Báo cáo tóm tắt nội dung đề tài, chủ nhiệm đề tài TS.KTS Nuyễn Thị Bích Thuận cho biết: Hiện nay, biến đổi khí hậu trong lĩnh vực tài nguyên nước thể hiện ở sự suy thoái cả về số lượng và chất lượng nước, làm hạ thấp mực nước ngầm, tăng thoát hơi nước mặt, gây tổn hại hệ thủy sinh. Biến đổi thủy văn của hệ thống hồ gây ảnh hưởng trực tiếp đến cảnh quan và không gian hệ thống hồ. Bên cạnh đó, việc xảy ra ngập úng thường xuyên hay mực nước hồ dâng cao hoặc cạn kiệt bất thường gây ảnh hưởng đến cuộc sống, sức khỏe hàng triệu người dân dô thị. Do đó việc thực hiện đề tài là cần thiết và có ý nghĩa thực tiễn cao.
Mục tiêu của đề tài nhằm khảo sát, đánh giá hiện trạng không gian khu vực xung quanh hồ tại các đô thị trong điều kiện thích ứng với biến đổi khí hậu theo chuỗi thời gian từ 2010 đến nay, tổng kết kinh nghiệm quốc tế về quản lý, bảo vệ không gian hồ đồng thời nghiên cứu các giải pháp kiến trúc, quản lý khu vực xung quanh hồ trong đô thị thích ứng biến đổi khí hậu.
Đối tượng nghiên cứu của đề tài là hệ thống hồ trong các đô thị (diện tích hồ, không gian đệm ven hồ, khu vực đường giao thông phi cơ giới quanh hồ, khu vực công trình xung quanh hồ nếu có) theo quy hoạch chung hoặc quy hoạch phân khu được phê duyệt.
Để thực hiện đề tài, nhóm nghiên cứu đã thu thập, tổng hợp, phân tích tài liệu liên quan đến hệ thống hồ toàn quốc, đồng thời thực hiện phương pháp điều tra hiện trạng, điều tra xã hội học, thống kê, thu thập thông tin từ các cơ quan chức năng có liên quan và tổng hợp ý kiến chuyên gia để phục vụ đề tài nghiên cứu.
Kết thúc quá trình nghiên cứu, đề tài đưa ra các đề xuất, kiến nghị: Lập đề án xây dựng số lượng, danh mục và ranh giới từng hồ hiện trạng bao gồm cả số liệu quan trắc hồ để quản lý, phân cấp quản lý trong toàn khu vực đô thị; lập danh mục đưa vào kế hoạch lập thiết kế đô thị trong các khu vực xung quanh hồ nhằm ứng phó với biến đổi khí hậu; lập quy chế quản lý quy hoạch kiến trúc tổng thể hồ và các khu vực xung quanh để quản lý; đổi mới phân cấp để tránh chồng chéo và giảm bớt thủ tục hành chính trong quản lý hồ; lập quy hoạch, đưa vào kế hoạch để thực hiện mục tiêu tăng diện tích hồ điều hòa trên địa bàn thành phố.
Đánh giá cao tính cần thiết của đề tài, các chuyên gia phản biện và thành viên Hội đồng thống nhất đánh giá nhóm nghiên cứu thuộc Tổng hội Xây dựng Việt Nam đã nghiêm túc, trách nhiệm trong việc thực hiện đề tài. Báo cáo đề tài công phu, thông tin phong phú, chất lượng và có tính thuyết phục cao. Đề tài đưa ra nhiều đề xuất, kiến nghị quan trọng có tính khái quát chung cho các đô thị và có cơ sở thực tiễn.
Các thành viên Hội đồng đề nghị nhóm nghiên cứu cần phân tích kỹ hơn những tác động của đô thị hóa và công tác quản lý đối với các hồ trong đô thị, cũng như cần nếu bật được các giá trị di sản của hệ thống hồ.
Kết luận cuộc họp, Chủ tịch Hội đồng nghiệm thu Trần Thị Lan Anh đánh giá, nhóm nghiên cứu đã thực hiện đầy đủ các nội dung theo Hợp đồng, sản phẩm đề tài đảm bảo chất lượng.
Hội đồng KHCN Bộ Xây dựng đã thông qua kết quả của đề tài với mức đánh giá đạt loại Xuất sắc.
Trần Đình Hà