Thứ trưởng Lê Quang Hùng tiếp và làm việc với Thứ trưởng Bộ Môi trường Nhật Bản

Thứ năm, 10/01/2019 17:15
Từ viết tắt Xem với cỡ chữ
Ngày 10/1/2019, tại trụ sở cơ quan Bộ Xây dựng, Thứ trưởng Lê Quang Hùng đã tiếp và làm việc với Thứ trưởng Bộ Môi trường Nhật Bản Takaaki KATSUMATA về hợp tác phát triển trong lĩnh vực quản lý chất thải và chuyển hóa rác thải thành năng lượng.

Toàn cảnh buổi làm việc

Thay mặt đoàn công tác của Bộ Môi trường Nhật Bản, Thứ trưởng Takaaki KATSUMATA bày tỏ vui mừng và cám ơn Thứ trưởng Lê Quang Hùng và các cộng sự của Bộ Xây dựng đã dành thời gian tiếp đoàn.

Thứ trưởng Takaaki KATSUMATA cho biết, trong quá trình phát triển của đất nước Nhật Bản, cụ thể trong lĩnh vực hạ tầng, Nhật Bản đã đạt được nhiều thành tựu quan trọng và thành công trong việc thu gom, xử lý rác thải, chuyển hóa rác thải thành năng lượng, góp phần tích cực cho công tác bảo vệ môi trường. Bộ Môi trường Nhật Bản mong muốn và đề xuất hai Bộ sẽ ký kết Biên bản ghi nhớ hợp tác để chia sẻ kiến thức và công nghệ của Nhật Bản với Việt Nam trong lĩnh vực hạ tầng kỹ thuật đô thị, nhất là trong việc chuyển hóa rác thải thành năng lượng.

Thay mặt lãnh đạo Bộ Xây dựng chào mừng Thứ trưởng Takaaki KATSUMATA và đoàn công tác của Bộ Môi trường Nhật Bản đến thăm và làm việc với Bộ Xây dựng, Thứ trưởng Lê Quang Hùng cho biết, Bộ Xây dựng Việt Nam là cơ quan chịu trách nhiệm quản lý nhà nước về lĩnh vực xử lý chất thải rắn sinh hoạt và đô thị. Hiện nay, tổng lượng chất thải rắn đô thị của Việt Nam vào khoảng 38.000 tấn ngày, chất thải rắn nông thôn khoảng 32.000 tấn/ngày; tỷ lệ thu gom chất thải rắn đô thị khoảng 80-85%, nông thôn khoảng 50% và hầu hết xử lý theo công nghệ chôn lấp, việc xử lý chất thải rắn theo phương pháp đốt để phát điện chiếm tỷ lệ rất nhỏ.

Theo Thứ trưởng Lê Quang Hùng, từ năm 2000, Chính phủ Việt Nam đã ban hành một số cơ chế, chính sách để thúc đẩy việc thu gom, xử lý chất thải rắn theo phương pháp đốt để phát điện, và mong muốn đến năm 2020, tỷ lệ chất thải rắn được thu gom, xử lý để phát điện đạt 30%, đến năm 2030 đạt tỷ lệ 70% và đến năm 2050 thì hầu hết chất thải rắn sẽ được đốt để phát điện.

Thứ trưởng Lê Quang Hùng cũng cho biết, trong thực tế, thông qua một số dự án thí điểm, việc xử lý chất thải rắn theo phương pháp đốt để phát điện ở Việt Nam đang đối mặt với một số khó khăn về thu hút nhà đầu tư do giá dịch vụ xử lý chất thải rắn ở Việt Nam còn thấp, đồng thời, rác thải chưa được phân loại tại nguồn. Tuy nhiên, chủ trương của Chính phủ Việt Nam là quyết tâm thực hiện lộ trình xử lý chất thải rắn để phát điện, do đó, Bộ Xây dựng Việt Nam hoan nghênh đề xuất của Bộ Môi trường Nhật Bản về việc hai bên xúc tiến ký kết Biên bản ghi nhớ hợp tác, giúp Việt Nam thực hiện lộ trình nói trên.

Tại buổi làm việc, Thứ trưởng Lê Quang Hùng và Thứ trưởng Takaaki KATSUMATA đã nhất trí giao các đơn vị đầu mối của hai bên để xúc tiến trao đổi, bàn bạc, xây dựng dự thảo Biên bản ghi nhớ hợp tác và các chương trình hành động cụ thể để lãnh đạo hai Bộ xem xét, phê chuẩn.


Minh Tuấn

Tìm theo ngày :

Đánh giá

(Di chuột vào ngôi sao để chọn điểm)