I. TÌNH HÌNH BAN HÀNH CÁC VĂN BẢN HƯỚNG DẪN CÁC CHÍNH SÁCH, PHÁP LUẬT LIÊN QUAN ĐẾN ĐẦU TƯ THEO THẨM QUYỀN
Triển khai Chương trình công tác năm 2014 của Chính phủ (tại Công văn số 126/VPCP-TH ngày 20/01/2014 của Văn phòng Chính phủ và các văn bản giao bổ sung khác của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ), Bộ Xây dựng đã tập trung cao độ, phối hợp với các cơ quan của Quốc hội, tiếp thu, giải trình và đã được Quốc hội thông qua 03 dự án Luật: Luật Xây dựng số 50/2014/QH13 (thay thế cho Luật Xây dựng số 13/2003/QH11 và có hiệu lực từ 01/01/2015); Luật Nhà ở số 65/2014/QH13 (thay thế cho Luật Nhà ở số 56/2005/QH11 và có hiệu lực từ 01/7/2015); Luật Kinh doanh bất động sản số 66/2014/QH13 (thay thế cho Luật Kinh doanh bất động sản 63/2006/QH11 và có hiệu lực từ 01/7/2015); hoàn thành việc nghiên cứu, xây dựng đề án Tái cơ cấu ngành Xây dựng; hoàn thiện trình Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ 25 dự thảo Nghị định, Nghị quyết, Đề án, Quyết định, trong đó đã được ban hành 01 Nghị định, 01 Nghị quyết, 06 Quyết định; ban hành theo thẩm quyền 21 Thông tư hướng dẫn (trong đó có 03 Thông tư liên tịch) trong các lĩnh vực quản lý nhà nước của Bộ.
Việc Quốc hội thông qua 03 Luật nêu trên đã đánh dấu một mốc quan trọng trong quá trình xây dựng, hoàn thiện hệ thống thể chế, pháp luật ngành Xây dựng với nhiều nội dung đổi mới, thay đổi căn bản, có tính đột phá, nhất là các vấn đề liên quan đến tăng cường quản lý chất lượng công trình, chống tham nhũng, thất thoát, lãng phí trong đầu tư xây dựng, phát triển nhà ở xã hội cho người nghèo, tăng cường kiểm soát phát triển thị trường bất động sản…qua đó đã góp phần quan trọng nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý nhà nước của Ngành như: Các cơ chế chính sách mới ban hành trong thời gian qua đã tăng cường kiểm soát, quản lý chất lượng xây dựng ở tất cả các khâu của quá trình đầu tư xây dựng; Thống nhất quản lý nhà nước về trật tự xây dựng thông qua việc cấp giấy phép xây dựng, đảm bảo sự bình đẳng giữa các đối tượng được xét cấp giấy phép xây dựng và công khai, minh bạch về quy trình, thủ tục cấp giấy phép xây dựng; Đổi mới cơ chế quản lý nhà nước về chi phí đầu tư xây dựng trên cơ sở quản lý chặt chẽ chi phí đầu tư từ nguồn vốn nhà nước. Đặc biệt, xác định trách nhiệm quản lý nhà nước đối với hoạt động đầu tư xây dựng trên cơ sở quy định rõ nội dung quản lý nhà nước và phân công, phân cấp giữa các Bộ, ngành địa phương và tương thích với pháp luật quốc tế ngày càng được bảo đảm.
(Chi tiết tại Phụ lục số 1 kèm theo)
II. TÌNH HÌNH THỰC HIỆN NHIỆM VỤ QUẢN LÝ NHÀ NƯỚC
Để hướng dẫn thực hiện Luật Xây dựng, Bộ Xây dựng đã khẩn trương hoàn thành, trình Chính phủ dự thảo 6 Nghị định: Nghị định quản lý dự án đầu tư xây dựng, Nghị định quản lý chất lượng công trình xây dựng, Nghị định về quản lý chi phí đầu tư xây dựng, Nghị định về hợp đồng xây dựng, Nghị định về xử lí vi phạm trong hoạt động xây dựng.
Về công tác quản lý kiến trúc, quy hoạch đã hoàn thành trình Chính phủ Nghị định về quản lý quy hoạch xây dựng (để hướng dẫn Luật Xây dựng số 50/2014/QH13); tiếp tục xây dựng Điều chỉnh Định hướng kiến trúc Việt Nam đến năm 2030; sửa đổi Thông tư số 23/2009/TT-BXD về hướng dẫn thi tuyển và tuyển chọn phương án thiết kế kiến trúc công trình xây dựng; rà soát, sửa đổi Quy chuẩn 2008 về Quy hoạch xây dựng.
Về công tác quản lý đầu tư xây dựng triển khai Nghị quyết 11/NQ-CP của Chính phủ, Quyết định số 310/QĐ-TTg về việc thành lập Hội đồng nghiệm thu Nhà nước các công trình xây dựng, Nghị định 15/2013/NĐ-CP ngày 16/02/2013 về quản lý chất lượng công trình, trong năm 2014, Bộ Xây dựng cũng đã phối hợp cùng các Bộ, ngành, địa phương tiến hành kiểm tra, kiểm định chất lượng các công trình cầu treo, các công trình dạng tháp; kiểm tra, đánh giá an toàn hồ, đập thủy điện, thủy lợi trên phạm vi toàn quốc. Số lượng công trình được kiểm tra tăng gấp đôi so với năm 2013. Kiểm tra, xử lý các vụ việc, sự cố về chất lượng công trình xây dựng.
Về công tác quản lý phát triển vật liệu xây dựng Bộ Xây dựng đã tập trung rà soát, lập, điều chỉnh quy hoạch phát triển các sản phẩm vật liệu xây dựng chủ yếu; đã trình Thủ tướng Chính phủ ban hành Quyết định số 1469/QĐ-TTg ngày 22/08/2014 phê duyệt Quy hoạch tổng thể phát triển vật liệu xây dựng Việt Nam đến năm 2020 và định hướng đến năm 2030; Quyết định 1696/QĐ-TTg ngày 23/9/2014 về một số giải pháp thực hiện xử lý tro, xỉ thạch cao của các các nhà máy nhiệt điện, nhà máy hóa chất để làm nguyên liệu sản xuất vật liệu xây dựng. Đã hoàn thành, đang trình Thủ tướng Chính phủ Quy hoạch phát triển công nghiệp vôi, Đề án phát triển sản xuất vật liệu xây dựng để sử dụng trong nước và xuất khẩu giai đoạn 2015- 2020, tầm nhìn 2030. Tiếp tục nghiên cứu: Quy hoạch gốm sứ xây dựng, đá ốp lát ở Việt Nam đến năm 2020, tầm nhìn đến 2030;
Về công tác quản lý phát triển nhà ở và thị trường bất động sản trong năm 2014, Bộ Xây dựng cũng đã ban hành 09 Thông tư hướng dẫn liên quan đến lĩnh vực nhà ở và thị trường bất động sản. Đã tập trung đôn đốc, hướng dẫn các Bộ, ngành, địa phương triển khai thực hiện các chính sách quản lý và phát triển nhà ở xã hội , nhà ở tái định cư; quản lý và sử dụng nhà ở thuộc sở hữu Nhà nước, nhà ở công vụ; hỗ trợ nhà ở cho người có công với cách mạng, hỗ trợ hộ nghèo xây dựng nhà ở phòng, tránh bão, lũ khu vực miền Trung… Đến nay có 34 địa phương đã được Hội đồng nhân dân tỉnh phê duyệt Chương trình; 06 địa phương đã hoàn thành việc xây dựng Chương trình đang chờ Hội đồng nhân dân tỉnh thông qua; 23 địa phương đang triển khai xây dựng chương trình, dự kiến trong năm 2015 sẽ thông qua Hội đồng nhân dân. Tốc độ phát triển nhà ở đã bám sát chỉ tiêu hàng năm được đề ra trong Chiến lược phát triển nhà ở quốc gia đến năm 2020, góp phần làm cho diện tích nhà ở cả nước tăng nhanh.
III. TÌNH HÌNH QUẢN LÝ CÁC DỰ ÁN THUỘC NGUỒN VỐN NGÂN SÁCH NHÀ NƯỚC
1. Kế hoạch phân bổ vốn đầu tư
Năm 2014, Bộ Xây dựng được giao quản lý 2.069,1 tỷ đồng, gồm 2.007,1 tỷ đồng vốn ngân sách nhà nước, 30 tỷ đồng vốn nước ngoài và 32 tỷ đồng vốn trái phiếu Chính phủ. Tổng số vốn nói trên được phân bổ cho 29 dự án. Cụ thể như sau:
- 05 dự án chuẩn bị đầu tư với tổng số vốn: 3,100 tỷ đồng;
- 07 dự án khởi công mới với tổng số vốn: 30,100 tỷ đồng;
- 03 dự án hoàn thành năm 2014 với tổng số vốn: 14,777 tỷ đồng;
- 12 dự án chuyển tiếp với tổng số vốn: 271,123 tỷ đồng;
- 02 dự án theo mục tiêu, nhiệm vụ với tổng số vốn: 1.750,000 tỷ đồng.
Việc phân bổ vốn cho từng dự án được Bộ Xây dựng thực hiện theo đúng danh mục, mức vốn được Thủ tướng Chính phủ, Bộ Kế hoạch và Đầu tư giao, đảm bảo thời gian theo quy định.
2. Kết quả đạt được
Nhìn chung hầu hết các dự án đều được triển khai theo đúng tiến độ, đảm bảo chất lượng, giải ngân đạt 100% kế hoạch vốn được giao.
• Các dự án do Bộ Xây dựng làm chủ đầu tư
Dự án ĐTXD công trình Nhà Quốc hội do Bộ Xây dựng làm chủ đầu tư sau một thời gian tập trung thi công đến nay đã cơ bản hoàn thành mục tiêu đề ra, đảm bảo chất lượng, phục vụ tốt kỳ họp thứ 8 Quốc hội khóa 13 vừa qua. Bộ Xây dựng đang chỉ đạo các nhà thầu đang tập trung hoàn thiện nốt những khâu cuối cùng thuộc Hạng mục Nhà Quốc hội để bàn giao cho Văn phòng Quốc hội trước tết Ất Mùi 2015. Hạng mục gara ngầm sẽ hoàn thành vào cuối năm 2015 theo chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ.
Dự án ĐTXD Đại học Quốc gia Hà Nội tại Hòa Lạc đã hoàn thành một khối lượng công việc lớn, lần đầu tiên hoàn thành vượt mức kế hoạch vốn được giao. Đã hoàn thành việc lập, thẩm định và phê duyệt các dự án thành phần Tái định cư, Hạ tầng chung, Trường ĐH khoa học tự nhiên, Trung tâm Giáo dục Quốc phòng,... hoàn thành, bàn giao các hạng mục công trình thuộc khu ký túc xá số 4, Nhà công vụ số 1 cho Đại học Quốc gia Hà Nội quản lý, sử dụng. Một số hạng mục công trình cơ bản hoàn thành (tuyến đường số 11, tuyến số 3). Một số hạng mục chuẩn bị thi công (tuyến số 01, 04, 05). Dự án đã được Thủ tướng Chính phủ chấp thuận bố trí thêm vốn trong kế hoạch năm 2015-2016 từ nguồn vốn vay của WB để đầu tư.
• Các dự án ODA
Trong năm 2014, Bộ Xây dựng trực tiếp quản lý thực hiện 14 dự án hỗ trợ kỹ thuật với tổng vốn tài trợ là 29,8 triệu USD, tập trung vào các lĩnh vực tăng cường năng lực và hoàn thiện thể chế thuộc các lĩnh vực quản lý nhà nước của Bộ Xây dựng; đã vận động được 01 dự án đầu tư cơ sở vật chất giáo dục đào tạo với tổng vốn tài trợ 20 triệu EUR (Trường Cao đẳng nghề Lilama2); đang điều phối thực hiện 04 dự án do ADB và WB tài trợ với tổng mức vốn đầu tư là 1.004 triệu USD gồm: Dự án phát triển đô thị vừa và nhỏ miền Trung (66,72 triệu USD), dự án nâng cấp đô thị vùng đồng bằng sông Cửu Long (399,14 triệu USD), Chương trình phát triển đô thị miền núi phía Bắc (301,856 triệu USD), Dự án cấp nước và nước thải đô thị (236,2 triệu USD).
(Chi tiết tại Phụ lục số 2 kèm theo)
IV. TÌNH HÌNH QUẢN LÝ CÁC DỰ ÁN ĐẦU TƯ SỬ DỤNG CÁC NGUỒN VỐN KHÁC
Thực hiện theo tinh thần Nghị định 99/2012/NĐ-CP ngày 15/11/2012 của Thủ tướng Chính phủ về phân công, phân cấp thực hiện các quyền, trách nhiệm, nghĩa vụ của chủ sở hữu nhà nước đối với doanh nghiệp nhà nước và vốn Nhà nước đầu tư vào doanh nghiệp, Bộ Xây dựng đã đôn đốc các đơn vị thuộc Bộ nghiêm túc thực hiện các nội dung liên quan đến công tác đầu tư như sau:
- Đối với kế hoạch đầu tư năm 2014, Bộ Xây dựng yêu cầu các doanh nghiệp thuộc Bộ báo cáo cụ thể, chi tiết đối với từng dự án theo mẫu biểu quy định tại Quyết định số 699/QĐ-BXD ngày 28/6/2010 của Bộ trưởng Bộ Xây dựng về Ban hành quy định chế độ báo cáo thống kê định kỳ. Nội dung báo cáo yêu cầu: Đánh giá về tính khả thi cũng như nguồn vốn thực hiện đối với từng dự án trình Bộ Xây dựng xem xét, phê duyệt Danh mục các dự án nhóm A, B (đối với doanh nghiệp nhà nước nắm giữ trên 50% vốn điều lệ); Người đại diện theo ủy quyền đối với phần vốn nhà nước tại doanh nghiệp báo cáo tình hình đầu tư, tài chính, hiệu quả sử dụng vốn nhà nước, kết quả kinh doanh của doanh nghiệp (đối với doanh nghiệp nhà nước nắm giữ không quá 50% vốn điều lệ).
Theo đó, Bộ Xây dựng đã xem xét, phê duyệt Danh mục các dự án đầu tư phát triển năm 2014 của các doanh nghiệp thuộc Bộ và thông báo Bộ Kế hoạch và Đầu tư, Bộ Tài chính để tổng hợp, giám sát. Thực hiện đầu tư năm 2014 là 15.042 tỷ đồng, đạt 104% kế hoạch, bằng 138% so với năm 2013, trong đó:
- Phát triển nhà ở, hạ tầng kỹ thuật đô thị, hạ tầng xã hội: có 206 dự án, kế hoạch đầu tư là 9.471,8 chiếm tỷ trọng 65,37% tổng kế hoạch vốn năm 2014 của các doanh nghiệp thuộc Bộ. Ước thực hiện năm đạt 10.006 tỷ đồng;
- Nhà máy điện: 15 dự án, kế hoạch đầu tư là 2.373,2 tỷ đồng chiếm tỷ trọng 16,38% kế hoạch năm 2014, ước thực hiện năm đạt 1.740,8 tỷ đồng;
- Xi măng: 11 dự án, kế hoạch đầu tư là 703,8 tỷ đồng, ước thực hiện năm đạt 793,4 tỷ đồng.
- Các lĩnh vực khác: kế hoạch vốn là 2.096 tỷ đồng chiếm tỷ trọng 14,3% kế hoạch vốn, bao gồm các lĩnh vực: Giao thông, thủy lợi; hạ tầng kỹ thuật khu công nghiệp, khu chế xuất, khu công nghệ cao; sản xuất công nghiệp và vật liệu xây dựng; cơ khí, kết cấu thép...
(Chi tiết tại Phụ lục số 3 kèm theo)
V. TÌNH HÌNH TRIỂN KHAI THỰC HIỆN CÔNG TÁC GIÁM SÁT, ĐÁNH GIÁ ĐẦU TƯ
1. Tình hình thực hiện chế độ báo cáo
Về thời gian nộp báo cáo nhìn chung các Chủ đầu tư đã nghiêm túc thực hiện đúng hạn thời gian quy định nộp báo cáo giám sát đánh giá đầu tư theo tháng, quý, 6 tháng đầu năm và năm theo quy định tại Nghị định 113/2009/NĐ-CP của Chính phủ về giám sát và đánh giá đầu tư;
Về nội dung báo cáo căn cứ vào báo cáo tình hình thực hiện giám sát đánh giá đầu tư của các đơn vị gửi Bộ Xây dựng, công tác giám sát, đánh giá đầu tư là công tác thường xuyên được các Ban quản lý, Chủ đầu tư quan tâm. Hầu hết các dự án đều được thực hiện theo đúng trình tự thủ tục đầu tư theo quy định. Về nội dung Báo cáo giám sát đánh giá tổng thể đầu tư theo Thông tư số 13/2010/TT-BKH đã nêu chi tiết hơn so với các kỳ báo cáo trước. Tuy nhiên, một số báo cáo còn chung chung sơ sài chưa đầy đủ thông tin theo nội dung và biểu mẫu theo quy định.
2. Kết quả kiểm tra, đánh giá dự án đầu tư trong kỳ.
Đối với các dự án sử dụng vốn ngân sách nhà nước, các Ban quản lý/đơn vị được Bộ Xây dựng giao làm Chủ đầu tư dự án, thay mặt Bộ Xây dựng giám sát chặt chẽ quá trình thi công của các nhà thầu xây dựng, tiến độ thực hiện của dự án,… định kỳ hàng tháng các Ban quản lý, Chủ đầu tư dự án đều có văn bản báo cáo chi tiết tình hình triển khai, những khó khăn, vướng mắc (nếu có). Riêng đối với dự án đầu tư do Bộ Xây dựng làm Chủ đầu tư, định kỳ hàng tuần/tháng lãnh đạo Bộ Xây dựng có buổi làm việc rà soát tiến độ triển khai.
Ngoài ra, trong năm 2014, triển khai Quyết định số 243/QĐ-BXD ngày 19/3/2014 của Bộ trưởng Bộ Xây dựng về việc thực hiện công tác giám sát, đánh giá dự án đầu tư sử dụng nguồn vốn ngân sách nhà nước năm 2014, Bộ Xây dựng đã thành lập Đoàn công tác trực tiếp làm việc với một số Ban quản lý/Chủ đầu tư rà soát các dự án với mục đích giám sát, đánh giá tình hình triển khai của dự án nhằm đảm bảo cho hoạt động đầu tư chung của từng dự án đem lại hiệu quả kinh tế xã hội cao, phù hợp với mục tiêu và thực hiện đúng pháp luật, chính sách của Nhà nước.
Thực hiện nhiệm vụ nêu trên Đoàn công tác đã rà soát phân nhóm dự án ưu tiên để tiến hành thực hiện nhiệm vụ kiểm tra, giám sát. Theo đó, năm 2014, 100% các dự án phân bổ vốn năm 2014 đã được tiến hành kiểm tra tình hình thực hiện công tác đấu thầu, quản lý dự án, thanh toán…, Qua công tác theo dõi, kiểm tra, giám sát đã phát hiện và kịp thời điều chỉnh một số nghiệp vụ quản lý đầu tư mà các đơn vị này chưa hoàn thiện như: Kiện toàn công tác nhân sự của Ban quản lý; Phối hợp với đơn vị sắp xếp khoa học hồ sơ, chứng từ liên quan đến dự án; Rà soát đảm bảo các cán bộ tham gia Ban quản lý, Tư vấn quản lý dự án, Tư vấn đấu thầu, Tư vấn giám sát thi công,… có đủ các chứng chỉ hành nghề theo đúng quy định của pháp luật.
Đối với các dự án do doanh nghiệp thuộc Bộ làm chủ đầu tư, Các doanh nghiệp thuộc Bộ ban hành các quyết định nội bộ quy định quy trình công tác, giám sát, đánh giá đầu tư các dự án do đơn vị thực hiện. Ngoài ra, định kỳ hàng quí báo cáo tình hình thực hiện kế hoạch đầu tư về Bộ Xây dựng theo qui định tại Quyết định 699/QĐ-BXD ngày 28/6/2010 của Bộ Xây dựng.
3. Một số giải pháp
- Tăng cường kiểm tra, giám sát công tác quản lý đầu tư xây dựng, nhằm hạn chế thất thoát, lãng phí, nâng cao chất lượng công trình và hiệu quả sử dụng vốn đầu tư; tiếp tục rà soát, sửa đổi, bổ sung, hoàn thiện hệ thống định mức kinh tế, kỹ thuật;
- Tiếp tục theo dõi tình hình thực hiện chế độ báo cáo của Chủ đầu tư; kiểm tra tính đầy đủ, cập nhật và tính chính xác của các thông tin theo dõi dự án đầu tư cho Chủ đầu tư cung cấp nhằm kịp thời tháo gỡ các khó khăn, vướng mắc chính (nếu có) ảnh hưởng đến việc thực hiện dự án;
- Tổ chức đoàn kiểm tra, giám sát, đánh giá định kỳ hoặc đột xuất đối các dự án về công tác đấu thầu, giải ngân, thanh toán, năng lực quản lý thực hiện dự án của Chủ đầu tư, ban quản lý dự án…; Tổ chức kiểm tra các dự án đầu tư điều chỉnh (nếu có);
- Xây dựng, ban hành quy định nâng cao trách nhiệm của các chủ đầu tư; rà soát và kiện toàn các ban quản lý dự án, áp dụng các chế tài cần thiết đối với các đơn vị thi công xây lắp và tư vấn nếu để xảy ra tình trạng chậm tiến độ thực hiện với lý do không chính đáng hoặc không đạt chất lượng.
Trung tâm Thông tin
Nguồn: Báo cáo 64/BC–BXD.