Ngày 25/9/2023, Bộ Xây dựng tổ chức hội nghị thẩm định Đồ án quy hoạch chung đô thị mới Cam Lâm, tỉnh Khánh Hòa đến năm 2045, với sự tham dự của đại diện Văn phòng Chính phủ, các Bộ, hội, hiệp hội chuyên ngành, đại diện UBND tỉnh Khánh Hòa. Thứ trưởng Nguyễn Tường Văn - Chủ tịch Hội đồng chủ trì hội nghị.
Thứ trưởng Nguyễn Tường Văn phát biểu tại hội nghị
Báo cáo tóm tắt Đồ án tại hội nghị, đại diện đơn vị tư vấn cho biết, khu vực nghiên cứu lập quy hoạch chung đô thị mới Cam Lâm đến năm 2045 bao gồm toàn bộ địa giới hành chính huyện Cam Lâm, với tổng diện tích tự nhiên khoảng 56.021,9ha, gồm 14 đơn vị hành chính, ranh giới như sau: phía Bắc giáp huyện Diên Khánh và thành phố Nha Trang; phía Nam giáp thành phố Cam Ranh; phía Đông giáp biển Đông, huyện đảo Trường Sa; phía Tây giáp huyện Khánh Sơn, Khánh Vĩnh.
Đô thị mới Cam Lâm được quy hoạch với tính chất là đô thị sân bay tầm quốc tế, phát triển theo mô hình đô thị thông minh, sáng tạo mang tầm quốc gia và tương tác tiệm cận quốc tế; trung tâm đổi mới sáng tạo dựa trên nền tảng kinh tế trí thức, khoa học công nghệ và hợp tác phát triển tầm khu vực; là trung tâm du lịch nghỉ dưỡng, vui chơi giải trí cấp quốc gia, hạt nhân phát triển du lịch của khu vực và thế giới; là đô thị phát triển bền vững tiền đề phát triển công nghệ xanh, sinh thái, thân thiện với môi trường, thích ứng với biến đổi khí hậu. Đồ án dự báo, đến năm 2030 dân số đô thị Cam Lâm đạt khoảng 320.000 người; đến năm 2045 đạt khoảng 770.000 người.
Đô thị mới Cam Lâm được định hướng phát triển theo 4 khu vực, cụ thể: Khu vực 1 - khu vực đồng bằng trung tâm, 2 bên đầm Thủy Triều, định hướng hình thành và phát triển các dịch vụ thương mại du lịch, đô thị cao cấp, công nghệ, đổi mới sáng tạo và trí tuệ toàn cầu, kết nối đa dạng kết hợp giữa không gian ở mật độ thấp và các không gian đô thị nén, chức năng hỗn hợp.
Khu vực 2 - khu vực phía Bắc (gồm phần phía Bắc của các xã Cam Tân, Cam Hòa và phần phía Đông của các xã Suối Tân, Suối Cát). Tại đây, bên cạnh việc đã hình thành khu công nghiệp Suối Dầu, các cụm công nghiệp Trảng É, sẽ phát triển khu đô thị dịch vụ công nghiệp, trung tâm công nghiệp logistic, dịch vụ du lịch.
Khu vực 3: khu vực núi đồi phía Tây (gồm các xã Sơn Tân, Cam Phước Tây và phần phía Tây của các xã Suối Cát, Suối Tân, Cam Tân, Cam Hiệp Bắc, Cam Hiệp Nam, Cam An Bắc và Cam An Nam), với thổ nhưỡng và khí hậu rất thích hợp cho việc phát triển lâm nghiệp, cây công nghiệp và chăn nuôi đại gia súc và du lịch sinh thái nghỉ mát, thể thao leo núi.
Khu vực 4: khu vực Bãi Dài, là khu vực đồng bằng phía Đông, được bao bọc bởi bờ biển
và đầm Thuỷ Triều chiếm một phần lớn diện tích ven biển của huyện Cam Lâm, chứa đựng nhiều giá trị quan trọng về vị trí; có tầm nhìn đẹp về biển và Vịnh; có bờ cát dài thích hợp cho các hoạt động du lịch. Trục đường Nguyễn Tất Thành là trục đường quan trọng chạy dọc Bãi Dài và kết nối Nha Trang với sân bay Cam Ranh.
Bên cạnh định hướng phát triển không gian, thiết kế đô thị, Đồ án cũng đưa ra những định hướng về quy hoạch hạ tầng kỹ thuật, quy hoạch sử dụng đất, giải pháp bảo vệ môi trường, thích ứng với biến đổi khí hậu; các chương trình, dự án ưu tiên đầu tư, nguồn lực và tổ chức thực hiện.
Tại hội nghị, các thành viên Hội đồng đã đóng góp nhiều ý kiến giúp đơn vị tư vấn hoàn thiện Báo cáo thuyết minh Đồ án. Trong đó, cần tập trung rà soát, cập nhật văn bản pháp lý liên quan; rà soát, đảm bảo chính xác, thống nhất về số liệu; làm rõ khu vực nội thị, ngoại thị của đô thị mới Cam Lâm; xem xét các giải pháp kết nối khu vực phía Đông với phía Tây của đô thị mới Cam Lâm và kết nối đô thị với cao tốc Bắc - Nam, sân bay; chú trọng các giải pháp ổn định mực nước ở các đầm; cần bổ sung nguồn dữ liệu làm cơ sở dự báo dân số; bổ sung cơ sở văn hóa ở khu dân cư; chú trọng bảo vệ rừng; quan tâm đến giao thông nội đô thị và giao thông kết nối vùng; phối hợp chặt chẽ với các đơn vị quốc phòng, an ninh đóng trên địa bàn.
Kết luận hội nghị, Thứ trưởng Nguyễn Tường Văn đánh giá Đồ án đã xác định được vai trò, vị trí của Cam Lâm trong mối quan hệ tổng thể vùng. Để nâng cao tính khả thi của Đồ án, Thứ trưởng Nguyễn Tường Văn đề nghị đơn vị tư vấn và UBND huyện Cam Lâm tiếp thu đầy đủ ý kiến đóng góp của các thành viên Hội đồng; chú trọng đánh giá hiện trạng huyện Cam Lâm và việc thực hiện các quy hoạch đã được duyệt; rà soát các thông tin, số liệu đảm bảo chính xác, thống nhất; làm rõ mối quan hệ của đô thị mới Cam Lâm với đô thị Cam Ranh và đô thị Nha Trang; xác định rõ chức năng các phân khu; chú trọng bảo vệ môi trường, cảnh quan thiên nhiên; đảm bảo an ninh quốc phòng.
Thứ trưởng Nguyễn Tường Văn đề nghị UBND huyện Cam Lâm và đơn vị tư vấn sớm hoàn thiện hồ sơ Đồ án, để UBND tỉnh Khánh Hòa trình Thủ tướng Chính phủ xem xét theo quy định.