Thường trực Ủy ban Kinh tế thẩm tra sơ bộ dự án Luật Quy hoạch đô thị và quy hoạch nông thôn

Thứ ba, 16/04/2024 15:41
Từ viết tắt Xem với cỡ chữ

Chiều 15/4 tại Nhà Quốc hội, Thường trực Ủy ban Kinh tế của Quốc hội tổ chức phiên họp mở rộng thẩm tra sơ bộ dự án Luật Quy hoạch đô thị và quy hoạch nông thôn. Ủy viên BCH Trung ương Đảng, Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế Vũ Hồng Thanh chủ trì phiên họp.

Cùng dự phiên họp có Phó Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế Nguyễn Ngọc Bảo, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế Nguyễn Đình Việt, Phó Chủ tịch Hội đồng Dân tộc Nguyễn Lâm Thành; cùng đại diện Thường trực Ủy ban Kinh tế, Thường trực Hội đồng Dân tộc, các Ủy ban của Quốc hội.

Về phía cơ quan chủ trì soạn thảo Luật có Thứ trưởng Bộ Xây dựng Nguyễn Tường Văn; đại diện các Bộ, ngành có liên quan; lãnh đạo một số địa phương và chuyên gia, nhà khoa học.

Thường trực Ủy ban Kinh tế của Quốc hội tổ chức phiên họp mở rộng thẩm tra sơ bộ dự án Luật Quy hoạch đô thị và quy hoạch nông thôn.

Phát biểu khai mạc phiên họp, Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế Vũ Hồng Thanh cho biết, thực hiện sự phân công của Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Thường trực Ủy ban Kinh tế tổ chức thẩm tra sơ bộ dự án Luật Quy hoạch đô thị và quy hoạch nông thôn để trình Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho ý kiến tại phiên họp thứ 32 (tháng 4/2024) và trình Quốc hội xem xét, cho ý kiến tại kỳ họp thứ 7 Quốc hội khóa XV (tháng 5/2024).

Ngày 09/4/2024, Chính phủ đã có Tờ trình số 133/TTr-CP về dự án Luật trình Quốc hội, UBTVQH. Ngày 11/4/2024, Thường trực Ủy ban Kinh tế đã phối hợp với Bộ Xây dựng tổ chức Tọa đàm tham vấn ý kiến đại diện các Sở, ngành, các tổ chức nghiên cứu, tư vấn, các chuyên gia trong lĩnh vực quy hoạch đô thị, quy hoạch xây dựng khu vực phía Nam về nội dung của dự án Luật tại TP. Hồ Chí Minh.

Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế Vũ Hồng Thanh phát biểu khai mạc phiên họp.

Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế  Vũ Hồng Thanh nhấn mạnh, văn kiện Đại hội Đảng qua các thời kỳ và trực tiếp nhất là Nghị quyết số 06/NQ-TW của Bộ Chính trị về “quy hoạch, xây dựng, quản lý và phát triển bền vững đô thị Việt Nam đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045” và Nghị quyết số 19-NQ/TW của Hội nghị lần thứ 5, Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XIII về “nông nghiệp, nông dân, nông thôn đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045” đã xác định rõ đường lối, chủ trương, sự cần thiết của công tác hoàn thiện thể chế, chính sách tạo thuận lợi cho quá trình đô thị hoá, công tác quy hoạch, xây dựng, quản lý và phát triển đô thị bền vững. Theo đó, “phát triển đô thị phù hợp với quá trình phát triển kinh tế, theo quy hoạch dài hạn, không khép kín theo ranh giới hành chính và xử lý đúng mối quan hệ giữa đô thị hoá và hiện đại hoá nông thôn; đổi mới và nâng cao chất lượng quy hoạch đô thị, tăng tính kết nối giữa các đô thị trong nước và khu vực, gắn kết phát triển đô thị và nông thôn; quy hoạch đô thị phải có tầm nhìn dài hạn, đồng bộ và hiện đại, lấy con người và chất lượng cuộc sống làm trung tâm, văn hóa và văn minh đô thị làm nền tảng phát triển, kết hợp hài hoà giữa quá trình đô thị hoá, phát triển đô thị với công nghiệp hoá, hiện đại hoá, xây dựng nông thôn mới và cơ cấu lại nền kinh tế, quản lý phát triển xã hội, bảo đảm quốc phòng, an ninh; xây dựng nông thôn theo hướng hiện đại gắn với đô thị hóa, quy hoạch, kiến trúc khu dân cư, công trình, nhà ở phù hợp với truyền thống văn hoá, cảnh quan, môi trường, điều kiện thực tế từng địa phương và thích ứng với biến đổi khí hậu. Mục tiêu là tỷ lệ đô thị hoá đến năm 2025 đạt tối thiểu 45%, đến năm 2030 đạt trên 50%, kinh tế khu vực đô thị đóng góp vào GDP cả nước khoảng 75% vào năm 2025 và khoảng 85% vào năm 2030.

Về văn bản luật, sau 15 năm thi hành Luật Quy hoạch đô thị năm 2009, 10 năm thi hành Luật Xây dựng năm 2014 về quy hoạch đô thị, quy hoạch nông thôn và sau khi Luật Quy hoạch năm 2017 ban hành cho thấy, bên cạnh những kết quả đạt được, quy định tại các luật về quy hoạch đô thị, quy hoạch nông thôn còn có những bất cập, hạn chế về hệ thống quy hoạch đô thị và nông thôn, quy định về lập, thẩm định, phê duyệt, rà soát, điều chỉnh quy hoạch đô thị và quy hoạch nông thôn, quy định về lựa chọn tổ chức tư vấn lập quy hoạch, nguồn kinh phí...

Đại diện Thường trực Hội đồng Dân tộc, các Ủy ban của Quốc hội dự phiên họp.

Tại kỳ họp thứ 3, Quốc hội khóa XV cũng đã thực hiện giám sát tối cao về việc thực hiện chính sách, pháp luật về công tác quy hoạch kể từ khi Luật Quy hoạch có hiệu lực thi hành, trong đó, có nhiều nội dung về hạn chế, vướng mắc liên quan đến các quy định pháp luật về quy hoạch đô thị, quy hoạch xây dựng. Trên cơ sở đó, Đoàn giám sát của Quốc hội đã đề xuất xem xét hợp nhất nội dung về quy hoạch xây dựng của Luật Xây dựng với Luật Quy hoạch đô thị để thống nhất, đồng bộ trình tự, cấp độ, tính chất quy hoạch và nguồn kinh phí lập quy hoạch, bảo đảm hiệu quả trong công tác quản lý, đồng thời, có giải pháp đồng bộ để khắc phục những hạn chế, vướng mắc đã nêu.

Trên cơ sở đó, Chính phủ đã trình dự thảo Luật Quy hoạch đô thị và quy hoạch nông thôn trên cơ sở kế thừa các quy định hợp lý của Luật Quy hoạch đô thị về quy hoạch đô thị, của Luật Xây dựng về quy hoạch xây dựng, luật hóa một số quy định tại các văn bản dưới luật, sửa đổi, bổ sung các quy định không còn phù hợp; tạo cơ sở pháp lý đồng bộ, thống nhất cho công tác quy hoạch đô thị và quy hoạch nông thôn theo hướng: nâng cao chất lượng công tác lập, thẩm định, phê duyệt, điều chỉnh và tổ chức thực hiện quy hoạch đô thị và nông thôn; đẩy mạnh phân cấp, phân quyền gắn với kiểm soát, giám sát việc thực hiện, bảo đảm quản lý thống nhất từ Trung ương tới địa phương; bảo đảm minh bạch, khả thi, thuận lợi trong tổ chức thực hiện.

Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế Vũ Hồng Thanh chủ trì phiên họp.

Tại phiên họp, thừa Ủy quyền của Chính phủ và Bộ trưởng, Thứ trưởng Bộ Xây dựng Nguyễn Tường Văn báo cáo về Tờ trình dự án Luật Quy hoạch đô thị và quy hoạch nông thôn; các đại biểu đã cho ý kiến về sự cần thiết xây dựng và ban hành dự án Luật.

Nguồn: Quochoi.vn

Tìm theo ngày :

Đánh giá

(Di chuột vào ngôi sao để chọn điểm)