Xây dựng luật phát triển đô thị trên tinh thần đổi mới, bảo đảm tránh chồng chéo

Thứ tư, 28/02/2018 15:48
Từ viết tắt Xem với cỡ chữ
Ngày 27/2, Bộ trưởng Bộ Xây dựng Phạm Hồng Hàvà Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư (KH&ĐT) Nguyễn Chí Dũng đã có cuộc làm việc, trao đổi, đóng góp cho dự thảo luật Quản lý phát triển đô thị (PTĐT). Cùng tham dự có 2 Thứ trưởng Bộ Xây dựng : Phan Thị Mỹ Linh, Lê Quang Hùng và lãnh đạo các đơn chức năng của hai Bộ 

Ảnh minh họa

Bộ Xây dựng được giao nhiệm vụ chủ trì phối hợp với các bộ, ngành, địa phương nghiên cứu soạn thảo Dự thảo luật PTĐT. Mặc dù thời gian kể từ khi được giao nhiệm vụ đến khi Bộ Xây dựng chính thức triển khai rất ngắn, nhưng Bộ Xây dựng đã thực hiện nghiên cứu dự án luật theo đúng trình tự và đúng tiến độ. Bộ cũng đã tiếp thu, giải trình đầy đủ các ý kiến đóng góp của các bộ, ngành, địa phương, hiệp hội, chuyên gia lĩnh vực PTĐT... Đến nay đã hoàn thành Dự thảo luật và đã được Bộ Tư pháp thẩm định, trình Thủ tướng Chính phủ.

Dự kiến, dự án luật sẽ được trình Quốc hội khóa XIV xem xét vào kỳ họp đầu tiên trong năm 2018 và trình Quốc hội thông qua vào kỳ họp thứ 2 trong năm 2018.

Trao đổi với Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng, Bộ trưởng Phạm Hồng Hà cho biết: Luật Quản lý PTĐT được xây dựng trên tinh thần đổi mới, đưa ra quy định kiểm soát quá trình quản lý PTĐT hiệu quả, bền vững…

Thứ trưởng Phan Thị Mỹ Linh đã giới thiệu về các nội dung chính của dự thảo luật: Trên cơ sở được giao là cơ quan chủ trì dự thảo Luật, Bộ Xây dựng triển khai công tác đánh giá lại toàn bộ hệ thống xây dựng văn bản pháp luật và khảo sát, tìm hiểu các quy định quản lý nhà nước trong quản lý đô thị của các nước trên thế giới để rút ra những nội dung áp dụng thực tế tại Việt Nam. Bên cạnh đó trên cơ sở đánh giá trên 30 luật, tìm những khoảng trống bất cập trong quá trình phát triển đô thị hiện nay để làm cơ sở xây dựng các chính sách. …

Dự thảo Luật Quản lý PTĐT gồm 7 chương, 69 điều, đã cụ thể 6 nhóm chính sách đã được Quốc hội thông qua. Thứ nhất, PTĐT theo chiến lược, quy hoạch, kế hoạch; Thứ hai, phát triển hạ tầng đô thị đồng bộ; Thứ ba, quản lý đầu tư PTĐT; Thứ tư, PTĐT thích ứng với biến đổi khí hậu (BĐKH), tăng trưởng xanh, thông minh; Thứ năm, đa dạng hóa và sử dụng hiệu quả nguồn lực cho PTĐT; Thứ 6 quản lý nhà nước về PTĐT. 6 chính sách này làm cơ sở cụ thể hóa các quy định trong Luật.

Về quản lý PTĐT theo quy hoạch, dự thảo luật quy định 4 nội dung là quản lý và sử dụng đất đô thị; quản lý hệ thống hạ tầng đô thị; quản lý không gian, cảnh quan đô thị; quản lý hệ thống không gian xanh đô thị. Các quy định này bám sát các yêu cầu của chính sách phát triển hạ tầng đô thị đồng bộ, sử dụng đất đô thị hiệu quả cho đầu tư phát triển đô thị.

Dự thảo luật đồng thời quy định chính sách về quản lý đầu tư PTĐT trên cơ sở kế thừa và có sửa đổi, bổ sung các quy định của Nghị định 11/2013/NĐ-CP của Chính phủ về quản lý đầu tư PTĐT; thể hiện chính sách đa dạng hóa và sử dụng hiệu quả nguồn lực cho PTĐT, với việc quy định bổ sung phương thức và hình thức huy động nguồn lực tài chính. Dự thảo luật cũng quy định quản lý nhà nước và sự tham gia của các tổ chức, cá nhân trong PTĐT…

Thứ trưởng Phan Thị Mỹ Linh đề nghị hai Bộ tiếp tục trao đổi, làm rõ thêm các nội dung trên cơ sở góp ý cho Dự thảo Luật của Bộ KH&ĐT, trong đó có 2 nội dung: Xem xét các quy định về khu vực phát triển đô thị và bảo đảm không bị trùng lặp phát sinh thủ tục hành chính trong đầu tư xây dựng. Tại cuộc họp, 2 Bộ đã tập trung trao đổi về các nội dung này.

Cùng với đánh giá cao Bộ Xây dựng khi chủ động giới thiệu Dự thảo Luật và trao đổi với các bộ, ngành liên quan về các vấn đề chung, Bộ trưởng Bộ KH&ĐT Nguyễn Chí Dũng khẳng định: Hai Bộ đang đi đúng hướng, cùng thống nhất cao trên nguyên tắc tất những gì nhà nước cần quản lý thì đưa vào quy định để quản lý, nhưng theo tinh thần đổi mới, cải cách, minh bạch, dễ thực hiện, không gây phiền hà, ách tắc, để khi được ban hành luật sẽ đi vào cuộc sống ngay.
Hai Bộ trưởng thống nhất cao trong việc thực hiện xây dựng thể chế pháp luật chung theo tinh thần đổi mới, khách quan. Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng nhấn mạnh: Đây là luật rất cần thiết, khi được ban hành sẽ giúp quản lý PTĐT bền vững, văn minh, hiện đại hơn.

Đồng tình với quan điểm của Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng, Bộ trưởng Phạm Hồng Hà cho biết, Bộ Xây dựng sẽ tiếp thu ý kiến của Bộ KH&ĐT. Sau khi hai Bộ đã thống nhất chủ trương chung trong quản lý PTĐT, Bộ Xây dựng sẽ tiếp tục hoàn thiện, bảo đảm tránh chồng chéo với hệ thống pháp luật hiện hành.


PV

Tìm theo ngày :

Đánh giá

(Di chuột vào ngôi sao để chọn điểm)