Ngày 20/7/2024, tại Hà Nội, Tạp chí Xây dựng (thuộc Bộ Xây dựng) phối hợp với các đơn vị, tổ chức khoa học chuyên ngành tổ chức trực tuyến hội thảo “Thực trạng và giải pháp cho việc sử dụng vật liệu xây không nung”, với sự tham gia của đông đảo nhà quản lý, chuyên gia, nhà khoa học trong lĩnh vực vật liệu xây dựng; đại diện doanh nghiệp.
TS. Phan Hữu Duy Quốc và các chuyên gia điều phối hội thảo
Tại hội thảo, các chuyên gia nêu thực trạng thị trường vật liệu xây không nung ở Việt Nam hiện nay, đồng thời giới thiệu nhiều ứng dụng khoa học công nghệ trong sản xuất và đề xuất các giải pháp tăng cường hơn nữa việc sử dụng vật liệu xây không nung trong các công trình xây dựng.
Thị trường vật liệu xây không nung trầm lắng
Đánh giá tình hình thị trường vật liệu xây không nung hiện nay, TS. Trần Bá Việt - Phó Chủ tịch Hội Vật liệu xây dựng Việt Nam cho biết, thời gian qua, thị trường bất động sản trầm lắng kéo theo nhu cầu vật liệu xây dựng bao gồm vật liệu xây không nung giảm mạnh. Khó khăn về thị trường ở cả trong và ngoài nước đã tác động tiêu cực tới tình hình hoạt động của các doanh nghiệp sản xuất vật liệu xây dựng trong nước. Sản lượng sản xuất và tiêu thụ các loại sản phẩm vật liệu xây dựng liên tục suy giảm, lĩnh vực vật liệu xây không nung gặp không ít khó khăn, sản phẩm tiêu thụ chậm, tồn kho lớn đã ảnh hưởng đến hoạt động của các doanh nghiệp và tiến độ thực hiện Chương trình phát triển vật liệu xây không nung.
Cần thiết hạn chế sử dụng gạch sét nung, đồng thời tăng cường sử dụng gạch không nung
Bên cạnh đó, một số công trình sử dụng vật liệu xây không nung xuất hiện hiện tượng nứt, thấm làm giảm niềm tin vào vật liệu xây không nung; nhiều người sử dụng vật liệu xây không nung nhưng chưa hiểu rõ bản chất vấn đề, chưa thực hành đúng như hướng dẫn; giá thành gạch không nung còn cao, nhất là gạch bê tông khí chưng áp, vì yêu cầu sử dụng vữa chuyên dụng, lưới gia cường; việc biên soạn giáo trình, hướng dẫn thực hành, tập huấn chưa được thực hiện đồng bộ ở các địa phương. Những điều này tạo ra không ít thách thức trong phát triển và sử dụng vật liệu xây không nung.
Nhiều giải pháp tăng cường sử dụng vật liệu xây không nung
Để tăng cường sử dụng vật liệu xây không nung, theo PGS.TS. Trần Văn Miền - Trường Đại học Bách khoa Thành phố Hồ Chí Minh, việc quan trọng là cần áp dụng các giải pháp khắc phục, hạn chế hiện tượng rạn, nứt trên khối xây sử dụng gạch không nung. Để làm điều này, công trình xây dựng cần sử dụng gạch xi măng cốt liệu đáp ứng yêu cầu kỹ thuật của TCVN 6477:2016, ngoài ra gạch không nung cần phải đáp ứng thêm các chỉ tiêu cụ thể về: cường độ chịu nén, hệ số mềm; độ thấm nước; độ co, nở tương đối; cần lựa chọn gạch không nung có tuổi từ 45 ngày trở lên để thi công khối xây hoặc dùng phương pháp dưỡng hộ nhiệt ẩm để đẩy nhanh quá trình hydrat hóa của xi măng từ đó ổn định độ co khô của gạch khi đưa vào thi công khối xây.
Theo đại diện Sở Xây dựng Hà Nội, để tăng cường sử dụng vật liệu xây không nung trong các công trình xây dựng, nhà nước cần tiếp tục hoàn chỉnh, ban hành hệ thống quy chuẩn, tiêu chuẩn, quy trình kỹ thuật thi công, các định mức, đơn giá liên quan đến việc sản xuất và sử dụng các chủng loại vật liệu xây không nung để có cơ sở áp dụng đồng bộ, phù hợp với thực tế, xác định rõ các loại công trình, hạng mục công trình không sử dụng được vật liệu xây không nung, tạo điều kiện thuận lợi cho các đơn vị thiết kế, chủ đầu tư và nhà thầu trong việc đưa các loại sản phẩm này vào công trình.
Hội thảo thu hút nhiều cơ quan, đơn vị, sở Xây dựng địa phương tham gia theo hình thức trực tuyến
Các nhà khoa học, đơn vị nghiên cứu cần tập trung nghiên cứu các chỉ tiêu cơ, lý hóa của thành phần vật liệu chủ yếu là đá mạt, tro bay, phế thải xây dựng, các loại phụ gia tạo bọt... để sản xuất gạch không nung và mức độ ảnh hưởng đối với sức khỏe con người sinh sống trong công trình sử dụng loại vật liệu này; đánh giá, so sánh cụ thể việc tiết kiệm tài nguyên, giảm thiểu khí CO2, khi sử dụng vật liệu xây không nung vì đa số các chủng loại vật liệu xây không nung vẫn sử dụng tài nguyên không tái tạo (đá), sử dụng nhiên liệu hóa thạch (xi măng, vôi); đánh giá cụ thể sự phù hợp của các loại vật liệu xây không nung với điều kiện khí hậu tại Việt Nam, đặc biệt là khí hậu nóng ẩm, mưa nhiều, độ ẩm cao tại các khu vực miền Bắc; đánh giá cụ thể nguồn nguyên liệu chủ yếu phục vụ sản xuất vật liệu xây không nung để phát triển bền vững loại sản phẩm này khi thực hiện lộ trình thay thế gạch nung các loại; đánh giá việc thực hiện các chính sách phát triển vật liệu xây không nung; nghiên cứu chính sách khuyến khích việc chế tạo máy móc thiết bị và chuyển giao công nghệ sản xuất vật liệu xây không nung trong nước, giảm nhập khẩu từ Trung Quốc.