Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Đức Hải điều hành nội dung phiên họp
Sáng 22/4, tại Nhà Quốc hội, dưới sự chủ trì của Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ, Ủy ban Thường vụ Quốc hội tiếp tục chương trình làm việc Phiên họp thứ 32.
Theo đó, tại phiên họp, Uỷ ban Thường vụ Quốc hội: (1) Cho ý kiến về dự án Luật Quy hoạch đô thị và quy hoạch nông thôn; (2) Xem xét kết quả giám sát của Đoàn giám sát của Quốc hội về “Việc thực hiện Nghị quyết số 43/2022/QH15 ngày 11/01/2022 của Quốc hội về chính sách tài khóa, tiền tệ hỗ trợ Chương trình phục hồi, phát triển kinh tế - xã hội và các nghị quyết của Quốc hội về một số dự án quan trọng quốc gia đến hết năm 2023”.
Sửa đổi, bổ sung, hoàn thiện pháp luật về quy hoạch đô thị và quy hoạch nông thôn
Trình bày tờ trình dự án Luật Quy hoạch đô thị và quy hoạch nông thôn tại Phiên họp, Bộ trưởng Bộ Xây dựng Nguyễn Thanh Nghị nhấn mạnh, Đảng và Nhà nước luôn quan tâm và định hướng lãnh đạo đối với công tác quy hoạch đô thị, quy hoạch xây dựng, quy hoạch nông thôn, xác định đây là nhiệm vụ rất quan trọng trong phát triển đất nước và bảo vệ Tổ quốc.
Nhiều Nghị quyết Đại hội Đảng, Nghị quyết của Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XIII và Nghị quyết số của Bộ Chính trị đã chỉ đạo hoàn thiện chính sách, pháp luật nhằm kết hợp hài hoà phát triển đô thị với xây dựng nông thôn mới, nâng cao chất lượng quy hoạch đáp ứng yêu cầu phát triển bền vững.
Pháp luật về quy hoạch đô thị, quy hoạch xây dựng (quy hoạch nông thôn và khu chức năng) hiện nay được quy định chủ yếu tại Luật Quy hoạch đô thị năm 2009 và Chương II Luật Xây dựng năm 2014 (quy định về quy hoạch nông thôn và các khu chức năng), ngoài ra còn một số Luật khác liên quan, trong đó có Luật Quy hoạch năm 2017.
Qua 14 năm thi hành Luật Quy hoạch đô thị, 09 năm thị hành Luật Xây dựng, cùng với những yêu cầu mới của thực tiễn phát triển đã bộc lộ những hạn chế, bất cập, cần nghiên cứu sửa đổi, bổ sung, hoàn thiện.
Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Đức Hải điều hành nội dung phiên họp.
Kết hợp hài hòa giữa phát triển đô thị với xây dựng nông thôn mới
Về mục đích, quan điểm xây dựng luật, Bộ trưởng Bộ Xây dựng Nguyễn Thanh Nghị cho biết, dự án Luật nhằm tạo cơ sở pháp lý, công cụ quản lý đồng bộ, toàn diện, thống nhất để điều chỉnh hoạt động quy hoạch đô thị và nông thôn, khắc phục được các tồn tại, hạn chế, bất cập và khó khăn, vướng mắc trong thực tiễn, đáp ứng được yêu cầu đối với giai đoạn phát triển mới của đất nước; tăng cường hiệu lực, hiệu quả quản lý nhà nước; đảm bảo hài hòa lợi ích của Nhà nước, nhân dân và xã hội.
Dự án Luật Quy hoạch đô thị và nông thôn được xây dựng trên cơ sở quan điểm thể chế hóa định hướng của Đảng, Nhà nước về hoàn thiện chính sách, pháp luật quy hoạch.
Kết hợp hài hòa giữa phát triển đô thị với xây dựng nông thôn mới; nâng cao chất lượng quy hoạch đáp ứng yêu cầu phát triển bền vững tại các Nghị quyết của Đảng.
Bảo đảm tính hợp hiến, hợp pháp, phù hợp với thực tiễn và yêu cầu phát triển, hội nhập; bảo đảm minh bạch, khả thi, thuận lợi trong tổ chức thực hiện; cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh; nâng cao chất lượng công tác quy hoạch.
Đẩy mạnh phân cấp, phân quyền gắn với phân bổ nguồn lực, đề cao trách nhiệm, kiểm soát, giám sát việc thực hiện, nâng cao hiệu quả công tác quản lý…
Dự án Luật đề xuất kế thừa và hoàn thiện các quy định về quy hoạch đô thị tại Luật Quy hoạch đô thị năm 2009 và quy định về quy hoạch xây dựng (gồm quy hoạch nông thôn, khu chức năng) tại Chương II Luật Xây dựng vào trong 01 Luật với tên gọi là “Luật Quy hoạch đô thị và nông thôn”.
Phạm vi điều chỉnh của Luật đề xuất là: “Luật này quy định về hệ thống quy hoạch đô thị và nông thôn; lập, thẩm định, phê duyệt, rà soát, điều chỉnh, tổ chức quản lý quy hoạch đô thị và nông thôn và quản lý nhà nước về quy hoạch đô thị và nông thôn.”.
Ba chính sách quan trọng trong Luật Quy hoạch đô thị và nông thôn
Hồ sơ đề nghị xây dựng Luật Quy hoạch đô thị và nông thôn đã được Quốc hội thông qua với 03 chính sách gồm:
Một là, hoàn thiện các quy định về hệ thống quy hoạch đô thị và nông thôn;
Hai là, hoàn thiện các quy định về lập, thẩm định, phê duyệt, rà soát, điều chỉnh quy hoạch đô thị và nông thôn;
Ba là, hoàn thiện các quy định về lựa chọn tổ chức tư vấn lập quy hoạch, nguồn kinh phí và các quy định có liên quan khác nhằm nâng cao chất lượng, tính khả thi của quy hoạch đô thị và nông thôn, quyền được tiếp cận, cung cấp thông tin về quy hoạch đô thị và nông thôn.
Dự thảo Luật Quy hoạch đô thị và nông thôn được thiết kế với 05 Chương, 08 Mục, 61 Điều.
Trong đó, Chương I. Quy định chung (gồm 15 Điều, từ Điều 1 đến Điều 15); Chương II. Lập, thẩm định, phê duyệt và điều chỉnh quy hoạch đô thị và nông thôn (gồm 8 Mục, 27 Điều, từ Điều 16 đến Điều 42); Chương III. Tổ chức quản lý quy hoạch đô thị và nông thôn (gồm 09 Điều, từ Điều 43 đến Điều 51); Chương IV. Quản lý nhà nước về quy hoạch đô thị và nông thôn (gồm 07 Điều, từ Điều 52 đến Điều 58); Chương V. Điều khoản thi hành (gồm 03 Điều, từ Điều 59 đến Điều 61) Quy định về: Bãi bỏ, sửa đổi, bổ sung, thay thế những nội dung quy định tại pháp luật có liên quan; Hiệu lực thi hành và Quy định chuyển tiếp.
Sửa đổi, bổ sung 9 nhóm quy định
Trên cơ sở những vấn đề vướng mắc, phát sinh trên thực tiễn đã được tổng kết, đánh giá, Bộ trưởng Nguyễn Thanh Nghị cho biết, dự thảo Luật đề xuất sửa đổi, bổ sung các quy định có liên quan để tháo gỡ khó khăn, vướng mắc cho tổ chức, cá nhân, thúc đẩy hoạt động sản xuất kinh doanh với những điểm mới cơ bản như:
(1) Quy định rõ hệ thống quy hoạch đô thị và nông thôn về loại, cấp độ quy hoạch (Điều 5 dự thảo Luật); tách bạch và làm rõ mối quan hệ với các quy hoạch cấp quốc gia, quy hoạch vùng, quy hoạch tỉnh và các quy hoạch kỹ thuật chuyên ngành, bảo đảm thống nhất, đồng bộ về quy hoạch.
(2) Tăng cường phân cấp, phân quyền trong lập, thẩm định, phê duyệt, điều chỉnh quy hoạch đô thị và nông thôn.
(3) Đơn giản hóa trình tự, thủ tục trong lập, thẩm định, phê duyệt quy hoạch, đáp ứng yêu cầu cải thiện môi trường đầu tư, kinh doanh.
(4) Bổ sung, quy định rõ về nội dung quy hoạch không gian ngầm đối với các đô thị trực thuộc tỉnh và quy định quy hoạch không gian ngầm được lập riêng đối với các thành phố trực thuộc Trung ương và đô thị mới dự kiến thành lập thành phố trực thuộc Trung ương, nhằm khai thác tối đa hiệu quả sử dụng không gian, gắn kết đồng bộ không gian xây dựng trên và dưới mặt đất, mặt nước.
(5) Bổ sung, quy định chặt chẽ hơn về điều kiện, yêu cầu đối với việc điều chỉnh cục bộ quy hoạch.
(7) Bổ sung quy định làm rõ điều kiện năng lực và trách nhiệm của tổ chức tư vấn trong công tác lập và tổ chức thực hiện quy hoạch; sự tham gia của các cơ tổ chức, cộng đồng, Mặt trận Tổ quốc Việt Nam...
(8) Bổ sung quy định về Hợp tác quốc tế và quy định trách nhiệm của Chính phủ theo hướng xác định rõ việc đầu tư, hỗ trợ, khuyến khích đối với hoạt động quy hoạch đô thị và nông thôn.
(9) Bổ sung các quy định cụ thể để tháo gỡ khó khăn, vướng mắc trong chức thực hiện quy hoạch đô thị và nông thôn.
Hợp nhất các quy định về quy hoạch đô thị, quy hoạch nông thôn vào một luật là phù hợp
Trình bày báo cáo thẩm tra, Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế Vũ Hồng Thanh nêu rõ, Thường trực Ủy ban Kinh tế nhất trí sự cần thiết ban hành Luật Quy hoạch đô thị và quy hoạch nông thôn (Luật QHĐT&QHNT) theo mục đích, quan điểm đã nêu tại Tờ trình số 133/TTr-CP của Chính phủ.
Việc sửa đổi, bổ sung các quy định hiện hành về Quy hoạc đô thị và quy hoạch xây dựng phù hợp với nhiệm vụ, giải pháp tại Nghị quyết số 61/2022/QH15 ngày 16/6/2022 của Đoàn giám sát của Quốc hội khóa XV về “tiếp tục tăng cường hiệu lực, hiệu quả thực hiện chính sách, pháp luật về quy hoạch và một số giải pháp tháo gỡ khó khăn, vướng mắc, đẩy nhanh tiến độ lập và nâng cao chất lượng quy hoạch thời kỳ 2021 - 2030”.
Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế cho rằng, việc hợp nhất các quy định về quy hoạch đô thị, quy hoạch nông thôn vào một luật là phù hợp, hướng tới bảo đảm thống nhất về định hướng chung trong kiểm soát, quản lý, phát triển đô thị và nông thôn, phát triển hài hòa và gắn kết giữa không gian đô thị và nông thôn, bổ trợ cho sự phát triển chung của địa phương, vùng và cả nước.
Về định hướng nội dung xây dựng Luật, Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế nêu rõ, cần bảo đảm QHĐT phải có tầm nhìn phù hợp, có tính chiến lược, tôn trọng quy luật thị trường và nguyên tắc phát triển bền vững; lấy con người và chất lượng cuộc sống làm trung tâm, văn hóa và văn minh đô thị làm nền tảng phát triển; kết hợp hài hòa giữa quá trình đô thị hoá, phát triển đô thị với công nghiệp hoá, hiện đại hoá, xây dựng nông thôn mới và cơ cấu lại nền kinh tế, quản lý phát triển xã hội, bảo đảm quốc phòng, an ninh.
Bên cạnh đó, cần gắn kết chặt chẽ với quy hoạch nông thôn; bảo đảm định hướng gắn kết giữa đô thị và nông thôn, phù hợp với thực tiễn có sự đan xen giữa đô thị và nông thôn.
Quy hoạch đô thị và phát triển kết cấu hạ tầng các đô thị phải đi trước một bước và tạo ra nguồn lực chủ yếu cho phát triển đô thị; gắn với mô hình phát triển đô thị, thể hiện được đặc thù của những mô hình đô thị mới.
Theo Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế, cần làm rõ mối quan hệ giữa các loại quy hoạch trong hệ thống quy hoạch đô thị và nông thôn, mối quan hệ của các quy hoạch thuộc hệ thống quy hoạch đô thị và nông thôn với các quy hoạch thuộc hệ thống quy hoạch quốc gia và các quy hoạch kỹ thuật chuyên ngành.
Phân định rõ vị trí, vai trò của các loại quy hoạch, các cấp độ quy hoạch, bảo đảm sự liên kết, khớp nối, tránh chồng chéo, trùng lặp, mâu thuẫn về nội dung giữa các quy hoạch, gây lãng phí nguồn lực, khó khăn cho công tác quản lý, tạo rào cản đối với các hoạt động kinh tế - xã hội của người dân và doanh nghiệp.
Cùng với đó, cần thực hiện phân cấp và phân quyền trong lập, thẩm định, phê duyệt, điều chỉnh, quản lý Quy hoạch đô thị và quy hoạch nông thôn nhằm tăng cường vai trò, tính chủ động, trách nhiệm của chính quyền địa phương phù hợp với năng lực, nguồn lực thực hiện gắn với đề cao trách nhiệm kiểm soát, giám sát, bảo đảm sự lãnh đạo, chỉ đạo, quản lý thống nhất của trung ương.
Cắt giảm thủ tục hành chính trong công tác lập, thẩm định, phê duyệt, điều chỉnh Quy hoạch đô thị và quy hoạch nông thôn, đáp ứng yêu cầu cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh.
Kiên quyết xóa bỏ tư duy nhiệm kỳ, cơ chế “xin - cho”, “lợi ích nhóm” trong xây dựng, điều chỉnh, bổ sung quy hoạch, dẫn đến tình trạng dự án “treo”, chậm triển khai thực hiện trên thực tế.
Về tính hợp hiến, tính hợp pháp, tính thống nhất của dự thảo văn bản với hệ thống pháp luật; tính tương thích với điều ước quốc tế có liên quan mà Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam là thành viên, Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế cho rằng, các nội dung của dự thảo Luật phù hợp với quy định của Hiến pháp năm 2013 và tương thích với các điều ước quốc tế có liên quan mà Việt Nam là thành viên.
Đề nghị rà soát đề xuất sửa đổi Luật Quy hoạch năm 2017, Luật Tổ chức chính quyền địa phương năm 2015; đồng thời, tiếp tục rà soát các luật, nghị quyết khác có liên quan; rà soát kỹ lưỡng, bảo đảm sự thống nhất nội tại của Luật Xây dựng sau khi được sửa đổi.
Về mối quan hệ giữa Luật Quy hoạch đô thị và quy hoạch nông thôn và Luật Quản lý phát triển đô thị, Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế cho biết, tại Báo cáo số 2661/BC-UBKT15 của Ủy ban Kinh tế thẩm tra đề xuất xây dựng dự án Luật Quản lý phát triển đô thị, nhiều ý kiến đồng tình tách bạch các quy định về Quy hoạch đô thị (có tính chất kỹ thuật, quy định về trình tự, thủ tục việc lập, thẩm định, phê duyệt quy hoạch đô thị) với các quy định về quản lý phát triển đô thị (điều chỉnh việc quản lý hệ thống đô thị, phát triển đô thị theo quy hoạch) và sửa đổi ngay các quy định về quy hoạch đô thị, quy hoạch xây dựng.
Dưới góc độ tính đồng bộ, thống nhất của hệ thống pháp luật, đề nghị tiếp tục rà soát 02 dự án Luật đều có quy định về một số nội dung tổ chức thực hiện quy hoạch.
Về hồ sơ dự án Luật, Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế đề nghị: Bổ sung nội dung đánh giá tác động cụ thể đối với những quy định mới tại dự thảo Luật so với quy định hiện hành của pháp luật; Bổ sung nội dung tổng kết thi hành quy định về phân cấp thẩm quyền phê duyệt điều chỉnh cục bộ quy hoạch chung thuộc Thủ tướng Chính phủ cho Ủy ban nhân dân cấp tỉnh đang được thực hiện thí điểm theo 08 Nghị quyết của Quốc hội, trình tự, thủ tục điều chỉnh cục bộ theo 05 Quyết định của Thủ tướng Chính phủ.
Ngoài ra, cần bổ sung nội dung rà soát các văn bản quy phạm pháp luật khác có liên quan đến dự án Luật; Bổ sung dự thảo văn bản quy định chi tiết theo quy định tại điểm e khoản 1 Điều 64 và khoản 2 Điều 11 Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật năm 2015; Bổ sung bảng thuyết minh chi tiết cho các quy định tại dự thảo Luật.