Thành phố Cao Lãnh đạt tiêu chí đô thị loại II

Thứ tư, 08/01/2020 11:50
Từ viết tắt Xem với cỡ chữ
Ngày 7/1, Thứ trưởng Bộ Xây dựng Bùi Phạm Khánh đã chủ trì hội nghị thẩm định Đề án đề nghị công nhận thành phố Cao Lãnh đạt tiêu chí đô thị loại II, trực thuộc tỉnh Đồng Tháp. Đề án được chấm 86,28 điểm.

Thứ trưởng Bộ Xây dựng Bùi Phạm Khánh chủ trì hội nghị thẩm định Đề án đề nghị công nhận thành phố Cao Lãnh, tỉnh Đồng Tháp đạt tiêu chí đô thị loại I

Năm 2012, Quyết định số 1659/QĐ-TTg ngày 07/11 của Thủ tướng Chính phủ về việc phê duyệt Chương trình phát triển đô thị quốc gia giai đoạn 2012 - 2020 đã xác định thành phố Cao Lãnh là đô thị loại II trực thuộc tỉnh Đồng Tháp; là trung tâm chính trị, hành chính, kinh tế, văn hóa, khoa học kỹ thuật và cũng là đầu mối giao thương của các trục hành lang kinh tế đô thị quốc gia.

Năm 2016, Nghị quyết số 84/2016/NQ-HĐND ngày 08/12 của Hội đồng nhân dân tỉnh Đồng Tháp về phát triển kinh tế - xã hội thành phố Cao Lãnh đến năm 2020, tầm nhìn đến năm 2030 tiếp tục xác định: “Xây dựng thành phố Cao Lãnh xứng tầm là trung tâm hành chính, chính trị, kinh tế, văn hóa của tỉnh, trở thành thành phố xanh, từng bước hiện đại, đạt tiêu chí đô thị loại II vào năm 2020 và đô thị loại I vào năm 2030”.

Trên cơ sở đó, Đảng bộ, chính quyền và nhân dân thành phố Cao Lãnh đã nỗ lực phấn đấu để đạt được những bước tiến mạnh mẽ cả về tăng trưởng kinh tế và cải thiện đời sống của người dân.

Kinh tế phát triển mạnh mẽ, thu nhập hơn 80 triệu đồng/người/năm

Thành phố Cao Lãnh có vị trí địa lý quan trọng đối với an ninh quốc phòng và thuận lợi để phát triển kinh tế - xã hội; là trung tâm Tỉnh lỵ của tỉnh Đồng Tháp và cũng là một trong ba đô thị lớn nhất của tỉnh, cùng với thành phố Sa Đéc và thị xã Hồng Ngự.

Thành phố Cao Lãnh có diện tích tự nhiên là 10.726,6ha, bao gồm 3.013,7ha diện tích nội thị (28,1%), cách thành phố Hồ Chí Minh 154km và thành phố Cần Thơ 80km. Dân số toàn đô thị năm 2018 là 211.912 người, bao gồm 58,6% dân nội thị. Mật độ dân số có sự chênh lệch lớn giữa hai khu vực nội thị và ngoại thị.

Tống số lao động tham gia các ngành kinh tế toàn đô thị năm 2018 đạt 91.899 người, bao gồm 79,1% lao động phi nông nghiệp.

Thành phố Cao Lãnh đã có mức tăng trưởng kinh tế khá trong 3 năm gần nhất, trung bình 10,06%. Cơ cấu kinh tế chuyển dịch theo hướng tích cực, khu vực công nghiệp - xây dựng chiếm 52,65%; thương mại - dịch vụ chiếm 42,88% và nông - lâm - thuỷ sản là 4,47%.

Kinh tế phát triển giúp cân đối thu chi ngân sách của thành phố luôn đạt và vượt chỉ tiêu. Năm 2018, tổng thu đạt 1.411,2 tỷ đồng, tăng gần 700 triệu đồng so với năm 2016. Trong khi đó, tổng chi ngân sách năm ngoái là 1.171,1 tỷ đồng.

Kinh tế tăng trưởng mạnh giúp thu nhập bình quân đầu người được cải thiện rõ rệt, đạt 83,43 triệu đồng/người/năm, bằng 1,43 lần so với cả nước trong năm 2018. Ở chiều ngược lại, tỷ lộ hộ nghèo đã giảm xuống chỉ còn 2,4%.

Công tác đầu tư xây dựng phát triển đô thị cũng có những bước tiến mạnh mẽ. Trong giai đoạn 2015 – 2018, tổng cộng 433 dự án hạ tầng kỹ thuật và hạ tầng xã hội được triển khai, tổng vốn đầu tư khoảng 3.486,3 tỷ đồng. Tổng diện tích sàn nhà ở năm 2018 đạt khoảng 93,4 triệu m2, trong đó có hơn 80% là nhà kiên cố và bán kiên cố. Tỷ lệ đất dân dụng đạt 91,81m2/người.

Thông qua việc rà soát, phân tích, đánh giá hiện trạng của thành phố Cao Lãnh và đối chiếu với Nghị quyết số 1210/2016/UBTVQH13 ngày 25/05/2016 của Ủy ban thường vụ Quốc hội về việc phân loại đô thị, UBND tỉnh Đồng Tháp đã chấm Đề án đạt 85,93 điểm.

Tuy nhiên, Đề án vẫn còn 5 tiêu chuẩn chưa đạt là đất xây dựng các công trình dịch vụ công cộng đô thị, mật độ đường giao thông, đất cây xanh toàn đô thị, đất cây xanh công cộng khu vực nội thành và quy chế quản lý quy hoạch kiến trúc đô thị.

Cao Lãnh phấn đấu được công nhận là đô thị loại I vào năm 2030

Sau khi xem xét Đề án, các thành viên hội đồng thẩm định nhất trí công nhận thành phố Cao Lãnh đạt tiêu chí đô thị loại II, trực thuộc tỉnh Đồng Tháp. Tất cả các ý kiến đều đánh giá Đề án đã được thực hiện theo đúng trình tự, thủ tục được quy định, nêu rõ lý do, sự cần thiết, căn cứ pháp lý, hiện trạng phát triển của đô thị và các kế hoạch đầu tư cho tương lai.

Tuy nhiên, hội đồng thẩm định cũng đóng góp một số ý kiến để Ủy ban nhân dân thành phố Cao Lãnh và Ủy ban nhân dân tỉnh Đồng Tháp hoàn thiện những điểm chưa đạt của Đề án.
 


Phó Chủ tịch tỉnh Đồng Tháp Nguyễn Thanh Hùng tiếp thu ý kiến đóng góp của các thành viên hội đồng thẩm định.

Văn phòng Quốc hội lưu ý địa phương rà soát lại vài số liệu trong Đề án chưa thống nhất, cách dùng từ chưa hợp lý và vấn đề liên kết của khu vực nội thị. Văn phòng Chính phủ kiến nghị thành phố Cao Lãnh quan tâm chỉnh trang đô thị dọc các tuyến sông, các tuyến đường chính trong đô thị và tăng thêm diện tích cây xanh.

Vụ chính quyền địa phương, Bộ Nội vụ kiến nghị địa phương tiếp tục đầu tư xây dựng hạ tầng kỹ thuật và hạ tầng xã hội, xây dựng kế hoạch cụ thể nhằm thu hẹp khoảng cách giữa nội thị và ngoại thị, khắc phục các tiêu chí chưa đạt, đồng thời quan tâm xây dựng phát triển nguồn nhân lực quản lý đô thị loại II.

Bộ Tài nguyên và Môi trường lưu ý vấn đề biến đổi khí hậu với minh chứng là tình trạng sạt lở bờ sông nghiêm trọng trong vài năm qua. Bộ Công Thương đề nghị lãnh đạo thành phố Cao Lãnh và Ủy ban nhân dân tỉnh Đồng Tháp đánh giá kỹ quá trình phát triển đô thị từ loại III lên loại II trong 15 năm qua để rút kinh nghiệm và hướng đến việc lên đô thị loại I; xem xét lại 2 tiêu chí cấp điện và hạ tầng thương mại.

Bộ Kế hoạch và Đầu tư yêu cầu bổ sung các dự án tạo thêm động lực cho thành phố, làm rõ việc huy động các nguồn lực phát triển, xây dựng phương án cải thiện tình trạng xử lý chất thải, nước thải và xem xét lại chỉ số đất cây xanh đô thị. Bộ Tài chính kiến nghị địa phương tăng cường thu hút đầu tư để duy trì việc thu ngân sách tăng đều qua các năm. Bên cạnh đó, địa phương cần phải xây dựng kế hoạch phát triển bền vững và chống biến đổi khí hậu trong tương lai.

Cục Quản lý nhà ở và thị trường bất động sản, Bộ Xây dựng cho rằng: Số hộ nhà ở kiên cố và bán kiên cố hơi thấp, các chỉ tiêu về diện tích nhà ở đô thị trong Chương trình phát triển đô thị đến năm 2030, tầm nhìn 2050 cần được rà soát lại.
 


Chủ tịch UBND thành phố Cao Lãnh Võ Phan Thành Minh chia sẻ tại hội nghị thẩm định.

Vụ Kiến trúc quy hoạch, Bộ Xây dựng yêu cầu phân tích rõ hơn các chương trình phát triển nội thị, các dự án chiến lược về giao thông, nhà ở... để phát huy lợi thế tiềm năng về vị trí, đất đai và chống biến đổi khí hậu. Cục Phát triển đô thị, Bộ Xây dựng quan tâm đến việc xây dựng Ban quản lý phát triển các khu vực đô thị.

Tổng hội Xây dựng Việt Nam đánh giá việc sử dụng đất xây dựng dân dụng và đất xây dựng đô thị đang mất cân bằng. Hội Quy hoạch phát triển đô thị Việt Nam nhận định kiến trúc, cảnh quan của thành phố chưa có điểm nhấn đặc trưng; đề nghị phân tích rõ hiện trạng chuyển dịch cơ cấu kinh tế và xem xét lại Chương trình phát triển đô thị đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2050.

Thay mặt chính quyền địa phương, Phó Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh Đồng Tháp Nguyễn Thanh Hùng cam kết thành phố Cao Lãnh sẽ tiếp thu các ý kiến đóng góp của hội đồng thẩm định để hoàn thiện các tiêu chí còn thiếu và khắc phục các vấn đề còn tồn tại để thành phố Cao Lãnh được công nhận là đô thị loại II trước năm 2020, hướng đến việc lên đô thị loại I vào năm 2030.
 


Toàn cảnh hội nghị.

Kết luận hội nghị, Thứ trưởng Bộ Xây dựng Bùi Phạm Khánh đề nghị Ủy ban nhân dân thành phố Cao Lãnh nhanh chóng chỉnh sửa Đề án theo các ý kiến đóng góp, trọng tâm là bổ sung quy hoạch trước năm 2004 để so sánh với thực trạng hiện tại, triển khai các quy hoạch chi tiết, quy hoạch phân khu, xây dựng Ban quản lý phát triển đô thị, quan tâm đến việc khắc phục tình trạng sạt lở bờ sông...

Thứ trưởng cũng yêu cầu Cục Phát triển đô thị sớm hoàn thiện Tờ trình để gửi Thủ tướng Chính phủ phê duyệt.


Theo báo Xây dựng

Tìm theo ngày :

Đánh giá

(Di chuột vào ngôi sao để chọn điểm)