiện hành.
6. Kết quả thanh tra, kiểm tra về đấu thầu
Thực hiện quy định về công tác thanh tra, kiểm tra trong công tác đấu thầu, một mặt hàng năm Bộ Xây dựng đều có văn bản chỉ đạo các đơn vị phải thường xuyên tự rà soát, kiểm tra công tác đấu thầu; mặt khác Bộ Xây dựng cũng tổ chức các đoàn thanh tra, kiểm tra đối với các đơn vị có dự án nhằm chấn chỉnh, xử lý những sai phạm, thiết sót xảy ra trong đấu thầu đồng thời qua công tác thanh tra, kiểm tra cũng giúp các đơn vị hoàn thiện và đưa công tác đấu thầu được thực hiện đúng quy định và đi vào nề nếp. Công tác thanh tra, kiểm tra được giao cho Thanh tra Bộ chủ trì, phối hợp với các Cục, Vụ chuyên môn thực hiện. Kết quả cụ thể như sau:
6.1. Kết quả thanh tra, kiểm tra về đấu thầu các lĩnh vực quản lý nhà nước của Bộ Xây dựng
Năm 2016, theo Quyết định số 1366/QĐ-BXD ngày 24/11/2015 của Bộ trưởng Bộ Xây dựng về việc Phê duyệt kế hoạch thanh tra năm 2016, Thanh tra Bộ Xây dựng đã triển khai thành lập 97 Đoàn thanh tra chuyên ngành và hành chính (trong đó đấu thầu là một nội dung trong công tác thanh tra quản lý dự án đầu tư xây dựng). Kết quả các đoàn thanh tra, kiểm tra, ngoài kiến nghị xử lý về kinh tế còn phát hiện sai phạm về công tác lựa chọn nhà thầu tập trung vào những nội dung sau:
- Công tác lập hồ sơ mời thầu, lựa chọn nhà thầu xây dựng: hồ sơ yêu cầu thiếu quy định cụ thể về yêu cầu năng lực thiết bị thi công để đáp ứng chất lượng và tiến độ thi công, thiếu các tiêu chuẩn thi công và nghiệm thu; khối lượng trong hồ sơ mời thầu chưa phù hợp với dự toán được phê duyệt, hồ sơ dự thầu chưa đúng quy định, nhà thầu thành lập tổ chuyên gia xét thầu không có chuyên gia đánh giá về mặt tài chính, pháp lý, công tác chấm thầu bỏ sót một số lỗi (nội dung đề xuất tài chính không phù hợp nội dung đề xuất kỹ thuật; Nhà thầu chỉ lập bảng kê máy móc thiết bị nhưng không có giấy tờ chứng minh theo quy định của hồ sơ mời thầu...). Hồ sơ mời thầu nêu một số tiêu chuẩn áp dụng đã hết hiệu lực (tiêu chuẩn thiết kế đường ô tô TCVN 4054-85, tiêu chuẩn hiện hành là TCVN 4054-05; tiêu chuẩn thiết kế móng cọc 20TCN 21-86, tiêu chuẩn hiện hành là TCXDVN 205-1998...).
- Việc thực hiện công tác mua sắm không có văn bản giao nhiệm vụ, thiếu thẩm định kết quả đấu thầu theo quy định của Luật Đấu thầu, áp dụng không đúng hoặc áp dụng các Nghị định hướng dẫn Luật đấu thầu 2005 đã hết hiệu lực; Dự án không có kế hoạch đấu thầu được người có thẩm quyền phê duyệt, không đăng báo mời thầu theo quy định Luật Đấu thầu, một số thành viên tổ xét thầu chưa có chứng chỉ về đấu thầu.
- Không có văn bản thẩm định kế hoạch đấu thầu, thực hiện chưa đúng quy chế đấu thầu (theo Thông tư số 04/2000/TT-BKH ngày 26/5/2000 hướng dẫn thực hiện quy chế đấu thầu). Quyết định phê duyệt kế hoạch đấu thầu không đầy đủ nội dung như danh mục các gói thầu, giá gói thầu và nguồn tài chính, loại hợp đồng cho từng gói thầu, thời gian thực hiện hợp đồng, phương thức đấu thầu…
6.2. Kết quả việc thực hiện công tác đấu thầu của các dự án thuộc nguồn ngân sách nhà nước năm 2016
Công tác đấu thầu trong năm 2016 đối với các dự án thuộc nguồn vốn ngân sách nhà nước giao Bộ Xây dựng quản lý được tổ chức nghiêm túc, đúng quy trình, đảm bảo tuân thủ đầy đủ các quy định, lựa chọn được các nhà thầu có năng lực, kinh nghiệm thi công đảm bảo chất lượng, tiến độ. Nhìn chung trong năm qua tình hình thực hiện Luật Đấu thầu năm 2013, Nghị định số 63/NĐ-CP và các thông tư hướng dẫn đã đi vào nề nếp, chưa có phản ánh của các đơn vị liên quan trong tham gia đấu thầu.Tuy nhiên, công tác lựa chọn nhà thầu vẫn còn một số hạn chế cần khắc phục trong thời gian tới như:
- Cần nâng cao hơn nữa năng lực và kinh nghiệm của đội ngũ làm công tác tư vấn đấu thầu;
- Hạn chế các sai sót dẫn đến điều chỉnh, bổ sung giá, khối lượng sau khi đấu thầu... Điều này gây khó khăn trong công tác quản lý, làm chậm tiến độ thi công và giảm tính cạnh tranh trong đấu thầu.
7. Công tác giải quyết kiến nghị và xử lý vi phạm về đấu thầu
- Số lượng văn bản nhận được, cách thức giải quyết: không có
- Xử lý vi phạm về đấu thầu: không có
8. Cập nhập tên và chức danh lãnh đạo phụ trách về công tác đấu thầu trong phạm vi quản lý của Bộ Xây dựng
Tại Quyết định số 525/QĐ-BXD ngày 13/06/2016 của Bộ trưởng Bộ Xây dựng về việc phân công nhiệm vụ trong Lãnh đạo Bộ, Bộ Xây dựng đã cử đồng chí Lê Quang Hùng – Thứ trưởng Bộ Xây dựng giúp Bộ trưởng quản lý nhà nước lĩnh vực về lựa chọn nhà thầu trong hoạt động xây dựng.
II. Đánh giá việc thực hiện công tác đấu thầu năm 2016
Công tác đấu thầu trong thời gian qua tại Bộ Xây dựng được tổ chức thực hiện nghiêm túc, tuân thủ đúng theo quy định tại Luật đấu thầu 2013; các Nghị định số 63/2014/NĐ-CP, 15/2015/NĐ-Cp, 30/2015/NĐ-CP và các Thông tư và văn bản hướng dẫn liên quan. Theo đó, công tác lựa chọn nhà thầu đảm bảo nguyên tắc cạnh tranh, công bằng, minh bạch và hiệu quả kinh tế; đã lựa chọn được các nhà thầu có năng lực, kinh nghiệm thực hiện công tác đảm bảo chất lượng, tiến độ.
Trung tâm Thông tin.
Nguồn: Báo cáo 15 /BC-BXD