Tham dự cuộc họp có các thành viên của Hội đồng thẩm định đến từ các Bộ, ngành liên quan, các Hội, Hiệp hội chuyên ngành; về phía tỉnh Hải Dương có sự tham dự của Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh Hải Dương Nguyễn Anh Cương; lãnh đạo các Sở ngành và UBND huyện Kinh Môn. Chủ tịch Hội đồng thẩm định, Cục trưởng Cục Phát triển đô thị (Bộ Xây dựng) Nguyễn Tường Văn chủ trì buổi họp.
Báo cáo về Đề án đề nghị công nhận thị trấn Kinh Môn đạt tiêu chí đô thị loại IV, Bà Nguyễn Thị Liễu, Chủ tịch UBND huyện Kinh Môn cho biết: đô thị Kinh Môn nằm ở phía Đông của tỉnh Hải Dương, cách Hà Nội khoảng 80km, có diện tích tự nhiên trên 16.000ha, gồm 22 xã và 03 thị trấn, dân số 201.841 người. Đô thị Kinh Môn nằm trong vùng trọng điểm kinh tế phía Bắc, trong tam giác phát triển Hà Nội - Hải Phòng - Quảng Ninh nên có điều kiện giao lưu, phát triển kinh tế. Kinh Môn có một đặc điểm nổi bật so với các địa phương khác trong tỉnh, đó là có mật độ di tích lịch sử đậm đặc, nhiều công trình di tích lịch sử cấp quốc gia, là điều kiện thuận lợi để Kinh Môn phát triển du lịch và thương mại.
Bên cạnh là một trung tâm công nghiệp với các nhà máy xi măng (tổng công suất trên 10 triệu tấn/năm), nhà máy thép, may, da giày, Kinh Môn còn phát triển mạnh nông nghiệp, với nhiều sản phẩm nông nghiệp đặc sản có sản lượng lớn như hành, tỏi, gạo nếp. Những điều kiện thuận lợi về vị trí địa lý, khoáng sản, tài nguyên tự nhiên, tài nguyên du lịch và nhân văn, đô thị Kinh Môn có nhiều tiềm năng để phát triển và trở thành một thị xã, đóng vai trò hạt nhân thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội của vùng Đông Bắc tỉnh Hải Dương.
Kể từ khi Thị trấn Kinh Môn mở rộng được Bộ Xây dựng ra quyết định công nhận là đô thị loại IV vào năm 2014, được sự quan tâm, chỉ đạo và đầu tư của tỉnh Hải Dương, sự nỗ lực của đảng bộ, chính quyền và nhân dân huyện Kinh Môn, huyện Kinh Môn đã có sự phát triển mạnh mẽ: huyện đã được Chính phủ công nhận đạt tiêu chuẩn huyện nông thôn mới, bộ mặt đô thị không ngừng đổi mới và phát triển, cơ sở hạ tầng kỹ thuật và hạ tầng xã hội được tích cực đầu tư, đời sống nhân dân được cải thiện. Trong 03 năm gần đây, tốc độ tăng trưởng kinh tế của Kinh Môn luôn đạt 12,76%, thu nhập bình quân đầu người năm 2017 đạt 46,5 triệu đồng/người, cân đối dư. Đến nay đô thị Kinh Môn đã cơ bản đạt được các tiêu chí của đô thị loại IV theo Nghị quyết số 1210/2016/UBTVQH13.
Đánh giá về Đề án đề nghị công nhận đô thị Kinh Môn đạt tiêu chí đô thị loại IV, các chuyên gia phản biện và thành viên Hội đồng đều đánh giá Đề án được xây dựng nghiêm túc, công phu, nội dung phong phú và theo đúng quy định của pháp luật về cơ sở pháp lý và trình tự, thủ tục. Qua việc khảo sát thực tiễn, các thành viên Hội đồng cũng cơ bản đồng tình với đánh giá của Đề án về việc đô thị Kinh Môn đã đạt được hầu hết các tiêu chí của đô thị loại IV, tuy nhiên có một số tiêu chuẩn về hạ tầng kỹ thuật còn cần được triển khai các giải pháp khắc phục trong thời gian tới.
Phát biểu kết luận cuộc họp, Chủ tịch Hội đồng thẩm định, Cục trưởng Nguyễn Tường Văn tổng kết các ý kiến nhận xét, đóng góp của Hội đồng thẩm định, đồng thời đánh giá cao sự quan tâm chỉ đạo của lãnh đạo tỉnh Hải Dương trong việc đầu tư phát triển đô thị Kinh Môn những năm qua, cũng như trong việc xây dựng Đề án này.
Theo ông Nguyễn Tường Văn, Hội đồng thẩm định đã nhất trí thông qua Đề án để đề nghị Bộ trưởng Bộ Xây dựng xem xét quyết định công nhận đô thị Kinh Môn đạt các tiêu chí đô thị loại IV, tuy nhiên, để khắc phục một số chỉ tiêu còn yếu hoặc thiếu và chuẩn bị cho Kinh Môn trở thành thị xã, tỉnh Hải Dương và huyện Kinh Môn cần tập trung đầu tư cho hạ tầng: hạ tầng khung kết nối các khu vực hành chính; các chỉ tiêu khác như cấp nước, thoát nước, xử lý nước thải, chiếu sáng đô thị, cây xanh, kiến trúc cảnh quan và không gian công cộng đô thị…
Minh Tuấn