Thứ trưởng Nguyễn Tường Văn chủ trì cuộc họp.
Hoàn thiện cơ sở pháp lý về quản lý, phát triển cây xanh và công viên đô thị
Mở đầu cuộc họp, Cục trưởng Cục Hạ tầng kỹ thuật Tạ Quang Vinh cho biết, dự thảo Nghị định bao gồm 5 chương, 64 điều. Chương I là phạm vi điều chỉnh, đối tượng áp dụng và những quy định chung liên quan đến hoạt động quản lý cây xanh và công viên đô thị.
Chương II là quy định về tổ chức, quản lý duy trì cây xanh đô thị và quy định về quản lý, sử dụng, khai thác tài sản hạ tầng cây xanh đô thị do Nhà nước quản lý.
Chương III là quy định về tổ chức, vận hành công viên đô thị và quy định về quản lý, sử dụng, khai thác tài sản công viên đô thị do Nhà nước quản lý.
Chương IV là quy định về Đề án phát triển cây xanh, công viên đô thị và các phương thức huy động nguồn lực phát triển cây xanh, công viên đô thị. Chương V là các điều khoản thi hành.
Cục trưởng Tạ Quang Vinh báo cáo tóm tắt nội dung của dự thảo Nghị định.
Mục đích của việc xây dựng Nghị định mới thay thế Nghị định cũ (Nghị định số 64/2010/NĐ-CP ngày 11/06/2010 của Chính phủ về quản lý cây xanh đô thị) là thể chế hóa chủ trương, đường lối của Đảng và chính sách pháp luật của Nhà nước về cây xanh, công viên công cộng đô thị.
Nghị định mới sẽ góp phần hoàn thiện cơ sở pháp lý điều chỉnh các hoạt động liên quan đến quản lý, phát triển cây xanh và công viên công cộng đô thị, bảo đảm phân định rõ quyền, nghĩa vụ, trách nhiệm của các chủ thể có liên quan.
Ngoài ra, Nghị định cũng được kỳ vọng sẽ nâng cao khả năng huy động các nguồn lực tham gia vào đầu tư phát triển cây xanh, công viên công cộng đô thị nhằm tăng diện tích không gian xanh công cộng đô thị, từ đó nâng cao chất lượng môi trường đô thị và chất lượng cuộc sống của nhân dân.
Cần nghiên cứu kỹ quy định về xác định giá trị cây xanh và cấp giấy phép chặt hạ
Trong cuộc họp lần này, Bộ Xây dựng đã xin ý kiến của thành viên Ban soạn thảo, Tổ biên tập dự thảo Nghị định về một số vấn đề quan trọng.
Trước hết, Cục Hạ tầng kỹ thuật đề xuất đổi tên gọi Nghị định là Nghị định về quản lý cây xanh, công viên đô thị để tránh nhầm lẫn về phạm vi của Nghị định (chỉ quy định đối với cây xanh công cộng đô thị; không bao gồm các loại cây xanh sử dụng hạn chế, cây xanh chuyên dụng như đã quy định tại Nghị định số 64/2010/NĐ-CP).
Cuộc họp kết nối trực tuyến từ Bộ Xây dựng đến các Sở Xây dựng địa phương.
Về phạm vi điều chỉnh và đối tượng áp dụng của Nghị định, hiện nay một số tài sản kết cấu hạ tầng như giao thông, cấp nước sạch... đã được Bộ Tài chính chủ trì, tham mưu trình Chính phủ ban hành Nghị định để quản lý.
Đối với tài sản hạ tầng cây xanh, công viên đô thị, Cục Hạ tầng kỹ thuật đề nghị thành viên Ban soạn thảo, Tổ biên tập cho biết quan điểm nên tách thành một Nghị định riêng do Bộ Tài chính chủ trì hay lồng ghép như trong dự thảo Nghị định về quản lý cây xanh, công viên đô thị do Bộ Xây dựng soạn thảo, tham mưu.
Đối với một số nội dung cụ thể của Nghị định, Bộ Xây dựng đã xin ý kiến về 8 nội dung, bao gồm: Quỹ đất tối thiểu dành cho vườn ươm cây; Xác định giá trị cây xanh; Cấp giấy phép chặt hạ, dịch chuyển cây xanh đô thị; Thời hạn hợp đồng thực hiện dịch vụ về quản lý cây xanh đô thị; Quy hoạch hệ thống công viên đô thị; Cơ cấu sử dụng đất trong công viên đô thị; Thời hạn hợp đồng thực hiện dịch vụ về quản lý công viên đô thị; Phương thức huy động nguồn lực phát triển cây xanh, công viên; Khai thác phần đất công viên đô thị có mục đích kinh doanh.
Đóng góp ý kiến cho dự thảo Nghị định, các Sở Xây dựng Thành phố Hà Nội, Thành phố Hồ Chí Minh, Đà Nẵng và Hải Phòng thống nhất với tên gọi của Nghị định là Nghị định về quản lý cây xanh, công viên đô thị.
Hiện nay, các địa phương đã cố gắng bố trí quỹ đất để tạo các vườn ươm, nhưng vẫn còn gặp khó khăn về cơ chế chính sách. Vì vậy, Sở Xây dựng Thành phố Hồ Chí Minh có đề xuất giao nội dung này cho các đơn vị tham gia đấu thầu công tác duy tu, bảo dưỡng.
Đại diện Sở Xây dựng Hà Nội phát biểu tại cuộc họp.
Các địa phương cũng gặp khó khăn trong việc xác định giá trị cây xanh, kiến nghị Ban soạn thảo và Tổ biên tập Nghị định nghiên cứu kỹ hơn để đưa ra các tiêu chí cụ thể nhằm xác định chính xác giá trị của từng loại cây xanh. Hiện nay, Thành phố Hồ Chí Minh chỉ đang xác định giá trị cây xanh dựa trên chi phí trồng cây, chăm sóc, bảo dưỡng và giá trị kinh tế khi bán lấy gỗ.
Đối với nội dung cấp giấy phép chặt hạ, dịch chuyển cây xanh đô thị, các Sở Xây dựng cho rằng thời hạn cấp phép là 15 ngày sẽ gây ra nhiều bất cập, các dự án giao thông lớn sẽ khó triển khai đúng tiến độ. Vì vậy, các đơn vị thống nhất kiến nghị tăng thời hạn cấp phép và phải có quy định cụ thể đối với các trường hợp được cấp phép hoặc không được cấp phép chặt hạ cây xanh.
Về thời hạn hợp đồng thực hiện dịch vụ về quản lý công viên đô thị, Thành phố Hồ Chí Minh và Đà Nẵng kiến nghị quy định thời hạn tối thiểu là 3 năm nhằm đảm bảo lợi ích của Nhà nước và doanh nghiệp.
Đối với nội dung quy hoạch hệ thống công viên đô thị, các Sở Xây dựng kiến nghị phải có quy định cụ thể đối với công viên công cộng và công viên chuyên đề. Về cơ cấu sử dụng đất trong công viên đô thị, các đơn vị đề nghị tăng tỷ lệ diện tích phần đất công viên có mục đích kinh doanh nhằm đảm bảo thu hút nguồn lực đầu tư phát triển công viên đô thị.
Ngoài các nội dung xin ý kiến của Bộ Xây dựng, các Sở Xây dựng cũng đề xuất một số nội dung khác vào Nghị định, bao gồm: Bổ sung quy định phân cấp quản lý công viên đô thị; Bổ sung quy định về cây di sản, cây cần bảo tồn; Bổ sung quy hoạch cây xanh, quy hoạch công viên công cộng và công viên chuyên đề; Bổ sung trường hợp được miễn cấp giấy phép chặt hạ, dịch chuyển cây xanh đô thị…
Xem xét kỹ thời gian trình Nghị định
Đóng góp ý kiến cho dự thảo Nghị định, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn kiến nghị xem xét bổ sung quy định về quản lý một số loài thực vật quý hiếm, nguy cấp tại đô thị và quy định về rừng trong đô thị.
Bộ Kế hoạch và Đầu tư lưu ý việc xem xét các quy định về nhà đầu tư phát triển cây xanh đô thị, bổ sung các điều khoản phòng ngừa rủi ro về cây xanh…
Bộ Tài chính cho rằng, cây xanh và công viên là 2 đối tượng độc lập, cần phải xem xét kỹ để tránh bị chồng lấn khi đưa vào quy hoạch đô thị.
Đại diện Bộ Tài nguyên và Môi trường đánh giá Nghị định về quản lý cây xanh, công viên đô thị có mục đích quan trọng là tạo ra giá trị về môi trường, cảnh quan và đa dạng sinh học.
Bộ Tài nguyên và Môi trường kiến nghị rà soát cơ sở pháp lý, Nghị định cần dẫn chiếu các Luật có liên quan như Luật Đất đai, Luật Đa dạng sinh học…
Đơn vị cho rằng phải bổ sung thêm một mục đích của Nghị định là tạo ra giá trị về môi trường, cảnh quan và đa dạng sinh học. Nghị định cần làm rõ phạm vi điều chỉnh và đối tượng áp dụng, đồng thời rà soát, chỉnh sửa các thuật ngữ cho đúng. Hơn nữa, Nghị định cũng phải nêu rõ nguồn gốc của cây xanh, cây nào là cây bản địa, cây nào là cây ngoại lai nhằm đánh giá tính phù hợp với môi trường ở Việt Nam.
Hiệp hội Công viên cây xanh kiến nghị bổ sung định nghĩa về cây xanh, cây xanh đô thị và cây di sản; Bổ sung đối tượng sân chơi về bản chất là một vườn hoa trong khu dân cư.
Bộ Tư pháp đã góp ý về quy trình ban hành Nghị định, trong đó nhấn mạnh vướng mắc khi Nghị định dự kiến trình Thủ tướng Chính phủ từ tháng 11/2024, nhưng Luật Quy hoạch đô thị và nông thôn dự kiến phải đến tháng 7/2025 mới có hiệu lực. Vì vậy, Bộ Tư pháp cho rằng phải xem xét lại về thời gian trình Nghị định.
Thay mặt Ban soạn thảo và Tổ biên tập dự thảo Nghị định, Cục trưởng Tạ Quang Vinh hoàn toàn nhất trí với các ý kiến góp ý và sẽ nghiêm túc tiếp thu để hoàn thiện sớm hoàn thiện dự thảo Nghị định.
Nghị định cần có quy định cụ thể về quy hoạch công viên công cộng và công viên chuyên đề.
Kết luận cuộc họp, Thứ trưởng Nguyễn Tường Văn đề nghị Ban soạn thảo và Tổ biên tập rà soát, nghiên cứu kỹ các nội dung về xác định giá trị cây xanh, cấp giấy phép chặt hạ, di chuyển cây xanh… Thứ trưởng cũng lưu ý khái niệm cây xanh đô thị khác với rừng trong đô thị.
Thứ trưởng yêu cầu Ban soạn thảo và Tổ biên tập phải có sự phối hợp tốt hơn với các Bộ, ngành và địa phương để thảo luận sâu về các nội dung của dự thảo Nghị định. Đặc biệt, các đơn vị thuộc Bộ Xây dựng phải tham gia sâu hơn nữa, trong đó có các lĩnh vực về quy hoạch và phát triển đô thị, đấu thầu, quản lý hợp đồng, định mức, đơn giá…