Phát biểu khai mạc Hội thảo, Thứ trưởng Nguyễn Văn Sinh cho biết, trong những năm qua, Việt Nam đã ban hành nhiều cơ chế, chính sách phát triển nhà ở xã hội để hỗ trợ nhà ở cho các đối tượng gặp khó khăn, thu nhập thấp tại cả khu vực đô thị và nông thôn, trong đó có Luật Nhà ở 2014 và Nghị định số 100/2015/NĐ-CP ngày 20/10/2015 về phát triển và quản lý nhà ở xã hội với các quy định cụ thể về hỗ trợ, ưu đãi để tạo điều kiện thuận lợi cho các tổ chức, cá nhân tham gia đầu tư phát triển nhà ở xã hội.
Hiện nay, các Bộ, ngành, địa phương đã và đang tích cực triển khai các chương trình hỗ trợ nhà ở cho các đối tượng thuộc diện được hưởng chính sách hỗ trợ về nhà ở và đã đạt được nhiều kết quả quan trọng: Chương trình hỗ trợ nhà ở cho người có công với cách mạng đã hoàn thành hỗ trợ cho trên 110 nghìn hộ; Chương trình hỗ trợ hộ nghèo khu vực nông thôn về nhà ở đã hỗ trợ cho 530.294 hộ (giai đoạn 1) và hơn 10 nghìn hộ (giai đoạn 2) vay vốn để cải thiện nhà ở; Chương trình xây dựng cụm, tuyến dân cư và nhà ở vùng ngập lũ Đồng bằng Sông Cửu Long sau hai đợt triển khai đã hỗ trợ cho 191 nghìn hộ gia đình có nhà ở, với gần 1 triệu người dân sống an toàn, ổn định trong các cụm tuyến dân cư vùng ngập lũ; Chương trình hỗ trợ hộ nghèo xây dựng nhà ở phòng tránh bão lụt khu vực miền Trung đã hỗ trợ được hơn 13 nghìn hộ trên tổng số 27.196 hộ cần hỗ trợ;
Đối vối Chương trình phát triển nhà ở xã hội cho người có thu nhập thấp tại khu vực đô thị: Đã hoàn thành việc đầu tư xây dựng 98 dự án, quy mô xây dựng khoảng 40.700 căn hộ và đang tiếp tục triển khai 153 dự án với quy mô xây dựng khoảng 93.800 căn hộ; Chương trình phát triển nhà ở xã hội dành cho công nhân khu công nghiệp đã hoàn thành đầu tư xây dựng 100 dự án, với quy mô khoảng 41 nghìn căn hộ và đang tiếp tục triển khai 73 dự án với quy mô khoảng 88.400 căn hộ; 89/95 dự án nhà ở sinh viên được hoàn thành đưa vào sử dụng, bố trí chỗ ở cho khoảng 22 nghìn sinh viên.
Tuy nhiên, việc phát triển nhà ở xã hội đến nay mới chỉ đạt khoảng 33% so với mục tiêu đề ra trong Chiến lược phát triển nhà ở quốc gia đến năm 2020, do nguồn vốn đầu tư phát triển nhà ở xã hội còn hạn chế, chính quyền một số địa phương chưa quan tâm đúng mức đối với việc phát triển nhà ở xã hội, nhất là việc bố trí đủ quỹ đất để phát triển nhà ở xã hội, các doanh nghiệp kinh doanh bất động sản chưa mặn mà đầu tư các dự án nhà ở xã hội, thu nhập của người dân vẫn còn thấp và tâm lý của người dân vẫn chỉ muốn mua để có sở hữu, không muốn thuê nhà ở, một số cơ chế chính sách chưa phù hợp thực tế.
Để công tác đầu tư, phát triển nhà ở xã hội đảm bảo mục tiêu đã đề ra, Bộ Xây dựng và cơ quan hợp tác quốc tế Hàn Quốc KOICA xây dựng Dự án “Xây dựng chính sách tổng thể nhà ở xã hội tại Việt Nam trong giai đoạn 2021-2030”, nhằm nghiên cứu kinh nghiệm quốc tế và khảo sát tình hình thực tế của Việt Nam, đề xuất cơ chế chính sách về phát triển nhà ở xã hội phù hợp với tình hình thực tế, xu hướng phát triển của Việt Nam giai đoạn 2021 - 2030.
Toàn cảnh Hội thảo
Dự án gồm 5 hợp phần: Đánh giá thực trạng nhà ở xã hội của các hộ gia đình thu nhập thấp tại khu vực đô thị và công nhân khu công nghiệp; Khảo sát và nghiên cứu về dự báo nhu cầu nhà ở cho các hộ gia đình thu nhập thấp tại khu vực đô thị và công nhân khu công nghiệp trong giai đoạn 2021-2030; Xây dựng các chính sách nhà ở xã hội tại Việt Nam cho các nhóm đối tượng mục tiêu là các hộ gia đình thu nhập thấp tại khu vực đô thị, công nhân khu công nghiệp thông qua các bài học từ kinh nghiệm quốc tế; Đề xuất hoàn thiện Luật Nhà ở hiện hành nhằm thúc đẩy các chính sách nhà ở xã hội được đề xuất trong Dự án; Chương trình nâng cao năng lực.
Dự án được thực hiện trong 30 tháng (10/2018 - 3/2021) với tổng kinh phí là 3,3 triệu USD, trong đó vốn viện trợ không hoàn lại của Chính phủ Hàn Quốc là 3 triệu USD, vốn đối ứng của Việt Nam là 0,3 triệu USD. Dự án được giao cho tổ chức KOICA thực hiện và Bộ Xây dựng là Cơ quan chủ quản dự án.
Tại Hội thảo, các đại biểu đã nghe diễn giả 2 nước trình bày tham luận liên quan đến kinh nghiệm và bài học phát triển nhà ở xã hội Hàn Quốc, quốc tế; một số vấn đề phát triển nhà ở xã hội tại Việt Nam và chia sẻ từ các sở xây dựng địa phương, hiệp hội bất động sản, nhằm trao đổi kinh nghiệm cũng như giúp Việt Nam triển khai hiệu quả Dự án “Xây dựng chính sách tổng thể nhà ở xã hội tại Việt Nam giai đoạn 2021 - 2030”.
Trần Đình Hà