Tại cuộc họp, thay mặt cho nhóm thực hiện đề tài, ThS.KTS Nguyễn Quốc Hoàng cho biết, trường PTDTNT ra đời từ những năm 50 của thế kỷ XX, nhằm tạo nguồn đào tạo cán bộ và nguồn nhân lực có trình độ cho vùng dân tộc, miền núi. Trường PTDTNT là loại trường chuyên biệt mang tính chất phổ thông dân tộc và nội trú, học sinh học tập, ăn ở tại trường trong suốt quá trình học tập. Tuy nhiên hiện nay, cơ sở vật chất của nhiều trường PTDTNT còn kém, phòng học và phòng ở xuống cấp, nơi ăn ở của học sinh nội trú còn thiếu thốn, chưa đảm bảo các điều kiện tối thiểu; nhiều khu bán trú không có hoặc thiếu nhà vệ sinh, nhà tắm, nguồn nước hợp vệ sinh; số lượng các hạng mục công trình như nhà ở nội trú, nhà ở giáo viên, sân chơi thể thao, bể nước sạch chưa đảm bảo theo yêu cầu. Vì vậy, việc nghiên cứu thực hiện thiết kế điển hình “Trường PTDTNT thuộc các tỉnh vùng núi phía Bắc” nhằm đảm bảo đầy đủ các điều kiện thực hiện giáo dục đặc thù, phù hợp với điều kiện kinh tế - xã hội, văn hóa của các địa phương miền núi phía Bắc là cần thiết trong giai đoạn hiện nay.
Nội dung thiết kế điển hình được trình bày trong báo cáo bao gồm các phần sau: 1. Cơ cấu khối công trình, trong đó: Khối học và phụ trợ: bao gồm các phòng học, phòng học bộ môn, các phòng phục vụ học tập và khu hành chính hiệu bộ; Khu sân bãi thể thao; Khối xưởng dạy nghề hướng nghiệp: Sân – vườn thực hành; Khối ở: bao gồm nhà ở nội trú của học sinh và nhà công vụ cho giáo viên. 2. Quy mô thiết kế: căn cứ kết quả khảo sát các trường PTDTNT tại các tỉnh miền núi phía Bắc và kết quả thực hiện Đề án Củng cố và phát triển hệ thống trường PTDTNT giai đoạn 2011-2015 theo Quyết định số 1640/QĐ-TTg ngày 21/9/2011 của Thủ tướng Chính phủ, Nhiệm vụ đề xuất trường PTDTNT gồm các quy mô nhỏ, vừa, lớn cho trường PTDTNT cấp tỉnh (bậc THPT) và 2 quy mô vừa và lớn cho trường PTDTNT cấp huyện (bậc THCS). Đối với trường ghép cả hai bậc THCS và THPT thì tùy theo nhu cầu thực tế sẽ đưa ra quy mô phù hợp. Quy mô lớp: không quá 35 học sinh/lớp. 3. Cấp công trình: cấp II, cấp III; Mật độ xây dựng: không quá 45%, diện tích cây xanh không nhỏ hơn 30%, diện tích sân chơi, bãi tập giao thông không nhỏ hơn 25%. 4. Số tầng cao. 5. Thành phần diện tích các hạng mục.
Theo báo cáo, phần nghiên cứu cơ bản của thiết kế điển hình bao gồm các nội dung: Sơ đồ dây chuyền công năng: Phần nghiên cứu cơ bản xuất phát từ sơ đồ dây chuyền công năng của trường PTDTNT, trên cơ sở đó nghiên cứu thêm một số dạng sơ đồ tổ chức mặt bằng phù hợp với điều kiện địa hình vùng núi; Tổ chức không gian các khối chức năng cơ bản, bao gồm: Tổ chức không gian khối phòng học, học bộ môn (mẫu phòng học điển hình; mẫu phòng học bộ môn điển hình; mẫu phòng học nghề hướng nghiệp. Tất cả các phòng học, học bộ môn đều có thể lắp ghép thành một đơn nguyên học hoặc tạo ra các đơn nguyên riêng biệt, phù hợp với yêu cầu thiết kế cho vùng địa hình chia cắt ở miền núi cao). Mẫu khu vệ sinh. Tổ chức không gian khối phục vụ học tập: Mẫu nhà đa năng kết hợp với tập luyện thể thao trong nhà, nhà sinh hoạt giáo dục văn hóa dân tộc; Mẫu thư viện có phòng đọc. Tổ chức không gian khối phụ trợ. Tổ chức không gian khối nhà ở (mẫu phòng ở nội trú của học sinh có dạng khép kín; Mẫu phòng ở nội trú cho giáo viên có dạng khép kín; Mẫu nhà ăn cho học sinh).
Nhóm nghiên cứu đã đề xuất 06 mẫu thiết kế (06 phương án) cho 2 quy mô trường PTDTNT cấp tỉnh và cấp huyện với 03 mẫu thiết kế cho mỗi loại.
Đánh giá kết quả thực hiện dự án, hai chuyên gia phản biện là ThS.KS. Nguyễn Tuấn Anh – Nhóm thiết kế ATEK, Công ty Tư vấn đầu tư và thiết kế xây dựng Việt Nam (CDC) và KTS. Trịnh Quốc Sử - Công ty CP ACG Hoa Kỳ cùng các thành viên Hội đồng cơ bản đồng ý với phương pháp cũng như nội dung và kết quả nghiên cứu của nhóm tác giả. Các mẫu thiết kế điển hình được đề xuất có tính khả thi cao, thuận tiện, linh hoạt cho việc áp dụng vào từng tỉnh khu vực vùng núi phía Bắc theo nhu cầu thực tế và địa danh cụ thể. Các đề xuất về hình thức kiến trúc có thể chấp nhận được. Tuy nhiên, các giải pháp thiết kế kiến trúc cần chỉ dẫn cụ thể và điển hình cho các cấu trúc của một khối nhà (tầng 1, cấu trúc phòng, hàng lang, mái…) để khi áp dụng có thể đối chiếu và sử dụng như những chỉ dẫn về kỹ thuật. Phần nghiên cứu cơ bản, nội dung các tác động của yếu tố tự nhiên, địa hình viết còn sơ sài cần được bổ sung phân tích kỹ hơn. Cần có giải thích hoặc cân nhắc cách xác định tổng diện tích khu đất xây dựng trường học bởi các phương án đề xuất đều có diện tích khu đất dành cho khu học lớn hơn rất nhiều so với tiêu chuẩn diện tích theo quy định hiện hành…
Kết luận cuộc họp, ThS.KTS. Hồ Chí Quang tổng hợp ý kiến của các chuyên gia, đề nghị nhóm nghiên cứu chỉnh sửa, bổ sung và hoàn thiện sản phẩm của Dự án theo góp ý của các thành viên Hội đồng, đặc biệt là của hai ủy viên phản biện, để trình Bộ Xây dựng xem xét, quyết định.
Nhiệm vụ đã được Hội đồng nghiệm thu, kết quả đạt loại Khá.
Ninh Hoàng Hạnh