Tham dự Hội thảo có đại diện lãnh đạo các Cục, Vụ chức năng của Bộ Xây dựng; Bộ Khoa học Công nghệ; các Hội, Hiệp hội chuyên ngành; các trường Đại học; các doanh nghiệp tư vấn thiết kế, sản xuất vật liệu xây dựng; các chuyên gia trong nước và quốc tế.
Phát biểu khai mạc Hội thảo, TS. Lê Trung Thành cho biết, ngành vật liệu xây dựng (VLXD) có vai trò quan trọng trong việc tạo động lực phát triển kinh tế xã hội của mỗi quốc gia. Tại Việt Nam, ngành VLXD đã và đang được phát triển cả về chủng loại, số lượng và chất lượng nhằm đáp ứng ngày càng cao nhu cầu phát triển đô thị, xây dựng hạ tầng, nhà ở của đất nước. Những năm gần đây, phát triển VLXD đã có sự chuyển dịch khá rõ rệt về mục tiêu, thay vì chỉ đóng vai trò về phát triển kinh tế, tạo công ăn việc làm cho người lao động, sản xuất VLXD ngày càng tiệm cận với quan điểm phát triển bền vững của Liên Hợp quốc về hài hòa cả 3 yếu tố là kinh tế, xã hội và môi trường, đó là tăng cường nghiên cứu sản xuất vật liệu không sử dụng hoặc sử dụng ít nguyên liệu trực tiếp từ tài nguyên thiên nhiên, đồng thời nâng cao hàm lượng nguyên liệu tái chế từ phế thải các ngành công nghiệp.
Chính phủ Việt Nam đã có định hướng phát triển bền vững ngành Xây dựng, trong đó có lĩnh vực VLXD, với mục tiêu: Phát triển ngành Xây dựng đạt trình độ tiên tiến ngang tầm với các nước trong khu vực và thế giới. Tiếp cận và làm chủ các công nghệ hiện đại, nâng cao năng lực công nghiệp xây lắp, đáp ứng yêu cầu xây dựng trong nước và có khả năng cạnh tranh quốc tế. Phát triển mạnh mẽ công nghiệp VLXD, nhất là vật liệu mới, vật liệu chất lượng cao, vật liệu tiết kiệm tài nguyên khoáng sản, tiết kiệm năng lượng, thân thiện với môi trường.
TS Lê Trung Thành cho biết, cùng với xu hướng tiết kiệm năng lượng và thân thiện với môi trường mà nhiều quốc gia đang theo đuổi thì mô hình ngôi nhà Passive House (Tòa nhà thụ động) và kỹ thuật xây dựng nên tòa nhà này đang được quan tâm và phát triển mạnh tại Hàn Quốc và một số nước khác nhờ khả năng tự thích ứng với khí hậu của căn nhà: Tự đảm bảo, duy trì mức độ nhiệt độ dễ chịu trong phòng mà không cần dùng đến thiết bị điều hòa nhiệt độ, hoặc có thể tiết kiệm khoảng 80% năng lượng sử dụng các thiết bị này ở các mức nhiệt độ khác nhau.
Đại diện Viện KICT – Ông Dong Woo Cho trình bày tham luận tại Hội thảo
Phát biểu tại Hội thảo, ông Dong Woo Cho – Viện Công nghệ Xây dựng Hàn Quốc nhận xét: Việt Nam là quốc gia có khí hậu nhiệt đới gió mùa, do đó ngôi nhà chịu tác động lớn và phức tạp của thời tiết. Một trong những kết quả của sự tác động đó là: Tỷ lệ năng lượng tiêu tốn để làm mát chiếm nhiều nhất, lên đến 21% tổng năng lượng tiêu thụ của cả tòa nhà.
Theo ông Dong Woo Cho, kỹ thuật xây dựng tòa nhà Passive House được cho là giải pháp tối ưu cho tòa nhà sinh thái, thích ứng với khí hậu Việt Nam. Kỹ thuật này là sự kết hợp nhiều công nghệ trong các quá trình từ chế tạo vật liệu đến thiết kế và thi công trong khi luôn đảm bảo thân thiện với môi trường. Quá trình thiết kế, xây dựng tòa nhà này chú ý đặc biệt đến hệ thống cửa sổ cách nhiệt, tường cách nhiệt và thiết kế hệ thống điều khiển luồng không khí ra, vào ngôi nhà, phù hợp với từng mùa và sử dụng vật liệu cách nhiệt sáng màu cho phần mái tòa nhà nhằm giảm hấp hụ nhiệt từ bức xạ mặt trời.
Toàn cảnh Hội thảo
Với mục đích mang đến những tiến bộ trong lĩnh vực xây dựng đến Việt Nam, ngoài việc giới thiệu kỹ thuật xây dựng Passive House, Hội thảo còn đề cập nhiều nội dung về quá trình nghiên cứu thực tế về vật liệu, thiết kế và thi công phù hợp với khí hậu Việt Nam và thảo luận cơ hội hợp tác nghiên cứu, ứng dụng các VLXD và giải pháp mới nhằm phát triển bền vững ngành Xây dựng 2 nước Việt Nam, Hàn Quốc.
Trần Đình Hà