Sáng 21/9, Bộ Xây dựng tổ chức cuộc họp tiếp thu ý kiến, giải trình nhiều vấn đề liên quan đến Hồ sơ đề nghị xây dựng Luật Cấp, thoát nước. Thứ trưởng Bộ Xây dựng Nguyễn Tường Văn chủ trì cuộc họp; tham dự còn có đại diện Văn phòng Chính phủ, các Bộ: Tài nguyên và Môi trường, Tư pháp, Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Giao thông vận tải, Công an, Kế hoạch và Đầu tư…
Thứ trưởng Bộ Xây dựng Nguyễn Tường Văn chủ trì cuộc họp.
Thời gian qua, Bộ Xây dựng đã thực hiện các công việc cần thiết để xây dựng hồ sơ đề nghị xây dựng Luật Cấp, thoát nước, bao gồm tổ chức các cuộc Hội thảo trên cả nước, tổng hợp, tham vấn rộng rãi ý kiến góp ý của các bên liên quan, qua đó nhận được nhiều ý kiến đóng góp thẳng thắn, thiết thực.
Phát biểu tại cuộc họp, Cục trưởng Cục Hạ tầng kỹ thuật Tạ Quang Vinh thông tin: Bộ Xây dựng đã tổng hợp tình hình triển khai thực hiện, khó khăn, vướng mắc trong lĩnh vực cấp nước, thoát nước (thoát nước mưa, thoát nước thải và xử lý nước thải) và tham vấn chính sách và nội dung cần quy định trong Luật Cấp, thoát nước từ báo cáo của Ủy ban nhân dân/Sở Xây dựng của 60/63 tỉnh thành phố theo đề nghị tại Văn bản số 992/BXD-HTKT ngày 17/3/2023 của Bộ Xây dựng gửi UBND các tỉnh thành phố trực thuộc Trung ương về việc rà soát, tổng hợp báo cáo những khó khăn, vướng mắc và đề xuất kiến nghị trong quản lý và phát triển cấp, thoát nước.
Cục trưởng Cục Hạ tầng kỹ thuật (Bộ Xây dựng) Tạ Quang Vinh phát biểu giải trình nhiều ý kiến đóng góp.
Đồng thời, tổng hợp gần 200 ý kiến góp ý trực tiếp và 170 phiếu tham vấn (đề xuất chính sách trong Dự thảo Hồ sơ đề nghị xây dựng Luật Cấp, thoát nước) của đại biểu từ các Bộ, ngành, UBND tỉnh, Sở Xây dựng, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn địa phương, Trung tâm Quốc gia Nước sạch và Vệ sinh môi trường Nông thôn, các hội, chuyên gia, nhà khoa học, các đơn vị quản lý vận hành hệ thống cấp nước, thoát nước và xử lý nước thải, tổ chức quốc tế… tại 04 hội thảo tại 3 miền Bắc, Trung, Nam cho Tài liệu tổng kết việc thi hành pháp luật về cấp nước, thoát nước và xử lý nước thải; Đề xuất các chính sách trong đề nghị xây dựng Luật Cấp, thoát nước; Đề cương dự thảo Luật Cấp, thoát nước.
Đại diện Văn phòng Chính phủ chia sẻ những khó khăn khi xây dựng Luật với Bộ Xây dựng.
Trên cơ sở tổng hợp, tiếp thu các ý kiến, Bộ Xây dựng đã hoàn thiện Hồ sơ đề nghị xây dựng Luật Cấp, thoát nước gồm: Tờ trình Đề nghị xây dựng Luật Cấp, thoát nước; Báo cáo đánh giá tác động của chính sách; Báo cáo tổng kết việc thi hành pháp luật; Đề cương dự thảo Luật Cấp, thoát nước.
Hồ sơ đề nghị xây dựng Luật Cấp, thoát nước đã được đăng tải trên Cổng thông tin điện tử Bộ Xây dựng (từ ngày 31/7/2023 đến ngày 29/8/2023) và trên Cổng thông tin điện tử của Chính phủ (từ ngày 08/8/2023).
Đại diện Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đóng góp ý kiến.
Tính đến ngày 13/9/2023, Bộ Xây dựng đã nhận được 25 văn bản góp ý kiến cho Hồ sơ đề nghị xây dựng Luật gồm: 10 văn bản góp ý kiến của Bộ, cơ quan Trung ương, trong đó có 04/04 Bộ phải lấy ý kiến theo quy định là Bộ Tài chính (dự thảo văn bản góp ý), Bộ Nội vụ, Bộ Ngoại giao, Bộ Tư pháp; và 06 Bộ, cơ quan Trung ương khác là Bộ Tài nguyên và Môi trường, Bộ Kế hoạch và Đầu tư (dự thảo văn bản góp ý), Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Bộ Công an, Bộ Giao thông vận tải, Liên đoàn Thương mại và Công nghiệp Việt Nam; 06 văn bản góp ý kiến của các tổ chức quốc tế, tổ chức xã hội nghề nghiệp trong nước, công ty tư vấn trong nước: gồm 04 tổ chức quốc tế và 02 tổ chức xã hội nghề nghiệp trong nước và công ty tư vấn; 09 văn bản góp ý kiến của đơn vị quản lý vận hành hệ thống cấp, thoát nước: Trong đó có 05 đơn vị quản lý vận hành hệ thống cấp nước và 04 công ty quản lý vận hành hệ thống thoát nước và xử lý nước thải.
Đại diện Bộ Kế hoạch và Đầu tư phát biểu ý kiến đóng góp.
Qua các ý kiến nhận được, cơ bản đều đồng ý với các chính sách, nội dung, đề xuất của Cục Hạ tầng kỹ thuật. Tuy nhiên, cũng có một số điểm cần làm rõ, chi tiết thêm, 1 số điểm cần thiết phải đưa thêm vào Luật để có cơ sở pháp lý thực thi sau này. Tại cuộc họp, ông Tạ Quang Vinh đã giải thích nhiều vấn đề còn chưa rõ, còn có ý kiến băn khoăn từ các Bộ, ngành liên quan.
Cũng tại cuộc họp, đại diện các Bộ, ngành tham dự đã tích cực đóng góp thêm nhiều ý kiến. Cụ thể như đại diện Bộ Tài nguyên và Môi trường đề nghị quá trình xây dựng Đề cương dự thảo Luật Cấp, thoát nước lưu ý vấn đề nước thải có xả vào nguồn nước lấy cho sinh hoạt hay không, nếu xả vào thì có ảnh hưởng đến nguồn nước sinh hoạt không? Hay như cần quan tâm đến việc quy hoạch phân vùng cấp, thoát nước để đảm bảo quy hoạch tài nguyên nước. Cần có quy định khai thác, sử dụng nguồn nước luân phiên, tính phương án đảm bảo dự phòng nhất là khi xảy ra hạn hán để đảm bảo an ninh nguồn nước hay như quy định về năng lực đơn vị cấp nước cần cụ thể, chi tiết hơn.
Tham gia ý kiến, ông Đỗ Quý Phương - đại diện Bộ Kế hoạch và Đầu tư cho rằng: Luật Đầu tư chưa quy định cụ thể về chủ đầu tư dự án cấp thoát nước, do vậy trong đề cương dự thảo Luật Cấp, thoát nước quy định rõ hơn về chủ đầu tư trong dự án cấp thoát nước hay vấn đề chống thất thoát, thất thu nước sạch cũng cần rà soát và đưa vào dự thảo.
Đại diện Hội Cấp, thoát nước đánh giá rất cao đề cương dự thảo và 4 chính sách trong đề cương, đồng thời vị này cho rằng việc xây dựng Luật Cấp, thoát nước là rất cần thiết và cấp bách, tin rằng nếu Luật được ban hành với các chính sách như thế này thì sẽ góp phần lớn vào việc cải thiện hệ thống hạ tầng ngành Cấp thoát nước, giúp ngành này phát triển rất mạnh.
Chia sẻ với Bộ Xây dựng những khó khăn khi xây dựng Đề cương dự thảo Luật Cấp, thoát nước, đại diện Văn phòng Chính phủ cho rằng, Bộ Xây dựng đề xuất đưa Luật này vào chương trình xây dựng luật, pháp lệnh năm 2024 rất phù hợp. Tuy nhiên, để quá trình xây dựng Luật được diễn ra thuận lợi thì những vấn đề gì còn chưa thống nhất được với các Bộ, ngành liên quan thì Bộ Xây dựng nên làm việc cụ thể với từng đơn vị để thống nhất nội dung, tránh việc cùng lúc làm việc với nhiều Bộ, ngành sẽ dễ bị rối, chồng chéo, khó thực hiện.
Đại diện Bộ Tư pháp phát biểu.
Ngoài ra, đại diện Văn phòng Chính phủ góp ý thêm cần phải làm rõ, chi tiết phạm vi điều chỉnh của Luật để từ đó xây dựng các chính sách cho phù hợp. Ví dụ như điều chỉnh cấp thoát nước là những loại nước gì, cần phải làm rõ hơn…
Phát biểu kết luận, Thứ trưởng Nguyễn Tường Văn cảm ơn sự đóng góp nhiệt tình từ đại diện các Bộ, ngành Trung ương, Bộ Xây dựng tiếp thu tất cả các ý kiến đóng góp và sẽ tiếp tục rà soát, cập nhật các nội dung cần thiết để xây dựng Đề cương dự thảo Luật Cấp, thoát nước đạt hiệu quả, đúng lộ trình.