Bộ Xây dựng tổng kết 6 năm thực hiện Luật Thanh tra năm 2010

Thứ sáu, 21/07/2017 16:58
Từ viết tắt Xem với cỡ chữ
Ngày 21/7/2017, Bộ Xây dựng tổ chức Hội nghị Tổng kết 6 năm thực hiện Luật Thanh tra năm 2010. Dự Hội nghị có Thứ trưởng Lê Quang Hùng, Phó Tổng Thanh tra Chính phủ Nguyễn Đức Hạnh, Chánh Thanh tra Bộ Xây dựng Nguyễn Ngọc Tuấn, lãnh đạo Thanh tra các Bộ và các Sở Xây dựng địa phương trên toàn quốc. 

Thứ trưởng Lê Quang Hùng phát biểu tại Hội nghị

Theo Báo cáo của Hội nghị, Sau khi Luật Thanh tra năm 2010 được ban hành, lãnh đạo Bộ Xây dựng đã chỉ đạo các đơn vị thuộc Bộ tổ chức quán triệt nội dung của Luật đến toàn thể cán bộ, đảng viên, công chức, viên chức. Trong quá trình thực hiện Luật Thanh tra năm 2010, Bộ Xây dựng đã rà soát, tham mưu, trình Chính phủ ban hành Nghị định số 26/2013/NĐ-CP ngày 29/4/2013 về Tổ chức, hoạt động của Thanh tra ngành Xây dựng và Thông tư liên tịch số 06/2014/TTLT-BXD-BNV ngày 14/5/2014 của Bộ Xây dựng và Bộ Nội vụ hướng dẫn về chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và cơ cấu tổ chức của Thanh tra Sở Xây dựng nhằm tăng cường, kiện toàn công tác thanh tra, đảm bảo sự thống nhất, xuyên suốt trong hoạt động quản lý nhà nước theo đúng tinh thần Luật Thanh tra năm 2010.

Thực hiện Luật Thanh tra năm 2010, 6 năm qua, toàn ngành Xây dựng đã triển khai 2.611 cuộc thanh tra, kiểm tra, qua đó phát hiện vi phạm và kiến nghị xử lý về kinh tế số tiền 16.818 tỷ đồng. Trong đó: Bộ Xây dựng giao Thanh tra Bộ tiến hành 416 cuộc thanh tra, ban hành 398 kết luận thanh tra, kiến nghị xử lý 11.018 tỷ đồng, đồng thời đánh giá các nguyên nhân, đưa ra kiến nghị khắc phục, sửa đổi các tồn tại trong cơ chế, chính sách, hệ thống các tiêu chuẩn, quy chuẩn, hệ thống định mức kinh tế xây dựng không còn phù hợp với điều kiện thực tế.

Phó Tổng Thanh tra Chính phủ Nguyễn Đức Hạnh phát biểu tại Hội nghị


Hoạt động công khai kết luận thanh tra được Bộ Xây dựng thực hiện nghiêm túc theo quy định tại Điều 39, Luật Thanh tra năm 2010 và Điều 46, Nghị định số 86/2011/NĐ-CP ngày 22/9/2011 của Chính phủ. Hình thức công khai được áp dụng chủ yếu là công bố toàn văn kết luận thanh tra tại cuộc họp đối với đối tượng thanh tra và đưa lên Cổng Thông tin điện tử Bộ Xây dựng, đảm bảo nguyên tắc công khai minh bạch trong hoạt động hành chính.

Sau 6 năm, Thanh tra Bộ Xây dựng đã ban hành hơn 300 văn bản đôn đốc các đơn vị là đối tượng tranh tra thực hiện kết luận thanh tra, đồng thời trực tiếp kiểm tra việc thực hiện kết luận thanh tra tại 45 đơn vị, đôn đốc thực hiện nộp về tài khoản tạm giữ của Thanh tra Bộ số tiền 128,5/155,4 tỷ đồng, đạt 82%. Ngoài việc giám sát, kiểm tra và xử lý sau thanh tra, Thanh tra Bộ còn tiến hành kiểm tra các kết luận thanh tra do các Sở Xây dựng địa phương báo cáo, nhằm đảm bảo các kết luận thanh tra thực hiện đúng các quy định của pháp luật và có hiệu lực thi hành.

Bên cạnh những thuận lợi mang lại, qua 6 năm thực hiện, Luật Thanh tra năm 2010 cũng bộc lộ không ít tồn tại, hạn chế cần khắc phục, đặc biệt là thiếu các chế tài xử lý hành vi vi phạm pháp luật về thanh tra, nhận thức của một số tổ chức, cá nhân còn hạn chế dẫn đến tình trạng chống đối, cản trở hoặc cố tình không thực hiện yêu cầu, kết luận thanh tra, gây ảnh hưởng tới hiệu quả công tác thanh tra.



Thừa ủy quyền của Chủ tịch nước, Thứ trưởng Lê Quang Hùng trao Huân chương Lao động hạng Nhì
của Chủ tịch nước cho Phó Chánh Thanh tra Bộ Xây dựng Dương Thành Phố


Theo Bộ Xây dựng, để nâng cao hiệu lực, hiệu quả hoạt động thanh tra, cần sửa đổi Luật Thanh tra năm 2010 và các văn bản quy phạm pháp luật hướng dẫn thi hành kèm theo. Trong đó, cần: Quy định rõ về tổ chức, quyền và nghĩa vụ của các cơ quan thanh tra có tính độc lập hơn so với quy định hiện hành; quy định cụ thể hơn nữa về đối tượng thanh tra, nội dung thanh tra trong thanh tra hành chính và thanh tra chuyên ngành để tránh chồng chéo trong hoạt động; bổ sung chế tài và quy định cụ thể trách nhiệm của đối tượng thanh tra khi không chấp hành kiến nghị theo kết luận thanh tra…

Phát biểu tại Hội nghị, Thứ trưởng Bộ Xây dựng Lê Quang Hùng đánh giá Luật Thanh tra năm 2010 có hiệu lực đã tạo hành lang pháp lý quan trọng cho hoạt động thanh tra nói chung, thanh tra trong lĩnh vực xây dựng nói riêng, đồng thời nâng cao trách nhiệm cán bộ trong công tác thanh tra.

Thứ trưởng Lê Quang Hùng chỉ đạo Thanh tra Bộ Xây dựng tập trung rà soát những bất cập trong hệ thống tiêu chuẩn, quy chuẩn cũng như hệ thống định mức kinh tế kỹ thuật, đơn giá xây dựng, qua đó đề xuất Bộ kịp thời sửa đổi, bổ sung và ban hành mới những quy định phù hợp hơn, đáp ứng yêu cầu bức thiết của cuộc sống hiện nay. Bên cạnh đó, Thanh tra Bộ cần chú trọng nâng cao trình độ nghiệp vụ cũng như đạo đức công vụ cho đội ngũ cán bộ, thanh tra viên, giải quyết hiệu quả hơn nữa công tác khiếu nại tố cáo, mở rộng các hình thức xử lý vi phạm hành chính hậu thanh tra.

Thừa ủy quyền của Thủ tướng Chính phủ, Phó Tổng Thanh tra Chính phủ Nguyễn Đức Hạnh
trao Cờ Thi đua của Chính phủ cho Thanh tra Bộ Xây dựng


Tham dự Hội nghị, Phó Tổng Thanh tra Chính phủ Nguyễn Đức Hạnh đánh giá cao sự quan tâm, sát sao của lãnh đạo Bộ Xây dựng đối với công tác thanh tra cũng như những nỗ lực và kết quả Thanh tra Bộ Xây dựng đạt được trong quá trình thực hiện Luật Thanh tra năm 2010. Theo Phó Tổng Thanh tra Chính phủ, Báo cáo của Bộ Xây dựng đã đề cập rõ nét và tương đối đầy đủ những tồn tại, bất cập của công tác thanh tra trong lĩnh vực xây dựng, cả về mô hình, tổ chức, chức năng của thanh tra, đồng thời đưa ra những đề xuất xác đáng nhằm khắc phục những tồn tại, bất cập, sửa đổi, bổ sung Luật Thanh tra năm 2010, đảm bảo phù hợp với yêu cầu thực tiễn hiện nay.

Tại Hội nghị, Phó Chánh Thanh tra Bộ Xây dựng Dương Thành Phố vinh dự đón nhận Huân chương Lao động hạng Nhì của Chủ tịch nước trao tặng, Thanh tra Bộ Xây dựng vinh dự đón nhận Cờ Thi đua của Chính phủ vì có thành tích xuất sắc trong phong trào thi đua năm 2016.

 


Trần Đình Hà 

Tìm theo ngày :

Đánh giá

(Di chuột vào ngôi sao để chọn điểm)