Hội thảo “Phát triển kiến trúc bền vững - Thích ứng với biến đổi khí hậu”

Thứ sáu, 08/09/2023 16:28
Từ viết tắt Xem với cỡ chữ

Chiều ngày 8/9/2023, trong khuôn khổ Triển lãm Kiến trúc 2023 do Bộ Xây dựng phối hợp với UBND tỉnh Kiên Giang và Hội Kiến trúc sư Việt Nam tổ chức tại thành phố Phú Quốc, tỉnh Kiên Giang đã diễn ra hội thảo chuyên đề “Phát triển kiến trúc bền vững – Thích ứng với biến đổi khí hậu”.


TS.KTS. Hồ Chí Quang phát biểu đề dẫn tại hội thảo

Phát biểu dẫn đề tại hội thảo, Phó Vụ trưởng Vụ Quy hoạch – Kiến trúc (Bộ Xây dựng) - TS.KTS. Hồ Chí Quang nhận định: Phát triển bền vững là một yếu tố không thể thiếu trong lĩnh vực kiến trúc. Kiến trúc phải tạo ra những thiết kế và công trình thân thiện với môi trường, sử dụng các vật liệu tái chế, tiết kiệm năng lượng và phát triển các khu vực xanh, để đảm bảo cuộc sống và tính bền vững của cộng đồng. Những tác phẩm kiến trúc không chỉ đáp ứng nhu cầu ngày càng cao về hạ tầng, môi trường sống và công năng sử dụng, mà còn bảo vệ và cải thiện môi trường xung quanh.

Theo TS. KTS. Hồ Chí Quang, những người sáng tạo trong lĩnh vực kiến trúc có trách nhiệm tìm kiếm và đề xuất những giải pháp sáng tạo, cần chủ động tham gia vào quá trình hội nhập quốc tế và phát triển bền vững, đồng thời đảm bảo tuân thủ nghiêm quy định và tiêu chuẩn xây dựng.

Trong thời đại của sự thay đổi dân số, biến đổi khí hậu và mức độ đô thị hóa chưa từng có, yêu cầu đặt ra cho kiến trúc Việt Nam là phát triển bền vững; bảo tồn, kế thừa, phát huy các giá trị kiến trúc truyền thống; xây dựng nền kiến trúc Việt Nam tiên tiến, hiện đại, đậm đà bản sắc văn hóa dân tộc; tiếp thu chọn lọc tinh hoa kiến trúc thế giới và ứng dụng khoa học, công nghệ cao, công nghệ tiên tiến, công nghệ mới phù hợp với thực tiễn Việt Nam, bảo đảm hiệu quả về kinh tế, kỹ thuật, mỹ thuật, sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả.

Tại hội thảo, đề cập sự thích ứng văn hóa kiến trúc bản địa kết hợp với công nghệ 4.0, TS.KTS. Nguyễn Tất Thắng (Viện Kiến trúc Việt Nam) cho rằng với sự xuất hiện của cách mạng khoa học 4.0, các kiến trúc sư sẽ có những công cụ để tạo ra tương lai. Kết nối thiết kế mô phỏng sinh học và tính toán, cho phép kết nối các tiêu chuẩn hiệu suất cao và tầm nhìn thẩm mỹ độc đáo. Các công cụ chuỗi cung ứng sáng tạo cho phép lựa chọn các vật liệu và nhà cung cấp bền vững nhất. Mọi bộ phận đều có thể được sửa chữa, thay thế và tái sử dụng hiệu quả trong tương lai.

Để kết hợp văn hóa kiến trúc bản địa với công nghệ 4.0, theo TS.KTS. Nguyễn Tất Thắng, cần chú trọng thay đổi hình thức đào tạo và phát triển nguồn nhân lực trong lĩnh vực kiến trúc, thông qua các hình thức đào tạo kiến trúc sư thực hành và kiến trúc sư công nghệ với mô hình CDIO (Conceive - Design - Implement – Operate, tức là Hình thành ý tưởng - Thiết kế - Triển khai thực hiện - Vận hành). Ở đó, các kiến trúc sư tương lai sẽ được đào tạo theo hướng sáng tạo, được kết hợp các ý tưởng sáng tác lồng ghép giữa những yếu tố về văn hóa, bên cạnh sự hỗ trợ của các công nghệ số.


Các chuyên gia cùng chia sẻ các giải pháp trong phát triển kiến trúc bền vững tại hội thảo

Cũng tại hội thảo, các chuyên gia quốc tế đóng góp nhiều bài tham luận quan trọng. Chuyên gia Tổng công ty Đất đai và Nhà ở Hàn Quốc Hwang Sung Kwan chia sẻ quan điểm về việc ứng dụng công nghệ kiến trúc nhằm giải thiểu sử dụng năng lượng cho nhà ở. Đại diện công ty Spatial Dicisions (Ấn Độ) Kapil Chaudhery trình bày về kinh nghiệm ứng dụng công nghệ số thúc đẩy hoàn thiện hệ thống cơ sở dữ liệu kiến trúc quốc gia. Giáo sư Jun In Ho - Chủ tịch Hiệp hội kiến trúc sư sinh thái, trường Đại học Hanyang (Hàn Quốc) chia sẻ kinh nghiệm nghiên cứu quy hoạch tổng thể khu phức hợp cộng đồng thông minh, định hướng chăm sóc sức khỏe cho người cao tuổi. Nhiều chuyên gia, kiến trúc sư Việt Nam đã  chia sẻ các giải pháp về phát triển công trình xanh, xanh hóa nền kinh tế, giảm thiểu năng lượng tiêu thụ, giúp ứng phó với biến đổi khí hậu và các giải pháp ứng dụng công nghệ số để phát triển kiến trúc bền vững.

Kết luận hội thảo, TS.KTS. Trịnh Hồng Việt - Phó Viện trưởng Viện Kiến trúc Quốc gia nhấn mạnh: những thảo luận, trao đổi tại hội thảo đã góp phần làm rõ những thách thức và cơ hội trong phát triển kiến trúc bền vững của Việt Nam. Đó chính là các giải pháp để kết nối quá khứ với hiện tại, hiện tại với tương lai để tạo ra những không gian kiến trúc bền vững.

TS.KTS. Trịnh Hồng Việt đánh giá: các ý kiến tham luận tại hội nghị hôm nay đại diện gần như đầy đủ những mục tiêu mà kiến trúc đương đại Việt Nam đang hướng tới - đó là hướng tới ứng dụng các công nghệ hiện đại nhằm tạo một nền kiến trúc luôn phát huy vai trò và kế thừa các giá trị của văn hóa, tập quán, lối sống hạnh phúc vui vẻ một cách bền vững; bảo vệ môi trường sinh thái, tích cực tạo ra của cải vật chất bằng việc tiết kiệm năng lượng, tiết kiệm tài nguyên giảm phát thải...TS.KTS. Trịnh Hồng Việt tin tưởng, với nhiều ý kiến đóng góp, nhiều bài tham luận có ý nghĩa của các chuyên gia trong nước và quốc tế, hội thảo mang lại những kết quả tích cực và tạo ra những điểm mới, góp phần để kiến trúc Việt Nam tiếp tục phát triển bền vững trong tương lai.

Tìm theo ngày :

Đánh giá

(Di chuột vào ngôi sao để chọn điểm)