Trong những năm qua, dưới sự lãnh đạo của Đảng, Nhà nước, Đảng bộ, chính quyền, nhân dân các đô thị đã nỗ lực phấn đấu tạo ra những thành tựu quan trọng trong quản lý và phát triển đô thị: tốc độ đô thị hóa tăng nhanh; số lượng đô thị đã lên tới gần 800 đô thị với nhiều khu công nghiệp, khu chế xuất, cơ sở sản xuất hiện đại, trung tâm tài chính, thương mại, dịch vụ lớn, các công trình đầu mối quốc gia về giao thông và một số công trình xây dựng đô thị tầm cỡ khu vực, là khu vực thường xuyên đóng góp trên 50% GDP, khoảng 2/3 giá trị sản xuất công nghiệp, 2/3 giá trị xuất khẩu, có tác động quan trọng vào sự phát triển chung của các Vùng và cả nước.
Tuy nhiên, công tác quản lý và phát triển đô thị đã bộc lộ một số hạn chế. Hệ thống kết cấu hạ tầng đô thị phát triển chưa đồng bộ, không đáp ứng kịp tốc độ phát triển kinh tế và gia tăng dân số dẫn tới nhiều hệ lụy: ô nhiễm môi trường, ách tắc giao thông, ngập lụt, dịch vụ kém phát triển, nhà ở xã hội còn thiếu gay gắt... Với các tác động ngày càng bất lợi của biến đổi khí hậu, các hệ lụy trên ngày càng trầm trọng, nhất là tại các đô thị đặc biệt như Thủ đô Hà Nội và Thành phố Hồ Chí Minh. Bên cạnh đó, mô hình kinh tế đô thị chưa phù hợp, mô hình quản lý đô thị còn lạc hậu cũng đang là những thách thức lớn cho công tác quản lý và phát triển đô thị tại Việt Nam.
Thực tiễn phát triển và yêu cầu chủ động thích ứng với biến đổi khí hậu đã đặt ra cho tiến trình đô thị hóa của Việt Nam những thách thức, yêu cầu mới, trong đó cần đặc biệt lưu tâm đổi mới mô hình quản lý, mô hình kinh tế đô thị, nâng cao hiệu quả và kiểm soát chặt chẽ quá trình phát triển đô thị theo chiến lược, quy hoạch và kế hoạch. Nghị quyết Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XII của Đảng lần đầu tiên đã xác định chỉ tiêu đô thị hóa là một trong các chỉ tiêu quan trọng cần đạt được trong nhiệm kỳ tới. Nghị quyết Hội nghị Trung ương 4 khóa XII đã chỉ rõ: "Thực hiện có hiệu quả quá trình đô thị hoá trong tiến trình công nghiệp hoá, hiện đại hoá; kiểm soát chặt chẽ quá trình phát triển đô thị, hoàn thiện mô hình phát triển kinh tế đô thị, tổ chức bộ máy, chức năng, nhiệm vụ và phương thức quản lý của chính quyền đô thị. Rà soát, hoàn thiện quy hoạch tổng thể đô thị quốc gia với tầm nhìn đến năm 2050". Những hội nghị quốc tế gần đây như Hội nghị toàn cầu về nhà ở và đô thị Habitat III, Hội nghị về Biến đổi khí hậu của Liên Hiệp Quốc COP21... đều đề cập tới quá trình đô thị hóa, đã và đang cho thấy vai trò ngày càng lớn của các đô thị.
Với định hướng và nhận thức đó, hưởng ứng Ngày Đô thị Việt Nam 8-11, tôi mong muốn và tin tưởng rằng các cấp uỷ Đảng, chính quyền, đoàn thể, nhân dân đô thị cả nước sẽ tiếp tục nêu cao ý thức trách nhiệm, cụ thể hóa đường lối, chủ trương, chính sách, pháp luật của Đảng và Nhà nước thành kế hoạch, những hành động cụ thể, thiết thực vì mục tiêu chung cho sự nghiệp phát triển đô thị, góp phần tạo lập nên hệ thống đô thị Việt Nam giàu bản sắc, hiện đại, năng động và chủ động hội nhập, đáp ứng tốt nhất mọi nhu cầu của xã hội, của người dân, tạo nên môi trường sống đô thị ngày càng văn minh, hiện đại, thân thiện với môi trường, đóng góp mạnh mẽ hơn nữa cho sự nghiệp phát triển chung của đất nước.
Trân trọng cảm ơn!