Trong phần đầu của Hội nghị, đại diện Bộ Xây dựng, Cục trưởng Cục hạ tầng kỹ thuật –PGS.TS Nguyễn Hồng Tiến đã trình bày Báo cáo tổng quan về ngành nước, vệ sinh môi trường và nhu cầu đầu tư phát triển.
Theo Báo cáo, tính đến tháng 11/2016 cả nước ta có khoảng 800 đô thị, tỷ lệ đô thị hóa toàn quốc đạt khoảng trên 36,6%, khu vực đô thị hàng năm đóng góp khoảng 70-75% GDP.
Trong lĩnh vực cấp nước, cả nước có hơn 500 hệ thống cấp nước đô thị với tổng công suất thiết kế đạt 7,65 triệu m3/ngày đêm. Tỷ lệ dân cư đô thị được cung cấp nước qua hệ thống cấp nước tập trung đạt 83%; 70% hệ thống cấp nước đô thị đảm bảo cấp nước 24/24h, 30% còn lại cấp 8-20h/ngày đêm; tỷ lệ thất thoát nước sạch bình quân 24,5%. Hiện có khoảng 20 đô thị đã lập và phê duyệt quy hoạch chuyên ngành cấp nước, riêng quy hoạch cấp nước TP. Hà Nội, TP. Hồ Chí Minh và 4 vùng kinh tế trọng điểm đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt.
Trong lĩnh vực thoát nước và xử lý nước thải, hiện nay có khoảng 35 nhà máy xử lý nước thải tập trung đang hoạt động, công suất thiết kế 850.000m3/ngày đêm; Tỷ lệ thu gom nước thải đô thị 12-13%, tỷ lệ xử lý bùn thải khoảng 4%. 40 nhà máy xử lý nước thải đang trong giai đoạn xây dựng có tổng công suất 1.600.000m3/ngày đêm; 90% khu công nghiệp đang vận hành hoặc đang xây dựng hệ thống xử lý nước thải; 50% số bệnh viện có hệ thống xử lý nước thải; hầu hết trong số 5000 làng nghề trên cả nước chưa có trạm xử lý nước thải; bùn thải từ hệ thống thoát nước chưa được xử lý hoặc chưa có công nghệ xử lý phù hợp.
Về quản lý chất thải rắn, tổng khối lượng chất thải rắn sinh hoạt đô thị được thu gom hiện nay đạt 38.000 tấn/ngày, tỷ lệ thu gom, vận chuyển và xử lý đạt khoảng 85%, hình thức xử lý chủ yếu là chôn lấp, trong đó 70% là các bãi chôn lấp không hợp vệ sinh. Tính đến năm 2016, cả nước có khoảng 35 cơ sở xử lý với tổng công suất đạt khoảng 7.500 tấn/ngày đã đi vào hoạt động, công suất trung bình của các cơ sở xử lý phổ biến ở mức 100-200 tấn/ngày chất thải rắn sinh hoạt đô thị.
PGS.TS Nguyễn Hồng Tiến cho biết, trong giai đoạn 2016-2020, với việc triển khai Chương trình quốc gia đảm bảo cấp nước an toàn, Chương trình đầu tư xử lý nước thải các đô thị lớn lưu vực sông và các quy hoạch quản lý chất thải rắn của các tỉnh/thành phố, nhu cầu đầu tư trong lĩnh vực cấp nước, thoát nước, xử lý nước thải, xử lý chất thải rắn của Việt Nam là rất lớn, trong đó, nguồn vốn đầu tư của khu vực tư nhân và vốn ODA sẽ chiếm một phần quan trọng.
Toàn cảnh Diễn đàn hợp tác Phần Lan – Việt Nam “Cấp nước, thoát nước và xử lý chất thải rắn
Tại Hội nghị, chia sẻ những kinh nghiệm của Phần Lan về cấp nước an toàn, bà Jaana Kilponen – chuyên viên cao cấp của Ủy ban Giám sát quốc gia về an sinh và y tế (Valvira) cho biết: cơ cấu quản lý và đảm bảo cấp nước an toàn ở Phần Lan bao gồm Bộ Y tế và xã hội (cơ quan lập pháp), Ủy ban giám sát quốc gia về an sinh và y tế và các cơ quan quản lý nhà nước theo khu vực, Cục Y tế đô thị và các trung tâm nghiên cứu như Trung tâm nghiên cứu an sinh và y tế quốc gia, Cục an toàn hạt nhân và phóng xạ. Là một thành viên của Liên minh châu Âu, Phần Lan có nghĩa vụ tuân thủ các Chỉ thị của Hội đồng châu Âu quy định về chất lượng nước sạch và cụ thể hóa, lồng ghép các nội dung của Chỉ thị này vào hệ thống pháp luật và xây dựng Kế hoạch cấp nước an toàn.
Phần II của Hội nghị là Diễn đàn hợp tác Phần Lan-Việt Nam - là phần giới thiệu, giao lưu và tọa đàm của các doanh nghiệp Phần Lan và Việt Nam trong lĩnh vực cấp, thoát nước và vệ sinh môi trường. Đây là cơ hội để doanh nghiệp hai bên tiếp xúc, chia sẻ kinh nghiệm, trao đổi thông tin cũng như xúc tiến hợp tác đầu tư, thương mại.
Tại Hội thảo “Giảm thất thoát nước sạch - thách thức và cơ hội” diễn ra vào buổi chiều cùng ngày, phát biểu khai mạc, Cục trưởng Cục Hạ tầng kỹ thuật Nguyễn Hồng Tiến cho biết, trong 06 năm thực hiện và triển khai các hoạt động của Chương trình quốc gia chống thất thoát, thất thu nước sạch đến năm 2025 theo Quyết định số 2147/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ ngày 24/11/2010, Chương trình nước và vệ sinh tại các thị trấn nhỏ ở Việt Nam do Chính phủ Phần Lan tài trợ đã luôn đồng hành cùng với Cục Hạ tầng kỹ thuật, hỗ trợ, tài trợ tổ chức các hội thảo, diễn đàn, các chuyến tham quan khảo sát thực tế: Hội thảo chia sẻ kinh nghiệm chống thất thoát, thất thu nước sạch; Hội thảo về vật tư, thiết bị ngành nước tại 3 miền Bắc, Trung Nam; và gần đây nhất là Hội thảo tham vấn về việc xây dựng Luật Cấp nước và Điều chỉnh định hướng cấp nước đô thị, khu công nghiệp Việt Nam tổ chức tại thành phố Đà Nẵng. Kết quả của các hội thảo này là những thông điệp gửi đến chính quyền các địa phương, các doanh nghiệp, các cơ quan liên quan về kết quả hoạt động của Chương trình quốc gia chống thất thoát thất thu nước sạch, đánh giá một cách tổng quát về tình hình cấp nước đô thị Việt Nam, tổng quan về sử dụng vật tư thiết bị ngành nước và những kinh nghiệm quý trong thực hiện công tác chống thất thoát, thất thu nước sạch cũng như nâng cao năng lực cho đơn vị quản lý.
Tại Hội thảo, các đại biểu tham dự đã nghe tham luận của Cục Hạ tầng kỹ thuật Bộ Xây dựng về tình hình thực hiện giảm thất thoát thất thu nước sạch tại Việt Nam giai đoạn 2011-2016; tham luận của Công ty cấp nước Hải Phòng, Công ty Cấp nước Huế chia sẻ kinh nghiệm thực hiện công tác giảm thất thoát, thất thu nước sạch; tham luận về kinh nghiệm dò tìm rò rỉ trong hệ thống cấp nước của Công ty VHD; tham luận kinh nghiệm giảm thất thoát nước sạch tại Phần Lan của chuyên gia Phần Lan Hanu Vikman.
Toàn cảnh Hội thảo “Giảm thất thoát nước sạch – thách thức và cơ hội”
Đánh giá về kết quả của Hội thảo, theo Cục trưởng Nguyễn Hồng Tiến, Hội thảo đã tập trung trao đổi, thảo luận chuyên đề làm thế nào để giảm thất thoát thất thu nước sạch với không khí cởi mở, sự tham gia ý kiến của đông đảo đại biểu. Sau 06 năm triển khai Chương trình quốc gia chống thất thoát, thất thu nước sạch, với sự đồng hành của các Bộ ngành, địa phương, các doanh nghiệp cấp nước, sự hỗ trợ của các tổ chức quốc tế, trong đó có Chương trình nước và vệ sinh tại các thị trấn nhỏ Việt Nam của Chính phủ Phần Lan, đến nay chúng ta đã đạt được những kết quả tích cực: tỷ lệ thất thoát thất thu nước sạch trung bình cả nước đã giảm từ trên 30% giai đoạn trước năm 2011 xuống còn 24,5% vào năm 2016; tổng kết tương đối đầy đủ các giải pháp chống thất thoát thất thu nước sạch và đào tạo nhân lực…
Thay mặt lãnh đạo Bộ Xây dựng, Cục trưởng Nguyễn Hồng Tiến bày tỏ cám ơn Chính phủ Phần Lan, Đại sứ quán Phần Lan và Chương trình nước và vệ sinh tại các thị trấn nhỏ của Việt Nam đã luôn đồng hành hỗ trợ, tài trợ cho Bộ Xây dựng, Cục Hạ tầng kỹ thuật Bộ Xây dựng, góp phần vào sự thành công của Chương trình quốc gia chống thất thoát thất thu nước sạch cũng như cho sự phát triển của ngành Nước của Việt Nam.
Minh Tuấn